29-8-2012
Hai cô y tá Trung Quốc phất cờ trong một cuộc biểu tình chống Nhật tại Thâm Quyến hôm 19.8. Ảnh: Reuters |
SGTT.VN - Không phải là một sự
trùng hợp ngẫu nhiên khi tất cả các nước trong quan hệ tam phương đang đối mặt
các cuộc bầu cử (hay thay đổi lãnh đạo, như ở Trung Quốc) trong những tháng
tới, và các bên đều muốn tỏ bày sự tận tuỵ bằng các tuyên bố quan trọng.
Cuộc bầu cử ở Hàn Quốc dự định
vào tháng 12 và Tổng thống Lee Myung-Bak không thể tái cử nhiệm kỳ 2, nhưng ông
chắc chắn muốn làm mọi thứ dễ dàng hơn cho đảng của mình. Bầu cử ở Nhật chưa
được xác định nhưng dự kiến vào tháng 10. Cùng tháng, Quốc hội Đảng Cộng sản
Trung Quốc họp để chọn ra thế hệ lãnh đạo kế tiếp.
Và như vậy, các đảo nhỏ, bất kể
nhỏ thế nào, sẽ vẫn nằm trong vùng biển động.
Mối quan hệ Nhật – Hàn đã xuống
đến mức thấp trong nhiều năm. Sự cố khiêu khích ngày 10.8 liên quan đến đảo
Dokdo/Takeshima không phải là điều khó chịu duy nhất giữa hai nước láng giềng,
mà trước đó là thất bại ngoại giao trong các thoả thuận cho phép các lực lượng
vũ trang Hàn Quốc và Nhật chia sẻ thông tin tình báo và an ninh.
Washington ủng hộ việc ký kết
thoả thuận với tên gọi chính thức là thoả ước Thông tin quân sự an ninh chung.
Ý tưởng cơ bản là góp phần mở đường cho hợp tác quân sự chính thức gia tăng
giữa Nhật, Hàn và Mỹ để đáp lại những mối đe doạ tăng lên, cuối cùng dẫn đến
một “liên minh tay ba”. Cho dù hải quân Hàn Quốc, Nhật và Mỹ đã tiến hành tập
trận chung, đáng chú ý là sau vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc chìm vào năm 2010 và
vụ nã pháo một hòn đảo ngoài khơi, đã không có hợp tác chính thức giữa các
nước. Hàn Quốc là một đồng minh hoàn toàn của Mỹ, trong khi Washington ràng
buộc với hiệp ước bảo vệ Nhật.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đột nhiên rút
lui chỉ một giờ trước buổi lễ ký kết thoả thuận vào 29.6. Ở Hàn Quốc, thoả
thuận được đề nghị trở nên có hại khi phe đối lập nắm lấy nó như một ví dụ cho
thấy chính phủ bảo thủ ve vãn kẻ thù lâu đời. Bộ trưởng phụ trách thương lượng
phải từ chức. Có lẽ Tổng thống Lee cảm thấy phải viếng thăm đảo tranh chấp Dokdo
để củng cố lòng tin của dân chúng đối với bản thân và đảng của mình.
Rắc rối leo thang theo nhiều
cách. Những vụ tấn công sứ quán Hàn Quốc ở Hiroshima, và người ta còn lo ngại
là trận bóng tranh huy chương đồng Olympic London giữa Hàn Quốc và Nhật diễn ra
sau chuyến đi của Lee có thể biến thành một tranh cãi ầm ĩ, gợi nhớ cuộc chiến
bóng đá nổi tiếng giữa Hungary và Nga tại Olympic 1956 ở Melbourne.
Điều đó đã không xảy ra, nhưng
sau trận đấu, một cầu thủ của đội Hàn Quốc thắng đã giơ khẩu hiệu tiếng Hàn “Dokdo
là của chúng tôi”. Cầu thủ này không xuất hiện trên bục huy chương và ban tổ
chức Olympic đang điều tra xem liệu anh ta có phá vỡ quy định là không phát
biểu chính trị.
Nhật đáp trả chuyến viếng thăm
đảo Dokdo của Tổng thống Lee bằng cách triệu hồi đại sứ, trì hoãn những trao
đổi cấp cao dự định như là chuyến thăm viếng của Thủ tướng Yoshihiku Noda đến
Hàn Quốc vào tháng 9. Tokyo tuyên bố sẽ đưa vụ tranh chấp đảo ra Toà án Quốc
tế. Đây có lẽ là đe doạ suông, bởi vì cả hai phía sẽ phải tuân theo quyết định
phân xử, và không bên nào sẵn lòng với một quyết định bất lợi.
Quan hệ Nhật – Trung và cơ hội
khó nắm
Sự ngang ngược của Bắc Kinh trong
vấn đề Biển Đông có vẻ đem lại cho Nhật một cơ hội để thể hiện mình là một thay
thế của Trung Quốc, nhưng khả năng nắm giữ cơ hội này của Tokyo xem ra khó
thành công do triển vọng kinh tế mơ hồ và sự chia rẽ bên trong ASEAN.
Bằng cách trục xuất nhanh chóng
14 nhà hoạt động Trung Quốc lên một hòn đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư,
Nhật rõ ràng cố gắng dập tắt một khủng hoảng ngoại giao ngay khi mới manh nha.
Các viên chức Trung Quốc cũng tỏ ra muốn sự cố không leo thang thành một xung
đột lớn, cho dù yêu cầu thả ngay lập tức 14 người.
Trong khi thương mại Nhật – ASEAN
tăng nhanh, người dân địa phương cũng bất bình nhiều hơn khi kinh tế Nhật hiện
diện ngày càng nhiều. Bài diễn văn của Thủ tướng Nhật Fukuda trước Quốc hội
Philippines vào năm 1977 được xem như sự khởi đầu nỗ lực thu hút khu vực của
Nhật.
Cho dù bị thu hút bởi những thành
công kinh tế, khoa học và văn hoá của Nhật, các thành viên ASEAN vẫn có thái độ
nước đôi về ảnh hưởng chính trị của Nhật. Một cuộc khảo sát của bộ Ngoại giao
Nhật năm 2008 cho thấy hợp tác kinh tế và công nghệ là lĩnh vực hàng đầu mà
người dân trong sáu nước ASEAN (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia,
Philippines và Việt Nam) thích thấy Nhật tích cực hơn, với 66% người tham gia
chọn. Chỉ 6% sẵn sàng nhìn thấy Nhật củng cố sự hiện diện quân sự.
Khảo sát sáu nước như trên cho
thấy một sự chia rẽ bên trong nội bộ ASEAN: người dân Singapore, Malaysia và
Thái Lan xem Trung Quốc như đối tác quan trọng nhất và tiếp tục tin sẽ như vậy
trong tương lai. Trong khi đó, người dân Indonesia, Philippines và Việt Nam xem
Nhật như là đối tác quan trọng nhất và cũng tin là sẽ tiếp tục như thế.
(theo FOREIGN POLICY,
DIPLOMAT, ASIA SENTINEL)
http://sgtt.vn/Quoc-te/167593/Dong-Bac-A-%E2%80%9Cchuyen-lua-ra-ngoai%E2%80%9D.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét