1-8-2012
"... những thông tin đăng tải trên báo chí hay những cú
con thoi ngoại giao của phía Việt nam về vấn đề Biển Đông trong những ngày qua
chỉ là trò kích động và đánh lừa dư luận của chính quyền, đặc biệt là những kẻ
nhẹ dạ sẽ dễ mắc bẫy. Mà phải hiểu bản chất sâu xa trong phương châm chỉ đạo và
mục tiêu cao nhất mà đảng CSVN và chính quyền của họ về vấn đề Biển Đông đề ra
sẽ là "Bán anh em xa, mua láng giềng gần để hợp tác cùng Trung quốc, trong
việc (thuê họ) khai thác tài nguyên trên Biển Đông"
Còn nhớ buổi sáng thứ Bẩy 17.02.1979, khi ấy tôi đang còn là
sinh viên đại học. Vào khoảng hơn 6h30 khi vừa tỉnh dậy, đã nghe tiếng phát
thanh viên chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân từ radio đang đọc bài xã
luận có nhan đề "Đánh sập mưu đồ bá quyền Đại Hán". Cùng lúc đó có tiếng
mẹ tôi gọi đánh thức, mẹ tôi bảo với giọng ngậm ngùi "Dậy đi con, lại chiến
tranh rồi!".
Chiến tranh, hai từ ngắn gọn nhưng khi nhắc
đến từ ấy thì những người lớn, lớp người như cha mẹ, cô chú hay anh chị tôi...
vào thời ấy, khi đất nước vừa được hưởng hòa bình chỉ mới vài năm, có lẽ nó có
ý nghĩa thiêng liêng pha chút sợ hãi thì phải. Với tôi thì cũng cảm thấy bình
thường và ý nghĩ mình sẽ đến lượt phải gấp sách vở để cầm súng ra trận chợt
thoáng hiện về.
Những người như họ đã cùng cả dân tộc Việt nam vừa đi ra khỏi mấy cuộc chiến
liên tiếp tàn khốc, mới được 4-5 năm, một thời gian hòa bình ngắn ngủi, dẫu còn
đầy rẫy sự thiếu thốn về vật chất nhưng ý nghĩa của sự hòa bình thì vô vàn giá
trị. Vì tôi còn nhớ trước năm 1975 khi còn bé, vẫn thường nghe các bà, các chị
trong xóm bảo nhau "Dẫu ăn cơm với muối mà hết chiến tranh cũng cam
lòng", điều này những ai là vợ, là mẹ những người lính sẽ hiểu hơn ai hết.
Buổi chiều hôm đó, trong ở nhà tôi có một cuộc họp thành phần là những người lớn
trong đại gia đình gồm ông bà, chú bác. Họ bàn chuyện về phương án tản cư nếu
quân đội Trung quốc đánh tới Hà nội, không khí ở Hà nội những ngày ấy nghe chừng
rất căng thẳng. Vì trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ thì đich đến của các
cuộc tản cư sẽ là đi ngược lên miền Bắc, nay giặc từ phía Bắc đánh xuống thì sẽ
chạy về đâu? Mọi chuyện đang còn ở khâu bàn bạc, tính toán thì ngày 23 tháng 2,
Đặng Tiểu Bình nhắc lại tuyên bố về "cuộc chiến tranh hạn chế" và nói
sẽ rút quân trong vòng 10 ngày khiến mọi người thở phào. Rồi tiếp đó đầu tháng
3 năm 1979, khi Trung quốc tuyên bố rút quân thì mọi việc lại trở lại bình thường.
Hồi ấy trước và sau sau ngày 17 tháng 2 năm 1979, ở khu vực ga Hà nội không chỉ
hỗn loạn vì người chạy tản cư hay các đoàn tàu hỏa chở tù ở các trại giam từ
phía Bắc xuống, mà còn vô số bộ đội bị lạc đơn vị ôm súng bỏ chạy về Hà nội, bọn
họ quấn áo xốc xếch, mặt mày nhàu nhĩ như đội quân thất trận. Nhắc lại chuyện
cũ để các bạn trẻ chưa biết về không khí khẩn trương trước một cuộc chiến tranh
ngày xưa được rõ, đồng thời để so sánh với tình hình tranh chấp trên biển Đông
giữa Việt nam - Trung quốc hiện nay và ngày xưa khi xảy ra chiến tranh Biên giới,
nó không có gì giống nhau cả . Khi mà liên tục trong các tuần gần đây, khi
Trung Quốc bị cho rằng tiếp tục leo thang gân hấn trên mọi bình diện từ chính
trị, văn hóa… đến kinh tế, ngoại giao… đối với Việt nam. Cụ thể gần đây nhất:
Hôm thứ Ba 3/7 bốn tàu hải giám Trung quốc chặn đuổi
tàu của cảnh sát biển Việt Nam, tin cho biết tàu hải giám Trung Quốc
đã phát hiện tàu của Việt Nam đang lao về hướng tàu của họ với tốc
độ lớn. Tàu Việt Nam đã dùng loa phát thông điệp: “Đây là tàu cảnh
sát biển Việt Nam số 5012. Các vị đã vào vùng biển chủ quyền của
Việt Nam, đề nghị rút khỏi khu vực này ngay lập tức.” Theo CCTV tàu
hải giám Trung Quốc đã đáp trả, xưng danh là tàu hải giám số 83
đồng thời nói theo Công ước LHQ về Luật Biển và Luật pháp Trung
Quốc, đây là vùng biển của Trung Quốc. Các tàu hải giám lập tức
thay đổi đội hình, cả bốn tàu cùng quay đầu hướng về tàu Việt Nam.
CCTV nói sau chừng 10 phút, tàu Việt Nam giảm tốc độ và rút lui.
Ngày 12/7/2012 báo chí Trung Quốc cho hay 30 tàu cá của tỉnh
Hải Nam đồng loạt tiến về phía quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ
quyền. Các tàu cá này có tàu quân sự yểm trợ vào vơ vét cá trên ngư trường
Việt Nam, tận thu cả cá con…
Ngày 20/7/2012 một chiếc máy bay do thám của hải quân
Philippines theo dõi hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa
(Việt Nam) đã phát hiện một tàu đổ bộ Trung Quốc tại bãi đá Su Bi.
Ngày 24-7, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa
tin quân đội Trung Quốc đang đợi lệnh để diễn tập bắn đạn thật với quy mô lớn
nhất gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. CCTV tiết lộ hạm đội hải quân lớn của
Trung Quốc tại khu vực biển Nhật Bản đang cấp tốc quay xuống quần đảo Trường Sa
để chuẩn bị cho cuộc tập trận này. Trung Quốc, thông qua CCTV, trắng trợn tuyên
bố cuộc tập trận là để “các nước láng giềng thấy được thực lực của Trung Quốc”.
Ngày 26/7 khoảng 20 tàu cá Trung Quốc, với sự hộ tống của ít
nhất 2 khu trục hạm, đã được triển khai xung quanh đảo Thị Tứ trong động thái
tiếp theo làm gia tăng căng thẳng ở khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
V.v...
Tình hình diễn biến như kể trên, chỉ là người bình thường
cũng đã phải lo lắng hay bức xúc, vậy tại sao trước các động thái đó, mà dân
tình ở Việt nam những ngày này họ vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Do đó câu hỏi được đặt ra là hay do người dân họ không sợ chiến tranh, không sợ
chết? Trong khi có nhiều người thì cho rằng giặc đã vào đến nhà rồi, Trung quốc
đã và đang cướp đất cươp đảo của Việt nam hay họ còn cho rằng Chính phủ thì đớn
hèn, chỉ phản đối suông v.v... Trước tình trạng đó, sự thật có đúng như một
số người hiểu như thế không? Dẫu dân chúng có hiểu theo bất kỳ hướng nào thì
đây cũng là những bức xúc của người dân, chúng ta cùng thử nghiên cứu cụ thể, để
thấy thực chất tình hình đã xảy ra trên Biển Đông trong những ngày qua đang diễn
ra như thế nào?
Bản đồ Quần đảo Trường sa, trong ngoặc (chữ hồng) là chỉ quốc gia đang quản lý. |
Khu vực Quần đảo Trường sa là vùng biển rất rộng lớn, là
nhóm gồm hơn 100 đảo nhỏ và đảo đá ngầm đang trong tình trạng tranh chấp ở Biển
Đông, nơi nhiều quốc gia như Việt nam, Philippine, Malaixia, Trung quốc v.v...
đều lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình và trên thực tế việc các quốc gia
có tranh chấp đều có quản lý những đảo hay bãi cát trong khu vực này theo thế
cài răng lược. Chuyện vừa qua báo chí cho hay 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam đồng
loạt tiến về phía quần đảo Trường Sa rõ ràng chỉ là hành động khiêu khích của
phía Trung quốc, mặt khác những tàu cá này đang hoạt động ở vùng biển đang có
tranh chấp giữa các bên. Cũng tương tự như việc tàu đổ bộ của Trung quốc, đi hỗ
trợ cho 30 tàu cá vừa từ bãi Chữ Thập sang Bãi Su Bi (hiện 2 bãi do TQ
chiếm), 2 bãi này nằm gần các bãi khác do Việt nam, Philippine, Đài loan đang
chiếm giữ. Trên bản đồ Trường Sa (nhìn từ trên xuống, bên trái là Song Tử
Đông (Philippine), Song Tử Tây (VN), rồi tới Thị Tứ và Loại Ta (đều do
Phiippine chiếm). Còn về đảo bé xíu Su Bi mà 30 chiếc tàu đánh cá TQ và chiếc
tàu "đổ bộ" đang có mặt, là một đảo nhỏ bị kẹp giữa 2 đảo Thị Tứ
và Loại Ta (đều do Phi chiếm) là do Trung quốc hiện đang chiếm. Nên việc 30
chiếc tàu đánh cá TQ và chiếc tàu "đổ bộ" đang có mặt trên
vùng biển mà họ đang quản lý, hay 20 tàu cá Trung Quốc, với sự hộ tống của
ít nhất 2 khu trục hạm, đã được triển khai xung quanh đảo Thị Tứ, là chuyện
bình thường và dễ hiểu trong mưu đồ thôn tính tòan bộ khu vực Biển Đông của
chính quyền Trung quốc, trước mắt không có gì đáng sợ như nhiều người tưởng.
Việc báo chí Việt nam đưa tin cảnh báo cũng là chiến thuật
ngoại giao nhằm đánh động dư luận quốc tế và trong nước trong việc khẳng định lập
trường trước sau như một của Việt nam về chủ quyền không thể tranh cãi hy vọng
chút lòng thương hại. Chứ thực ra khu vực tranh chấp đó không thuộc vùng chủ
quyền của Việt nam quản lý trong thời điểm hiện tại, bởi tình trạng hiện tại
cũng ví như hai ông hàng xóm cùng đưa giấy tờ chứng minh sở hữu do tay mình ký
với các mảnh đất chưa có sổ đỏ. Những hành động kể trên của Trung quốc cũng
không khác gì trường hợp hiện đã có “chùa Trường Sa” trên đảo Nam Yết do Việt
Nam chiếm đóng, nhà trẻ trên đảo Trung Nghiệp do Philíppin chiếm đóng, nhà
khách “Hào Hoa” trên đảo Đạn Hoàn do Malaixia chiếm đóng. Chuyện này nếu không
được giải thích rõ ràng sẽ dẫn tới nhận thức sai và dễ bị các bên lợi
dụng để kích động.
Chi tiết những khu vực tàu TQ tiến hành khiêu khích chỉ là vùng họ hoặc Philippine đang chiếm đóng |
Trong lịch sử cận đại, chuyện các tranh chấp lãnh thổ từ Anh
Quốc - Argentina, Thái lan - Campuchia, cho tới Nga - Trung... thì những tuyên
bố khẳng định đại loại: là chủ quyền không thể là chối cãi, có đầy đủ bằng chứng
lịch sử từ ngàn đời nay, cũng như như việc cả Trung quốc, Việt nam và một
số quốc gia khác cứ luôn to mồm rằng Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là của
riêng mình, là điều không thể tranh cãi chỉ là chuyện lý sự cùn. Những hành động
mang tính ngoại giao kiểu đó sẽ không thể giải quyết được bất cứ điều gì, mà
chân lý sẽ luôn thuộc về kẻ mạnh và sau đó là phía đang nắm giữ quyền quản lý
các khu vực, địa điểm trong khu vực tranh chấp. Và dù kết thúc ở Tòa án quốc tế
thì việc xem xét chủ quyền cho mỗi bên cũng nghiêng về thực tại để giải quyết
tranh chấp. Phải thừa nhận vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng hay toàn bộ
khu vực Biển Đông đang trong tình trạng tranh chấp giữa các quốc gia trong khu
vực, chứ trên thực tế không có quốc gia nào có thể khẳng định toàn bộ chủ quyền
các đảo, bãi đá ngầm trong khu vực này. Điều mà các quốc gia hy vọng đòi lại chủ
quyền của mình trên các đảo hay bãi đá ngầm của mình bị Trung quốc tước đoạt bằng
vũ lực như: các đảo trên Quần đảo Hoàng sa của Việt nam năm 1974, đảo Gạc ma của
Việt nam năm 1988 hay đảo đá ngầm Vành khăn (Mischief reef) của Philippines năm
1995... là một việc hết sức khó khăn, đòi hỏi thời gian và nhiều yếu tố khác.
Nhưng điều quan trọng nhất là ngoài các bằng chứng cụ thể như hình ảnh lưu trữ
về mốc chủ quyền, các Hiệp định hay các tài liện mang tính pháp lý trong lịch sử
bên nào đã hay đang thực sự quản lý và khẳng định được chủ quyền của mình đối với
các đảo hay bãi đá ngầm trong khu vực tranh chấp.
Nên hiểu mưu đồ thôn tính tòan bộ khu vực Biển Đông của
chính quyền Trung quốc trong quá khứ và tương lai là mưu đồ có thật, mà đường
lưỡi Bò là một bằng chứng không thể chối cãi. Và những bước đi của Trung quốc
hiện nay là những tính toán rất cao, đó là thủ thuật nói dối đúng lúc, nói dối
nhiều lần với tham vọng bá quyền độc chiếm Biển Đông cùng với các hành động cụ
thể như trên. Diễn biến phức tạp trên Biển Đông cùng bản chất ngụy tạo chứng cứ
thô thiển về chủ quyền lãnh thổ theo kiểu “biến không thành có”, biến vùng
không tranh chấp trở thành vùng tranh chấp của Trung Quốc. Thủ đoạn này sẽ rất
có hiệu quả nếu một quốc gia tham gia tranh chấp quá nhún nhường, bị động hay đồng
thuận như Việt nam.
Khái niệm chiếm được Trường Sa nếu hiểu đúng là phải chiếm được các đảo lớn có
sân bay, có cứ điểm quân sự. Hiện Đài loan là nước có cái sân bay lớn nhất,
Philippine có cái lớn thứ nhì, Việt nam chỉ có cái lớn thứ ba. Trên thực tế
trong Quần đảo Trường Sa, các đảo lớn nhất là của Việt nam, trên bản đồ nhìn từ
trên xuống là Song Tử Tây, Trường Sa Đông, Trường Sa (cứ nhìn các đảo gần bờ biển
Việt nam, bên phía Tây Q. Đảo TS ...). Còn Trung quốc hiện nay ở khu vực
này chẳng có cái gì, họa chăng chỉ là mấy cái đảo đá hay bãi cạn, lính
tráng TQ thì một là ở trên 'bè chuối", không thì ở trên mấy cái nhà giàn
như DK1, DK2 của Việt nam là hết. Và trong trường hợp muốn chiếm cả trăm
cái đảo trong quần đảo, ngoài các đảo lớn có sân bay, trạm hậu cần ... thì
Trung quốc phải cần ít nhất 100 chiếc "tàu đổ bộ" như vậy! Chứ tình
hình diễn biến như kiểu hiện nay thì trước mắt chưa có vấn đề gì phải lo ngại,
cái đáng lo là hậu họa của nó - sự đồng thuận giữa hai đảng cộng sản Việt nam
và Trung quốc.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, với tương quan và tình hình chính
trị xã hội của mỗi bên nhìn chung là các bên sẽ còn cứ dền dứ nhau vì mục đích
chính trị trong nước, cả Việt nam, Trung quốc đều như vậy. Và khả năng Trung
Quốc chưa thể có hành động quân sự tại Biển Đông như nhiều người đánh
giá là điều tương đối chắc chắn, cộng với việc Trung Quốc vừa cam
kết cùng nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực, sau khi các nước
ASEAN công bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông. Phải thừa nhận, về mặt chiến lược
Trung Quốc có một cái nhìn cực kỳ rộng lớn, với biện pháp đánh lấn trên thực địa
tranh chấp chủ quyền và truyền thông như Trung quốc đang làm, thì sự nguy hiểm
của nó khó có thể lường hết được trong một tương lai gần. Đó là chiến thuật
“cây gậy nhỏ” (dùng lực lượng bán dân sự đàn áp tàu thuyền các nước trên biển
Đông và khẳng định chủ quyền). Nhưng điều nguy hiểm hơn cần phải chú ý, là
trong bối cảnh mâu thuẫn nóng như vậy trong quan hệ Việt - Trung, vốn là hai
nhà nước độc tài đảng trị có cùng một lợi ích thì các nhà lãnh đạo hai đảng vẫn
rất hữu hảo, như báo QĐND ngày
27.7.2012 cho đăng bài viết Tình
hữu nghị Việt – Trung: Những nghĩa cử không thể nào quên , hay buổi
lễ tổ chức nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc
(1-8-1927/1-8-2012) tại Hà nội với sự có mặt đầy đủ các tướng lĩnh hàng đầu QĐND vừa
qua là vài ví dụ điển hình.
Do vậy có thể coi những thông tin đăng tải trên báo chí hay
những cú con thoi ngoại giao của phía Việt nam về vấn đề Biển Đông trong những
ngày qua chỉ là trò kích động và đánh lừa dư luận của chính quyền, đặc biệt là
những kẻ nhẹ dạ sẽ dễ mắc bẫy. Mà phải hiểu bản chất sâu xa trong phương châm
chỉ đạo và mục tiêu cao nhất mà đảng CSVN và chính quyền của họ về vấn đề Biển
Đông đề ra sẽ là "Bán anh em xa, mua láng giềng gần để hợp tác cùng Trung
quốc, trong việc (thuê họ) khai thác tài nguyên trên Biển Đông". Vì thế
các động thái đóng kịch ngoài lề chỉ nhằm phục vụ cho công việc mặc cả quyền lợi
giữa hai đảng, kể cả việc biểu tình của những người yêu nước ở Hà nội trong thời
gian vừa qua cũng vô tình bị lợi dụng mà bản thân những người đi biểu tình họ
cũng không biết. Đó là câu trả lời cho câu hỏi vì sao ở Hà nội được bật đèn
xanh cho biểu tình trong lúc có lệnh của Chủ tịch UBND TP Hà nội cấm không cho
biểu tình, và Sài gòn lại bị cấm triệt để? Để bù lại thì các phương tiện truyền
thông của Hà nội liên tục tố cáo những người yêu nước bị thế lực thù địch kính
động.
Cách nhìn nhận kiểu này không phải không có lý, đồng thời nó
cũng là câu trả lời vì sao việc giáo dục cho người dân về chủ quyền biển đảo của
Việt nam lâu nay bị sao nhãng, kể cả sáu chữ viết tắt HS - TS - VN trước đây
không dám viết công khai, còn phải viết lén lút. Một chi tiết không thể không
nhắc đến là trong suy nghĩ của đa số Uỷ viên Bộ Chính trị đảng CSVN rất tự hào
về sự thành công của nền Kinh tế Trung quốc trong mấy thập kỷ qua. Bên cạnh đó
họ rất tin tưởng rằng Trung quốc và Nga là 2 quốc gia luôn ủng hộ các chế độ độc
tài bằng cách phủ quyết, việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Nga một
trong những mục tiêu chính không ngoài vấn đề đó - giải pháp hõ trợ cho hòa
bình trên Biển Đông cộng với sự an toàn của đảng CSVN. Do vậy những ai hy vọng
Việt nam sẽ dựa vào Mỹ trong vấn đề Biển Đông là hoàn toàn không thực tế, vì
cũng như kiểu lý luận dẫu Trung quốc có chiếm nhưng rồi họ sẽ trả lại vì ta và
bạn là hai nước Xã hội Chủ nghĩa còn ăn sâu trong tư duy của các nhà lãnh đạo
hàng đầu của Việt nam. Đó là sản phẩm của cái tư duy thà mất nước còn hơn mất đảng.
Nên nhớ, hiện nay một số lớn các quốc gia trên thế giới và
khu vực họ cho rằng không thể lơ là mối nghi ngờ rằng những người cộng sản sẽ đặt
quyền lợi giai cấp lên trên quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Đừng tưởng rằng
ngày nay họ (những người cộng sản) đi theo kinh tế thị trường, đã phản bội chủ
nghĩa Mark- Lenin thì tư duy cộng sản trong họ không còn và mộng làm cách mạng
thế giới cũng đã hết. Do vậy thì việc họ có giả vờ cãi vã về lãnh thổ hôm nay,
nhưng cũng không làm giảm niềm tin sẽ có ngày hòa hợp trong cái thế giới đại đồng
kiểu cộng sản trong tương lai thì cũng rất có khả năng xảy ra. Đó cũng là lý do
tại sao những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, trong khu vực quần đảo Trường
sa những ngày qua hầu như chủ yếu chỉ diễn ra trong khu vực lãnh hải thuộc quyền
kiểm soát của Philippine chứ không diễn ra trong khu vực lãnh hải thuộc quyền
kiểm soát của Việt nam. Hoặc như vụ chạm trán trên biển Đông giữa 30 tàu cá
Trung Quốc ra đánh bắt trái phép tại Trường Sa trong 18 ngày với 40 tàu cá Việt
Nam xảy ra ngay ngày đầu tiên 30 tàu cá Trung Quốc kéo ra Trường Sa, tuy nhiên
tàu cá hai bên tránh nhau và không xảy ra va chạm (!?).
Nhưng mục tiêu cao nhất mà cả Trung quốc và Việt nam đều đồng
thuận và cùng đang nhằm tới là vơ vét tài nguyên quốc gia để bán chác kiếm tiền
cho các quan chức lãnh đạo đút túi, càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Tuy vậy
bên nào cũng tham lam không kém gì nhau, nên chỉ có phương án dung hòa cùng vơ
vét, cùng chia chác là đảm bảo cả hai bên đều có lợi. Dại gì mà họ tự gây chuyện
đánh nhau, chiến tranh sẽ chỉ xảy ra khi việc ăn chia không công bằng giữa các
bên đã thỏa thuận, vả lại trường hợp có chiến tranh thì phía Việt nam cầm chắc
cái thua trên già nửa. Tình hình trên Biển Đông có lẽ sẽ tiếp tục ở tình trạng
như hiện nay ít nhất trong vòng hết năm 2012, khi kết quả đại hội đảng CSTQ lần
thứ XVIII ngã ngũ chấm dứt sự cạnh tranh quyền lực và cũng là khi TBT đảng CSVN
sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ để bàn giao lại cho người khác. Hy vọng khi đó có ban
lãnh đạo mới của đảng CSVN sẽ có một chính sách ngoại giao với Trung quốc thỏa
đáng hơn.
Tuy nhiên có thể nói, nếu có xảy ra chiến tranh trên Biển
Đông giữa Việt nam và Trung quốc vào thời điểm này có lẽ không chừng sẽ có lợi,
đó là sẽ để cho đảng CSVN thấm bài học sức mạnh của nhân dân. Điều mà vốn từ
lâu nay với thói kiêu ngạo của mình, họ (đảng CSVN) đã quá coi thường và không
biết trân trọng cái sức mạnh, vốn đã giúp họ đi hết từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác trong lịch sử./.
Hà nội, ngày 31 tháng 7 năm 2012
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
http://dailyvnews.blogspot.com.au/2012/08/mot-cach-nhin-khac-trong-tranh-chap.html#more
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Cảm ơn kami đã mang đến cho đọc giả bài biết rất hay,rất sâu sắc thâu tóm xuyên suốt đươc hết những ý chính làm cho người đọc cảm thấy rất mãn nhãn,chúc Kami sức kkoẻ ,viết khoẻ để bạn đọc được đọc nhiều bài hay và chất lượng nữa.
Trả lờiXóa