Trọng
Nghĩa
Bà Lê Hiền Đức tại cuộc biểu tình ở Hà Nội ngày 01/07/2012 chống Trung Quốc gây hấn và ủng hộ Luật Biển của Việt |
Ngày 21/06/2012, Quốc hội Việt Nam đã bất ngờ thông qua bộ
Luật Biển, gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Điểm
đặc biệt là chương 1 của bộ luật xác định rõ ràng là « …quần đảo Hoàng Sa, quần
đảo Trường Sa (…) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của
Việt Nam... » Quyết định của Việt Nam đã tạo ra phản ứng tức tối từ phía Trung
Quốc, Bắc Kinh đã lập tức có những động thái cứng rắn nhằm áp đặt các đòi hỏi
chủ quyền của họ tại Biển Đông, bất chấp tính chất bị cho là ‘phi lý’ của các
biện pháp này.
Gây tranh cãi nhiều nhất là thông báo ngày 23/06 vừa qua của
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, phân lô vùng biển ngay trong khu vực
thềm lục địa ngoài khơi bờ biển miền Trung và miền Nam Việt Nam, rồi mời quốc tế
đấu thầu khai thác, kể cả tại những nơi đã được Việt Nam giao cho các tập đoàn
ngoại quốc như Exxon của Mỹ hay Gazprom của Nga thăm dò từ trước.
Bên cạnh đó là một loạt hành động hù dọa như cử 4 tàu hải
giám xuống tuần tra tại vùng quần đảo Trường Sa nơi Trung Quốc đang tranh chấp
chủ quyền với Việt Nam và Philippines, nâng cấp đơn vị quản lý các quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa mà họ tự nhận chủ quyền rồi loan báo đặt bộ chỉ
huy quân sự ở đơn vị này…
Theo giới phân tích, trong bối cảnh Trung Quốc không ngần ngại
dùng thủ đoạn « lấy thịt đè người » để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của
họ trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, sự kiện Việt Nam rốt cuộc đã thông qua
một bộ Luật Biển, nhấn mạnh quan điểm tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển và chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là một bước đi
tích cực, có khả năng tranh thủ được hậu thuẫn của quốc tế chống lại các yêu
sách ‘phi lý’ của Trung Quốc.
« Luật Biển là công cụ cần thiết nếu vấn đề Biển Đông
ra trước tòa án »
Trả lời phỏng vấn của RFI qua thư điện tử, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) đặc biệt ghi nhận việc Việt Nam đã lồng Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 vào trong Luât Biển quốc gia của mình :
Việc thông qua luật này là một bước phát triển tự nhiên
trong chiến lược biển của Việt Nam
đến năm 2020. Hiện nay, văn bản của Luật Biển chưa được công bố, tuy nhiên, những
tuyên bố của các quan chức Việt Nam cho thấy rằng Luật Biển này kết hợp luật quốc
tế, Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển, vào pháp luật trong nước. Bộ luật này
quy định cụ thể thẩm quyền (của Việt Nam) đối với các vùng biển khác nhau : nội
thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa,
hải đảo và quần đảo.
Việt Nam chưa hề chính thức thông qua một bộ Luật Biển nào.
Trước đây, có những tài liệu tham khảo về thẩm quyền hàng hải của Việt Nam tản
mác trong các văn bản pháp quy khác nhau. Nhưng đây là lần đầu tiên mà Việt Nam
đã làm rõ tình trạng pháp lý các vùng biển của mình, bao gồm cả các đảo và đảo
đá, cũng như thẩm quyền trên các vùng biển.
Hành động của Việt Nam đã bị Trung Quốc xem là cực kỳ khiêu
khích, bằng chứng là Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc CNOOC đã đưa ra
đấu thầu 9 lô thăm dò nằm bên trong vùng biển thuộc tấm bản đồ 9 đường gián đoạn
của Trung Quốc, nhưng hoàn toàn ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc đã xem việc thông qua Luật Biển là một hành động
khiêu khích bởi vì các nhà ngoại giao của họ đã liên tục gây áp lực đối với Việt
Nam để đừng tiến hành việc phê chuẩn.
Do vậy, Trung Quốc có rất nhiều thời gian để chuẩn bị phản
công. Việc Trung Quốc sử dụng một công ty dầu khí Nhà nước để phản ứng rất đáng
chú ý vì họ làm cho vấn đề trở thành vừa pháp lý vừa thương mại.
Việc thông qua Luật Biển hoàn toàn phù hợp với chính sách
hai hướng của Việt Nam – đối tác (tức là hợp tác) và đối tượng (tức là đấu
tranh). Việt Nam phải đấu tranh để duy trì chủ quyền quốc gia.
Đối với Giáo sư Thayer, Luật Biển được thông qua sẽ cho phép
Việt Nam dễ dàng cầu viện quốc tế trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc tại Biển
Đông khi cần thiết.
Bộ luật này một công cụ cần thiết cho Việt Nam nếu Việt Nam
quyết định đưa tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc ra trọng tài quốc
tế để phân xử. Các tòa án quốc tế thường xem xét các tuyên bố chủ quyền trên cơ
sở quá trình chiếm cứ và quản lý liên tục. Sau khi ban hành Luật Biển, giờ đây
Việt Nam phải tìm cách bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển bên trong tấm bản
đồ hình chữ U của họ. Tình trạng này có thể có khả năng bùng nổ nếu Trung Quốc
cố khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hoặc nếu Trung
Quốc ngăn chặn các hoạt động thương mại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ.
Trung Quốc đã tính toán sai lầm với hành động của CNOOC
Dù hơi bị bất ngờ trước động thái của Việt Nam trong việc thông qua bộ Luật Biển vào lúc này, giáo sư Thayer ghi nhận là rất có thể thời điểm hai tuần trước Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh, nơi hồ sơ Biển Đông dứt khoát được gợi lên là động cơ thúc đẩy việc này.
Tôi bị bất ngờ vì không thấy bất kỳ điều gì liên quan đến Luật
Biển trong chương trình làm việc của khóa họp Quốc hội vừa kết thúc. Quốc hội
Việt Nam đã xem xét Luật Biển này từ năm 1998.
Thực tế kể trên đã đặt ra câu hỏi về thời điểm thông qua bộ
luật đó. Có vẻ như là Luật Biển đã được phê duyệt để tăng cường cơ sở pháp lý
cho Việt Nam một khi các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản Tuyên bố về Ứng
xử của các bên tại Biển Đông DOC được thực hiện, cũng như trong trường hợp một
bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông được chấp thuận.
Theo tôi, động cơ thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng thông qua bộ
luật này là nhằm tăng cường cơ sở pháp lý của tuyên bố chủ quyền của mình,
trong khuôn khổ các cuộc đàm phán để thực thi bản tuyên bố ứng xử DOC và khả
năng thông qua bộ Quy tắc Ứng xử.
Vào những năm 2000 – 2002, các nước ASEAN và Trung Quốc đã
không thỏa thuận được về phạm vi khu vực áp dung các quy tắc và như vây bộ Quy
tắc Ứng xử COC dự trù ban đầu không thành công và một bản tuyên bố về các quý tắc
ứng xử DOC yếu hơn đã được thông qua. Giờ đây, Việt Nam đã củng cố tuyên bố chủ
quyền của mình băng cách gộp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ của
mình.
Về phần Hoa Kỳ, họ sẽ không trực tiếp can dự tham gia vào
tranh chấp pháp lý. Việt Nam cũng không dự đoán được phản ứng của Trung Quốc. Tập
đoàn CNOOC đã đem ra mời thầu cả khu vực nơi ExonMobile đang hoạt động. Mỹ vẫn
luôn luôn thêm phần "thương mại không bị cản trở" vào phạm vi lợi ích
quốc gia của Hoa Kỳ trong việc duy trì quyền tự do hàng hải và quá cảnh không
phận.
Mặt khác,Trung Quốc đã liên tục lập luận rằng sự can dự của
Mỹ chỉ làm cho Việt Nam và Philippines mạnh dạn hơn trong việc đương cự với Trung
Quốc. Các quan chức Trung Quốc cũng có thể kết luận rằng Việt Nam đã mượn uy
Hoa Kỳ, và hành động ngay sau khi được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta ghé
thăm.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN
ARF, Trung Quốc đã tính toán sai lầm. Hành động của CNOOC cộng thêm với việc 4
chiếc tàu Hải giám được cử xuống Biển Đông, sẽ chỉ làm cho vấn đề này được đưa
ra tại cuộc họp ARF trong tháng này.
Hành động của Trung Quốc như vậy có thể bị phản tác dụng nếu
hệ quả là làm cho các nước ASEAN quyết tâm hơn trong việc đàm phán một bộ quy tắc
ứng xử mang tính chất ràng buộc chặt chẽ hơn.
Về phản ứng « dữ dội » của Trung Quốc trước việc
Việt Nam thông qua Luật Biển, cũng như lời đe dọa của truyền thông nhà nước
Trung Quốc như tờ Hoàn cầu Thời báo Global Times chẳng hạn - đã kêu gọi "dạy
cho Việt Nam một bài học", Giáo sư Thayer phân tích :
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc thường xuyên có ngôn
từ hăm dọa dao to búa lớn và cực đoan. Phần lớn các lời lẽ này chỉ phản ánh thứ
chủ nghĩa dân tộc quá khích. Hoàn cầu Thời báo Global Times chẳng khác gì một
con chó Rottweiler dữ dằn của chế độ, một con chó giữ nhà ác hiểm. Muốn dự đoán
phản ứng thực thụ của Trung Quốc thì phải xem các tuyên bố của những người phát
ngôn chính thức và quan chức cấp cao.
Thông tin báo chí hiện đang cho thấy là sự thay đổi quyền lực
trong giới lãnh đạo Trung Quốc đang gây chia rẽ nội bộ. Đó là cơ hội để khuyến
khích các hành vi hung hăng tại vùng Biển Đông. Thái độ hiếu chiến của Bắc Kinh
không đơn thuần là phản ứng trước việc Việt Nam thông qua Luật Biển, mà còn là
phản ứng trước thái độ cứng rắn của Philippines cũng như quyết định của chính
quyền Mỹ Obama là tái cân bằng lực lượng qua khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể là Trung Quốc đã cho rằng tình trạng chia rẽ lộn xộn
trong ASEAN và tình hình Mỹ đang bận bầu cử, là cơ hội để họ hành động quyết
đoán hơn.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Luật Biển ra đời đúng thời điểm
và hợp thời cơ
Cùng một quan điểm với ông Thayer, Giáo sư Ngô Vĩnh Long trường
Đại học Maine (Hoa Kỳ), một người thường xuyên theo dõi tình hình Biển Đông,
cho rằng việc Việt Nam thông qua Luật Biển vào lúc này « vừa đúng thời
điểm, vừa hợp thời cơ ».
Dù ghi nhận một số thiếu sót trong bộ luật, giáo sư Long cho rằng văn kiện này là một bước tiến mới của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông, giúp Việt Nam tranh thủ thêm được sự ủng hộ của quốc tế.
« Theo tôi, ý nghĩa của sự kiện này (việc thông qua Luật
Biển) vừa đúng thời điểm, vừa hợp thời cơ để vận động sự ủng hộ ở quốc nội và
quốc ngoại, về vấn đề Biển Đông và an ninh cho Việt Nam nói riêng và toàn khu vực
nói chung.
Về đối ngoại thì sẽ có cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN,
và vấn đề Biển Đông sẽ được đưa ra bàn bạc. Luật Biển Việt Nam ra vào lúc này,
trong đó Việt Nam nhấn mạnh việc tuân thủ Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp
Quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, là một thông điệp quan
trọng của Việt Nam đối với luật pháp và an ninh quốc tế... »
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120702-luat-bien-cong-cu-giup-viet-nam-tranh-thu-hau-thuan-quoc-te-tren-van-de-bien-dong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét