Tác giả: Peter Mattis
Người dịch: Đan Thanh
Từ khi các vụ bê bối
xung quanh vụ lật đổ Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh hồi tháng 3, Trung
Quốc có vẻ như đang trên bờ vực cải cách – hay là hỗn loạn. Trong khi lời kêu gọi
tiến hành cải cách khẩn trương của Thủ tướng Ôn Gia Bảo lên báo chí chính thức,
trở thành thông báo “tấn công vào thành trì cải cách”, thì “Đảng Cộng sản Trung
Quốc (ĐCS TQ) đặt ra những giới hạn vững chắc cho các thành tựu mà một cuộc cải
cách như thế có thể đạt được, nhất là khi các thế lực thù địch có thể sẽ lợi dụng
mọi bất ổn chính trị. Số ra gần đây nhất của tạp chí Hồng Kỳ (Cờ Đỏ), cơ quan
ngôn luận của trường Đảng Trung ương, đã đề cập đến “cải cách thể chế chính trị”
để ĐCS TQ có thể thích ứng với bản chất luôn biến động của xã hội Trung Quốc,
ít nhất cũng thừa nhận sự bất mãn ở cấp cao với trạng thái chính trị hiện hành.
Một cuộc cải cách như thế, cho dù có tỏ ra khiêm tốn tới mức nào đi nữa trước mắt
người ngoài cuộc, thì cũng có thể gây chia rẽ, và giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ
đang cố gắng giữ lấy sự trung thành của quân đội, đề phòng khi chia rẽ trong nội
bộ lãnh đạo dẫn tới bất ổn xã hội.
Từ hồi đầu năm, báo chí của quân đội và của chính phủ Trung
Quốc đã nổi một hồi trống gay gắt khi nói về nguy cơ lực lượng Quân đội Giải
phóng Nhân dân (QĐTQ) phải chấp nhận “phi chính trị hóa quân đội, tách (Đảng Cộng
sản Trung Quốc) khỏi quân đội, và quốc hữu hóa quân đội”. Hồi trống này đã kéo
dài hơn nhiều so với nhiều người tưởng lúc đầu, khi họ nghĩ đó chỉ là những điều
kiện có tính ý thức hệ đặt ra cho các thanh niên mới gia nhập quân đội đầu năm
nay – hay thậm chí nghĩ là nó có liên quan đến những mối quan hệ giữa QĐTQ và
ông bí thư bị lật đổ Bạc Hy Lai.
Những sự kiện được chọn ra dưới đây làm nổi bật một điều là,
chỉ có một số rất ít báo chí chính thống của Trung Quốc chú ý đến những nguy cơ
về một lực lượng QĐTQ không trung thành, cũng như đến các yêu cầu đặt ra cho giới
quan chức quân đội là phải có quan hệ thân thiết với đảng:
- Ngày 25-6, tờ Nhân Dân Nhật Báo có bài viết của một chính ủy
Khu vực Quân sự Tế Nam, hô hào các cán bộ trong quân đội hãy mạnh mẽ hơn nữa,
chống lại những quan điểm sai lầm về vai trò chính trị của QĐTQ trong bối cảnh
một xã hội Trung Quốc ngày càng đa nguyên hơn.
- Ngày 17-6, tờ Nhật báo QĐTQ kêu gọi các quan chức quân sự
trung thành với ĐCS TQ, hàm ý nói rằng nhiều quan chức không đủ tận tụy với việc
tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo của đảng.
- Ngày 15-5, Nhật báo QĐTQ có bài xã luận khuyên quân đội
nhìn nhận cho rõ âm mưu đằng sau những nỗ lực nhằm chia rẽ quân đội với đảng,
và yêu cầu phải trung thành với hệ thống chính trị căn bản, theo đó ĐCS TQ được
đặt cao hơn quân đội.
- Ngày 6-4, Nhật báo QĐTQ có bài xã luận rằng QĐTQ cần hợp
tác vững chắc với đảng để bảo đảm ổn định chính trị, vì lẽ kinh nghiệm lịch sử
cho thấy cạnh tranh ý thức hệ sẽ căng thẳng hơn khi ĐCS TQ đối diện với những
khoảnh khắc cải cách mang tính quyết định.
- Ngày 19-3, Nhật báo QĐTQ xuất bản một bài báo nêu rõ, QĐTQ
cần chống lại “ba quan niệm sai lầm” nói trên về sự phát triển của quân đội
Trung Quốc, và họ tuyên bố “luôn luôn đặt việc xây dựng ý thức hệ và chính trị
lên hàng đầu”, bởi lẽ, đó là một công cụ thiết yếu để củng cố QĐTQ.
- Ngày 13-3, Tân Hoa Xã có bài viết về ý kiến của Chủ tịch Hồ
Cẩm Đào, nói rằng “mọi quân nhân trong quân đội đều phải ý thức rằng, phát triển,
trong khi vẫn duy trì ổn định, là mối ưu tiên lớn”. Ông ta nhấn mạnh rằng QĐTQ
và cảnh sát, công an có vũ trang, phải tập trung vào nhiệm vụ quốc phòng và xây
dựng quân đội, và tuân thủ các đòi hỏi căn bản của việc đạt được tiến bộ trong
khi vẫn duy trì ổn định.
Như ông Dennis Blasko, chuyên gia QĐTQ đã viết hồi đầu năm:
“Không rõ ai – nếu có ai đó đứng đằng sau QĐTQ – đã đề xuất việc chia rẽ, phi
chính trị hóa hay là quốc hữu hóa quân đội”. Tất cả những gì người ta có thể biết
là, người duy nhất đưa ra tuyên bố về việc đảng kiểm soát quân đội, là một nhà
báo, biên tập viên của một tờ báo dân sự, người này đã nhanh chóng bị đuổi việc.
Và Nhật báo QĐTQ đã tránh nêu tên, thậm chí không nhắc tới những người thuộc
QĐTQ và đang mất lòng tin vào ĐCS TQ. Không có lý do thật sự nào được đưa ra cả,
điều đó cho thấy cần phải tìm đến những nguyên nhân khác.
Hồi tháng 5, một thành viên giấu tên ở Đại học Quốc phòng
Trung Quốc nói với tờ Hoàn Cầu Thời báo rằng, lý do thực sự để người ta lo ngại
về sự trung thành của quân đội có lẽ liên quan đến các âm mưu của nước ngoài,
ngày càng dữ dội, nhằm phá hoại quá trình chuyển giao quyền lực trước Đại hội
18 của Đảng. Tuy nhiên, giải thích này không lý giải gì về tính chất lặp đi lặp
lại của những lời kêu gọi nói trên – hoặc tại sao những lời kêu gọi như thế là
đủ để chống lại mưu đồ của thế lực thù địch nhằm trung lập hóa QĐTQ về ý thức hệ.
Nhưng cách giải thích đó cũng đã làm nổi bật tầm quan trọng của bối cảnh chính
trị trong nước ở Trung Quốc năm nay, trong mọi vấn đề.
Công cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo tại Đại hội Đảng lần
thứ 18 gần như chắc chắn sẽ ghi nhận việc hơn nửa Bộ Chính trị luân chuyển công
tác và chỉ có 2 trong tổng số 9 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở lại.
Hơn thế nữa, có một sự chuyển giao thế hệ đang diễn ra, và sẽ đưa các vị lãnh đạo
Trung Quốc ra khỏi cái bóng của Đặng Tiểu Bình, người có ảnh hưởng tới tất cả
các tổng bí thư ĐCS TQ, từ Hồ Diệu Bang tới Hồ Cẩm Đào.
Mặc dù sự chú ý thường dồn về những lời kêu gọi dân chủ của
Thủ tướng Ôn Gia Bảo, được đăng tải rất kỹ, nhưng cuộc đấu tranh thực sự để cải
cách trong ĐCS TQ là về vấn đề thực hiện, và làm thế nào để nhận được nhiều hơn
từ một hệ thống chính trị dường như ngày càng không thể chống chọi lại với các
khó khăn từ bên trong.
Vào tháng ba và tháng tư, một loạt xã luận đăng trên Nhân
Dân Nhật Báo, Hoàn Cầu Thời Báo, Trung Hoa Nhật Báo, và Tân Hoa xã, có vẻ như
đã khởi động một chiến dịch có phối hợp, nhằm ủng hộ cải cách, ngay cả khi ngôn
từ trong các bài đã chỉ rõ ra rằng cải cách chính trị kiểu phương Tây là không
thể được. Báo chí chính thống, với mặc định rằng ĐCS TQ duy trì được vị trí
lãnh đạo của mình, đã công kích các quan chức, cán bộ tham nhũng, và cổ súy cho
cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả vận hành.
Việc tập trung vào cải thiện hiệu quả vận hành đã tạo ra một
loạt quan điểm khác nhau. Ví dụ, Bắc Kinh có vẻ như tham gia vào một cuộc duyệt
xét lại nghiêm túc các định chế quốc doanh – những cơ quan có liên quan đến việc
chuyển đổi các tổ chức có hoạt động gần với kinh doanh, như các nhà xuất bản,
thành doanh nghiệp thực sự. Đối với những người không tin vào khả năng đó, hãy
lưu ý đến phí đăng ký đọc các số phát hành trên mạng của tờ Nhân Dân Nhật Báo,
hay là giá bán 1 đô la cho một tờ Trung Hoa Nhật Báo trên đường phố Mỹ. Những
cuộc cải cách khiêm tốn, dựa vào hiệu quả hoạt động như thế, có ảnh hưởng thực
sự để thay đổi chính trị Trung Quốc hay không thì lại là chuyện khác; tuy
nhiên, thêm nhiều quan điểm mạnh mẽ khác dường như đang lan dần ra.
Tạp chí của Đảng, tờ Hồng Kỳ, hồi đầu tháng này có đưa ra
câu hỏi, liệu Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của chính sách Cải cách và Mở cửa, có phê
chuẩn cải cách thể chế chính trị hay không (nếu ông còn sống – ND). Trong khi tờ
tạp chí tuyên bố, một cách không gây ngạc nhiên, rằng ông Đặng sẽ bác bỏ dân chủ
hóa kiểu phương Tây, thì nó lại mở ngỏ khả năng đón nhận những thay đổi về cấu
trúc để giữ lại ĐCS TQ, bởi vì cần có ĐCS TQ để thích ứng với cải cách xã hội
và lật đổ nền hành chính quan liêu, trì trệ ở Trung Quốc. Lời biện hộ về ý thức
hệ này – vượt ra khỏi trường Đảng Trung ương mà đứng đầu là Phó Chủ tịch Tập Cận
Bình – có thể báo trước một mức độ lịch thiệp và nhã nhặn hơn trong cuộc đấu đá
đảng phái, làm chia rẽ Tập và Hồ Cẩm Đào, cũng như người cầm ngọn đèn cải cách
của Hồ – bí thư tỉnh Quảng Đông, Uông Dương.
Nhưng các lời biện hộ giáo điều, được đóng dấu kín mít, là
không đủ.
Câu răn dạy nổi tiếng của Mao Trạch Đông, rằng “quyền lực
chính trị hình thành từ họng súng” và “Đảng ra lệnh cho súng”, càng làm nổi rõ
vai trò của QĐTQ và Công an Vũ trang Nhân dân, như là những người bảo vệ quyền
lãnh đạo của ĐCS TQ. Vào thời điểm có những bất ổn về chính trị, sự trung thành
của quân đội (mà giờ đây là của lực lượng bán quân sự) là nền tảng cho phép đảng
mạo hiểm chính trị. Đạp đổ những lợi ích cố thủ trong một hệ thống vốn dĩ thăng
quan tiến chức chỉ nhờ vào việc duy trì mãi mãi ĐCS TQ sẽ tạo ra chia rẽ trong
nội bộ đảng, vì nó thay đổi luật chơi đối với các quan chức đang lên – những
người có quyền lợi liên quan đến trạng thái chính trị hiện hành, và những người
có thể thất bại nếu bị vạch trần bộ mặt.
Mặc dù một số lời đồn đại về khả năng quốc hữu hóa quân đội
có thể là sự thật, nhưng lời giải thích sau đây mới khả dĩ. Nếu sự trung thành
của QĐTQ với đảng, đặc biệt với Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, không được bảo đảm
duy trì, thì sẽ hầu như chẳng còn lý do để lãnh đạo Trung Quốc mạo hiểm bằng một
cuộc thảo luận đau đớn, có khả năng công khai chia rẽ đội ngũ lãnh đạo. Bài học
quan trọng nhất của những biến cố hỗn loạn năm 1989 là, lãnh đạo không nên thể
hiện sự mất đoàn kết ra trước công chúng. Hồi trống kêu gọi trung thành của
QĐTQ có ý cho rằng đây là một nguy cơ thật sự. Có lẽ một sự tiếp tục tình hình
hiện nay nên được xem như dấu hiệu của bất ổn gia tăng trong ban lãnh đạo và là
dấu chấm hết đối với các khả năng cải cách trong nội bộ đảng.
Tác giả: Peter Mattis là chủ bút tờ “China Brief” của
Quỹ Jamestown.
Ảnh: Jason Chafin lấy từ Flickr
Nguồn: The Diplomat
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/11/trung-quoc-so-mot-vu-dao-chinh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét