Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NGUY HIỂM THỰC SỰ ĐANG ĐẾN TỪ TRONG DÂN HAY TỪ ĐÂU ? BIẾT MÀ SAO KHÔNG AI TRẢ LỜI

Phương Bích

Những ngày hè nóng nực như thế này, ai chả muốn ngồi nhà. Không điều hòa máy lạnh thì cũng mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Thư thái nghe nhạc hay đọc sách, xem phim? Điên gì mà đầu trần dưới nắng hoặc ướt lướt thướt dưới mưa, đi bộ năm sáu cây số trong cái oi nồng nhớp nháp những mồ hôi, và khản cả cổ vì hô khẩu hiệu thay vì ngồi trong phòng điều hòa máy lạnh mà hô: cực lực, cực lực phản đ.....ốiiiiii ?

Đến một trận đấu bóng người ta còn đổ ra đường gào thét như điên để ăn mừng, nữa là một sự kiện trọng đại như việc từ ngày khai sinh đến giờ nước ta mới có Luật biển?

Đáng ăn mừng quá đi ấy chứ! Vậy mà chỉ vì yếu bóng vía do chủ quan hay khách quan gì đó mà có người vẫn nhắc nhở: sai thì không sai, nhưng mà không nên đi!

Xem chừng nhà cầm quyền miễn cưỡng để cho dân ta mừng một tý. Lần này không thấy bóng dáng các chú cảnh sát cơ động, nhưng vẫn đầy đủ các bóng áo xanh áo vàng và đám thanh niên đeo băng đỏ. Dân phòng cũng có nhưng chỉ lác đác, không đáng kể.

Nhìn đám thanh niên đeo băng đỏ ngồi im lìm trên những chiếc xe thùng, tôi lại nhớ đến những cuộc biểu tình năm ngoái, cũng chính những con người này từng lao vào túm lấy tất tật già trẻ lớn bé, đàn ông đàn bà, nhồi như nhồi vịt lên xe buýt. Còn giờ thì họ chỉ ngồi nhìn đoàn biểu tình đi qua trong tiếng hô vang dậy. Tôi không biết trong lòng họ thấy vui mừng hay bực tức, và cái lực lượng “bảo vệ” này thuộc biên chế nào? Có ăn lương không? Hay chỉ huy động tạm thời từ trong quần chúng? Nhưng nhiều người vẫn thừa hiểu rằng họ chỉ cần thay bộ quần áo, là có thể trở thành người thừa hành pháp luật hợp pháp ngay lập tức.

Đáng tiếc hôm 1/7 là trời mưa to từ sáng sớm, nên nhiều người bị lỡ mất cơ hội bày tỏ sự ủng hộ với Luật biển và thể hiện lòng căm phẫn đối với quân cướp biển Trung Hoa. Đến lúc mưa tạnh dần, và cuộc tuần hành ôn hòa, hay còn gọi là biểu tình vẫn diễn ra tốt đẹp thì những người không tham gia được tiếc lắm, nhất là bà con nông dân ở các vùng lân cận Hà Nội.

Nhiều người hỏi, thế chủ nhật sau có biểu tình nữa không? Ai mà biết được hở giời? Vì bây giờ có thách kẹo cũng không ai dám đứng ra kêu gọi biểu tình dù chả ai cấm. Dân ta vẫn nhiều người ngộ nhận về quyền biểu tình. Chả cứ dân đen mà cán bộ nhà nước cũng ối người ngộ nhận, cứ tưởng đã có Luật biểu tình, và theo luật thì biểu tình phải xin phép! Ngay cả các cán bộ công an, khi giải thích lại cứ lôi cái nghị định 38 ra để kết tội người biểu tình (chưa kể đến việc nghị định này đang bị lên án là vi hiến). Rõ là ngớ ngẩn như là đem luật thi đấu giu đô ra để bắt karate vậy.

Trong một lần tranh luận với một cán bộ đảng ủy lèng tèng cấp phường, tôi hỏi bác ta rằng Luật cao hơn Hiến pháp hay Hiến pháp cao hơn Luật?

Không khó lắm. Dễ ợt!

Đúng rồi, Luật được soạn ra để thực thi các điều khoản của Hiến pháp, nghĩa là nó phải có sau Hiến pháp. Vậy điều 4 Hiến pháp ghi nhận (hay bảo hộ) quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản thì có khác gì điều 69 của Hiến pháp ghi nhận, bảo hộ quyền biểu tình của dân chúng? Đảng vẫn hoạt động bình thường mà không cần Luật thì dân cũng được biểu tình bình thường mà không cần Luật! Phải vậy không ạ?

Khoan hãy nói đến việc Đảng cộng sản lại có quyền cao hơn cả Quốc hội là điều hết sức vô lý, tôi bảo tôi là dân thường nên tôi chỉ biết có Quốc hội (dù cho Quốc hội hiện tại cũng chả khiến tôi tin tưởng gì). Nhưng bảo là Đảng cộng sản lãnh đạo tôi là tôi không có chịu. Tôi cứ nói thẳng toẹt tôi không phải là đảng viên, nên tôi chả biết ông Đảng bà Đảng nào cả.

Nói vậy chứ tôi vẫn cho ông ấy là người có tự trọng, vì ít ra ông ấy im lặng còn hơn là giải thích một cách trơ trẽn như tôi vẫn thường thấy ở một số vị khác.

Trong khi dân với nhà cầm quyền cứ cố tình hiểu lầm nhau thế thì chả ai dám đứng ra kêu gọi, hay lãnh đạo biểu tình dù là chống cái lũ xâm lược. Thôi thì không ai lãnh đạo hay kêu gọi thì cứ tự giác mà đi nếu cảm thấy có trách nhiệm. Trước đây phần lớn bà con nông dân mới chỉ quan tâm đến quyền lợi sát sườn của họ, đâu phải đợi đến chống TQ xâm lược thì người nông dân mới dám biểu tình? Họ đã đi đấu tranh đòi đất cách đây sáu bảy năm, hoặc hàng chục năm hay hơn thế. Thậm chí bị bắt bỏ tù họ cũng không sợ, mà ra tù họ vẫn tiếp tục đội đơn đi kiện. Đơn giản đó là phản ứng tất yếu của cuộc sống, khi người dân hiểu rằng, của họ thì đương nhiên họ phải đòi lại.

Khi giới truyền thông khiến cho dư luận trong và ngoài nước biết đến cuộc đấu tranh giữ đất đơn độc của họ, thì tôi cho là ý thức cộng đồng của người nông dân đã vượt qua cái tôi sau “lũy tre làng”, chứ không phải họ lợi dụng biểu tình để đòi đất đòi cát như một số người vẫn e ngại.

Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc Xâm lược ngày 8/7 có sự tham gia của đông đảo bà con nông dân có đôi chút trở ngại, khi lúc ban đầu loa của cảnh sát cứ oang oang nói rằng đề nghị bà con đi khiếu kiện đất đai về gặp xã giải quyết. Sau thấy chả ai hô gì về đòi đất đòi cát mà cứ mải miết hô Trường Sa – Hoàng Sa – Việt Nam, đả đảo Trung Quốc xâm lược thì loa mới tắt. Rồi ở cuối phố Hàng Khay, công an, trật tự viên dàn hàng ngang ra đường chặn đoàn biểu tình. Xem lại cái clip mới thấy cái hàng rào mong manh bằng người ấy chẳng thể chặn nổi dòng thác người biểu tình đang tràn tới.

Trên quãng đường quen thuộc mà dường như ai cũng ngầm hiểu, đích đến của đoàn biểu tình là vườn hoa Lê Nin trước mặt sứ quán Trung Quốc, nên sau nhiều lần cố gắng chặn đoàn biểu tình lại không được, người ta đã chờ sẵn bằng một hàng rào cả cứng lẫn mềm như thế này. Nó tạo ra một hình ảnh hết sức ấn tượng và chắc hẳn sẽ đi vào lịch sử, như một chứng tích về sự đối lập, mà một bên là quần chúng bao gồm cả nông dân và các tầng lớp khác của xã hội, còn một bên là lực lượng bảo vệ nhà nước. Chắc chắn sẽ có nhiều người hỏi khi nhìn bức ảnh này, là cái hàng rào người và sắt này đang bảo vệ cái gì?

Nghe chuyện kể khi một quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam sang thăm Đức, bị Việt Kiều ở đó biểu tình la ó, đả đảo dữ lắm. Quan chức nhà ta rất phiền lòng, bèn phàn nàn với chủ nhà. Ông thủ tướng Đức thời bấy giờ là Helmut Kohl trả lời rằng ở nước ông ấy, người ta có thể ném cả trứng thối vào ông ấy nếu họ không bằng lòng về cách làm việc của ông ấy. Dân chủ kiểu này trên mạng nói đầy.

Đương nhiên là đoàn biểu tình sau phút hô khẩu hiệu đả đảo Trung Quốc xâm lược một hồi thì lại tuần hành trở về Bờ Hồ. Trên sân vườn hoa Lý Thái Tổ, một anh công an quận Hoàn Kiếm cười cười bảo chúng tôi, bày tỏ ủng hộ Luật Biển là tốt thôi, nhưng cẩn thận không khéo bị lợi dụng. Bị chúng tôi dồn cho tới tấp, là anh chỉ cho tôi xem ai lợi dụng ai, và có khi chính các anh mới là những người bị lợi dụng không chừng, thì anh ấy chỉ cười và lảng vội đi khi chúng tôi xin một kiểu ảnh chụp chung.

Thú thực, nghe cái luận điệu cũ rích “coi chừng kẻo bị lợi dụng” hót đi hót lại như một con vẹt là tôi thấy ngán đến tận cổ. Tôi chỉ muốn hỏi ngược lại các  vị một điều đơn giản, là chưa cần nói đến các vị học cao hiểu rộng, chỉ là cái thứ dân đen ít học như tôi thôi xem ông Đảng cộng sản có lợi dụng nổi không?

Hậu biểu tình ngày 8/7:

Nguyễn Công Hùng- người được
mệnh danh là hiệp sĩ công nghệ 
tin học cũng đến đây tụ tập gây 
rối chăng?

Giáo sư Ngô Đức Thọ
Nghe tin công an quận Hoàn Kiếm gửi “giấy mời” cụ bà Lê Hiền Đức, “giấy triệu tập” luật sư Lê Quốc Quân đến làm việc về việc tụ tập, gây mất TTCC tại Nhà hát lớn hôm 8/7, dư luận nửa tức giận, nửa tức cười, không hiểu trong đầu họ nghĩ cái gì nữa. Họ đánh đồng việc già trẻ lớn bé chúng tôi hô Trường Sa- Hoàng Sa- Việt Nam là hành động gây mất trật tự công cộng, giống mấy đám trẻ ranh mắt xanh mỏ đỏ tụ tập nhảy múa hip hop, hay đám các bà các cô mở nhạc tập aerobic, hay đám côn đồ du thủ du thực vác đao chém nhau loạn xạ, hay đám thanh niên ăn mừng đá bóng, hưng phấn đến nỗi tụt cả áo khoe ngực làm tắc hết cả đường phố?

Thực sự đó mới là nguy hiểm, khi mà khắp nơi xảy ra việc cưỡng chế thu hồi đất đai của người dân một cách trái phép, thì người Trung Quốc lại có thể mua hàng trăm hecta đất nông nghiệp ở Bình Thuận? Dân chỉ cần chở một cái xe gạch về sửa lại nhà thì thanh tra xây dựng mò đến ngay lập tức, trong khi đó người Trung Quốc bình yên vô sự nuôi cá hàng năm trời trên vịnh Cam Ranh (cái địa danh nổi tiếng về cảng biển quân sự trọng yếu) lại không bị nhà cầm quyền gây khó dễ tý nào...?

Nguy hiểm thực sự đang đến từ trong dân hay từ đâu? Biết mà sao không ai trả lời?

http://chimkiwi.blogspot.com.es/2012/07/nguy-hiem-thuc-su-ang-en-tu-trong-dan.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét