Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TRUNG QUỐC QUYẾT DÙNG "LƯỠI BÒ" LIẾM SẠCH BIỂN ĐÔNG

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh


(Petrotimes) - “Thỏa hiệp với Trung Quốc trong vấn đề Senkaku là tự sát” là tuyên bố của Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara khi cho rằng, Bắc Kinh đang liên tục theo đuổi chủ nghĩa bá quyền và coi đảo và vùng biển của nước khác là của mình. Tuyên bố này của ông Shintaro Ishihara được đưa ra đúng thời điểm tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc số ra ngày 3/7 cáo buộc Philippines đang dàn xếp một âm mưu nhằm cố tình kích động căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo: Sự kiên nhẫn của Bắc Kinh không nên bị hiểu nhầm là sự yếu kém.


Tiếp tục chiêu bài “dọa nạt, khoe hàng” và vu cáo Việt Nam

Một lần nữa Trung Quốc lại dùng chiêu bài dọa dẫm sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino có ý định đề nghị Mỹ triển khai máy bay do thám ở Biển Đông khi 2 nước đi vào ngõ cụt trong vấn đề bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Nhân dân nhật báo cũng cho rằng, tất cả các nước trong khu vực, trong đó có Philippines cần nhớ đến các lợi ích kinh tế mà họ được hưởng là từ bùng nổ kinh tế của Trung Quốc. Nhân dân nhật báo không những tố cáo Philippines âm mưu thổi bùng căng thẳng Biển Đông trước thềm Hội nghị ngoại trưởng ASEAN sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Campuchia, mà còn lớn tiếng cho rằng: ASEAN không phải là diễn đàn đúng để thảo luận về Biển Đông!

Trước khi cao giọng, Trung Quốc đã cố tình “khoe” việc triển khai Lữ đoàn tên lửa 827 đặt ở thành phố Thiều Quan của tỉnh Quảng Đông, được lắp đặt từ tháng 3/2012 trong khi trụ sở điều hành vẫn đang xây dựng. Trong số vũ khí ở đây, đáng chú ý nhất là tên lửa Đông Phong 21D và Đông Phong 16 với mục tiêu là Đài Loan và các nước có đường biên với Biển Đông. Giới chuyên gia Đài Loan cho rằng, thông qua việc khoe Lữ đoàn tên lửa 827 Bắc Kinh muốn các nước hữu quan không được thách thức vị thế thống trị của Trung Quốc ở khu vực này.

Tờ Business World Online của Philippines nhận định, Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch trống dong cờ mở để chuẩn bị phát động chiến tranh chống Philippines bởi Bắc Kinh “nóng mặt” sau khi Manila bảo vệ lãnh thổ của mình trên Biển Đông.

"Đường lưỡi bò" phi lý do Trung Quốc tự vẽ, bị nhiều nước phản đối

Trong khi lớn tiếng đe dọa và chủ động gây căng thẳng như vậy nhưng từ ngày 2/7, đội tàu tuần tra của Trung Quốc gồm 4 tàu Hải giám 83, 84, 66, 71 đã rời đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bắt đầu các cuộc diễn tập tuần tra phi pháp trên Biển Đông. Trước đó, đội tàu Hải giám Trung Quốc đã đi qua đảo Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa và thả neo nghỉ tại khu vực phía đông bắc đảo Đá Chữ Thập. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc bị các nước hữu quan, dư luận quốc tế và giới học thuật chỉ trích, lên án việc thành lập thành phố Tam Sa bởi việc này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có người tuyên bố, sau khi hành chính hóa – thành lập thành phố Tam Sa, Trung Quốc sẽ nâng cấp đảo Phú Lâm, ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bởi Bắc Kinh muốn biến thành phố Tam Sa thành tiền đồn quân sự để thực hiện âm mưu độc bá Biển Đông. Được biết, sân bay tại đảo Phú Lâm có thể cho phép máy bay Boeing 737 cất và hạ cánh và tàu tải trọng 5.000 tấn có thể neo đậu.

Ngày 3/7, Thời báo Hoàn Cầu cho đăng tải bài viết có tiêu đề: “Báo chí nói Việt Nam xâm chiếm lãnh thổ Nam Hải của Trung Quốc nhiều nhất, tới 29 đảo, bãi đá” với nội dung bịa đặt, xuyên tạc, kích động dư luận. Bài viết vu cáo một cách trắng trợn rằng “Việt Nam bắt ngư dân, chiếm đảo, ăn cắp dầu mỏ của Trung Quốc”, “Hội chứng sợ Việt Nam của ngư dân Trung Quốc”, “Đánh người, bắt thuyền, cướp của, lấy cá”, “Không nhận anh em, nói gì đến tình hữu nghị”, “Chiến lược của Việt Nam: Hữu danh vô thực, đem dầu lấy từ Nam Hải lên bán cho Trung Quốc”, “Nhân đám cháy cướp của”… Nhưng luận điệu vu khống, xuyên tạc của Thời báo Hoàn Cầu không thể che đậy sự thật: các tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thường xuyên bị lính Trung Quốc đuổi bắt, tịch thu tàu, cướp hải sản, ngư cụ và bắt nộp tiền chuộc.

Ngoài ra, tác giả bài viết kể trên còn coi việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam ngày 21/6/2012 với 7 chương, 55 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 là “hành động chiếm đoạt hơn 1 triệu km2 vùng biển truyền thống của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh hoạt động thăm dò khai thác dầu mỏ ở vùng biển này”. Để kết thúc bài viết, tác giả cho rằng: tình hình sẽ phát triển theo hướng khó tránh khỏi xung đột! Lời lẽ sặc mùi thuốc súng của Thời báo Hoàn Cầu cho thấy, Trung Quốc đang tìm mọi cách đẩy mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm để “ăn vạ” theo cách mà họ vẫn làm trước đây.

Phải tôn trọng sự thật, không được lẩn tránh sự thật

Giới bình luận cho rằng, quân đội đứng sau quyết định thiết lập cái gọi là thành phố Tam Sa bởi ý tưởng này được đưa ra từ năm 2007, nhưng giới ngoại giao không tán thành. Kể từ năm 2010 và nhất là cuối năm 2011, giới chức quân đội Trung Quốc liên tiếp đưa ra những tuyên bố, nhận xét trên các phương tiện truyền thông đại chúng với 2 mục đích chính. Thứ nhất, đề cao vai trò trước khi Đại hội 18 khai mạc. Thứ hai, muốn chính phủ tăng ngân sách quốc phòng để chi tiêu. Trong tuyên bố mới nhất, Thiếu tướng Hải quân Dương Nghị và Đại tá Hàn Húc Đông, Giáo sư đại học Quốc phòng Trung Quốc đều cho rằng, Bắc Kinh phải tổ chức đánh trả kiên quyết và thực hiện chính sách bành trướng về quân sự, địa chính trị và kinh tế. Tuyên bố của 2 quan chức này là việc ủng hộ cho quan điểm diều hâu của các tướng lĩnh, học giả từng đưa ra trước đó (như La Viện, Kiều Lương, Kim Nhất Nam, Doãn Trác, Trương Triệu Trung…). Không chỉ giới học giả quân đội, mà cả Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt thời gian gần đây cũng liên tục phát đi những thông điệp cứng rắn về một giải pháp vũ lực đối với tranh chấp Biển Đông.


Những gì Bắc Kinh đã và đang tuyên truyền về đường 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò hay đường ranh giới hình chữ U) không những bị dư luận, giới chuyên môn chỉ trích, mà ngay cả giới học giả và nhà khoa học của Trung Quốc cũng phản đối, không ủng hộ. Điều này được thể hiện tại cuộc hội thảo “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” diễn ra ngày 14/6/2012, do Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc. Tại cuộc hội thảo này, nhiều học giả đã mạnh dạn bác bỏ những luận điểm sai trái của Bắc Kinh khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông và chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Giáo sư Triết học Hà Quang Hộ, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Giáo sư Thường Hội Bằng, Học viện Quan hệ quốc tế Bắc Kinh, Giáo sư Trương Kỳ Phàm, Học viện Pháp luật, Đại học Bắc Kinh, Giáo sư Tống Yến Huy và Giáo sư Du Khoan Tứ của Đài Loan đều cho rằng, đường lưỡi bò có vấn đề – được tùy tiện vạch ra, chẳng có điểm xác định bằng kinh, vĩ độ chuẩn xác, điều này gây lo ngại cho các nước hữu quan và nếu không giữ được tỉnh táo, khinh suất sử dụng vũ lực, sẽ không có lợi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những học giả và nhà khoa học kể trên khẳng định, mọi người phải dựa vào nhau để tồn tại trong thế giới hiện nay và phải có thái độ thượng tôn pháp luật.

Một số nhà phân tích trong và ngoài khu vực còn nhấn mạnh, chiêu thức nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc đã bị dư luận “bóc mẽ” từ lâu, nhưng không vì thế mất cảnh giác. Sở dĩ nói như vậy vì với những gì đang diễn ra có thể khẳng định, Trung Quốc đã tính toán một cách kỹ càng, cẩn thận trước khi quyết định “gây hấn” với những quốc gia dám dũng cảm bảo vệ quyền lợi biển theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ngoài ra, việc khẩu chiến tại khu vực Hoàng Nham/Scarborough còn nhằm thử phản ứng của Mỹ sau khi nước này tuyên bố trở lại châu Á.

Phản ứng của giới chuyên môn

Cách đây không lâu, trong bài trả lời bằng văn bản phỏng vấn của Hãng RFI, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia (Đại học New South Wales) cho rằng, Luật Biển Việt Nam là công cụ cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bởi bộ luật này quy định cụ thể thẩm quyền của Việt Nam đối với các vùng biển khác nhau: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, hải đảo và quần đảo… Đây là lần đầu tiên Việt Nam làm rõ tình trạng pháp lý các vùng biển của mình, bao gồm cả các đảo và đảo đá, cũng như thẩm quyền trên các vùng biển… Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), Trung Quốc đã tính toán sai lầm. Hành động của Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cộng thêm việc 4 tàu Hải giám được cử xuống Biển Đông, sẽ chỉ làm cho vấn đề này được đưa ra tại cuộc họp ARF trong tháng này. Và các nước ASEAN sẽ quyết tâm hơn trong việc đàm phán một bộ quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc chặt chẽ hơn. Giới truyền thông cho rằng, ASEAN muốn đẩy nhanh đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc pháp lý trên Biển Đông nhằm làm dịu căng thẳng liên quan đến những tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

Dư luận khá quan tâm tới cuộc hội thảo về Biển Đông mới được những người Việt trẻ xa xứ tổ chức tại Đại học Harvard. Tuy lần đầu tiên tổ chức, nhưng cuộc hội thảo đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi sự xuất hiện củaTiến sỹ Nguyễn Nhã (nhà nghiên cứu về Biển Đông tại Việt Nam, từng cho xuất bản Đặc khảo Hoàng Sa và tổ chức triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1975), Tiến sĩ Tạ Văn Tài (giảng viên luật Việt Nam tại Trường Luật, Đại học Harvard, có nhiều nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thềm lục địa, các đặc quyền kinh tế và các văn bản pháp lý của các tranh luận về chủ quyền biển đảo) và ông Thomas Vallely, Giám đốc chương trình Việt Nam của Đại học Harvard. Giới chuyên môn cũng quan tâm tới tuyên bố của Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile khi thẳng thắn vạch trần việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Ông Juan Ponce Enrile không những bác bỏ cái gọi là “chủ quyền dựa trên bằng cớ lịch sử” mà Trung Quốc đưa ra, mà còn mỉa mai rằng “với việc đưa người lên quỹ đạo, sẽ có lúc Bắc Kinh đưa người lên Mặt Trăng, sao Hỏa, sao Kim, rồi tuyên bố phát hiện dấu vết Trung Quốc tại đó và đòi chủ quyền trên Mặt Trăng và các hành tinh này”. Điều này khiến dư luận dễ dàng ngộ ra một điều: Không thể có cái gọi là thành phố Tam Sa bởi ít nhất từ thế kỷ XVII, các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền, tiến hành quản lý, khai thác hòa bình liên tục tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi nó chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào. Và những chứng cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện đang được lưu giữ không chỉ ở các cơ quan lưu trữ của Việt Nam, mà còn được lưu giữ ở trung tâm lưu trữ của các nước như Pháp, Mỹ, Nhật, Hà Lan, Anh…

Trước thông tin từ một vài phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc nói rằng, 4 tàu Hải giám của Trung Quốc tiến hành hoạt động tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa và chặn đuổi tàu công vụ của Việt Nam, ngày 4/7/2012, Thông tấn xã Việt Nam khẳng định: Chúng tôi bác bỏ thông tin tàu Hải giám Trung Quốc “chặn đuổi” tàu công vụ của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa. Khi phát hiện các tàu Hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc tàu Hải giám Trung Quốc tiến hành cái gọi là “hoạt động tuần tra” tại khu vực quần đảo Trường Sa là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên, tuân thủ DOC, không có các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

http://www.petrotimes.vn/xa-hoi/2012/07/trung-quoc-quyet-dung-luoi-bo-liem-sach-bien-dong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét