02/08/2012
Một góc đảo Đá Tây (quần đảo Trường Sa - Khánh Hoà) |
Nguyễn Đắc Hưng và Trần Duy Nguyễn cho biết họ sẵn sàng trao
những tên miền đang có cho Báo Lao Động để bảo quản. Đồng thời đại diện của Quỹ
Nghiên cứu biển Đông và Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa cũng muốn hợp tác với Báo
Lao Động để thông qua đó kêu gọi nhiều người hiện đang nắm giữ các tên miền
Hoàng Sa - Trường Sa cùng tham gia để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Kể từ cuối năm 2007, khi nhà cầm quyền Trung Quốc (TQ) ngang nhiên gọi hai quần
đảo Hoàng Sa - Trường Sa (Paracels - Sprarly) của Việt Nam là Tây Sa - Nam Sa
(Xisha - Nansha) và sau đó lập ra chính quyền ngụy xưng Tam Sa (Sansha), đã có
một cuộc “đấu tranh” âm thầm diễn ra trên mạng để bảo vệ chủ quyền của Việt
Nam. Nhiều người Việt Nam đã lập tức đăng ký mua những tên miền quốc tế có tên
Xisha, Nansha hoặc Sansha để tránh bị rơi vào tay người xấu.
Các phiếu thu và hoá đơn điện tử chứng minh Nguyễn Đắc Hưng đã giao dịch, thanh toán, gia hạn để sở hữu các tên miền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. |
Nhiều người quan tâm đến các nghiên cứu về chủ quyền của Việt
Nam trên biển Đông sẽ không thấy xa lạ với nhà nghiên cứu Dương Danh Huy -
thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông, người hiện sống tại Singapore và thường
xuyên có những bài viết trên báo trong và ngoài nước để bảo vệ chủ quyền đối với
các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Kể từ năm 2008, ông Huy đã âm thầm mua những
tên miền quốc tế có tên Xisha, Nansha, Sansha để chúng không rơi vào tay người
ngoài.
Hiện nay, ông Huy đang giữ trong tay khoảng 30 tên miền như vậy và được ông bảo
quản “rất cẩn thận”, như lời đồng sự của ông Huy là nhà nghiên cứu Lê Vĩnh
Trương cho biết.
Là nhân viên của một Cty du lịch ở Hà Nội, Trần Duy Nguyễn (27 tuổi) cương quyết
trả lời: “Tên miền này (Sanshacity) không phải để bán, tôi giữ nó để bảo vệ chủ
quyền đất nước”, khi nghe tôi gọi đến “ngỏ ý” muốn mua tên miền mà anh đang nắm
giữ. Nguyễn chỉ mới mua tên miền này hồi tuần trước và anh nói rằng “làm việc
này với tư cách cá nhân vì không thể chấp nhận việc TQ đang làm”.
Nguyễn Đắc Hưng (25 tuổi) là một kỹ sư của một Cty cấp nước tại TPHCM, nhưng có
nghề tay trái là đầu cơ tên miền Internet. Từ năm 2009, Hưng đã bắt đầu tìm mua
các tên miền liên quan đến các quần đảo của Việt Nam với suy nghĩ “phải mua cho
được trước khi TQ tiếp tục ngụy xưng trên mạng”.
Hưng đã tìm được 5 tên miền quốc tế có tên gọi ngụy xưng Tây Sa (Xisha) và Tam
Sa (Sansha). Sau khi nắm giữ những tên miền này, lập tức đã có những email viết
bằng tiếng Anh gửi đến cho Hưng mời chào bán lại với mức giá được tính bằng
ngàn USD.
“Tôi thường đầu tư mua các tên miền của những Cty hay tập đoàn lớn trong nước rồi
bán lại, nhưng với các tên miền này thì bao nhiêu tiền tôi cũng không bán -
Hưng nói - Không thể bán danh dự và chủ quyền của đất nước với bất kỳ giá nào”.
Gian nan việc giữ tên miền
Nguyễn Đắc Hưng mua với giá khoảng 20USD/1 tên miền và hằng
năm phải đóng phí là 250.000 đồng/1 tên miền thông qua một Cty tên là VinaHost
tại Q.Bình Thạnh (TPHCM). Tiếc thay, Cty này đã tắc trách khiến 2/5 tên miền mà
Hưng đang nắm giữ bị mất vào tay người ngoài.
Tháng 12.2011, Hưng đến Cty VinaHost để đóng tiền gia hạn cho 3 tên miền có tên
Xisha cho năm 2012. Cty này đã thu phí là 750.000 đồng cho các tên miền này,
xác nhận bằng phiếu thu, đồng thời gửi email xác nhận cho Hưng. Yên tâm các tên
miền này đã được gia hạn, đến tháng 3.2012, kiểm tra lại thì Hưng mới biết hai
trong số ba tên miền nói trên đã bị người khác mua lại bởi một Cty ở Mỹ và một
cá nhân người TQ.
Phía Cty VinaHost đã trả lời việc mất mát này do “lỗi hệ thống và nhân viên ở bộ
phận này không hề biết cho đến khi phát hiện ra”. Nguyễn Đắc Hưng đã nhiều lần
cố gắng liên lạc với cá nhân người TQ để mua lại nhưng không được, còn Cty ở Mỹ
hiện đang chào bán tên miền còn lại với mức giá 1.400USD.
“Tôi đã có cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Nguyễn Việt Nam - Giám đốc VinaHost
và ông đã thừa nhận lỗi về phía Cty - Hưng cho biết - Ông Nam đã đề nghị mức
giá bồi thường cho việc mất hai tên miền nói trên là 10 triệu đồng”. Hưng cho
biết anh không muốn nhận số tiền đền bù nói trên và đã hoàn thành hồ sơ để kiện
Cty này.
Ảnh chụp màn hình (tháng 7.2012) trang quản lý domain của VinaHost, sau khi sự việc được phát hiện, VinaHost đã tự động chỉnh sửa nội dung tình trạng domain thành “quá hạn” |
Theo thạc sĩ luật Hoàng Việt - Đại học Luật TPHCM và Quỹ
Nghiên cứu biển Đông - việc để mất hai tên miền nói trên vào tay người ngoài là
“rất đáng tiếc và đã gây thiệt hại về mặt kinh tế đối với người sở hữu các tên
miền”. Theo ông Việt, Nhà nước nên có các biện pháp quản lý sát sao hơn nữa đối
với hoạt động của các Cty đăng ký tên miền như VinaHost, vừa để tránh thiệt hại
vừa đảm bảo không để các tên miền liên quan đến chủ quyền rơi vào tay kẻ xấu.
Theo ông Hoàng Việt, việc mua và lưu giữ các tên miền quốc tế đối với các quần
đảo Hoàng Sa - Trường Sa là “hết sức cần thiết”. “Đây là một kênh ngoại giao vô
cùng quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền của chúng ta - thạc sĩ Hoàng Việt
nói - Với những tên miền này chúng ta có thể lập những website để chuyển các thông tin, tài liệu bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển
Đông cho dư luận thế giới, gồm cả những người TQ về các tranh chấp trên biển Đông. Những website này khi lập ra phải nói rõ để
dư luận biết được rằng đó chỉ là các tên gọi ngụy xưng của TQ đối với các quần
đảo của Việt Nam”.
Theo nhà nghiên cứu Lê Vĩnh Trương - Quỹ Nghiên cứu biển Đông - việc nắm giữ
các tên miền quốc tế đối với các quần đảo của Việt Nam cần được nhân rộng hơn nữa
để mọi giới cùng làm. Ông Trương cho rằng, cần có một tổ chức hoặc một cơ quan
ngôn luận đứng ra tập trung các nguồn lực xã hội để tiếp tục cuộc đấu tranh bảo
vệ chủ quyền tổ quốc ngay từ trên mạng thông tin toàn cầu.
.
|
Trung Bảo
http://laodong.com.vn/Chinh-tri/Bao-ve-chu-quyen-tren-mang/77503.bld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét