Lê Linh - Duy Khang
27-7-2012
Đội tàu cá Trung Quốc đến quần đảo Trường Sa đánh bắt trái phép vào giữa tháng 7 đã rút về đêm 25-7. Ảnh: THX |
Đội tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc đã rút khỏi quần đảo Trường
Sa.
Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin ngày 25-7 (giờ địa
phương), Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương (Ủy
ban Đối ngoại Thượng viện), đã phát biểu trước Thượng viện Mỹ chỉ trích Trung
Quốc vi phạm luật pháp quốc tế tại biển Đông và hành động trái với tuyên bố
cùng ASEAN hoàn chỉnh Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.
Ông kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ cần làm rõ tình hình biển Đông
và báo cáo ngay với Quốc hội.
Cùng ngày, trang web Chính sách Ngoại giao (Mỹ)
đưa tin nhóm sáu thượng nghị sĩ Mỹ đã trình nghị quyết về biển Đông trước
Thượng viện.
Nghị quyết kêu gọi các bên tuân thủ Tuyên bố chung về ứng xử
của các bên ở biển Đông, kiềm chế làm nghiêm trọng thêm tình hình, tránh đưa
người ra sinh sống tại các đảo tranh chấp và giải quyết mâu thuẫn dựa trên thái
độ xây dựng. Nghị quyết ủng hộ Mỹ tăng cường quân tại Tây Thái Bình Dương.
Liên quan đến tình hình biển Đông, trang web của chính phủ
Trung Quốc ngày 26-7 cho biết sau khi trú bão ở đảo Đá Vành Khăn (quần đảo Trường
Sa của Việt Nam), hôm 25-7, đội tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc đã rời khỏi đây
để rút về cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam, kết thúc chuyến đi 13 ngày đánh cá trái
phép ở quần đảo Trường Sa. Dự kiến đội tàu sẽ về đến Tam Á trong bốn ngày tới.
Báo Philippine Star (Philippines) cùng ngày đưa
tin hôm 24-7, lực lượng hải quân Tây Philippines đã phát hiện 20 tàu cá Trung
Quốc ở khu vực cách đảo Pag-asa (tức đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt
Nam đang bị Philippines chiếm giữ) khoảng 9 km. Hải quân Tây Philippines nói
tàu Trung Quốc vào khu vực trên để tránh bão và đã yêu cầu các tàu rời đi khi
bão tan.
Đài tiếng nói Mỹ (VOA) ngày 26-7 dẫn lời Giám đốc Viện Chính
sách quốc tế Lowy (Úc) Michael Wesley nhận định căng thẳng liên quan đến tranh
chấp ở biển Đông có thể dẫn đến nhiều hệ lụy trên toàn cầu.
Ông cho rằng căng thẳng ở đây gồm hai cấp độ, trước hết là
tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN và kế đến là tranh chấp
giữa Trung Quốc và Mỹ (Trung Quốc không muốn bị rơi vào thế bị bao vây trong
khi Mỹ muốn bảo đảm lợi ích tự do hàng hải trên biển Đông).
Ông ghi nhận căng thẳng ở biển Đông nhìn chung không nghiêm
trọng bằng căng thẳng ở eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, căng
thẳng ở biển Đông lại diễn biến khó lường. Ông nhận định nguy cơ xung đột xảy
ra là có thật vì các lực lượng hải quân ở biển Đông thiếu kinh nghiệm, ít hiểu
biết lẫn nhau nên khó kiểm soát tốt biến cố.
Ông cho rằng với tư cách là đồng minh quân sự của Mỹ và đối
tác kinh tế lớn của Trung Quốc, Úc cần đứng ra làm trung gian để tháo gỡ căng
thẳng ở biển Đông vì Úc không phải là cường quốc và không có lợi ích trực tiếp
trong tranh chấp ở biển Đông. Ông nhấn mạnh Úc cần quan tâm đến biển Đông vì
54% hàng hóa thương mại của Úc được vận chuyển qua biển Đông mỗi năm và kết quả
kình địch giữa Trung Quốc và Mỹ có thể tác động đến thế cân bằng chiến lược ở
Thái Bình Dương.
Phát biểu trước Thượng viện Mỹ hôm 25-7, Thượng nghị sĩ
John Kerry đã kêu gọi Mỹ cần dứt khoát ủng hộ các nước ASEAN tiến tới xây dựng
Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông. Ông nói: “… Mỹ cần quan tâm đến tự do hàng hải
và thương mại tại biển Đông. Nghị quyết này dựa trên luật pháp quốc tế và ủng
hộ tiến trình ngoại giao đa phương. Thượng viện cần cân nhắc một cách thích hợp
nhất”.
|
http://phapluattp.vn/2012072611323445p0c1017/sau-nghi-si-my-trinh-nghi-quyet-bien-dong.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét