10-8-2012
Vượt Biên. Ảnh: Penny Lewin |
Lời Thưa Đầu: Khi già, tôi thấy mình gần với
thiên nhiên hơn và lấy làm tiếc là đã có lúc sống quá hối hả nên
quên để ý sự thay đổi hàng năm của đất trời. Cả bốn mùa – Xuân, Hạ,
Thu, Đông – đều coi như “nơ pa” tuốt luốt.
Đêm qua, tình cờ đọc lại mấy bài thơ (Thu Ẩm, Thu
Vịnh, Thu Điếu) của Nguyễn Khuyến mà bâng khuâng cảm xúc rạt rào mãi
cho đến sáng. Sáng, nhủ lòng (Ngô đồng nhất diệp lạc – Thiên hạ cộng
tri thu) mình cũng nên có đôi lời về Mùa Thu – cho nó có vẻ văn nghệ
sĩ chơi, chút xíu – dù chỉ là … Thu đểu!
Trân Trọng
===========000===========
Ôi, tưởng gì chớ mấy chuyện lẻ tẻ này thì ông Nguyễn
Thanh Phong – Phó Cục Trưởng Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm – đã báo
trước cả tháng rồi mà. Trong buổi gặp mặt báo chí sáng 14-6, tại Hà Nội,
giới chức có thẩm quyền này cho biết: “Tình trạng ngộ độc thực phẩm quý
II tăng hơn quý I” và nguyên nhân là “do thời tiết nóng bức ảnh hưởng rất lớn
đến đường tiêu hóa.”
Thủ phạm, rõ ràng, đã bị chỉ tên.Tuy nhiên (và tất
nhiên) không ai hẹp hòi và cố chấp tới cỡ chỉ trích, phê bình, bắt
lỗi … thiên nhiên hay thời tiết!
Nắng mưa là bệnh của Trời.
Ngộ độc là bệnh của người không may!
Đợi qua qúi III, khi mùa Thu tới, khí trời trở nên
mát mẻ “sẽ không ảnh hưởng lớn tới đường tiêu hóa” nữa thì tình
trạng ngộ độc thực phẩm (automatic) sẽ giảm thôi. Còn chuyện những
sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng (như rau đểu, gạo đểu, bún
đểu, bánh phở đểu, trứng đểu, thịt đểu, dầu ăn đểu, gia vị đểu …)
đều là do bọn đểu làm ra.
Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm (nói riêng) và Nhà Nước
(nói chung) hoàn toàn (và tuyệt đối) không dính dáng gì ráo đến
những việc tiêu cực, xấu xa này. Nói tóm lại, và nói theo người đời
thường là “Trời kêu ai nấy dạ.” Ăn uống (bậy bạ) nhằm lúc “thời
tiết xấu” thì bị ngộ độc ráng chịu, vậy thôi.
Mà chỉ bị ngộ độc cấp tính vì thực phẩm thì kể
như là chuyện nhỏ – và là chuyện xẩy ra hàng ngày – bất kể mùa
màng hay thời tiết ra sao, ở xứ mình. Nơi đây, đồ ăn thức uống nhiều
thứ gây ảnh hưởng độc địa hơn nhiều – có thể khiến “hại
gan, suy tủy, ảnh hưởng thận”– theo như tường thuật của hai ký giả
Đoàn Huy và Thanh Tùng, qua loạt bài phóng sự (“Hãi
Hùng Cà Phê Đểu”) đọc được trên Thanh Niên On Line bắt đầu từ ngày
17 tháng 7 năm 2012:
“Trưa ngày 6.7, men theo con kênh nước đen bốc mùi trên đường
Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, chúng tôi tìm đến cơ sở rang xay cà phê Thông
Phát (số 108 – lô 4 Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú). Cơ sở như một nhà kho, được
xây dựng bằng sắt thép mái tôn cũ kỹ, trên diện tích hơn 500 m2. Bên phía tay
phải cơ sở, chiếm 2/3 diện tích là nơi chứa hàng trăm bao tải đậu nành; phần
còn lại đủ để 3 máy rang đậu và 1 căn phòng nhỏ chứa các thùng hóa chất…
“Cơ sở chế biến cà phê nhưng đố anh tìm được hạt cà
phê nào” – một công nhân ở đây vừa cười vừa nói…”
Dân Việt có thể sống với những toà án đểu, bệnh
viện đểu, bằng cấp đểu, quan chức đểu, lý lịch đểu, dự án đểu,
công ty đểu, qui hoạch đểu, truyền thông đểu, quốc hội đểu, chính phủ
đểu … thì (lỡ) uống lai rai thêm vài ly cà phê đểu – nghĩ cho cùng –
cũng không phải chuyện “hãi hùng” gì cho lắm.
Điểm duy nhất đáng chú ý trong loạt bài phóng sự của Đoàn Huy và Thanh Tùng là họ khám phá ra được cách chế biến thế thôi:
Điểm duy nhất đáng chú ý trong loạt bài phóng sự của Đoàn Huy và Thanh Tùng là họ khám phá ra được cách chế biến thế thôi:
Đậu nành + hoá chất = cà phê đểu!
Công thức giản dị này dễ khiến cho người ta liên
tưởng đến một sự kết hợp nhuần nhuyễn khác, cũng tại Việt Nam:
Dối trá + bạo lực = cách mạng đểu!
Riêng về mặt “dối trá,” nhân dịp cả nước đang nô nức
chuẩn bị đón chào và kỷ niệm cuộc Cách Mạng Mùa Thu, xin mời mọi
người xem qua (một phần) cuộc phỏng vấn của một nhà báo trẻ với
một nhà cách mạng lão thành:
“Nói về Tổng khởi nghĩa 1945, một điều có lẽ là thắc
mắc của một số người (tôi không nói là “nhiều người”, vì không biết
nhiều ít thế nào), là thực sự thì cuộc Cách mạng Tháng Tám có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng hay không, khi mà Nhật đã bại trận trong
Thế chiến và sẽ phải rút khỏi Đông Dương, Việt Nam đã có một chính
phủ (của Bảo Đại và Trần Trọng Kim), v.v.
Tôi hy vọng những điều mà bà Lê Thi – một trong những nhân chứng của
thời đó – nói trong bài dưới đây, có thể trả lời phần nào câu hỏi
này – từ góc nhìn của bà… bà Lê Thi sinh năm 1926, nguyên Viện trưởng Viện
Triết học, con gái cố Giáo sư Dương Quảng Hàm; bà cũng là một trong hai thiếu
nữ kéo cờ trong lễ Độc lập 2/9/1945.(Người kia là bà Đàm Thị Loan, phu nhân Đại
tướng Hoàng Văn Thái).”
- Và ngày 17 tháng 8 đã diễn ra như thế nào? Với tư cách một
người tham gia cả quá trình, từ lúc chuẩn bị tới khi thực hiện, xin bà kể lại
những gì bà còn nhớ về sự kiện 17 tháng 8.
- Ngày hôm đó, chúng tôi dán cờ đỏ sao vàng bằng giấy, giấu sẵn trong người,
kéo tới quảng trường Nhà hát lớn để dự mít tinh từ sáng sớm. Khi người của
chính quyền Trần Trọng Kim vừa chuẩn bị khai mạc, thì một người – sau này tôi
biết đó là ông Trần Lâm, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Việt Nam
– đã lên được gác hai tung cờ đỏ sao vàng của ta lên. Lá cờ rất lớn, phấp phới
bay trong gió, đẹp và oai hùng lắm. Cùng lúc đó, Việt Minh cũng giành micro từ
tay người của phía chính quyền, chuyển nó cho hai phụ nữ đại diện của Mặt trận
Việt Minh lên nói chuyện…”
(“Đoan Trang. “Cuộc
Khởi Nghĩa Của Những Người Tay Không.”
Tuần Việt Nam 18
Aug. 2009).
Tuy bà Lê Thi mô tả đây là một cuộc khởi nghĩa của
“những người tay không” (*) nhưng – rõ ràng – họ đã “giấu sẵn trong
người” và trong tâm nhiều điều khuất tất. Họ đã “giành micro,”
“chớp thời cơ,” và “cướp chính quyền” từ một chính phủ hợp hiến mà
vẫn trơ tráo nhắc lại với rất nhiều hãnh diện.
Bằng vào những thủ thuật gian trá tương tự (cùng
với bạo lực) hơn nửa thế kỷ qua, những người cộng sản Việt Nam đã
tạo dựng ra một Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa – với rất nhiều nét đặc
thù:
“Tổ quốc đã trở thành đao phủ. Những người địa chủ
và tư sản không những bị ruồng bỏ mà còn bị coi là thù địch và bị
tàn sát. Rồi cũng nhân danh tổ quốc họ phát động chiến tranh thôn
tính miền Nam làm hàng triệu người chết và đất nước kiệt quệ.Tổ quốc
đồng nghĩa với chiến tranh và chết chóc. Toàn thắng rồi, tổ quốc xã hội
chủ nghĩa quên phắt cam kết thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc.
Tổ quốc bỏ tù và hạ nhục hàng triệu người. Tổ quốc đánh tư sản, tống cổ con cái
‘ngụy quân, ngụy quyền’ ra khỏi trường học và lùa đi vùng kinh tế mới. Tổ quốc
khống chế và hăm dọa bằng công an thành, công an tỉnh, công an huyện, công an
phường. Biết dân chúng không còn chịu đựng được nữa và muốn bỏ nước ra đi, tổ
quốc đứng ra tổ chức vượt biên bán chính thức để lấy tiền chuộc mạng của những
người muốn chạy trốn nanh vuốt của mình. Tổ quốc hành động như bọn giặc cướp. Đến
khi bị dư luận thế giới lên án dữ dội vì hành động bỉ ổi này, tổ quốc dẹp luôn
đợt vượt biên bán chính thức và dĩ nhiên không trả lại tiền. Tổ quốc đểu cáng
và lật lọng.”
“Đối với những người ra đi, tổ quốc là sóng gió, hải tặc, là
cái chết trong bụng cá, may mắn hơn là những ngày ê chề trong những trại tập
trung trước khi tìm được một quê hương mới. Tổ quốc là một dĩ vãng cần quên đi.
Đối với những người ở lại, tổ quốc đổi tiền mấy lần để cướp giật, tổ quốc sách
nhiễu từng ngày. Tổ quốc nói trắng cũng được, nói đen cũng xong, cấm rồi lại
cho phép, cho phép rồi lại cấm, muốn bắt hay tha tùy ý, người dân chịu đựng hết.
Vì tổ quốc có súng.”
(Nguyễn Gia Kiểng. Tổ
Quốc Ăn Năn.
Không có tên NXB. Paris 2001, 570 – 571).
Ông Nguyễn Gia Kiểng nói (nghe) có vẻ hơi quá lời
nhưng thực ra vẫn chưa đủ ý. Xin nghe thêm vài nhận xét nữa của nhà
văn Phạm Đình Trọng – người
hiện đang sống ở trong nước – về những “thảm hoạ” mà Cách Mạng
Tháng Tám đã “mang lại” cho người dân Việt:
“Thảm họa chia cắt đất nước. Chia đôi dân tộc Việt Nam thành
hai phe, hai trận tuyến chém giết nhau cả chục năm đằng đẵng, hàng triệu người
lính Việt Nam, hàng triệu dân thường Việt Nam bị chính người Việt giết chết,
hàng triệu người vợ góa bụa, hàng triệu người mẹ cô đơn, hàng triệu gia đình
tan nát. Đất nước thành núi xương, sông máu. Cả dân tộc điêu linh, nghèo đói vì
đất nước bị chia đôi, hai miền Nam, Bắc thành hai trận tuyến bắn giết
nhau.”
Di cư 1954. Nguồn ảnh: langven.com
“Thảm họa Cải cách ruộng đất. Chia một dân tộc vốn yêu
thương đùm bọc nhau, thương người như thể thương thân, thành những giai cấp đối
kháng luôn hằm hè đấu tranh giai cấp, luôn nung nấu hận thù giai cấp, đấu tố,
thanh trừng, sát phạt, hãm hại nhau dẫn đến hàng trăm ngàn cái chết oan ức, tức
tưởi cho người lương thiện. Cải cách ruộng đất hủy diệt những giá trị vật chất,
hủy diệt cả những giá trị văn hóa, tâm linh. Khối đoàn kết dân tộc vốn là sức mạnh,
là tài sản của dân tộc Việt Nam bị phá nát. Đạo lí, văn hóa dân tộc bị hủy hoại.
Niềm tin tôn giáo thánh thiện bị loại bỏ để bây giờ chỉ còn niềm tin thô tục,
thấp hèn, sì sụp lễ bái cầu tài, cầu lộc, cầu thi đỗ, cầu được cơ cấu, cầu được
trúng cử trong đại hội đảng kì, cầu tiêu diệt, trừ khử được đối thủ cạnh tranh
trong chính trị, trong làm ăn.“
Đấu Tố. Nguồn: Nhà Xuất bản Mỹ thuật, 2010.
“Thảm họa Nhân văn Giai phẩm. Đầy đọa cả một đội ngũ trí thức,
nghệ sĩ, xóa sổ đội ngũ trí thức, nghệ sĩ đích thực, chân chính để chỉ còn những
trí thức, những nghệ sĩ bị công chức hóa, nô lệ hóa, giết chết sự sáng tạo cả một
nền văn học nghệ thuật.
Thảm họa tập trung cải tạo. Tù đày không án hàng trăm ngàn
người Việt Nam khác biệt ý thức hệ. Đất nước thống nhất mà vẫn phân chia ta, địch
trong lòng dân tộc, vẫn khoét sâu trận tuyến ý thức hệ trong lòng dân tộc, dân
tộc mãi mãi li tán.
Thảm họa tha hương. Hơn ba triệu người phải xa người thân
yêu ruột thịt, rời bỏ quê hương đất nước ra đi để chối bỏ sự phân biệt đối xử,
trốn tránh cuộc đấu tranh giai cấp độc ác, vô lương. Nửa triệu người bỏ xác dưới
đáy biển. Xa nước đã hơn ba chục năm, đến nay nhiều người vẫn chưa được một lần
về thăm nước chỉ vì khác biệt ý thức hệ, bị chính quyền trong nước vẫn coi là
thế lực thù địch, bị cấm cửa không cho về. Những ai đã xa nước mới thấm thía việc
ngăn cấm con người trở về với quê cha đất tổ, trở về với cội nguồn dân tộc là độc
ác, vô lương không còn tính người như thế nào!
Thảm họa Bắc thuộc. Chính quyền nhà nước ở Việt Nam hiện nay
như không còn là chính quyền của nhân dân Việt Nam, như không còn là chính quyền
của đất nước Việt Nam nữa mà là chính quyền của Đại Hán phương Bắc.”
Dù phải sống với chừng đó thảm họa, hàng năm – cứ
vào đầu Thu – nhà nhà vẫn phải chưng ảnh và treo cờ. Người người
vẫn phải hân hoan, nhiệt liệt chào mừng và kỷ niệm Cách Mạng Mùa
Thu. Chỉ cần tỏ ra không hân hoan hoặc kém nhiệt liệt (chút xíu) là
lôi thôi lắm, và lôi thôi ngay, chứ không phải bỡn.
Thiệt là một mùa Thu đểu!
Tưởng Năng Tiến
(*) Trong một bài viết trước (“Bọn Mafia Và Những Người Làm Cách
Mạng”) trên diễn đàn talawas, chúng tôi đa ghi nhầm rằng “ký giả
Đoan Trang gọi đây là Cuộc khởi nghĩa của những người tay không.” Thực
ra, đây là cách nói của bà Lê Thi, và đã được Đoan Trang dùng làm
tựa cho bài phỏng vấn dẫn thượng. Xin chân thành xin lỗi độc giả, và
nhà báo Đoan Trang, về sự sơ xuất và cẩu thả của chúng tôi.
https://tuongnangtien.wordpress.com/
Đúng vậy : vì cớ gì lật đổ Bảo Đại/TrầnTrọngKim ? Dân Bắc Việt,HàNội, vốn hời hợt, a dua, ùn ùn theo nhau công kênh bọn thổ phỉ lên để chúng đè đầu đè cổ suốt 60 năm nay không ngóc lên được.
Trả lờiXóaCuộc biểu tình của congchức HàNội bị lái sang hướng hoàn toàn khác, Lộng Giả Thành Chân là mánh của LêNin mùa THU CHẾT đó.