Người dịch: Trần Văn Minh
17-08-2012
“Nhưng về một đối thủ dùng chiến thuật ‘tích gió thành bão’
– từ từ góp nhặt những hành động nhỏ, không có hành động nào được sử dụng để biện
hộ cho chiến tranh, nhưng có thể tích lũy theo thời gian thành một sự thay đổi
mang tính chiến lược quan trọng thì sao?
Mục tiêu [chiến thuật] tích gió thành bão của Bắc Kinh là
tích lũy từ từ bằng những cuộc tấn công nhỏ nhưng kiên trì, chứng minh sự có mặt
lâu dài trên vùng lãnh thổ mà họ đòi chủ quyền, với chủ ý rằng, việc đòi chủ
quyền đó sẽ làm suy yếu các quyền lợi kinh tế được Công ước Liên Hiệp Quốc về
Luật Biển công nhận và có lẽ ngay cả quyền của các tàu thuyền và máy bay
qua lại [trên Biển Đông] hiện được xem là luật lệ chung trên toàn cầu. Với ‘sự
thật mới hiển nhiên’ một cách chậm rãi nhưng tích lũy dần, Trung Quốc hy vọng sẽ
thiết lập việc chiếm hữu trên thực tế và hợp pháp đối với các tuyên bố chủ quyền
của họ”. —– Theo Robert Haddick, báo Foreign Policy, ngày 3 tháng 8
năm 2012.
Tranh chấp Biển Đông đã dai dẳng kéo dài trong hàng thập
niên qua giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á, đã trở lại tình trạng
xung đột kể từ năm 2008-2009 sau khi Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là ‘lợi ích
cốt lõi’ và sẵn sàng đi tới chiến tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà họ đã
đơn phương tuyên bố.
Sự quyết đoán đó của Trung Quốc không làm cộng đồng quốc tế
ngạc nhiên vì rất đồng điệu với những hành động trong quá khứ của Trung Quốc và
xu hướng dựa vào xung đột để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thay vì những
phương cách giải quyết ôn hòa.
Đáng chú ý là sau năm 2009, Trung Quốc đã tiến hành điều có
thể được diễn tả là trong tiến trình nguy hiểm bên bờ vực chiến tranh quân sự,
không những có thể làm mất cân bằng vùng châu Á –Thái Bình Dương, mà còn có thể
kích động sự đối đầu và xung đột giữa quân đội Trung Quốc với Hoa Kỳ về sự
phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp này.
Tranh chấp Biển Đông đã được đề cập nhiều trong các bài phân
tích của truyền thông báo chí, nên không cần nhấn mạnh trong bài viết này. Do
chính sách đơn phương sử dụng quân sự để gây hấn và sự hiếu chiến sẽ dẫn đến
nguy hiểm, có khả năng lan ra thành một cuộc tranh chấp rộng lớn hơn, nên điều
cần tập trung là, vì sao Trung Quốc cảm thấy được khích lệ và thích thú với chủ
nghĩa phiêu lưu quân sự trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước làng giềng của
họ, mà thông thường có thể được giải quyết ở các diễn đàn quốc tế và khu vực
theo cơ chế đa phương.
Vì thế, bài viết này với mục đích xem xét những vấn đề liên
quan như sau:
Sự gia chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc
trong xung đột Biển Đông: mục tiêu nhắm tới là Hoa Kỳ.
Ý nghĩa của việc chọn thời điểm để gia tăng chính sách bên bờ
vực chiến tranh của Trung Quốc.
Thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược của Hoa Kỳ trong việc
đáp trả một cách hiệu quả đối với chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung
Quốc trong xung đột Biển Đông.
Lựa chọn của các nước đòi chủ quyền để tranh đấu với Trung
Quốc trong việc giải quyết xung đột ở Biển Đông: ASEAN không phải là sự lựa chọn,
mà lựa chọn hữu hiệu là Hoa Kỳ.
Phản ứng của thế giới đối với việc gia tăng khiêu khích chiến
tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển Đông.
Sự gia tăng khiêu khích chiến tranh của Trung Quốc trong
xung đột Biển Đông: mục tiêu nhắm tới là Hoa Kỳ.
Sự gia tăng chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc
trong xung đột Biển Đông không còn giới hạn ở tham vọng kiểm soát khối nhiên liệu
dầu hỏa mênh mông, không những nằm trong vùng Biển Đông mà còn ở cả khu vực
Đông Hải và Hoàng Hải. Chiến lược phá hoại của Trung Quốc trong khu vực Biển
Đông giờ đây đã biến thành một cuộc tranh luận chiến lược lớn hơn, đó là đánh bại
Hoa Kỳ và giữ vai trò thống trị ở châu Á.
Trung Quốc có thể đối xử tàn bạo với các đối thủ tranh chấp
chủ quyền ở Biển Đông bằng sức mạnh quân sự bất cứ lúc nào, nhưng họ sẽ không
làm thế, khi có thể đạt được kết quả sau cùng với sự lựa chọn ít tốn kém, bằng
chiến lược tiến từng bước và tăng dần để giữ sự xung đột sôi động nhưng không
bùng nổ. Với chiến lược như thế, Trung Quốc ra tay trước khi có sự can thiệp kịp
thời của Hoa Kỳ và đạt được mục tiêu chiến lược như mô tả ở trên.
Các tuyên bố chủ quyền hung hăng [của Trung Quốc] ở Biển
Đông chỉ là một tín hiệu báo trước cho sự hiếu chiến tương tự sẽ tiếp theo ở
Đông Hải và Hoàng Hải, nơi mà Trung Quốc sẽ đối đầu với một đối thủ hùng mạnh
hơn là Nhật Bản.
Tuy nhiên, để tiến dần lên vùng biển phía Bắc, đầu tiên
Trung Quốc phải tranh thủ vượt qua Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, cả về mặt địa
chính trị lẫn địa chiến lược.
Về địa chính trị, mục tiêu của Trung Quốc nhắm tới Hoa Kỳ là
xem thường hình ảnh của Mỹ bởi Mỹ dường như bất động trong việc chống lại hành
động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. Chủ nghĩa biểu
tượng ảnh hưởng ở mức độ nào đó và hình ảnh về một nước Mỹ bất lực trong việc
kiềm chế Trung Quốc có thể gây tổn hại cho Hoa Kỳ.
Về địa chiến lược, mục đích của Trung Quốc là phô bày cho
các nước Đông Nam Á thấy rằng sự thiếu vắng thái độ đáp trả mạnh mẽ của Hoa Kỳ
chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc đến từ ý chí chính trị và chiến lược yếu
kém của Mỹ khi đương đầu với Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp. Một cách
rõ ràng hơn là Trung Quốc muốn cho các nước thấy Hoa Kỳ không thể là một đối
tác chiến lược tin cậy của các nước châu Á trong việc chống lại Trung Quốc.
Chiến lược ba mũi nhọn của Trung Quốc mô tả ở trên là biểu
hiện của những điều tôi đã diễn tả trong bài viết I (Paper I) trước đây về chiến
lược làm hao mòn mất cân đối của Trung Quốc để làm tiêu hao ảnh hưởng quân sự của
Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình dương, để mở rộng phạm vi cho Trung Quốc
thống trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ý nghĩa của việc chọn thời điểm để gia tăng chính sách bên bờ
vực chiến tranh của Trung Quốc
Việc chọn thời điểm để gia tăng khiêu khích chiến tranh của
Trung Quốc trong vài tháng qua là quan trọng, nhất là nó đi ngược lại bản chất
của bất cứ quy tắc chiến lược nào. Trung Quốc luôn luôn được cộng đồng thế giới
tin tưởng là có sự kiên nhẫn chiến lược, có viễn kiến chiến lược và rằng Trung
Quốc đang trở thành một thành viên có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu.
Nhưng trong tiến trình hiện nay về việc Trung Quốc gia tăng khiêu khích chiến
tranh ở Biển Đông, những yếu tố này hoàn toàn vắng mặt.
Vậy thì, làm sao giải thích sự hiếu chiến quân sự hiện nay
[của Trung Quốc] trong xung đột Biển Đông? Sự tính toán thời điểm trong việc
gia tăng khiêu khích chiến tranh trong xung đột Biển Đông có thể dựa vào những
yếu tố/ những sự tiến triển sau đây:
Trung Quốc hoảng sợ về việc thay đổi chiến lược và tái cân bằng
lực lượng quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình dương. Trung Quốc hy vọng, bằng
cách leo thang khiêu khích chiến tranh trong xung đột Biển Đông, họ có thể đổi
hướng/ phá vỡ kế hoạch tái cân bằng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ.
Trung Quốc tìm cách ngăn cản sự hấp dẫn chiến lược của Hoa Kỳ
đối với các nước Đông Nam Á và buộc những nước này đi đến thỏa hiệp với Trung
Quốc bằng tiến trình song phương mà trong tiến trình này, sự cưỡng ép chính trị
và quân sự có thể có hiệu lực hoàn toàn.
Trung Quốc hiểu rằng Hoa Kỳ hoàn toàn bận rộn với chính trị
trong năm bầu cử tổng thống, thời điểm hiện nay là cơ hội để khai thác những mục
tiêu địa chính trị và địa chiến lược nêu ra ở trên.
Trung Quốc đã từng nhúng tay vào việc gây chia rẽ giữa các
nước ASEAN như một phần của sự theo đuổi chính sách tổng thể để kéo các nước
ASEAN ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ và điều này có liên hệ trực tiếp tới thái độ
hiếu chiến của Trung Quốc về xung đột ở Biển Đông với các nước ASEAN. Sự mất
đoàn kết của ASEAN được thấy rõ tại Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN hồi tháng trước
ở Cambodia. Với sự kích động của Trung Quốc, Cambodia đã phá hoại sự đoàn kết của
ASEAN với một hành động dễ thấy, khi Cambodia thích thú trong cuộc chiến ủy nhiệm
(proxy war) [cho Trung Quốc] để chống lại các thành viên ASEAN khác.
Thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược của Hoa Kỳ trong việc
đáp trả một cách hiệu quả đối với việc gia tăng chính sách bên bờ vực chiến
tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển Đông
Hoa Kỳ không phải là nước ngoài cuộc, thụ động đối với việc
gia tăng chính sách bên bờ vực chiến tranh của Trung Quốc trong xung đột Biển
Đông. Ngay cả trước khi đưa ra Học thuyết Obama về sự chuyển hướng chiến lược
sang châu Á – Thái Bình dương, Mỹ đã thực hiện việc điều chỉnh quân lực Hoa Kỳ
về phía nam, tới đảo Guam với mục đích đáp ứng kịp thời bất cứ sự bùng nổ xung
đột nào trong khu vực Biển Đông.
Hoa Kỳ cũng đã cải tiến và tái xác định các học thuyết quân
sự của họ, đặc biệt đối với bất cứ mối đe dọa quân sự nào mà Trung Quốc có thể
áp đặt trong khu vực, cụ thể là học thuyết “không chiến trên biển” (Air-Sea
Doctrine) nhằm vô hiệu hóa các chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dường như trong cách ứng phó các hành động gây hấn
quân sự từng bước của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ASEAN đang đòi chủ
quyền lãnh thổ ở Biển Đông, Hoa Kỳ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Hoa Kỳ được phản ảnh rõ nhất
qua lời của tác giả [Robert Haddick] được trích dẫn ở trên, và ông nhận xét: “Nhưng
các nhà hoạch định chính sách ở Washington sẽ bị kẹt khi cố gắng sử dụng sức mạnh
quân sự để chống lại việc từ từ thực hiện những hành động nhỏ thành thạo của
Trung Quốc. Nếu những hành động kia quá nhỏ, thì sẽ không có hành động nào đủ
nghiêm trọng để biện hộ cho việc khởi sự chiến tranh”.
Ông nhận định thêm rằng: “Việc thực hiện những hành động nhỏ
đó [của Trung Quốc] sẽ đặt gánh nặng lên vai các đối thủ của họ. Đối thủ đó sẽ ở
vào vị thế bất ổn của những lằn ranh báo động dường như không thể xác định và bị
lôi kéo vào tình thế bên bờ vực chiến tranh mà không thể cưỡng lại được. Đối với
Trung Quốc có nghĩa là chỉ cần làm lơ Hạm đội Thái Bình dương của Hoa Kỳ và tiếp
tục thực hiện các hành động nhỏ đó với sự tính toán hợp lý rằng, chẳng lẽ Hoa Kỳ
lại đi gây hấn với một cường quốc vì một sự cố nhỏ nhặt ở một vùng biển xa xôi”.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cần nhận ra rằng, trong lịch sử những
khiêu khích quân sự nhỏ nhặt như thế có khuynh hướng tích tụ tới mức bùng nổ lớn,
mà cách tốt nhất là có thể ra tay trước và bóp chết khi còn trong trứng nước.
Hơn nữa, Hoa Kỳ không nên để cho hình ảnh chiến lược và
chính trị của mình và tư thế ở châu Á – Thái Bình Dương bị hủy hoại do những
khiêu khích từ từ của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, để bảo vệ danh dự bằng
cách bảo đảm Mỹ sẽ cung cấp an ninh cần thiết cho các nước đồng minh hiện tại của
họ để chống lại Trung Quốc, và cho các đối tác chiến lược mà họ đang tìm kiếm
như Việt Nam.
Lựa chọn của các nước đòi chủ quyền để tranh đấu với Trung
Quốc trong việc giải quyết xung đột ở Biển Đông: ASEAN không phải là sự lựa chọn,
mà lựa chọn hữu hiệu là Hoa Kỳ
Đối đầu với Trung Quốc về quyền kiểm soát các đảo/ bãi đá rải
rác ở Biển Đông là các nước Đông Nam Á mà tất cả các nước đều là thành viên
ASEAN. ASEAN với tư cách là một tổ chức, đã từng cố gắng kéo Trung Quốc vào đối
thoại về xung đột Biển Đông, nhưng không thành công. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã
chống lại chuyện đó và rằng việc đối thoại để giải quyết tranh chấp phải là các
thảo luận đa phương.
Hơn nữa, hầu hết các nước ASEAN vừa mới áp dụng chiến lược
rào giậu đối với Trung Quốc không chắc chắn rằng Hoa Kỳ có giải pháp để đương đầu
với Trung Quốc về các tranh chấp xung đột ở Biển Đông. Bối cảnh này dường như
đã thay đổi sau sự ra đời của học thuyết Obama.
Phản ứng của Trung Quốc là giáng một đòn ly gián ASEAN, bằng
cách sử dụng nước đại diện là Cambodia để thoát khỏi việc đưa ra một thông cáo
sau Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN ở Cambodia, mà bản thông cáo này sẽ chỉ trích
các hành động hiện nay của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.
ASEAN có khả năng bị chia rẽ sâu sắc hơn khi chính sách bên
bờ vực chiến tranh của Trung Quốc leo thang trong các tranh chấp lãnh thổ này.
Tất cả những điều này báo hiệu rằng ASEAN không thể phối hợp như một nhóm, hy vọng
là nền tảng hữu hiệu để chống Trung Quốc, đại diện cho các thành viên có liên
quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Ngay cả nếu ASEAN đoàn kết để chống lại sự áp chế của Trung
Quốc, ASEAN vẫn không có đủ sức mạnh quân sự cần thiết để đối đầu với Trung Quốc.
Đó là sự thật hiển nhiên.
Một sự thật hiển nhiên khác về ASEAN là Trung Quốc chống lại
bất kỳ đàm phán đa phương nào với cả nhóm ASEAN và điều này được ông Haddick giải
thích rõ nhất, ông phỏng đoán chính xác rằng: “Sự thất bại trong cố gắng của
ASEAN trong việc thành lập bộ quy tắc ứng xử để giải quyết các tranh chấp trên
biển (Biển Đông) có lợi cho chiến lược ‘tích gió thành bão’ của Trung Quốc. Một
bộ quy tắc ứng xử đa phương sẽ tạo ra đòi hỏi chính đáng cho việc giải quyết
tranh chấp và sẽ đặt tất cả các nước tranh chấp vào vị thế ngang nhau. Không có
bộ quy tắc, Trung Quốc bây giờ có thể dùng lợi thế sức mạnh để áp đảo các tranh
chấp song phương với những láng giềng nhỏ bé của họ và [Trung Quốc] làm thế mà
không lãnh hậu quả chính trị nào về việc hành xử ngoài lề một bộ luật đã được
thống nhất”.
Các nước ASEAN đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh
thổ ở Biển Đông không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào Hoa Kỳ về mặt
chiến lược, để có được sự che chở an ninh và sức mạnh đối trọng chống lại Trung
Quốc. Để làm như thế, họ phải sẵn sàng thiết lập mối quan hệ an ninh với Hoa Kỳ.
Phản ứng của thế giới đối với việc gia tăng khiêu khích chiến
tranh của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông
Phản ứng của thế giới được mô tả tốt nhất trong các bài diễn
văn phát biểu tại Đối thoại Shangri La hồi tháng 6 năm 2012 ở Singapore. Chủ đề
thảo luận chung trong các bài diễn văn này là cộng đồng thế giới và các cường
quốc cam kết an ninh trong “khu vực chung trên toàn cầu” và cam kết đối với “sự
tự do đi lại trên biển” và không quốc gia nào có quyền tuyên bố chúng là lãnh
thổ quốc gia.
Hoa Kỳ, Anh Quốc và tân ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh rằng họ
giữ vững lập trường cam kết đối với an ninh và ổn định ở Đông Nam Á. Tân chính
phủ Pháp thông qua ngoại trưởng nước này đã nói rõ rằng, Pháp và các nước châu
Âu có lợi ích ở Đông Nam Á và sự ổn định và an ninh của khu vực là mối quan tâm
chiến lược của họ. Ông nhấn mạnh thêm rằng, Pháp sẽ hỗ trợ bất cứ nhóm an ninh
khu vực nào trong vùng.
Trung Quốc sợ bị mang ra để chỉ trích về các hành động của họ
ở Biển Đông, thực sự đã tránh xa sự kiện thường niên ở Singapore và chỉ gửi đại
diện cấp thấp.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã hành động mang tính
đe dọa ở Biển Đông như một kẻ độc hành với mục đích thiết lập quyền bá chủ trên
Biển Đông và tiếp theo sẽ là các hành động gây hấn tương tự như thế ở Đông Hải
và Hoàng Hải.
Do lo sợ những điều nói trên, Nhật Bản, đối thủ hùng mạnh của
Trung Quốc trong vùng, đã đưa ra các cảnh báo trước. Trong khi Trung Quốc dường
như thoát khỏi [sự trừng phạt] qua hành động bắt nạt các nước ASEAN nhỏ hơn
đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, việc thoát khỏi sự trừng phạt tương tự sẽ
không thể xảy ra cho Trung Quốc khi họ đối đầu với Nhật Bản trong các tranh chấp
như thế ở phía bắc.
Kết luận
Gia tăng chính sách bên bờ vực chiến tranh thời gian gần đây
của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông với các nước nhỏ ASEAN cần được xem
như một thách đố quân sự và chiến lược nhắm vào Hoa Kỳ, với bản chất như một sự
thử thách, sẽ cung cấp sức mạnh đối trọng hữu hiệu cho Hoa Kỳ chống lại Trung
Quốc và sự bảo đảm an ninh cho các nước Đông Nam Á, bị che đậy bằng các tranh
chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Phản ứng của Hoa Kỳ đối với những kích động và khiêu khích
chiến tranh của Trung Quốc đang được nghiên cứu kỹ lưỡng ở chính phủ các nước
ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương, để cuối cùng, sự thành công của thay đổi chiến
lược sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ hầu hết sẽ dựa vào quyết tâm của Hoa
Kỳ trong việc đánh bại Trung Quốc một cách hữu hiệu và trước khi mối Họa Trung
Quốc trở nên quá nóng để Hoa Kỳ không thể đối phó.
Hoa Kỳ tuyên bố trung lập trong các tranh chấp Biển Đông
không còn là một sự lựa chọn khả thi cho Mỹ. Hoa Kỳ cần nhìn rõ “chiến lược
tích gió thành bão” hiểm độc đang được Trung Quốc thực thi ở Biển Đông và chế
ngự Trung Quốc một cách hiệu quả trước khi Trung Quốc thuyết phục Hoa kỳ thoát
khỏi châu Á – Thái Bình Dương.
Tác giả là một nhà phân tích các vấn đề chiến lược và quan hệ
quốc tế. Ông còn là cố vấn về các vấn đề chiến lược của Nhóm Phân tích Nam Á
(South Asia Analysis Group- SAAG). Email: drsubhashkapila.007@gmail.com.
Nguồn: SAAG
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh
http://anhbasam.wordpress.com/2012/08/17/tq-gia-tang-chinh-sach-can-chien-tranh-toi-muc-nguy-hie/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét