6-8-2012
SGTT.VN - Việc 9.000 tàu cá tại Hải Nam và 13.000 tàu cá tại
Quảng Đông Trung Quốc ồ ạt kéo ra Biển Đông liệu có phải là một nước cờ “thật”
trên quy mô rộng lớn hơn sau những phép thử liên tục của nước này tại Biển Đông?
Việc Trung Quốc cho tàu cá liên tục hiện diện với số lượng
lớn và ngăn cản tàu cá của các quốc gia khác đánh bắt, là một bước đi “xác
quyết chủ quyền trên thực địa” được Trung Quốc tính toán hết sức tỉ mỉ.
Thứ hai, với hành động này, Trung Quốc đang muốn thể hiện
sức mạnh áp đảo của mình và ngầm “đe nẹt” các nước có liên quan đến tranh chấp
Biển Đông; cảnh báo các quốc gia trong khu vực về khả năng quân sự hoá tàu cá
của mình – như việc nước này cân nhắc trang bị vũ khí và huấn luyện cho 100.000
ngư dân của tỉnh Hải Nam, để tạo nên một “lực lượng quân sự mạnh hơn tất cả các
nước khác ở Biển Đông gộp lại” và khi đó, “lực lượng hải quân của cả khu vực
Đông Nam Á cũng sẽ không thể ngăn cản Trung Quốc độc chiếm Biển Đông!”
Từ dân sự sang quân sự là một bước đi tiện lợi và ngày càng
rõ ràng hơn qua các hành động quân sự hoá ráo riết gần đây của Trung Quốc.
Diễn biến thực tế cho thấy phần nào hiệu quả của những thủ
đoạn mà Trung Quốc đã áp dụng. Lực lượng hải quân Philippines chưa thể đuổi tàu
cá Trung Quốc khỏi bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines cũng chưa thể quay
trở lại khai thác tại ngư trường này. Khi ngư dân Philippines bị phía Trung
Quốc rượt đuổi, bắt bớ ngay tại vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia mà
chính quyền Manila chưa thể bảo vệ họ hữu hiệu, thì uy tín của chính phủ trong
mắt người dân khó tránh khỏi bị giảm sút. Đây chính là mầm mống nguy hiểm cho
sự ổn định của quốc gia Philippines mà Trung Quốc đã gieo vào; chưa kể sự hiện
diện của tàu cá Trung Quốc trên vùng bãi cạn Scarborough, nếu diễn ra trong một
thời gian dài, có thể làm ngư dân cảm thấy bất lực và cho rằng việc Trung Quốc
xuất hiện tại vùng biển của họ là điều không thể tránh được. Từ đó, Trung Quốc sẽ gián tiếp chiếm được
các vùng biển này nhờ sự từ bỏ của chính các ngư dân Philippines.
Nước cờ này của Trung Quốc còn nhắm đến một kết quả khác, đó
là làm suy giảm niềm tin của các nước đang tranh chấp ở Biển Đông vào các cường
quốc khác bên ngoài, đặc biệt là Mỹ. Rõ ràng trong vụ Scarborough mới đây, Mỹ
ít nhiều đã khiến nhiều người thất vọng do không giúp được Philippines giành
lại Scarborough, dù hai nước đã ký hiệp ước Liên minh quân sự. Hệ luỵ của việc
này có thể sẽ dẫn đến sự dè đặt trong hành động phản kháng, thậm chí có thể là
buông bỏ, của các nước có liên quan trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc,
vì nghĩ rằng sẽ khó có sự hỗ trợ từ các cường quốc khác.
Việc Trung Quốc điều động một lượng lớn tàu cá tràn vào các
khu vực tranh chấp trên biển cũng cho thấy rõ một mưu đồ, đó chính là biến
những hành động gây hấn của Bắc Kinh trở nên quen thuộc và bình thường tới mức
hiển nhiên. Nói cách khác, khi đó, việc đánh bắt cá của các đội tàu Trung Quốc
tại các ngư trường quanh Hoàng Sa và Trường Sa sẽ dần dần trở thành chuyện
không có gì phải bàn cãi về thực tế! Việc cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung
Quốc bị các bên liên quan như Việt Nam hay Philippines phản đối mạnh mẽ. Tuy
nhiên, có thể thấy rằng cả Việt Nam lẫn Philippines dường như vẫn chưa đủ “lực”
để chống lại điều này một cách thực sự, dù cả hai đều quyết tâm cao.
Có một điểm chung, đó là cho đến nay ngư dân của Việt Nam và
Philippines đều chưa được trang bị tốt, dẫn đến việc họ khó có thể bám biển dài
ngày để kiên trì thực thi và thể hiện quyền chủ quyền tại các ngư trường của
mình. Bên cạnh đó, lực lượng chấp pháp biển yếu về cả chất và lượng đã khiến
ngư dân hai nước lép vế hoàn toàn khi so sánh cùng ngư dân Trung Quốc với lực
lượng hải giám hay ngư chính của họ luôn kè kè bên cạnh.
Cũng cần lưu ý, việc cả chục ngàn tàu cá ra khơi ồ ạt sau
lệnh cấm đánh bắt đơn phương mà Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông còn nhằm mục
đích thể hiện sự hợp pháp, nói cách khác, là nhằm hợp thức hoá lệnh cấm đánh
bắt vô lối kia để từ đó có thể tiếp tục cấm các nước khác đánh bắt cũng như
khai thác tài nguyên trên Biển Đông trong tương lai.
Những đặc điểm đó – từ mưu mô thâm hiểm của Trung Quốc đến
diễn biến thực tế trên vùng tranh chấp – được nhấn mạnh trong thời gian gần
đây. Tuy nhiên, để thay đổi thực tế đó xem ra không đơn giản và có vẻ như không
phải chỉ trong một sớm một chiều.
Chiến lược tiếp cận Biển Đông dựa trên tồn tại quân sự của
Trung Quốc sẽ gồm ba lớp chính. Tàu cá cùng với những ngư dân, chủ yếu tại Hải
Nam và Quảng Đông, sẽ là lớp đầu tiên với nhiệm vụ thực thi quyền “chủ quyền
thực tế” của Bắc Kinh tại Biển Đông, vừa tránh được tiếng sử dụng vũ lực vừa
thể hiện quyền “tự nhiên” dựa trên quá trình sinh sống của các ngư dân thông
qua việc bắt cá làm kế sinh nhai. Lớp thứ hai chính là các đội tàu kiểm ngư bán
quân sự, lực lượng xương sống trong việc chấp pháp và bảo vệ chủ quyền. Và lớp
cuối cùng, đó chính là hải quân Trung Quốc – lá chắn và cũng là mũi kiếm mạnh
mẽ nhất.
Những phân tích trên nhằm chỉ rõ vai trò quan trọng của
“chiến lược tàu cá” mà Bắc Kinh đang thực hiện. Trước các bước đi đầy toan tính
không trong sáng đó, chúng ta rất cần những biện pháp đối phó thích hợp và hiệu
quả.
http://sgtt.vn/Thoi-su/166836/Chien-luoc-tau-ca-%E2%80%93-nuoc-co-quyet-dinh-cua-Trung-Quoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét