Tưởng Năng Tiến
1-8-2012
“Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được biết những gì nhà
cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng
bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước…” -Tạ Phong Tần (Thành
Viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do)
Lâu rồi, có bữa, tôi nghe nhà văn Vũ Thư Hiên (bùi ngùi)
nhắc lại một kỷ niệm buồn ở Bất Bạt – Sơn Tây:
“Nơi tôi được đưa đến là một trại giam quân đội… Trên cái
bàn gỗ mộc bụi bặm và mốc thếch lăn lóc mấy tờ Quân Đội Nhân dân nhàu nát. Tôi
vồ lấy chúng, đọc ngấu nghiến để rồi thừ ra, thất vọng – tin tức trong báo chả
nói với tôi điều gì mới.”
“Thời gian không đứng về phía chúng tôi. Những tờ báo giống
y như những tờ này tôi đọc hàng ngày, một năm trước. Chúng sẽ giống như thế một
năm sau, hoặc nhiều năm sau. Thế giới đã mắc bệnh bại liệt... Ngoài kia
vẫn là đêm tối, chưa có gì hứa hẹn bình minh. Mà bây giờ đã là mùa hè năm 1969.”
Nhà báo tự do và blogger Tạ Phong Tần một ngày trước khi bị bắt đã tham dự khóa huấn luyện về kỹ năng truyền tông Công Giáo ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. (Hình: chuacuuthe.com) |
“Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được biết những gì nhà
cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng
bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước…”
“Khi bạn đưa thông tin lên blog của bạn, tức bạn đã đem sự
hiểu biết của bạn truyền tải cho người khác để mọi người cùng được biết, qua đó,
mọi người cùng bàn luận, cùng kiểm tra xem, dùng quyền công dân của mình đòi
hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà
luật pháp quy định.”
“Có thể sự hiểu biết của bạn chỉ là một phần nhỏ nào đó trong đời sống xã hội,
nhưng nhiều người góp lại sẽ tạo nên một bức tranh hiện thực xã hội hoàn chỉnh.
Khi tự mình làm một nhà báo công dân, chính bạn đã góp phần công khai, minh
bạch hóa xã hội, cùng chung sức xây dựng một xã hội dân sự cho đất nước chúng
ta.”
Quan niệm đúng đắn và tích cực vừa nêu, tiếc thay, đã không
được chia sẻ bởi những kẻ đang nắm quyền lực ở Việt Nam. Vốn đa nghi, và trí
trá, giới người này có khuynh hướng xem blog (nói riêng) và web (nói
chung) chỉ là “âm mưu của những con nhện” – những kẻ đang âm mưu “diễn biến hoà
bình” – cần phải được theo dõi và kiểm soát, nếu được.
Tất nhiên là không thể được. Tầu còn bó tay thì nói chi ta.
Chuyện quản lý internet ở nước bạn (“bốn tốt”) láng giềng, được giáo sư giáo
sư Cao Huy Thuần tóm gọn, như sau: “80 muơi triệu con chuột thì mèo
đâu ra mà bắt cho hết.”
Nhà nước Trung Hoa vĩ đại đã từng thành công mỹ mãn trong
việc huy động dân chúng tiêu diệt vài tỉ con chim (sẻ) mà nay đang loay hoay
không biết đối phó ra sao với mấy chục triệu con chuột (điện). Quyết tâm của
họ, xem chừng, hơi thấp. Quyết tâm của ta, xem ra, cũng… không cao gì cho lắm!
Báo Công An
Nhân Dân, số ra ngày 5 tháng 10 năm 2007, đã mô tả blog như
là một thứ “hệ lụy” và “quản lý blog” là chuyện … buộc cẳng chim trời:
“Theo ước tính từ Bộ Thông tin và Truyền thông, có khoảng 3
triệu blog tại Việt Nam. Và mỗi ngày có hàng chục ngàn blog mới được khai sinh
và việc một người sử dụng nhiều blog với những mục đích khác nhau là hoàn toàn
có thể. Đã có những phát sinh và hệ lụy từ blog…”
“Tuy nhiên, liệu có quản lý được không? Quản lý một blog mà
danh tính của nó có thể thay đổi trong chớp mắt và những thông tin hiển thị
không thực sự chính xác thì đó là cách buộc cẳng chim trời. Hầu hết các
blog đều là dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, vì vậy việc quản
lý sẽ càng trở nên nan giải hơn…”
“Trong bộn bề của những ngày bắt đầu Bộ Thông tin và Truyền
thông, trong rất nhiều những vấn đề cần giải quyết và đưa ra những hướng dẫn cụ
thể, đưa ra việc quản lý blog với những quy chế hướng dẫn cụ thể là điều chưa khả
thi.”
Ủa, nói vậy thì chừng nào chuyện “quản lý blog” mới “khả
thi” đây – mấy cha?
Câu trả lời tìm được vào gần một năm sau, khi Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị Định 97/2008/NĐ-CP –
về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên
internet – vào ngày 28 tháng 8 năm 2008. Theo đó: Tổ chức, cá nhân có hành
vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi
phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây
thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hơn năm năm đã trôi qua, với thời gian số chuột ở nước ta –
xem ra – có vẻ mỗi lúc một tăng gia, chứ không hề giảm. Ta không có tới
tám mươi triệu con chuột (như Tầu) nhưng tính rẻ cũng cỡ đâu chừng… bốn triệu!
Mèo đâu ra mà bắt cho hết, hả Trời?
CAM (công an mạng) lại không thể đào tạo dễ dàng như mấy ông
bạn đồng nghiệp, bên ngành giao thông. Loại sau, khỏi cần huấn luyện, cứ quăng
ra đường là tụi nó xông xáo đi ghi giấy phạt để… kiếm (them) chút cháo. Chớ còn
rình bắt chuột (điện) thì đòi hỏi cần phải có nghiệp vụ khá cao mà lại chả được
ăn cái… giải (rút) gì, ngoài số tiền lương… chết đói.
Bắt không hết thì đành dọa xuông thôi, kiểu như nông
dân đặt mấy thằng bù nhìn trên những cánh đồng để hù đám chim trời vậy
mà. Thử nghe lời ông Tom Cat – một vị quần chúng tự phát, trong thế giới
internet – vừa đe những blogger ở Việt Nam, trên trang Dân Luận:
Anh Bùi Thanh Hiếu thân mến, có lẽ tôi không phải trình bày
dài dòng với anh như với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bởi vì những hoạt dộng của anh
không vang tới Bộ Chính Trị như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhưng ở mức độ thấp hơn,
anh có 3 hoạt động khiến những người làm an nình và bảo vệ tư tưởng văn hóa đặc
biệt khó chịu: đó là cổ vũ cho các hoạt đống chống đối ở Thái Hà, tham gia tích
cực biểu tình, viết tập truyện‘Đại Vệ Chí Dị’. Tôi xin mạn phép cảnh báo anh
Hiếu là đã có quyết định chính thức của cơ quan chức năng để vô hiệu hóa anh.
Tôi rất lấy làm tiếc về điều này, và thật sự tôi hy vọng với những dòng cảnh
báo này anh sẽ chấm dứt hoàn toàn 3 hoạt dộng chống đối trên, như vậy thì cơ
quan Công An có thể sẽ tha cho anh, tôi thật sự không muốn anh vào tù và bé Tí
Hớn của anh thiếu vắng sự dạy bảo của người cha, rất mong anh suy nghĩ.
Trân trọng
Tom Cat
P/S: Tom Cat xin cảnh báo 2 người nữa cũng đang có nguy cơ
rất cao bị ‘vô hiệu hóa’đó là ông Nguyễn Hữu Vinh và ông Nguyễn Xuân Diện,
xin hai ông biết rằng chính quyền đã hết kiên nhẫn với hai ông khi sự kiện tàu
Bình Minh 02 đã trôi qua 7 tháng mà các ông vẫn muốn ‘restart’ các
cuộc biểu tình nhằm mục đích gây rối. Nếu chỉ cần kích động thêm 1 lần biểu
tình nữa thì hai ông sẽ bị vô hiệu hóa triệt để. Xin thật lòng cảnh báo.”
Mà “vô hiệu hoá” và “vô hiệu hoá triệt để” khác
nhau làm sao vậy cà? Một đằng là vô tù; còn đằng khác (chắc) là vô nghĩa địa,
sau khi (cho) xe đụng chết luôn hay sao? Đằng nào thì nghe cũng ghê thấy mẹ
luôn. Tuy thế, qúi ông Bùi
Thanh Hiếu, Nguyễn Xuân
Diện, Nguyễn
Hữu Vinh (dường như) đều bị nặng tai nên mọi lời đe doạ của quần chúng
tự phát –Tom Cat – kể như nước đổ lá khoai!
Thế là Nhà Nước lại phải có biện pháp mạnh (hơn) theo như
tin nghe được từ RFI,
vào hôm 06 tháng 4 năm 2012:
“ Tại buổi hội thảo hôm thứ Sáu vừa qua, thứ trưởng
Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã tuyên bố rằng, các văn bản pháp luật
trong lĩnh vực Internet không còn phù hợp nữa, cho nên cần phải ‘bổ sung,
sửa đổi, hoàn thiện các chế tài’, nhằm tạo hành lang pháp lý cho ‘sự phát
triển bền vững của Internet’ ở Việt Nam. Nói cách khác, dự thảo nghị định
mới đi xa hơn trong việc kiểm soát thông tin trên Internet ở Việt Nam.”
Nghe mà thấy thương quá sức, muốn ứa nước mắt luôn:”các văn
bản pháp luật trong lĩnh vực Internet không còn phù hợp nữa, cho nên cần phải ‘bổ
sung, sửa đổi, hoàn thiện các chế tài.”
Thời gian, rõ ràng, đã đứng về phía khác – phía của
ông Vũ Thư Hiên và mọi người dân Việt, trong cũng như ngoài nước. Buộc cẳng
chim trời hay buộc chỉ chân voi đều là những chuyện (rất) khó thành công.
– Ủa, không thành công thì thành nhân chớ có mất mát gì đâu
mà sợ?
– Sợ chớ, theo luật tiến hoá thì đi tới mới có hy vọng thành
nhân. Còn cố kìm giữ cả một dân tộc trong tăm tối, dốt nát và nghèo đói… là
bước lùi. Bước lui thì chỉ có thể thành dã nhân thôi! Thì tui cũng
tiện mịêng mà nói chơi cho vui vậy, chớ đừng có lo chuyện những người đang cầm
quyền ở VN có thể biến cả dân tộc này thành … vượn. Khoảng cách mà họ có
thể tiếp tục bước lùi cũng chả còn được bao xa và bao lâu nữa đâu. Chắc chắn là
không thể lâu như bản án hàng chục năm tù mà họ sắp áp đặt lên cuộc đời của
những thành viên của Câu
Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, trong đó có Tạ Phong Tần (*). Gió đã chuyển rồi!
© Tưởng Năng Tiến
Theo: RFA Blog's
http://dailyvnews.blogspot.com.au/2012/08/nhung-buoc-i-lui.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét