Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TRUNG QUỐC DÙNG THỦ ĐOẠN GÌ ĐỂ XÂM CHIẾM HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM ? (PHẦN 1)

Hải Châu
27-7-2012

Hình bên: Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa do người Pháp dựng năm1938. Hàng chữ trên bia ghi: Cộng hoà Pháp - Vương quốc An Nam đảo Hoàng Sa năm 1816 - 1938 (1816 là năm vua Gia Long thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo Hoàng Sa, 1938 là năm dựng bia) - Ảnh HC (chụp lại ảnh tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa)

Lén lút, "thừa nước đục thả câu", "ỷ mạnh hiếp yếu", coi thường luật pháp quốc tế, bội tín... là những thủ đoạn của Trung Quốc khi xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, được nêu rõ trong cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" do UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) và NXB Thông tin - Truyền thông xuất bản tháng 1/2012.

"THỪA NƯỚC ĐỤC THẢ CÂU" GIAI ĐOẠN 1946 - 1956

Trong cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" có đăng tải bài viết quan trọng của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ với tựa đề "Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa", cung cấp rất nhiều tư liệu, chứng cứ quý giá khẳng định Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII.

Tuỳ tiện vẽ ra cái gọi là "đường lưỡi bò"

"Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hoà bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh sự thật hiển nhiên này qua các giai đoạn lịch sử có liên quan" - TS Trần Công Trục viết. Đồng thời chỉ rõ 2 giai đoạn mà Trung Quốc đã sử dụng nhiều thủ đoạn xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ở giai đoạn 1946 - 1956, TS Trần Công Trục nêu rõ: "Lợi dụng Việt Nam đang lo đối phó với sự trở lại của thực dân Pháp và lo kháng chiến chống Pháp, quân Tưởng Giới Thạch và sau đó là quân của CHND Trung Hoa đã tiến hành chiếm đóng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Các tư liệu lịch sử chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của
Việt Nam được trưng bày tại UBND huyện đảo Hoàng Sa - Ảnh: HC
Vào lúc quân đội viễn chinh Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra thì ngày 26/10/1946, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các Bộ và 59 binh sĩ cảnh vệ của Hải quân lấy cớ giải giáp quân Nhật ra chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 29/11/1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa.

Cũng trong thời gian này, một công chức tên Bai Meichu của chính quyền Đài Loan đã vẽ và xuất bản bản đồ "Nam Hải chư đảo", trong đó có thể hiện đường biên giới biển bao trùm khoảng 80% diện tích Biển Đông, thường được gọi là đường biên giới "lưỡi bò" mà không dựa vào bất cứ một tiêu chuẩn nào theo luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Chính tác giả và nhiều học giả Trung Quốc đã không thể đưa ra được bất kỳ lý do nào để biện minh cho đường biên giới biển đã được thể hiện một cách tuỳ tiện này. Tuy vậy, Trung Quốc đã dựa vào bản đồ này để liên tục tung ra các loại bản đồ Trung Quốc có vẽ đường biên giới biển 9 đoạn và đã chính thức hoá đường biên giới biển đầy tham vọng này tại một Công hàm mà họ đã gửi lên Liên hiệp quốc (LHQ) vào tháng 5/2009 để phản đối Hồ sơ ranh giới ngoài Thềm lục địa do Việt Nam và Malaysia nộp lên Uỷ ban ranh giới Thềm lục địa của LHQ.

Từ chối giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quốc tế

Ngày 13/1/1947, Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, trong đó Pháp đã nêu lên những bảo lưu về hậu quả pháp lý từ việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của quân đội Trung Hoa Dân quốc, đồng thời nhắc lại đề nghị tìm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và ngày 17/10/1947 thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa để yêu cầu quân Trung Quốc rút khỏi Phú Lâm.

Pháp gửi một phân đội lính, gồm 10 lính Pháp và 17 lính Việt Nam đổ bộ đóng một đồn ở đảo Hoàng Sa và quyết định lập đài khí tượng trên đảo này. Chính phủ Trung Quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25/2 đến ngày 4/7/1947 tại Paris. Tại đây, Chính phủ Trung Quốc đã từ chối không chấp nhận việc nhờ Trọng tài quốc tế giải quyết do Pháp đề nghị.

Ngày 8/3/1949, Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Hạ Long trao trả độc lập cho Chính phủ Bảo Đại và tháng 4, Đổng lý Văn phòng, Hoàng thân Bửu Lộc tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Ngày 1/10/1949, nước CHND Trung Hoa ra đời, đơn vị đồn trú của Trung Hoa Dân quốc phải rút khỏi đảo Phú Lâm, trong khi đó Pháp vẫn duy trì quân đồn trú tại đảo Hoàng Sa.

Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho Chính phủ Bảo Đại việc quản lý và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao này.

Du khách trong và ngoài nước tìm hiểu chủ quyền của Việt Nam
đối với quần đảo Hoàng Sa qua các tư liệu lịch sử được UBND huyện
Hoàng Sa trưng bày - Ảnh: HC
Quốc tế bác bỏ cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc đối với Hoàng Sa

Cần nhắc lại, trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản đã rắp tâm biến các quần đảo trong Biển Đông trở thành bàn đạp để mở rộng sự chiếm đóng của mình xuống khu vực Đông Nam châu Á. Ngày 31/3/1939, Nhật tuyên bố sáp nhập các quần đảo trong Biển Đông và các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng. Tuy nhiên ngày 4/4/1939, Chính phủ Pháp đã gửi Công hàm phản đối các quyết định nói trên của Nhật và bảo lưu các quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Hội nghị San Francisco có 51 quốc gia tham dự từ ngày 5/9 đến 8/9/1951, ký kết Hoà ước với Nhật. Ngày 5/9/1951, tại phiên họp toàn thể mở rộng, Ngoại trưởng Grommyko (Liên Xô cũ) đã đưa đề nghị tu chính 13 khoản của Dự thảo Hoà ước. Trong đó có nội dung: Nhật thừa nhận chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa ở phía Nam. Khoản tu chính này đã bị Hội nghị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận.

Ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: "Et comme il fuat franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les iles de Spratley et de Paracels qui de tout temps ont fait partie du Viet Nam". Không một đại biểu nào trong Hội nghị có ý kiến gì về Tuyên bố này. Kết thúc Hội nghị là ký kết Hoà ước với Nhật ngày 8/9/1951, trong đó có điều 2, đoạn 7 ghi rõ: "Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracels và Spratly" (khoản f).

Khi ra thông báo về bản dự thảo Hoà ước với Nhật ở San Francisco ngày 15/8/1951, Bộ trưởng Ngoại giao nước CHND Trung Hoa Chu Ân Lai tuyên bố công khai khẳng định cái gọi là "tính lâu đời của các quyền của Trung Quốc đối với quần đảo", trong khi CHND Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không tham dự hội nghị này. Ngày 24/8/1951, lần đầu tiên Tân Hoa Xã lên tiếng tranh cãi về quyền của Pháp và những tham vọng của Philippines và kiên quyết khẳng định quyền của Trung Quốc.

"Như thế, lợi dụng tình hình rối ren, Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Tưởng Giới Thạch lợi dụng việc giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra theo Hiệp định Postdam, đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (He de Boisée) thuộc quần đảo Hoàng Sa cuối năm 1946 và đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa vào đầu năm 1947.

Đến năm 1950, khi lực lượng quân đội của Trung Hoa Dân quốc phải rút khỏi Hoàng Sa, Trường Sa và Hoà ước San Francisco buộc Nhật từ bỏ sự chiếm đóng hai quần đảo này, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam" - TS Trần Công Trục viết.

Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ (năm 1909) là một trong số rất nhiều
 bản đồ cổ của Trung Quốc đã vẽ phần cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam,
không có Hoàng Sa và Trường Sa - Ảnh: HC (chụp lại từ cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa")
Lén lút chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa

Hiệp định Genève ký kết ngày 20/7/1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Điều 1 quy định đường ranh giới tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17). Đường ranh giới tạm thời này cũng được kéo dài ra trong hải phận bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của Hiệp định.

Cũng theo điều 14 của bản Hiệp định, trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử đưa lại sự thống nhất cho Việt Nam, bên đương sự và quân đội do thoả hiệp tập kết ở khu nào sẽ đảm nhiệm việc hành chính trong khu tập kết đó. Quần đảo Hoàng Sa và Trường sa ở Biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chính của Chính quyền Việt Nam Cộng hoà.

Tháng 4/1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam, sau gọi là Việt Nam Cộng hoà (VNCH) đã đóng ở các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, bao gồm đảo Hoàng Sa, với số quân 40 người.

Tuy nhiên cũng trong thời gian này, Trung Quốc lén lút đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm và Linh Côn. Ngày 1/6/1956, Ngoại trưởng VNCH Vũ Văn Mẫu đã ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

http://infonet.vn/bien-dao-vn/trung-quoc-dung-thu-doan-gi-de-xam-chiem-hoang-sa-cua-viet-nam-phan-1/a25623.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét