Giang Nam lãng tử
26.07.2012
Đài báo nhà nước ta bây giờ nói và viết tùy tiện, lung tung
quá, chẳng ai kiểm soát cẩn thận. Đơn cử: một bản tin VTV “Chuẩn bị kỷ niệm lần
thứ 65 ngày Thương binh liệt sĩ, có nhiều hoạt động chào mừng diễn ra….v.v…” (đại
ý như thế). – Họ nói sai ở chỗ nào ?
“Kỷ niệm lần thứ X ngày N” nghĩa là ngày N năm
xưa xảy ra một sự kiện lớn lao sâu sắc về sau cần kỷ niệm nhắc nhở. Còn dạng
“Ngày Y” do nhà nước ấn định để tổ chức các hoạt động chào mừng, khen thưởng,
thu hút sự chú ý … như Ngày thầy thuốc VN, Ngày Nhà giáo VN, Ngày nhà báo
VN… thì không cần phải nói “lần thứ bao nhiêu”, trường hợp Ngày thương
binh liệt sĩ cũng như vậy, chi cần nói “Ngày TBLS năm nay…” là đủ. Bởi vì,
cách đây 65 năm chỉ là lần đầu tiên tổ chức ngày TBLS chứ bản thân ngày ấy năm ấy
không có ý nghiã gì đặc biệt. Trường hợp như “Kỷ niệm 54 năm chiến thắng Điện
biên phủ 7.5.1954 – 7/5/2012” mới cần nói số năm.
Mong các nhà báo, nhà tuyên truyền lưu ý chớ nên tắc
trách.
1. Côt mốc 1975 đánh dấu sự kết thúc một cuộc Nội
chiến kế tiếp một cuộc chiến can thiệp thô bạo của người Mỹ. Chiến
tranh là mạnh được yếu thua. Nguyên nhân xảy ra chiến tranh bây giờ mọi người
cũng đã hiểu rõ rồi. Bây giờ phải nghĩ về phía trước mặt, phải tính toán cho
tương lai.
Nghĩ miên man về lịch sử bi thương của dân tộc Việt
hơn nửa thế kỷ qua, vài thế hệ bị nhấn chìm trọn vẹn trong đó gồm cả Giang Nam
lãng tử, và còn nhiều thế hệ khác liên lụy (gián tiếp) nhưng họ không hề biết,
cứ tưởng lẽ tự nhiên là thế, đời là thế.
Không thể trách các nhân vật lịch sử từng phạm sai lầm
vì họ đã trở thành người thiên cổ. Nhưng lịch sử vẫn cần ghi và nhắc cho con
cháu họ biết, đó cũng là lẽ công bằng.
Những người cộng sản có công lao giải phóng dân tộc khỏi
thuộc địa của Pháp – Nhật- Mỹ, lịch sử ghi công xứng đáng.
Phần lớn những người lãnh đạo thời ấy là đảng viên Đảng
cộng sản Việt Nam. Bây giờ họ đã quá cố, con cháu trực hệ của họ tất nhiên được
hưởng phần quyền lợi và vinh dự. Nhưng danh tiếng của họ không thể để cho thế hệ
sau mượn danh mà nghiễm nhiên thừa hưởng. Thế hệ kế thừa của Đảng cộng sản phải
tự mình “làm lấy mà ăn”. Không thể, qua một cuộc bầu cử trong nội bộ Đảng (mà
thường là bầu cử có quy hoạch, định hướng trước) mà nghiễm nhiên trở thành người
nắm giữ quyền lực tự tung tự tác, mặc nhiên tạo ra những “nhóm lợi ích” phi
giai cấp (đừng nói gì tới giai cấp công nhân, nông dân hay vô sản nhá).
Hàng triệu công chức, viên chức bình thường nhận đồng
lương quá eo hẹp, về hưu lại càng khó khăn hơn, ái ngại nhất là hàng vạn giáo
viên về hưu, không được hưởng phụ cấp thâm niên. Chỉ có các chức sắc nhà nước
các cấp nghiễm nhiên hưởng bổng lộc và đặc quyền đặc lợi. Thực tế chứng minh rất
rõ ở bất kỳ nơi đâu, chúng ta cũng dễ nhìn thấy điều này tận mắt, sờ tận tay.
Những cái miệng tuyên truyền ca tụng chế độ XHCN hẳn phải liều mạng vì miếng
cơm manh áo mới đủ can đảm phát lên ra rả hàng ngày. …
Đặc biệt, gia đình liệt sĩ thương binh nhận trợ cấp ít
ỏi. Lâu lâu nhích lên một chút. Hàng năm họ được tha hồ xem và nghe đài TV,
radio chiêu đãi ca múa nhạc miễn phí với chủ đề “cúng giỗ”, mệt nghỉ.
Vấn đề tuyên truyền chính trị vẫn là bài cũ xào
đi nấu lại nghe đến nhàm chán. Hệ thống tuyên truyền bất chấp thực tế và dư luận
nơi nơi từ cán bộ đến dân lao động nghèo đều ca thán về giai cấp thống trị hủ bại…
Nếu tôi là anh Đinh Thế Huynh trùm tuyên truyền, tôi nói huỵch toẹt, đại thể
là: “Đảng chúng tôi còn yếu kém lắm, cơ chế hoạt động của Đảng nói nôm na là
“tùy nghi hành động”. Nhà nước mất uy tín quá nhiều đối với lòng tin dân chúng.
Tình hình đất nước rất phức tạp…Kẻ thù xâm lược mới vừa trắng trợn vừa tinh vi
và thâm độc… Vậy nên chưa thẻ mở rộng tự do dân chủ được, mong đồng bào thông cảm
. v.v…”. Nói thế nghe tạm được. Đồng bào ta thích người trung thực, nói thực,
ghét kẻ che che giấu giấu mà lòi đuôi…Đằng này cán bộ tuyên truyền chuyên nghiệp
lại cứ trâng tráo tán róc lý thuyết XHCN suông, thậm chí bà phó chủ tịch Nước
còn nói ráo hoảnh “Dân chủ XHCN cao gấp vạn lần tư sản”- nghe tức anh ách. Bạn
đọc báo Nhân Dân bị bà ta coi khinh là lũ ngu dốt chả biết gì.
Chỉ thương các anh chị liệt sĩ lặng lẽ nơi chín suối
khó mà ngậm cười. Nếu các hương hồn liệt sĩ có linh thiêng còn theo dõi được
tình hình đất nước ngày nay, hẳn phải phẫn nộ đội mồ đứng dậy, thét từng bụm
máu vào mặt những kẻ quan tham, lộng quyền, ngu dốt, độc tài, vơ vét…Hương hồn
liệt sĩ lực bất tòng tâm rồi!
Tôi có anh bạn làm báo Nhân Dân, thỉnh thoảng tôi với
anh có chút tranh luận về môt số vấn đề chính trị tư tưởng. Khi anh đuối lý,
anh hỏi vặn tôi : “Thế ông muốn đất nước ổn định hay rối loạn ?”. Tôi lại
phải thở dài. Quá nửa đời người sống lay lắt trong chiến loạn rồi, nghĩ lại mà
ghê, ai lại muốn.
Thiên hạ đang bàn bạc xoay quanh hai xu hướng. Thân TQ
hay thân Mỹ ? Nghe người ta bảo “thân TQ thì mất đất mất biển, mất tự chủ, thân
Mỹ thì mất Đảng”. Có lẽ không đơn giản như vậy. Cả hai hướng này đều rách việc
đây. Hãy xem TQ nuôi dưỡng Bắc Triều Tiên, chống lưng lãnh đạo xứ này và bỏ mặc
cuộc sống của “thuộc địa kiểu mới XHCN” này ra sao. Và cái thực tế của đất nước
“CNXH mang màu sắc TQ” này có xứng đáng để nhân dân Việt Nam ngưỡng mộ học tập
hay không?
Nghĩ về chính phủ Mỹ, dù đã thay ekip mới, có thể họ
chưa hết cay cú về trận thua lịch sử 1975, nếu chơi thực sự với Việt Nam, họ sẽ
tìm cách dần dần “lấy lại những gì đã mất” (?). Đất nước lại rối loạn, hàng triệu
người “phía bên kia” có quyền đòi lại những gì đã mất, đã bỏ lại hay không
? Sẽ dựa vào luật lệ nào đây ? Cái gì sẽ làm trụ cột cho sự ổn định
nước Việt Nam mới?
Ai cũng biết Dân tộc là trên hết và vĩnh viễn. Đảng
chính trị có thể xuất hiện phục vụ nhu cầu dân tộc đúng lúc. Khi không cần thiết
nữa, Đảng cũng có thể rút lui khỏi vũ đài chính trị, hoặc chấp nhận đua tranh
bình đẳng với các đảng phái khác. Nếu tiếp tục hoạt động nên điều chỉnh một số
danh từ cơ bản cho chính danh.
Hai từ “cộng sản” là do người Trung Quốc dịch thực
dụng tùy tiện từ gốc “Kommunismus” vốn nghĩa là “cộng đồng” (cộng sản: “cùng sản
xuất, cùng sinh đẻ, cùng chung tài sản”). Các Mác đặt tên bằng tiếng Đức là Kommunismus, sau
qua tiếng Pháp (Communisme), tiếng Anh (Communism). Dịch đúng qua tiếng Việt là
“chủ nghĩa cộng đồng”. Nhưng anh cộng sản Tàu phiên dịch sang Hán ngữ là “cộng
sản’, nay đã Việt hóa); Không thể dùng sai ngôn ngữ mãi được. Trước dùng
sai, bây giờ cần sửa lại. (xin đọc lại bài : Chuyện ngôn ngữ không chỉ là
ngôn ngữ: Bấm
vào đây), cố tình sùng sai từ ngữ là thiếu chính danh.
2. Hòa hợp, Hòa giải dân tộc, Hàn gắn vết thương.
“Hòa giải” và “hàn gắn” như thế nào đây ?
Mới chỉ thấy Việt kiều được tự do về nước thăm quê, tự do đầu
tư, kinh doanh. Và còn gì nữa chứ?
Thiển nghĩ, đó mới chỉ là “hoà hợp dân tộc”, chưa phải
là “hoà giải” và “hàn gắn vết thương”.
Người hai bên khi có dịp gặp nhau thì tay bắt mặt mừng,
qua lại thăm hỏi. xã giao… Nhưng đó là vì quyền lợi chưa xảy ra xung đột. Tài sản,
bất động sản, đặc biệt đất đai của những người bại trận bây giờ “bỏ qua luôn”
hay là trả lại ? Trả toàn bộ hay một phần?
Tất cả những người hi sinh trong chiến tranh của cả
hai bên sẽ đều là LIỆT SĨ hay không ? Còn thương phế binh nữa, tính sao ?
Một đồng nghiệp thân thiết với tôi nói “Thay đổi chế độ
thì sẽ xáo trộn tất cả, đổ vỡ tan nát hết, chịu nổi không?”.
Ai giàu tưởng tượng hơn, trình độ cao hơn xin cho ý kiến,
giúp tui và bạn đọc mở rộng tầm mắt.
Lãng tử mới nghĩ được tới đây thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét