30-8-2012
Lại thêm một lần nữa, cả
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng “bắt
tay” đề xuất lên Chính phủ tăng phạt
Tăng quyền xử phạt cho CSGT, nâng
mức xử phạt và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây cũng là 3 nội dung cơ bản trong
một Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, và một “Đề án” mang tính đặc
thù đối với Thủ đô và TP. Hồ Chí Minh.Rất dễ dàng để có thể nhìn thấy HN và TP
HCM là những TP ùn tắc nhất Việt Nam và những “nghị định”, “đề án” đặc thù,
quanh đi quẩn lại vẫn chỉ xoay quanh thứ tư duy cũ rích “Cấm nhiều hơn, phạt
cao hơn”.
Còn nhớ trong phiên giải trình tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ sáng 24-4, sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng “nhấn mạnh” tới việc nâng trần mức phạt tối đa, đồng thời cho phép thanh tra viên, công an được tăng thẩm quyền xử phạt, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội QH Nguyễn Văn Tiên đã có câu phản biện “để đời”: “Đất nước đã nghèo nhưng các cơ quan quản lý lại đề nghị toàn biện pháp xử phạt nhiều tiền là không hợp lý”. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì thẳng thắn: “Điều các đồng chí nói rất ít đến là tăng trách nhiệm của các cán bộ làm công tác công vụ”.
Điều dễ nhận thấy trong những biện pháp mà Hà Nội cũng như Bộ GTVT đưa ra có xuất phát điểm là một “hiện trạng bất lực”. Bất lực trước tình trạng ùn tắc xảy ra như cơm bữa hàng ngày mà dù có “cấm golf”, kêu gọi đi xe bus, tăng mức xử phạt “đặc thù” tình trạng vẫn không bớt tồi tệ. Khó có thể đòi hỏi tư duy quản lý phải trùng hợp với tư duy đa số, những người phục tùng. Nhưng tuy duy quản lý không thể khác xa với tư duy dân chúng, không thể “đè đầu cưỡi cổ” những người phục tùng, bất chấp họ nghĩ gì, có thực hiện được không.
Hồi đầu tháng bảy, cư dân mạng truyền tin một bức hình “ Cảnh sát giao thông kiệt sức và hy sinh khi cứu sống 2 mẹ con bị ngã xuống sông ở Nghệ An”. Chỉ vài giờ khi được post lên mạng xã hội, bức hình được dẫn lại trên hàng chục diễn đàn, với hàng chục ngàn lượt like, hàng ngàn lời bình luận với những tình cảm hết sức chân thành “nghiêng mình trước anh”.
Bỏ qua những tình tiết đó là một “cái chết” được Tiền Phong cho là “mù mờ”, đã có từ năm 2009, sự thật không thể chối bỏ là người dân không hề ác cảm với người công an. Miễn đó là sự hy sinh, hay giản dị hơn, là sự đàng hoàng, xứng với danh hiệu “cảnh sát nhân dân” mà các anh mang trên vai áo.
3 tháng trước, Đà Nẵng đưa ra chính sách “dưỡng liêm” bị nhân dân la ó. Bây giờ, lại là Thủ đô, và sau đó là “đầu tầu kinh tế của cả nước” với chính sách chính xác là đối phó với dân chúng: cấm nhiều hơn, phạt cao hơn, nâng chế độ bồi dưỡng thù lao ngoài tiền lương cho lực lượng Cảnh sát giao thông để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ.
Nhưng liệu người dân có thể chấp nhận một chính sách chẳng cần quan tâm tới hình ảnh chính quyền? Liệu người dân có thể đồng ý với một sự- không thể nói khác hơn là- đè đầu cưỡi cổ đến như vậy?
https://daotuanddk.wordpress.com/2012/08/30/cam-phat/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét