BBC
30-8-2012
30-8-2012
‘MỸ NÊN TỪ BỎ MỘNG BÁ CHỦ CHÂU Á"
Bà Clinton quay trở lại châu Á lần thứ ba trong vòng 4 tháng |
Truyền thông chính thức của Trung Quốc vừa lên tiếng
răn đe Mỹ ngay trước thềm chuyến Á du của ngoại trưởng nước này là
Hillary Clinton, trong đó có hai ngày dừng chân ở Bắc Kinh, vào đầu
tháng Chín.
Bà Clinton sẽ lên đường vào ngày thứ Năm 30/8 với
trạm dừng đầu tiên là đảo Cook, một đảo nhỏ ở giữa Thái Bình Dương
chỉ với 11.000 dân để tham dự vào diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương.
Đây là phái đoàn cấp cao nhất của Mỹ từng đến tham
dự diễn đàn đã có lịch sử hơn 40 năm này.
Trong lần Á du thứ ba kể từ tháng Năm, Clinton được
dự đoán sẽ cảnh báo Trung Quốc về việc sử dụng vũ lực để giải
quyết các tranh chấp biển đảo, hãng tin Pháp AFP nhận định.
Trước đó, hôm thứ Ba ngày 28/8, người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã phát biểu rằng Mỹ không muốn thấy
các tranh chấp trên Biển Đông cũng như ở bất cứ nơi nào khác trên thế
giới được giải quyết bằng cách ức hiếp hay bằng sức mạnh.
“Chúng tôi muốn thấy giải quyết các bất đồng này
tại bàn đàm phán,” bà Nuland nói với các phóng viên.
‘Mỹ đã suy yếu’
Trong một bài xã luận hôm thứ Tư ngày 29/8, hãng tin
Tân Hoa Xã nhận định chuyến đi của bà Clinton là nhằm để ‘kiềm chế’
Trung Quốc và cáo buộc Washington ‘gây sự’ trong khu vực.
Tân Hoa Xã cũng bày tỏ quan ngại trước việc Hoa Kỳ
chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Thực lòng mà nói, sức mạnh của Mỹ đang suy giảm
và họ không có đủ sức mạnh kinh tế và phương tiện để làm bá chủ ở
châu Á-Thái Bình Dương,” bài xã luận viết.
Tân Hoa Xã đưa ra dẫn chứng là Trung Quốc đã thay thế
Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Số liệu
năm 2010 cho thấy thị trường Trung Quốc hiện chiếm đến 20% lượng hàng
xuất khẩu của Nhật Bản, trong khi thị trường Mỹ giảm xuống còn 15%.
Mặt khác, Trung Quốc cũng đã trở thành đối tác
thương mại lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia đông nam Á (Asean),
hãng tin này cho biết.
Một lý do khác mà Tân Hoa Xã cho là Mỹ không nên làm
bá chủ ở khu vực là ‘sẽ là thiếu không ngoan nếu Washington xem Trung
Quốc là đối thủ để tìm cách khống chế’.
“Hoa Kỳ và Trung Quốc là các nền kinh tế số một và
số hai của thế giới và hai nước này phải dựa vào nhau rất nhiều,” Tân
Hoa Xã nhận xét.
Trung Quốc bất bình vì Mỹ 'tìm cách chia rẽ' họ với các nước trong khu vực |
“Quan hệ giữa hai nước không hề là mối quan hệ được
ăn cả, ngã về không. Hai nước không nên xem nhau là mối đe dọa bởi vì
nếu đấu nhau thì cả hai bên đều bị tổn thương,” bài xã luận viết.
“Hoa Kỳ cần phải từ bỏ tham vọng phi thực tế là
làm bá chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như thế giới.”
Hoa Kỳ trục lợi?
Tân Hoa Xã đã đưa ra một số lập luận chứng tỏ Washington
đang tìm cách kiềm chế Bắc Kinh trong khu vực. Một trong các lập luận đó là sự can thiệp của Mỹ
trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước khác
trong khu vực ‘đã làm tình hình xấu đi’.
“Hoa Kỳ tận dụng tối đa các tranh chấp lãnh thổ và
biển đảo trong khu vực để trục lợi cho mình,” bài xã luận viết. “Chẳng hạn như trong trường hợp Điếu Ngư Đảo, Mỹ từ
chối làm rõ vấn đề. Thay vào đó, họ lại tuyên bố áp dụng hiệp ước
an ninh Mỹ-Nhật đối với quần đảo này.”
Tân Hoa Xã cũng bày tỏ sự bất bình trước việc Mỹ
mời lực lượng phòng vệ Nhật cùng tham gia một cuộc tập trận kéo
dài 37 ngày trên Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Bắc
Kinh và Tokyo về tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông.
Về tranh chấp trên Biển Đông, hãng tin nhà nước Trung
Quốc lên án Mỹ cố tình làm cho các quốc gia trong vùng biển này xa
lánh Trung Quốc.
Bằng chứng mà Tân Hoa Xã đưa ra là kể từ năm 2002 khi
Trung Quốc và các quốc gia có tranh chấp ký bên Tuyên bố về cách ứng
xử của các bên trên Biển Đông (DOC) thì mọi việc đã vào guồng để
giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị song phương.
“Đột nhiên người Mỹ lại nói ‘có lợi ích’ trong vấn
đề này. Họ đã nhiều lần phá rối để làm phức tạp thêm vấn đề,”
bài xã luận chỉ trích. “Rõ ràng, cách tiếp cận của Washington không giúp
ích gì cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như hòa
bình và ổn định trong khu vực.” “Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng sự can thiệp
từ bên ngoài để giải quyết các tranh chấp chủ quyền rốt cuộc sẽ
chỉ dẫn đến thảm họa,” Tân Hoa Xã nhận định.
‘Tìm cách chia rẽ’
Bà Clinton được dự đoán sẽ cảnh báo Trung Quốc về việc sử dụng vũ lực trên Biển Đông |
Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã thì Mỹ cũng ‘sử dụng lá
bài kinh tế’ để kiềm chế Trung Quốc.
“Trong những năm gần đây, Trung Quốc và các nước khác
trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thúc đẩy hợp tác kinh tế. Sự
hợp tác hoàn toàn do thị trường chi phối trong bối cảnh toàn cầu
hóa kinh tế.”
“Tuy nhiên, nước Mỹ lại cảm thấy ghen tức và tìm
đến các phương tiện ngoại giao và kinh tế để chia rã Trung Quốc với
các nước này,” Tân Hoa Xã lên án và đưa dẫn chứng là việc Washington
đang rất nỗ lực để thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TPP) và lên án đây là nỗ lực ‘tìm kiếm vị thế là nước cầm trịch
sự phát triển kinh tế của khu vực’.
“Tóm lại, Washington có ý đồ trục lợi bằng cách
khuấy động cãi vã giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương để giành
lại vai trò bá chủ trong khu vực.” “Washington đã viện đến các phương tiện ngoại giao,
kinh tế và chiến lược mà Ngoại trưởng Clinton gọi là ‘quyền lực
thông minh’ để gây xáo trộn trong khu vực,” Tân Hoa Xã phân tích.
“Đó là cốt lõi của cái gọi là ‘quyền lực thông
minh’ (của Mỹ),” bài xã luận kết luận.
“Thật sự là mục tiêu của chuyến Á du của Clinton là
kiềm chế ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, và cốt lõi trong chiến
lược của Mỹ là duy trì sự thống trị và thế bá chủ ở khu vực châu
Á-Thái Bình Dương.”
Trong bối cảnh đó, Tân Hoa Xã nhìn nhận chuyến đi
của bà Clinton đến đảo Cook là cũng nhằm để hạn chế ảnh hưởng đang
lên của Bắc Kinh đối với các quốc đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/08/120830_xinhua_blasts_us.shtml
----------------------------------------------------
NGOẠI TRƯỞNG MỸ CÔNG DU CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG
VÀO LÚC TRANH CHẤP BIỂN ĐẢO CĂNG THẲNG
Trọng Nghĩa - RFI
29-8-2012
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton |
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua, 28/08/2012, bà Hillary
Clinton sẽ lại bắt đầu một vòng công du 10 ngày qua vùng châu Á – Thái Bình Dương
kể từ ngày mai 30/08. Bên cạnh ba chặng dừng quan trọng là Trung Quốc,
Indonesia và Nga, Ngoại trưởng Mỹ còn ghé quần đảo Cook, Brunei và Đông Timor.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh tranh chấp biển đảo gia
tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, và giữa các láng giềng của Trung
Quốc với nhau, bà Clinton sẽ nhân dịp này thúc giục các nước tự kiềm chế và tìm
cách giải quyết tranh chấp thông qua thương thuyết.
Mặt khác, vào lúc Hoa Kỳ chuyển đổi chính sách để tăng cường uy thế ngoại giao và quân sự của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được coi là một động cơ của tăng trưởng toàn cầu, vòng công du của bà Clinton còn được xem là một cố gắng mới của Mỹ nhằm đối phó với ảnh hưởng không ngừng lớn mạnh của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo chương trình dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ sẽ ghé Quần đảo
Cook vào ngày 31/08 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn các Đảo quốc vùng
Thái Bình Dương PIF, bao gồm 16 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có Úc và New
Zealand, các đồng minh của Hoa Kỳ.
Bà Hillary Clinton sau đó sẽ đến thăm Indonesia vào ngày
03/09, với mục tiêu được loan báo là nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ “đối tác
toàn diện” song phương và thảo luận về những cam kết của hai nước liên quan đến
các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Sau Jakarta, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ có mặt ở Bắc Kinh trong
hai ngày 04 và 05/09 để thảo luận về “một loạt vấn đề quan trọng trong quan hệ
Trung-Mỹ”. Ba hồ sơ đang kéo căng quan hệ Washington-Bắc Kinh là Nhân quyền,
Syria, và thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong các tranh chấp với các nước láng
giềng ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland vào hôm qua
đã nhắc lại rằng quan điểm được bà Clinton nêu bật vào tháng Bảy vừa qua là
tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết một cách "không ép buộc"
và "không đe dọa". Bà chắc chắn cũng sẽ phải đề cập đến tranh chấp
Trung-Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như căng thẳng giữa Seoul và
Tokyo về chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima.
Qua ngày 06/09, bà Hillary Clinton sẽ trở thành ngoại trưởng
Mỹ dầu tiên ghé thăm Đông Timor từ khi nước này giành được độc lập vào năm
1999, sau 24 năm bị Indonesia chiếm đóng và áp bức.
Ngoại trưởng Mỹ cũng ghé Brunei, một vương quốc Hồi giáo nhỏ
bé ở phía bắc đảo Borneo, láng giêng của Malaysia và Indonesia. Brunei là nước
sẽ trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2013
Sau cùng bà Clinton sẽ thay mặt Tổng thống Barack Obama để dẫn
đầu phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á –
Thái Bình Dương APEC trong hai ngày 08-09/08 tại Vladivostok vùng Viễn Đông
Nga. Ngoài các chủ đề chung là “tự do hóa thương mại, an ninh lương thực và tăng
trưởng xanh”, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận tay đôi với đồng nhiệm Nga Sergei
Lavrov về nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề Syria.
----------------------------------------
NGOẠI TRƯỞNG MỸ THĂM TRUNG QUỐC
BBC
28-8-2012
Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm Bắc Kinh lần cuối là vào tháng 5-2012 |
Tân Hoa Xã đưa tin Ngoại
trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ thăm Bắc Kinh vào tuần tới trong bối
cảnh căng thẳng lãnh thổ khu vực tăng cao.
Hãng thông tấn nhà nước Trung
Quốc dẫn lời phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hồng Lỗi nói chuyến thăm
của bà Clinton sẽ diễn ra trong hai ngày 4/9-5/9, trong đó hai bên
"sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan quan hệ Trung-Mỹ
và các chủ đề khác mà hai bên cùng quan tâm".
Ông Hồng Lỗi không đưa thêm chi
tiết.
Trong khuôn khổ chuyến thăm,
Ngoại trưởng Mỹ sẽ có hội đàm với người đồng nhiệm chủ nhà Dương
Khiết Trì và hội kiến một số lãnh đạo cao cấp khác.
Chuyến thăm của bà Clinton
diễn ra trong khi giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng đang có
căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bắc Kinh đang tranh cãi với
Tokyo xung quanh chủ quyền của quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư
Đài, còn Nhật Bản gọi là Senkaku.
Cuộc tranh cãi gây ra một số
cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc, mới nhất là việc một người
Trung Quốc giật cờ cắm trên xe hơi của Đại sứ Nhật tại Bắc Kinh,
khiến Hoa Kỳ phải lên tiếng bày tỏ quan ngại.
Washington muốn tăng cường quan
hệ ngoại giao và quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với chiến
dịch chuyển dịch trọng tâm của mình.
Tuy nhiên, một số kế hoạch
như điều 2.500 thủy quân lục chiến tới miền bắc Australia cũng như mở
rộng hiện diện hải quân ở Thái Bình Dương đã khiến Bắc Kinh e ngại.
Đối thoại chiến lược
Chuyến thăm tuần tới là lần
đầu tiên bà Clinton trở lại Bắc Kinh kể từ cuộc đối thoại chiến
lược và kinh tế hồi tháng Năm.
Lúc đó, quan hệ hai bên cũng
khá căng thẳng vì việc nhà bất đồng chính kiến Trần Quang Thành vào
Đại sứ quán Mỹ và được Mỹ bảo trợ sang nước này du học.
Vụ này suýt nữa trở thành
bê bối ngoại giao song phương, nhưng Bắc Kinh đã nhượng bộ cho ông Trần
được xuất cảnh sang Hoa Kỳ.
Trước khi tới Trung Quốc, bà
Hillary Clinton sẽ tham dự một cuộc họp thượng đỉnh của các nước
thuộc Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương trong tuần này.
Tại đây có sự hiện diện của
các nước như Papua New Guinea, Australia và New Zealand, hai nước sau đều
là đồng minh của Mỹ.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/08/120828_clinton_china.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét