Đoan Trang
Người ta thường nói về “tham vọng bá quyền” của Trung Quốc
như một lời cảnh báo đối với thế giới, nhất là với các nước trong khu vực,
trong đó có Việt Nam. Ít người nói với chúng ta rằng tham vọng đó không phải là
nguy cơ mà là một thực tế; và ở vị trí nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam
cần có sự chuẩn bị và thái độ ứng xử thích hợp.
Việt Nam - nạn nhân khó tránh khỏi
Bá quyền, theo nghĩa chung, được định nghĩa là quốc gia siêu
cường duy nhất, mạnh tới mức chi phối tất cả các nước khác trong hệ thống - khu
vực nếu là bá quyền khu vực, và thế giới nếu là bá quyền toàn cầu.
Từ trước đến nay, chưa một quốc gia nào trở thành bá quyền
toàn cầu. Theo học giả người Mỹ John Mearsheimer, trở ngại chính là “khó
khăn trong việc áp đặt quyền lực của mình lên một nước đối thủ nằm ngoài khu vực
của mình”. Ví dụ, Mỹ tuy là nước mạnh nhưng không thể khống chế châu Âu theo
cách mà Mỹ áp dụng ở châu Mỹ.
Ngoài ra, nếu bị đại dương ngăn cách, các nước thường không
có khả năng tấn công chống lại nhau: “Biển rộng là trở ngại lớn, phát sinh
ra nhiều vấn đề triển khai lực lượng cho bên tấn công”. Mearheimer lấy Anh và Mỹ
làm ví dụ. Hai nước này chưa bao giờ bị một quốc gia lớn khác xâm lược. Cũng vì
bị đại dương cản bước, mà Mỹ chưa bao giờ xâm lược châu Âu và Đông Bắc Á, còn Anh
không cố gắng tấn công quân sự vào châu Âu lục địa.
Từ đây, Mearsheimer đưa ra một khẳng định: Cách tốt nhất mà
một nước lớn có thể trông đợi là trở thành bá quyền khu vực và kiểm soát các quốc
gia kề cận nó, có chung đường biên giới với nó, các quốc gia mà nó có thể tiếp
cận dễ dàng bằng đường bộ.
Địa vị của Trung Quốc hiện nay ở châu Á cho thấy đất nước
hơn một tỷ dân này đã và đang ở tâm thế trở thành bá quyền khu vực, và sẽ là một
thực tế dễ hiểu, dễ lý giải nếu họ muốn chi phối, kiểm soát các quốc gia láng
giềng, trong đó có Việt Nam. Hơn thế nữa, với những đặc thù về địa chính trị, địa
kinh tế của mình, Việt Nam không tránh khỏi là đối tượng đặc biệt đáng lưu ý
trước mắt bá quyền khu vực.
Trở thành bá quyền - ham muốn cố hữu trong quan hệ quốc tế
Cần phải khẳng định ngay rằng, xu hướng trở thành bá quyền
không phải là tham vọng của riêng Trung Quốc. Nó là ham muốn của bất kỳ một nước
nào có vai trò nhất định khi tham gia vào quan hệ quốc tế (Nga, Pháp, Đức,
Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v...)
Từ năm 1933, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Frederick
Schuman đã viết rằng, do không có một cơ quan quyền lực trung ương đứng trên lập
ra và thực thi các quy tắc ứng xử trên toàn cầu, nên mỗi quốc gia đều đơn độc,
dễ bị tổn thương và do đó buộc phải ích kỷ.
Nước nào cũng phải tự cứu lấy mình. Điều này luôn đúng, cả
trong ngắn hạn lẫn dài hạn, bởi vì nếu một quốc gia bị thua thiệt trước mắt thì
rất có thể họ sẽ không tồn tại được lâu dài. Cách tốt nhất để tự cứu là phải trở
nên hùng mạnh hơn các nước khác trên nhiều phương diện, không chỉ là quân sự
hay kinh tế. Kịch bản lý tưởng là trở thành bá quyền trong hệ thống, nếu không
đạt tới phạm vi toàn cầu thì cũng phải là khu vực.
Thế nên, không có gì lạ nếu Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng
bá quyền ở châu Á ngày nay. Lợi ích của họ càng bành trướng, thì họ càng có xu
hướng vươn tới địa vị bá quyền hơn nữa, để bảo vệ bằng được lợi ích đó.
Không nên đặt câu hỏi tại sao Bắc Kinh luôn muốn mở rộng tầm
ảnh hưởng kinh tế - chính trị - quân sự tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bởi
vì dù có an toàn đến đâu thì một nước lớn cũng không cảm thấy đủ về an ninh; và
càng lớn mạnh, họ càng cần tăng cường an ninh để duy trì địa vị của mình.
Nước lớn kìm chân nhau, nước nhỏ tận dụng
Cùng với xu hướng khao khát trở thành bá quyền, mỗi nước lớn
đều có xu hướng ngăn cản nước lớn khác xâm nhập vào vùng ảnh hưởng của mình. Ví
dụ, Mỹ - bá quyền khu vực Tây bán cầu - tất yếu phải tìm cách kiểm soát Trung
Quốc - nước đang có tham vọng bá quyền ở châu Á - bởi sợ Trung Quốc xâm phạm vào
sân sau của Mỹ.
Hơn nữa, theo John Mearsheimer, “nếu một nước có khả
năng làm bá quyền xuất hiện, các nước lớn khác trong khu vực đó sẽ tìm cách kiềm
chế”. Từ nhận định đó, ta có thể thấy rằng hai nước lớn khác ở Đông Á là Nhật Bản
và Hàn Quốc không dễ chấp nhận để Trung Quốc vươn lên địa vị bá quyền khu vực.
Áp dụng lý thuyết này, Việt Nam có thể tận dụng quan hệ với các nước lớn trong
khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc) và thế giới (Mỹ, Anh, Pháp) để gây rào cản đối với
Trung Quốc.
Tất nhiên, điểm cốt yếu là, để chống lại bá quyền, các nước
đối tượng của bá quyền không còn cách nào khác là phải liên tục nâng cao vị thế
của mình trên trường quốc tế, thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế.
Một điều mà những quốc gia nạn nhân cần đặc biệt lưu ý, là
không có sự mặc cả giữa bá quyền và đối tượng của bá quyền. Nói cách khác, tham
vọng bá quyền của một nước lớn sẽ không bao giờ dừng lại, chính bởi cái nguyên
tắc “tự cứu” nói trên. Nước nhỏ không thể thỏa thuận với nước lớn rằng
sự bành trướng của nước lớn sẽ chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó để không ảnh hưởng
tới nước nhỏ.
Bá quyền luôn không đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để
có được bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận
và góp phần, một phần hoặc toàn thể, của những kẻ bị bá quyền.
Và cách ứng xử của Việt Nam
Frederick Schuman viết rằng, trong chính trị quốc tế, Chúa
chỉ cứu những ai biết cách tự cứu mình, và để tự cứu, không loại trừ khả năng
các nước lập liên minh với nhau. Nước càng yếu thế về kinh tế - quân sự, thì
càng phải phát triển sức mạnh ngoại giao và sự liên kết với các nước khác. Điều
tối kỵ là một quốc gia vừa nhỏ yếu vừa bị cô lập trên thế giới.
Như TS. quan hệ quốc tế Vũ Hồng Lâm nhận định, nếu những sức
ép mà Trung Quốc gây cho Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm thì điều đó sẽ
khiến Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong quan hệ với Việt Nam, nhất là khi
Trung Quốc lại luôn muốn tự vẽ mình như một nước lớn thân thiện.
“Trỗi dậy hòa bình”, không gây hấn với các quốc gia khác, dồn
mọi nỗ lực vào tăng trưởng kinh tế - đó là hình ảnh mà Bắc Kinh ra sức tạo dựng
trước thế giới. Trong một bài diễn văn kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ tại Đại hội
Đảng lần thứ 17, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu chi tiết về các vấn đề
kinh tế, tài chính, công nghiệp, xã hội và môi trường, tuy nhiên hoàn toàn bỏ
qua lĩnh vực ngoại giao.
Nhưng trên thực tế, các chính sách kinh tế - đầu tư - thương
mại mà Bắc Kinh thi hành tại Đông Nam Á, những đòi hỏi vô lý về chủ quyền ở Biển
Đông, cùng những tranh cãi liên miên về đường biên giới với Nga và Ấn Độ, đã
khiến Trung Quốc mang hình ảnh của một láng giềng nước lớn, bành trướng và khó
chịu.
Việt Nam và các nước trong khu vực không thể trông đợi Trung
Quốc sẽ “trỗi dậy hòa bình” như chủ thuyết ngoại giao (chưa bao giờ
được công bố) của họ. Cũng vậy, Trung Quốc “khó lòng tơ tưởng đến việc họ
có thể lặng lẽ bước lên vũ đài thế giới mà không gây ra mảy may chú ý nào”. Đó
là nhận định của Fareed Zakaria trong cuốn “The Post-American World” (Thế
giới hậu Mỹ), có lẽ cũng là điểm mà Việt Nam - nước láng giềng liền kề biên giới
Trung Quốc - không nên bỏ qua.
http://trangridiculous.blogspot.de/2012/08/chu-nghia-ba-quyen-va-cach-ung-xu-cua.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét