14-6-2010
(Bài viết đã lâu, càng đọc càng thấm thía, nên đăng lại).
"...từ ngọn núi đến khu rừng hay bãi cát, không của ông Bí thư, công an tỉnh, chủ tịch, phó chủ tịch thì cũng của các công ty liên doanh, các công ty nước ngoài...Còn xa xôi ngoài biên giới , hải đảo thì càng chả cần gác. Bọn nước ngoài nó muốn đến đâu nó vạch cái trên bản đồ rồi đưa chính phủ ta xem là xong ..."
- Bố nhìn này, người lính đang đứng gác.
Lái Gió hỏi con.
- Người lính gác gì đấy, gác gói bim bim mẹ để trên kia à.?
- Ơ không phải gác bim bim, bố nhầm rồi. Người lính gác quê hương, cô giáo bảo
thế mà. Bố nhầm rồi đấy.
Lái Gió vội xin lỗi con, nếu không Tí Hớn nó lải nhải câu - bố nhầm rồi đấy-
đến khi nào bố nó nhận ra sai lầm và xin lỗi nó mới thôi. Lái Gió bảo con.
- Người lính gác tí thôi rồi xuống kẻo ngã, bố chụp cho kiểu ảnh nhé.
Tí Hớn xem ảnh rồi la tướng khoe mẹ.
- Mẹ ơi, xem ảnh người lính Tí Hớn đứng gác này.
Mẹ Tí Hớn trong bếp không ra xem, Tí Hớn trề môi kéo dài giọng nói với bố.
- Ấy thấy chưa, người lính Tí Hớn đứng gác không cho bọn xấu vào nhà mình đấy
bố ạ, mai bố mua cho con khẩu súng con bắn bọn xấu bùm bùm.
Lái Gió ôm con vào lòng, hôm nọ bố về đến nhà cứ nghĩ Tí Hớn thấy bố phải nhẩy
cẫng lên mừng. Nào ngờ Tí Hớn thấy bố đột ngột về , cậu nhìn bố lặng thinh nước
mắt chảy tràn trề. Mãi sau quệt nước mắt ôm bố chả nói câu nào. Bố hỏi mãi mới
cười. Mẹ bảo có chiều mẹ đang nấu cơm, Tí Hớn ở trong buồng yên ắng. Lạ quá mẹ
vào xem thấy con nước mắt chảy, mẹ hỏi sao khóc thì Tí Hớn chối bai bải - đâu
con có khóc đâu- vừa chối vừa quay mặt vào chăn để chùi nước mắt.
Người lính Tí Hớn đa cảm thế này, không đứng gác được đâu. Mà có khi lớn lên Tí
Hớn chả còn gì ở đất nước này để mà gác. Lái Gió đi nhiều thấy đất nào cũng có
chủ , từ ngọn núi đến khu rừng hay bãi cát, không của ông Bí thư, công an tỉnh,
chủ tịch, phó chủ tịch thì cũng của các công ty liên doanh, các công ty nước
ngoài...Còn xa xôi ngoài biên giới , hải đảo thì càng chả cần gác. Bọn nước
ngoài nó muốn đến đâu nó vạch cái trên bản đồ rồi đưa chính phủ ta xem là xong.
Người lính Tí Hớn lúc đó chỉ có mà đi làm bảo vệ gác cổng cho công ty nước
ngoài nào đó, chẳng hạn như lên Tây Nguyên gác công trường khai thác nhôm của
bọn Trung Quốc. Đứng gác mà lơ ngơ phì phèo thuốc lá, tán gái như Lái Gió hồi
trẻ vớ vẩn, bọn ông chủ nó đè ra lấy roi đánh. Bây giờ bọn chủ Đài Loan, Hàn
Quốc nó còn đánh công nhân Việt Nam tại Việt Nam thì lúc đến lúc đấy Tí Hớn bị
chúng nó đánh cũng thế thôi.
Thời thế xoay vần, ngày xưa thì thấy nói bọn thực
dân Pháp đánh cu li, phu lục lộ, phu công trường cao su...bọn thực dân Pháp nó
chiếm nước ta trái phép, bắt nhân dân ta làm nộ lệ. Còn bây giờ bọn thực dân
Trung Quốc, Đài Loan nó chiếm nước ta, bắt dân ta làm nô lệ có giấy phép hẳn
hoi. Do chính nhân dân ta thông qua quốc hội thể hiện ý chí thống nhất, đồng
lòng ký kết giấy trắng mực đen. Văn tự đàng hoàng nhé, chả phải là giấy viết tay
đâu.
Mấy thằng phản động lợi dụng để tuyên truyền là Đảng và nhà nước ta bán
nước, khốn nạn quá, chúng định làm mất uy tín của Đảng. Chúng vu oan cho Đảng
và chính phủ ta. Bọn nhân dân bán nước đấy chứ, chính bọn nhân dân giữ vai trò
đất nước này đã can tâm đồng lòng làm vậy. Bọn nhân dân nó sợ sau này con cháu
nó phải ra sức giứ gìn đất nước, nó lo cho hậu thế mai sau , nên chúng bảo nhau
bán quách hết mẹ nó đi. Con cháu sau này đỡ phải giữ gìn, xây dựng cái chi. Cứ
đi làm thuê cũng sống hết kiếp người. Lo chi mấy cái việc khác cho mệt. Mà thế
cũng là đường lối đúng đắn, mình bán cho chúng nó thì chúng nó phải đau đầu
quản lý, tính chuyện phát triển. Mình chỉ ung dung làm đủ 8 tiếng đồng hồ, lãnh
lương về nhà. Rảnh có thời gian thì chơi bời, đàn đúm, không phải lo nghĩ đến
quốc gia, xã tắc làm gì. Vì có phải còn của mình đâu mà nghĩ. Cái này gọi là -
quẳng bớt gánh lo đi mà vui sống- như sách dạy.
Nếu Tí Hớn không còn gì để canh gác, cậu ấy hỏi Lái Gió là.
- Bố ơi ! bọn bán nước là ai.?
Lái Gió trả lời.
- Bọn bán nước chính là bố, là mẹ, là các bác, các chú và tất cả mọi người lớn
con ạ. Hiến pháp ghi rõ rồi. Nhân dân là người chủ thực sự của đất nước. Mà bố
và mẹ cùng các chú, các bác là nhân dân. Chỉ có người chủ mới bán được tài sản
của mình. Chứ bọn đầy tớ nào mà có tư cách đi bán.
Tí Hớn hỏi tiếp.
- Tại sao lại bán hả bố.?
Lái Gió.
- Bán đi để đỡ phải trông con ạ, bán mà giả tiền nuôi đầy tớ chứ. Không bán thì
mình làm gì có đầy tớ. Người ta bảo trông chó béo biết chủ giàu. Mình sống thế
nào không cần lắm, nhưng đầy tớ của mình cần phải béo tốt, mỡ màng để người ta
trông thấy đánh giá nhà mình giàu có, sung sướng con ạ. Càng nhiều đầy tớ béo
tốt càng chứng tỏ nhân dân mình giàu có, dư thừa của cải con ạ. Mát mặt lắm, đi
ra nước khác ai cũng khen người Việt Nam giỏi giang vì thế. Tự hào quá đi chứ.
Người ta sẽ trầm trồ nói.
- Kìa người dân Việt Nam đấy, nhìn bọn đầy tớ của họ mà xem. Đến bọn đấy tớ còn
ăn mặc đẹp, chơi toàn đồ sang, ăn tiêu xả láng thì không biết bọn nhân dân làm
chủ chúng phè phỡn đến mức độ nào. Đấy thế có phải là mát mặt không con?
Tí Hớn nghe xong sẽ buồn thiu, cậu vừa đi gác cổng nhà máy sản xuất tăm xỉa
răng Đông Phương Hồng ở khu công nghiệp Sài Đồng về. Cậu nói lau mồ hôi nói.
-Con khát nước quá bố ạ, từ khi con lớn đến giờ luôn luôn bị khát nước. Mỗi
ngày ở chỗ làm con uống đến mấy chai nước. Bọn chủ người Trung Quốc nó bảo sẽ
trừ lương vì con uống nhiều quá.
Lái Gió an ủi con.
- Thôi con uống vừa thôi,kẻo nó trừ lương thì lại nhịn ăn để bù. Cả cái thế hệ
của con đều thiếu nước đâu phải mình con. Đấy là quy luật tất yếu trên con
đường đi đến CNXH, nó là thời kỳ quá độ để chuyển đổi. Cần phải có một giai
đoạn để thích nghi sau đó mới phát triển. Bố thấy người Trung Quốc sắp tới sẽ
bán một loại thuốc, mỗi viên nhỏ bằng viên vitamin C. Chỉ cần uống một viên là
nửa tháng không cần uống nước. Tự cơ thể mình sẽ hấp thụ nước trong không khí
vào cơ thể. Thuốc này rẻ lắm, dân mình ai cũng mua được con ạ. Đời ông nội đã
hy vọng thấy thiên đường, đời bố cũng vậy, giờ con phải có trách nhiệm nuôi
dưỡng hy vọng nhìn thấy thiên đường CNXH thay cho bố và ông nội. Chúng ta đã
đánh đổi bao thế hệ , bao nhiêu đất đai tổ quốc để mong có ngày đi đến nơi và
nhìn thấy cánh cổng thiên đường đẹp đẽ trong kinh Mác đã nói. Khi đi qua cánh
cổng thiên đàng mà Mác đã chỉ ấy. Thế hệ các con sẽ không phải làm gì hết, lúc
đấy tha hồ hưởng thụ vật chất. Đừng để mất hy vọng con ạ, mất hy vọng là mất
tất đấy con. Bố truyền cho con hy vọng thiên đường, nếu đời con chưa thấy thì
con phải truyền lại cho con trai của con hy vọng ấy.
Tí Hớn chơi chán lăn ra ngủ, Lái Gió giật mình mới biết từ nãy luyên thuyên một
mình. Thế này mai phải đi gặp bác sĩ tâm lý khám xem sao thôi. Dạo này dở hơi
hay sao hay nói chuyện một mình thế không biết.
http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/49/49
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét