12-8-2012
Hình bên: Cờ Trung Quốc trên một cụm nhà giàn tại một đảo ở Trường Sa, Biển Đông. Ảnh tư liệu chụp năm 1995. REUTERS/Stringer/Files
Phát biểu sau cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì vào hôm nay 12/08/2012, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã thúc giục các nước Đông Nam Á giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong nội bộ khối ASEAN trước khi đưa vấn đề này ra bàn với Bắc Kinh. Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, tuyên bố của lãnh đạo ngành ngoại giao Malaysia hàm ý yêu cầu ASEAN hình thành một mặt trận thống nhất hơn để đối phó với Trung Quốc đang càng lúc càng quyết đoán.
Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Malaysia tỏ ý tin tưởng
là khối ASEAN có khả năng giải quyết được vấn đề Biển Đông và « Trung Quốc
cũng mong muốn một cách nghiêm túc trong việc tìm kiếm giải pháp ».
Tuy nhiên, ông Anifah đã ghi nhận là giữa các thành viên
ASEAN với nhau cũng có những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo. Vì thế ông đề nghị : «
Hãy thảo luận về những tranh chấp đó trong nội bộ các nước ASEAN, trước khi nói
chuyện với Trung Quốc ».
Theo Ngoại trưởng Malaysia, hồ sơ Biển Đông chỉ có thể được
giải quyết nếu tất cả các bên tranh chấp đồng ý với nhau, và chỉ khi đó thì
Trung Quốc mới đánh giá đúng được vấn đề và thấy rõ được đó là mong muốn của
ASEAN.
Tuy nhiên ông Anifah không đưa ra bất kỳ lịch trình nào về
thời điểm ASEAN thảo luận các tranh chấp chủ quyền giữa các thành viên trong khối.
Phải nói là nếu Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn
bộ Biển Đông, đối kháng với toàn thể các láng giềng Đông Nam Á, thì giữa 4 nước
ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, cũng có tranh chấp chủ quyền
chồng chéo với nhau ở khu vực quần đảo Trường Sa, một vấn đề cho đến nay vẫn chưa
giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Malaysia và Việt Nam đã có
những nỗ lực hợp tác nhằm vượt qua các tranh chấp song phương, chẳng hạn như các
công ty dầu khí hai nước đã cùng nhau khai thác ở vùng Biển Đông có tranh chấp.
Trong lãnh vực ngoại giao, nổi bật nhất là sự kiện vào năm
2009, Malaysia và Việt Nam đã kết hợp được với nhau để cùng đệ trình lên Liên
Hiệp Quốc bản đề nghị kéo dài vùng thềm lục địa của mình ở khu vực Nam Biển Đông
trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Riêng Việt Nam
thì còn có một đề nghị thứ hai, liên quan đến vùng phía Bắc Biển Đông, tức là vùng
Hoàng Sa, nơi chỉ có Việt Nam là tranh chấp với Trung Quốc, còn Malaysia thì
không.
Theo một số nhà quan sát, chính thế liên kết bất ngờ kể trên
giữa Malaysia và Việt Nam đã khiến Trung Quốc bực tức và ngay sau đó, Bắc Kinh đã
bác bỏ các đề nghị của các láng giềng Đông Nam Á, và công khai hóa tấm bản đồ 9
đường gián đoạn đòi chủ quyền trên hơn 80% Biển Đông. Và cũng từ khi ấy, các hành
động lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông càng lúc càng gia tăng.
Nhưng cũng vào lúc ấy, tranh chấp Biển Đông giữa các nước
ASEAN với nhau cũng đã bộc lộ một cách rõ ràng. Trong khi Việt Nam và Malaysia
đồng ý với nhau, thì chính quyền Philippines vào lúc đó của bà Gloria Arroyo đã
có phản ứng tương tự như Trung Quốc và lên tiếng bác bỏ đề nghị chung của Hà Nội
và Kuala Lumpur.
Lời kêu gọi ASEAN đoàn kết của Malaysia vào hôm nay một lần
nữa đã nêu bật tình trạng chia rẽ trong nội bộ ASEAN về vấn đề Biển Đông, vốn đã
thể hiện qua sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng
tại Phnom Penh vào tháng 7 vừa qua đã không ra được bản thông cáo chung.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120812-malaysia-keu-goi-asean-doan-ket-tren-van-de-bien-dong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét