31/8/2012
Ngày 20/8/2012 vừa qua, tại Hội nghị Toàn quốc về Đổi mới
Công tác Cán bộ diễn ra ở Tp HCM, TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo:
…Phải xây dựng quy hoạch cán bộ. Nhưng mà chỉ xin nhấn với
các đồng chí là đường lối nào thì cán bộ ấy. Đường lối cán bộ phải phục vụ cho
đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối
chính trị. Trước hết dùng cán bộ phải dùng cán bộ nào? Có theo đường lối chính
trị, có theo quan điểm đường lối hay không, hay là cứ nói trái, làm trái? Anh
đã thông qua cương lĩnh, thông qua đường lối này rồi mà anh cứ nói khác, làm
khác thế mà dùng anh vào đây thì nguy hiểm vô cùng, nhất là ở cấp cao. Đây
là vấn đề cực kỳ hệ trọng, phải rất tỉnh táo. Nếu lựa chọn sai, bố trí sai thì
thưa các đồng chí, “sai một ly đi một dặm đấy”![i]
Với học hàm học vị GS-TS như một trí thức
chính hiệu, hẳn nhiên ông thừa hiểu rằng nhận thức là cả một quá trình, những
gì hôm qua còn được coi là chân lý thì hôm nay lại có thể không còn đúng nữa;
ngược lại, những gì mà hôm nay còn bị coi là sai trái, lố bịch thì ngày mai lại
có thể trở thành chân lý, được tung hô.
Triết gia chính trị và nhà kinh tế học
người Anh John Stuart Mill (1806-1873), nhà tư tưởng hàng đầu về tự do ở thế kỷ
19, đã viết trong tác phẩm bất hủ Bàn về tự do (On Liberty): “Tư tưởng
thời đại giờ đây không còn là một cái gì đó ‘bất khả sai lầm’ so với ý kiến cá
nhân nữa – mỗi thời đại đều có nhiều quan điểm mà những thời đại sau lại nhìn
nhận không chỉ là sai lầm mà còn ngớ ngẩn; chắc chắn là nhiều quan điểm hiện
đang phổ biến sẽ bị những thời đại sau bác bỏ, tương tự như nhiều quan điểm từng
phổ biến thì nay đang bị bác bỏ.”[ii]
Giữa lúc Việt Nam đang đứng trước bao thử thách cam go cả
bên trong lẫn bên ngoài, cả chính trị - kinh tế - xã hội lẫn an ninh - quốc
phòng, đất nước thực sự cần những con người dám nghĩ, dám làm chứ không phải những
cái máy chỉ biết nhất nhất làm theo “cương lĩnh” hay “đường lối”.
Thử hỏi, kể từ
khi ra đời năm 1930 cho đến nay, Đảng CSVN đã bao lần phạm phải sai lầm do nhận
thức ấu trĩ, duy ý chí và lệch lạc của nó, để rồi bắt cả dân tộc phải trả giá đắt
(như cuộc “cải cách ruộng đất” ở miền Bắc từ năm 1953-1956 hay cuộc “cải tạo
công thương nghiệp tư bản tư doanh” ở miền Bắc sau năm 1954 và ở miền Nam sau
năm 1975)?
Nếu mọi “cương lĩnh”, “đường lối” của Đảng đều sáng suốt và đúng đắn
thì tại sao Đảng lại phải tiến hành “đổi mới” từ Đại hội VI năm 1986 trong bối
cảnh đất nước lâm vào khủng khoảng kinh tế - xã hội trầm trọng; và nếu không có
những người “cứ nói trái, làm trái” ở cả miễn Bắc lẫn miền Nam trong những năm
đầu thập niên 1980 như lời hù doạ trên đây của ngài TBT thì liệu có cái gọi là
“đổi mới” ấy hay không?
Trước kia, Đảng từng hô hào “Trí-phú-địa-hào/Đào tận gốc,
trốc tận rễ”, coi giới tư sản như “kẻ thù không đội trời chung”, nay lại sẵn
sàng đưa các ông chủ vào đứng trong hàng ngũ của mình. Đấy chẳng phải là sự
thay đổi hoàn toàn về nhận thức hay sao?
Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý. Liệu ai dám khẳng
định “Cương lĩnh 2011” của Đảng là tuyệt đối đúng đắn, và nó sẽ không phải sửa
đổi, bổ sung hay thậm chí bị nhân dân vứt vào sọt rác, nhất là khi mà ngay cả bản
thân ngài TBT, người một thời từng đứng đầu cái gọi là “Hội đồng Lý luận Trung
ương”, vẫn còn chưa mường tượng ra nổi hình hài của “chủ nghĩa cộng sản”, hay
thậm chí “chủ nghĩa xã hội”, ở Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào?
Những
ai dám “nói khác, làm khác” với “cương lĩnh” và “đường lối” của Đảng thì bị
ngài TBT coi là “nguy hiểm vô cùng”, vậy họ gây “nguy hiểm” cho ai, cho Đảng
CSVN, cho đất nước này, hay cho cái ghế của ông?
Liệu họ có “nguy hiểm” như những
người từng mạnh dạn “xé rào” vào đầu thập niên 1980 hay không? Hay họ “nguy hiểm”
như vô số đảng viên vẫn âm thầm làm kinh tế tư nhân suốt một thời gian dài cho
đến khi Đảng chính thức “cho phép” đảng viên được làm kinh tế tư nhân tại Đại hội
X của Đảng năm 2006?
Nhân đây, thiết tưởng cũng cần nhắc lại một câu chuyện đầy ý
vị. Ấy là vào năm 1945, khi quân Tưởng đã kéo vào dày đặc ở miền Bắc và quân
Pháp bắt đầu đánh phá ở miền Nam, ông Tố Hữu có dịp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và
nêu câu hỏi:
- Thưa
Cụ, một bên thì Tây, một bên thì Tàu, bên nào đáng lo hơn?
Và như lịch sử hiện đại của Việt Nam đã cho chúng ta thấy, một
khi những người chịu trách nhiệm lớn lao trước Tổ quốc và nhân
dân mà lại đặt quyền lợi của cá nhân, của phe nhóm, hay của một đảng phái,
lên trên lợi ích dân tộc thì quả thật là “NGUY HIỂM VÔ CÙNG” cho đất
nước./.
[i] Từ 4p15 đến 5p05 của bản
tin thời sự VTV 19h ngày 20/8/2012.
[ii] Friedrich
Hayek: Cuộc đời và tư tưởng, NXB Tri Thức, 6/2007, trang 14. Độc giả có thể
tải tác phẩm này về từ
đây.
http://leanhhungblog.blogspot.com/2012/08/ong-nguyen-phu-trong-muon-bien-cac-ong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét