Đào Tuấn
29-7-2012
Tự do báo chí, suy cho
cùng, trước hết phải ở việc các nhà báo không bị cản trở khi tiếp cận thông
tin. Hoặc giản dị hơn, những kẻ cản trở, dưới bất cứ hình thức nào, phải bị xử
lý nghiêm minh
Thông tin “không khởi tố vụ án hình sự” đối với vụ 2 phóng
viên VOV bị hành hung dã man đã được Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên chính
thức xác nhận. Trả lời Tuổi trẻ, Đại tá Nguyễn Văn Minh lý giải là vì “Không cần
thiết”. Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hưng Yên Dương Văn Cảnh sau đó giải thích: 2
nhà báo đã đề nghị không giám định thương tật, trong khi với tội danh “cố ý gây
thương tích, tổn hại cho sức khỏe người khác”, phải có kết quả giám định để xem
xét có thể khởi tố vụ án hình sự được hay không.
Phải khẳng định dư luận hoàn toàn không bất ngờ với hướng xử lý vụ việc của
Hưng Yên. Tuy nhiên, sau khi có thông tin chính thức, một câu hỏi cay đắng
không thể không đặt ra “Liệu các nhà báo phải bị đánh đến như thế nào? Hay phải
tử vong tại chỗ?” thì vụ án hình sự mới được khởi tố. Việc một vụ án quá rõ
ràng, có đầy đủ nhân chứng, vật chứng và gây công phẫn xã hội xử lý theo kiểu
“mưa to như mưa nhỏ”, sẽ tạo ra một “tiền lệ Hưng Yên” cực kỳ nguy hiểm cho
phép những nhân viên công vụ trong chính quyền thoát tội miễn đòn hội đồng
không gây thương tích “đến 11% sức khỏe”, hoặc vì sức ép nào đó, nạn nhân từ chối
giám định, đề nghị không khởi tố vụ án.
Trong vụ hành hung nhà báo ở Hưng Yên, rất tình cờ, đã có một video clip gi lại
toàn bộ hình ảnh vụ việc. Clip này đã được gửi tới giám định tại Viện Khoa học
hình sự – Bộ Công an. Cả nước đã nhìn thấy vụ hành hung, cực kỳ dã man. Duy chỉ
có Viện Khoa học hình sự là “không thấy” khi họ cho rằng nhưng hình ảnh này “chất
lượng thấp, quá mờ nhòe” nên không thể làm rõ được đối tượng đã hành hung 2 nhà
báo. Các nhà báo cần một kíp quay phim với máy quay chất lượng HD đi kèm để
không tự biến mình từ nạn nhân trở thành tội phạm, phạm tội vu khống cơ quan
công quyền? Hay Hưng Yên cần thượng tôn pháp luật để kiên quyết xử lý những
hành vi vi phạm về mặt pháp luật, gây công phẫn về mặt tâm lý xã hội?
2 tháng trước, tỷ lệ % các nhà báo đã và đang bị cản trở nghề nghiệp do RED
Communication công bố khiến du luận choáng váng: 87,9% trong tổng số hơn 400
nhà báo tham gia điều tra xã hội học cho biết đã từng bị cản trở dưới nhiều
hình thức. Thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam trong số 18 vụ cản trở, hành hung
phóng viên chỉ có 4 vụ được khởi tố. Nguyên nhân hầu hết là thiếu chứng cứ. Đại
loại như một bức ảnh, một video clip. Đáng lưu ý là cả 4 vụ này, không vụ nào
được khởi tố theo điều 257 (tội chống người thi hành công vụ). Dương như, với
cơ quan công quyền, tấm thẻ nhà báo, hay việc kêu gào “Chúng tôi là nhà báo.
Chúng tôi là phóng viên” hoàn toàn không lọt tai họ, chỉ vì họ “đang tức giận”
và “không bình tĩnh”.
Tự do báo chí, suy cho cùng, trước hết phải ở việc các nhà báo không bị cản trở
khi tiếp cận thông tin. Hoặc giản dị hơn, những kẻ cản trở, dưới bất cứ hình thức
nào, phải bị xử lý nghiêm minh.
Trong vụ việc này, có một chi tiết rất đáng chú ý: Cả 2 phóng viên của VOV đều
“không đề nghị khởi tố hình sự vụ án”, và từ chối giám định thương tích. Dù với
bất cứ lý do gì thì đây cũng là một sự ích kỷ và thiếu trách nhiệm không thể
che dấu. Thiếu trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn với hàng ngàn đồng
nghiệp đã, đang và sẽ còn bị hành hung. Liệu ai có thể bảo vệ nhà báo nếu ngay
chính họ cũng không muốn tự bảo vệ mình?
http://daotuanddk.wordpress.com/2012/07/29/khong-chi-la-chuyen-ca-nhan-hai-nha-bao/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét