21-8-2012
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân chỉ ra nguy cơ lớn nhất hiện nay trong công tác quy hoạch cán bộ là tình trạng bị chi phối bởi các nhóm lợi ích và thứ tự tiêu chuẩn: “Hậu duệ”, “tiền tệ”, “quan hệ”, rồi mới đến “trí tuệ”.
PV: Nghị quyết TƯ 4 đã nhắc đến vấn đề “lợi ích nhóm”. Dường như đây là vấn đề không mới và có tác động mạnh đến công tác cán bộ, thưa ông?
Ông Mai Thúc Lân: Khi tôi còn ở TƯ 7, 8, vẫn có chuyện chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ, nhưng bấy giờ chưa có vấn đề nhóm lợi ích. Dường như sau việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội và đặc biệt là vụ việc Vinashin vừa qua, vấn đề nhóm lợi ích mới bắt đầu nổi lên.
Vì sao công tác quy hoạch cán bộ của chúng ta chưa thật “chuẩn”. Là bởi có những tác động của những nhóm lợi ích, của những “đại gia” trong việc đề bạt và sử dụng cán bộ. Tôi rất mừng vì Nghị quyết TƯ 4 khóa XI đã nêu rất kỹ về vấn đề này. Chúng ta phải làm rõ những gì liên quan đến lợi ích nhóm, bởi dứt khoát không được để các nhóm lợi ích chi phối công tác bán bộ, bởi nếu để “lợi ích nhóm” dùng tiền tài, quyền lực khống chế công tác tổ chức, cán bộ thì làm sao giữ được bản chất cách mạng trong sáng của Đảng. Vấn đề thời sự nhất hiện nay là câu chuyện mua bán nợ xấu chẳng hạn, cần phải đặt ra vấn đề nhóm lợi ích, phải trả lời được câu hỏi việc mua bán nợ xấu làm lợi cho ai.
Nhưng công tác quy hoạch của chúng ta chưa “chuẩn” là còn vì vấn đề “con ông cháu cha” đưa vào quy hoạch chưa hợp lý, gây phản cảm trong dư luận. Tôi nghe rất nhiều dư luận rất chua sót. Người ta bảo bây giờ trong công tác cán bộ thì “Hậu duệ”, “tiền tệ”, “quan hệ”, rồi mới đến “trí tuệ”. Chính những yếu tố này đã dẫn tới trong thực tế tình trạng người làm được thì lại không được bố trí, người không làm được thì lại cơ cấu.
Ngay từ ĐH 6 đã xác định “Những sai lầm và khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Kết luận trong báo cáo chính trị ĐH 6 đến giờ vẫn còn mang tính thời sự. Vì hậu quả của nó là sự mất niềm tin.
PV: Sáng nay, phát biểu trong Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về đổi mới công tác cán bộ, TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm dứt khoát phải làm quy hoạch cán bộ, song song với việc “trọng dụng mọi nhân tài”. Nhưng dường như các Bộ trưởng hiện này đều là Ủy viên TƯ?
Ông Mai Thúc Lân: Đảng lãnh đạo thì đúng rồi, nhưng Đảng cần đổi mới phương thức lãnh đạo của mình để sử dụng được trí tuệ nhân dân. Hiện nay, dù không có quy định nào bắt buộc Bộ trưởng phải là đảng viên, nhưng thực tế hầu như không có Bộ trưởng nào không phải là ủy viên TƯ.
Thời tôi là Ủy viên TƯ, có các anh Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Lê Ngọc Hoàn, Bộ trưởng Bộ GTVT đều không phải là ủy viên TƯ. Trong lịch sử, còn có rất nhiều các vị Bộ trưởng không phải là đảng viên như Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, Nghiêm Xuân Yêm…Đảng cần có nghệ thuật lãnh đạo. Cụ Hồ trước đây đã làm được thì vì sao bây giờ chúng ta lại không làm được.
Hồi Quốc hội khóa 8, tôi còn nhớ TBT Nguyễn Văn Linh đã đưa chị Nguyễn Thị Phượng làm Phó Chủ tịch Quốc hội, hay luật gia Ngô Bá Thành làm chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đảng chỉ có 3 triệu đảng viên, nhưng trong các tầng lớp nhân dân, có rất nhiều người tài. Vấn đề là làm thế nào đề đề xuất, bồi dưỡng, sử dụng được trí tuệ nhân dân. Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối không có nghĩa phải là Đảng hết.
Nếu muốn trọng dụng nhân tài, theo tôi, cần chú trọng phát hiện bồi dưỡng, đề bạt những người có đạo đức, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để họ giữ trọng trách trong các cơ quan trung ương, các tập đoàn kinh tế nhà nước. Cần có cơ chế thực hiện việc lấy ý kiến giới thiệu và đối tượng không nhất thiết chỉ thu hẹp trong các cấp ủy hoặc phải là đảng viên.
PV: Thưa ông, hồi ông làm Phó Chủ tịch Quốc hội, vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đã được đặt ra. Về sau, có quy định 20% đại biểu tán thành sẽ tổ chức bỏ phiếu các chức danh do Quốc hội bầu. Nhưng dường như quy định này là không khả thi?
Ông Mai Thúc Lân: Về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, quy định phải có 20% đại biểu đồng ý là quá khó để thực hiện nếu như không nói là không có tính khả thi. Qua 2 khóa XI, XII, có nhiều vấn đề về nhân sự do QH phê chuẩn, nhưng cũng chưa thực hiện được việc bỏ phiếu tín nhiệm, dù có những trường hợp chính các ĐBQH đã đề xuất. Các ĐBQH đã nhận thấy những bất hợp lý trong quy định những cũng chưa thể sửa đổi được. Và đây rõ ràng là một bất cập.
Theo tôi, việc xử lý cán bộ không nghiêm cũng là một căn bệnh của công tác cán bộ. Trước đây, có những vụ xử lý khá nghiêm: Vụ đường dây 500 kw khiến một Bộ trưởng bị xử lý hình sự. Trong vụ Năm Cam, cả những đồng chí ủy viên TƯ đều bị xử lý hình sự. Hay vụ Lã Thị Kim Oanh, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT sau đó phải từ chức, thứ trưởng bị xử lý hình sự. Việc xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, dù là ai, cấp nào cho thấy sự nghiêm minh của công tác cán bộ của Đảng. Bây giờ, bức xúc nhất trong dư luận là vụ Vinashin, mà có đại biểu QH phát biểu nghị trường, đánh giá nghiêm trọng gấp 100 lần vụ Lã Thị Kim Oanh. Nhưng có cán bộ có trách nhiệm cấp cao nào bị xử lý đâu, người dân họ nói chỉ thấy “Tái cơ cấu”. Sang đến Vinalines, lại thấy trường hợp bổ nhiệm Dương Chí Dũng. Sai phạm, sau đó trốn mất, để lại rất nhiều điều tiếng.
Nghị quyết TƯ 4 có đặt lại vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm và gần đây, thông báo của Bộ Chính trị có nhắc đến việc kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến Vinashin, tôi cho đó là một tín hiệu đáng mừng bởi nếu không xem xét, dư luận không thể đồng tình. Vừa rồi, việc kiểm điểm trong Bộ Chính trị thực ra làm rất bài bản, và hy vọng kỳ này sẽ có nhiều chuyển biến chống những suy thoái về tư tưởng, đạo đức, trong đó có những biến chuyển về quy hoạch cán bộ.
Xin trân trọng cảm ơn ông
Đào Tuấn (thực hiện)
http://daotuanddk.wordpress.com/2012/08/21/nguyen-pho-chu-tich-quoc-hoi-mai-thuc-lan-noi-ve-nhom-loi-ich/#more-1058
http://daotuanddk.wordpress.com/2012/08/21/nguyen-pho-chu-tich-quoc-hoi-mai-thuc-lan-noi-ve-nhom-loi-ich/#more-1058
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét