19-8-2012
Hãy đối chiếu xưa nay để nhìn thân thế cá nhân hôm nay và nhận ra thực tại lạc đường của cả dân tộc. Hãy so sánh trước sau để chiêm nghiệm tâm linh bản thân và nhìn ra hiện tượng lạc hồn của toàn đất nước. Hãy tự mỗi người tái khẳng định ý chí tự quyết và ý thức dân chủ cho cá nhân mình.
Nói đến dân chủ tự do thì cũng giống như nghe hát hò ...lơ. Xứ nào cũng nói
mình có dân chủ. Phe nào cũng nói phe mình là phe dân chủ. Trong nhà ngoài ngõ,
loa cũng hét dân chủ, người dân thường cũng xù xì dân chủ tại quán cóc. Ba mặt
bốn bên hò dân chủ om sòm. Sở dĩ, nghe chuyện dân chủ giống như nghe hát hò lơ,
vì nghe hò quá nhiều, nên ...lơ luôn! Cho tiện.
Như trong hiện tại, cái Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là một
trong vài đảng độc tài, bạo lực chuyên chính nhất còn sót lại trên trái đất lại
tự xưng là có dân chủ nhất. Những người chiếm cương vị lãnh đạo đảng ấy lại đời
đời kế tục truyền ngôi cho con cháu, thân hữu, mà lại hò hét là đang thể hiện
dân chủ tập thể. Họ tin là dân Việt nam còn ngu, cần đợi nâng cao dân trí rồi mới
nói chuyện dân chủ đa nguyên kiểu Tây phương được ...mà hỡi ôi, họ lại đang cố
bóp tịt một nguồn cung ứng thông tin và kiến thức quan trọng là internet. ĐCSVN
có biết đâu ...
Ngày xưa, có chuyện hò dân chủ đến loạn cả thế sự như thế
chăng?
Dân chủ, theo định nghĩa là chính quyền dân trị. Điều này có
nghĩa là mọi người dân trong một xã hội dân chủ có quyền góp tiếng nói bằng nhiều
cách trong mọi mặt có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Giới hàn lâm chính trị thường
cho rằng quyền này có thể thực thi một cách trực tiếp, không qua trung gian; hoặc
gián tiếp, qua các đại diện, gọi là cơ chế dân chủ đại biểu.
(Hò lơ! hó lơ...Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ...!)
Điều không may là các thể chế tự nhận là dân chủ đại biểu đa
phần đã đánh mất đi ít nhiều tính dân chủ thực sự trong nguyên nghĩa vì sự lạm
dụng cương vị đại biểu để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Một chế độ như
chế độ chính trị tại Việt Nam hiện nay với cơ chế độc đảng cộng sản, toàn trị
là ví dụ điển hình hiếm hoi còn sót lại trên trái đất này của một cơ chế tự cho
là đỉnh cao của thế chế dân chủ đại biểu, nhưng với bản chất mị dân, giả hình,
giả dạng, các đại biểu cộng sản Việt Nam gọi nó là dân chủ tập thể, tập trung,
mà thực chất là tập quyền trong tay một nhóm người và sử dụng cơ chế này để đối
xử tàn độc đối với mọi con người (nhất là những người khác biệt chính kiến)
trong xã hội Việt Nam. Trong chế độ ấy, sự thay xương đổi thịt đã hoàn toàn đến
độ không còn một vết tích gì đáng gọi là dân chủ. Lý tưởng dân chủ đã bị ám sát
ngay tự ban đầu.
Dầu sao, điều trên đây là những ghi nhận qua khảo sát một nền
dân chủ giả thiết đã lập thành, đã kiện toàn; được mang ra so sánh với một thực
tế đau đớn của dân tộc Việt Nam. Nhưng trong thực tiễn sinh động của cuộc đời,
một thể chế dân chủ đã hình thành và chuyển hóa ra sao?
(Hò là hò ..lơ!)
Trong trường hợp Hoa Kỳ, một nước được xem là có một thế chế
dân chủ thuộc loại tốt đẹp bậc nhất toàn cầu hiện nay nền dân chủ của họ thực tế
đã thoát thai, đã hình thành, đã được xây dựng, phát triển liên lủy không ngừng
mãi đến hôm nay...tất tất mỗi bước đều bắt nguồn từ ý chí của mỗi người dân
trong xã hội ấy.
Trong thời chiến tranh giành độc lập, mỗi người dân trong xã hội ấy đều có ý
chí sôi sục về quyền tự quyết của con người, và để giữ được quyền tự quyết, họ
ý thức sâu sắc là phải xây dựng một xã hội dân chủ, một chính quyền dân trị.
Hãy nghe Thomas Jefferson: "Xin quý Ngài hãy tin tôi, không một kẻ nào
trên toàn thể Đế quốc Anh có lòng yêu quí những Người Anh Vĩ Đại như tôi.
Nhưng, vâng ý đấng Toàn năng đã tạo ra tôi, tôi sẽ hy sinh tính mạng mình trước
khi lùi bước trước những điều kiện theo đề nghị của Nghị Viện Anh; và khi nói
thế, tôi nghĩ là tôi đang phát biểu tâm tư của nước Mỹ". Tâm tư này là
"Ý Chí Độc Lập và Ý Thức Dân Chủ"
Tự bấy đến nay, hơn hai trăm mấy chục năm qua, hầu như mỗi một
phút giây, không lúc nào người Mỹ ngưng phát biểu công khai về dân chủ. Chính
quyền dân trị được xây dựng, đôn đốc, kiểm tra bằng bộ máy quản trị và mọi người
dân, ai cũng có quyền xét nét, tra vấn mọi việc làm của chính quyền và đề nghị
những cải cách, sửa đổi. Tất tất để bảo vệ quyền tự quyết của người dân và phát
dương ý thức dân chủ trong đời sống. Trong sinh hoạt đời thường cũng thế, ngoài
luật pháp và các cơ quan tư pháp, mọi người dân thường đều có quyền khiếu nại tố
tụng, với tư cách pháp nhân bình đẳng với tất cả các cơ quan chính quyền hay
các tổ chức xã hội và các cá nhân khác. Tất tất thể hiện ý chí tự quyết và ý thức
dân chủ. Ngay cả Hiến Pháp Hoa Kỳ, văn bản pháp qui cơ bản của quốc gia cũng được
tu chính nhiều lần. Tất tất cũng để phản ảnh, thích ứng tâm tư của nước Mỹ: Ý
chí tự quyết và ý thức dân chủ, thà chết chứ không hàng!
Thế, ...Việt Nam thì sao!?
(A li hò lờ!)
Khác với lịch sử Hoa Kỳ chỉ khoảng ba trăm năm, Việt nam có
một lịch sử lâu dài nhiều nghìn năm, nên lịch sử Việt nam bao hàm rất nhiều
chuyện thuộc về cổ tích, huyền sử, dã sử vốn là truyền thuyết dân gian kết tập
lại, nhưng nếu không có gì hay ho, không phản ảnh được tâm tư con người tí nào,
thì ai dại truyền khẩu cho bị chê là nhạt nhẽo, nhất là trong hoàn cảnh chinh
chiến máu xương liên miên của lịch sử Việt nam, suốt những mấy nghìn năm!? Vậy
thì tự các cổ tích, huyền sử, dã sử về tự nó trên hành trình để tồn tại đã mang
theo những dấu vết của một ý chí quật cường để sinh tồn, nếu không ai học lịch
sử làm gì.
Muốn nhìn cho rõ nét ý chí độc lập và ý thức dân chủ của dân
tộc Việt Nam, thiết nghĩ nên hướng tầm mắt nhìn quá vài trăm năm về quá khứ...(Tạm
gác lại qua những rối ren thời cuộc của một thời Trịnh Nguyễn phân tranh, một
thời gươm giáo phản Thanh, một thời Pháp thuộc đau nhục, một thời Quốc Cộng máu
xương, và đương thời một thiên đàng độc lập-tự do-hạnh phúc bay cao, bay xa, và
bay mất tiêu luôn!) - Về với xa xưa, xa nữa...
Trong cái xã hội Lạc Việt gồm các bộ tộc bị xem là bán khai
và được các quan lang chia nhau cai trị ấy, điều gì đã khiến cho cả một đất nước,
đang đứng trên bờ vực chiến tranh với nhà Đông Hán, lại toan thể đồng lòng lựa
chọn hai phụ nữ lên nắm toàn quyền, lãnh đạo toàn dân đứng lên chống lại, và
đánh thắng được giặc xâm lăng, dù chỉ trong một khoảng thời gian chẳng dài? Điều
gì đã khiến cho các Lạc Quan, Lạc Tướng đều đứng lên, nép một bên, dạt một
phía, nhường chỗ, nhường quyền cho hai người phụ nữ lãnh đạo, và toàn dân lại
nhất tề hưởng ứng?
Lại có, giữa một xã hội theo đế chế, quân chủ sơ khai, điều
gì đã khiến cho nhà vua lại nẩy ra ý định đi rao trong dân, tìm kiếm, kêu gọi
người nào có tài thì xin ra giúp nước trong thời giặc Ân!? Ông Vua và các nhân
tài trong cung đình "bí thế" đến phải dùng một cậu bé ba tuổi là
Thánh Gióng vậy ư!? Hay do một viễn kiến sáng suốt dùng cách đó để huy động
toàn dân đồng lòng chống giặc. Dân như con đỏ. Tiền nhân có những ngụ ý gì -
khi dùng hình ảnh đức vua cầu thị một cậu bé ba tuổi mà chưa biết đi, chưa biết
nói, vươn lên, đứng dậy, với phương tiện là một con ngựa sắt và một bụi tre nhổ
ở đầu làng Sóc Sơn, nhận trách nhiệm lãnh đạo toàn quân đi dẹp giặc cứu nước!?
Ngụ ý hẳn có nhiều, và lịch sử còn đấy để ta học hỏi. Điều quan trọng ở đây là
từ Vua quan đến dân dã đều biểu lộ một ý chí tự quyết và một ý thức dân chủ cao
độ.
Còn nữa, điều gì đã khiến cho những phụ lão có thể đại diện cho cả nước biểu lộ
ý chí của toàn dân quyết đánh đuổi giặc Nguyên Mông tại thềm điện Diên Hồng, rồi
sau đấy họ cũng chính là những con người vận động toàn sức dân đánh giặc!? Cuộc
họp dân chủ khóang đại qui mô đã thực hiện cũng vẫn dưới một nền quân chủ,
nhưng có cần dựa một mô thức có sẵn nào tại Tây phương thời bấy giờ, vốn rất gần
với thời ăn lông ở lỗ, cũng chẳng phải "sao y bản chánh" từ Thiên triều
nòi Hán, vốn đang nằm bẹp dí và tan tác dưới vó ngựa Nguyên triều.
Còn nữa, những ai tìm hiểu về phong tục tập quán người xưa đều biết dân ta có tục
phế, lập Thần Hoàng. Thần Hoàng là một biểu tượng thuộc tâm linh, có khả năng,
và chức năng quản xét giáng phúc hay gia hoạ cho bất cứ ai. Ấy thế mà tục lập
Thần Hoàng lại giao quyền ấy cho người dân trong làng. Người chết được phong Thần
Hoàng. Bất chấp lúc sinh thời là ăn mày, đĩ điếm, cường đồ, thảo khấu, trôi
sông lạc chợ cho chí văn nhân tiến sĩ, hễ ai lúc chết đi mà hiển linh gia hộ
cho dân làng được khoẻ mạnh, mùa màng phong túc thì sẽ được lựa và tiến cử để
Vua lập sắc phong (một hình thức bổ nhiệm). Điều khác là nếu trong ba năm liên
tiếp mà làng gặp chuyện không may, mưa nắng trái mùa, dân tình đói khổ thì người
dân có quyền họp lại xin vua phế Thần Hoàng (đương nhiệm) và sắc lập một vị Thần
Hoàng (tân tuyển) khác! Nếu việc này không phải là thực thi quyền tự quyết
trong xã hội dân chủ thì gọi là gì?
Nhiều. Nhiều lắm những sự kiện lịch sử, những phong tục, ...
biểu hiện ý chí tự quyết và ý thức dân chủ của dân tộc Việt Nam nhưng ba thí dụ
nêu trên là điển hình của một tinh thần dân chủ quật cường thực thi bằng quyền
tự quyết. Tự lựa chọn vận mạng trong tinh thần bình đẳng, không phân biệt giới
tính, già trẻ, không phân biệt giai tầng xã hội, giàu nghèo sang hèn, không
phân biệt đang sống hay đã ...chết. Một xã hội có ý chí tự quyết và một ý thức
dân chủ bao biện, nhân bản nhân tính như thế thì, gẫm, còn vượt xa rất nhiều xã
hội khác trong thế kỷ này.
Và tiến lên, mạnh mẽ, khẳng định.○
http://nhucaytrevn.blogspot.sk/2012/08/cau-ho-dan-chu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét