Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




KẾT QUẢ KIẾN NGHỊ GOOGLE MAPS XÓA ĐƯỜNG LƯỠI BÒ

David Uy
18-7-2012


THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Ngày 18 tháng 7 năm 2012


Kết quả kiến nghị yêu cầu công ty Google xóa Đường Lưỡi Bò và tên “Trung Hoa” bên cạnh tên Hoàng Sa và Trường Sa trên Google Maps


Kính thưa quý đồng bào trên toàn thế giới:
Cuộc vận động của chúng ta đã thành công!

Để nắm rõ tình hình, chúng tôi xin sơ lược về Google Maps. Đây là một ứng dụng và kỹ thuật về dịch vụ bản đồ trên Internet của công ty Google. Ngoài bản quốc tế bằng tiếng Anh, Google có hai phiên bản Google Maps bằng tiếng Trung Hoa. Một phiên bản có trụ sở đặt ở Hồng Kông và bản kia, gọi là Google Ditu, được đặt tại Trung Hoa lục địa.

Trước cuộc vận động, hai phiên bản tiếng Trung Hoa đều có Đường Lưỡi Bò, cả 3 phiên bản đều ghi tên Trung Hoa bên cạnh tên Hoàng Sa và Trường Sa khi truy cập tên các quần đảo này trên các dịch vụ bản đồ đó. Hiện nay, sau cuộc vận động, Google đã lắng nghe sự lên tiếng của đồng bào:
• Đường Lưỡi Bò đã bị xóa bỏ trên phiên bản tiếng Trung Hoa đặt ở Hồng Kông.
• Tên “Trung Hoa” đã bị xóa bỏ khi truy cập tên Hoàng Sa và Trường Sa trên tất cả các phiên bản.
• Đường Lưỡi Bò vẫn còn hiện diện trên phiên bản Google Ditu đặt tại Trung Hoa lục địa vì phiên bản này nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Trung Hoa, theo giải thích của Google. Đó là lý do tại sao lại có hai phiên bản tiếng Trung Hoa. Xin được nhắc ở đây về xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Hoa, trong phiên bản ở Trung Hoa lục địa thì phần ranh giới tranh chấp được ghi theo sự khống chế của chính quyền Trung Hoa nhưng các phiên bản khác thì không.

Cuộc vận động thành công là nhờ sự lên tiếng của đồng bào, bloggers, các cơ quan truyền thông, và đặc biệt là một số trí thức và nhân sĩ đã gửi thư cho công ty Google trước đó.

Trân trọng kính chào và cám ơn quý vị,

Kiều Anh
Ban Điều Hành
Nguyễn Thái Học Foundation
nthf@nguyenthaihocfoundation.org
www.nguyenthaihocfoundation.org

Đính kèm:

Thông Cáo Báo Chí
Kiến Nghị bằng tiếng Việt

******************



THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngày 10 tháng 4 năm 2012


Ký tên kiến nghị yêu cầu công ty Google gỡ bỏ
tên "Trung Quốc" bên cạnh tên Hoàng Sa và Trường Sa,
và Đường Lưỡi Bò trên bản đồ


Kính thưa quý đồng bào trên toàn thế giới:

Hôm nay Nguyễn Thái Học Foundation bắt đầu chiến dịch ký thư kiến nghị yêu cầu công ty Google

- Xóa bỏ tên Trung Quốc bên cạnh tên Hoàng Sa và Trường Sa trên Google Maps.

- Xóa bỏ "Đường lưỡi bò" ở Biển Đông Nam Á trên Chinese Google Maps.

Đây là cuộc vận động vì an ninh và quyền lợi của 600 triệu người Đông Nam Á, bao gồm những ngư dân Việt đang bị khủng bố và thảm sát. Kiến nghị này cũng vì an ninh và quyền lợi của nhiều quốc gia khác đang sử dụng thủy đạo quan trọng bậc nhì của thế giới.

Nhằm chiếm đoạt Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông Nam Á, chính quyền và đảng Cộng sản Trung Quốc vận dụng mọi phương tiện và thủ đoạn kể cả khủng bố ngư dân, đe dọa, mua chuộc, chia rẽ các nước Đông Nam Á, và trốn tránh luật pháp quốc tế dù họ là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chẳng hạn, mới đây Hồ Cẩm Đào đã áp lực chính quyền Campuchia không được đưa vấn về Biển Đông Nam Á ra để bàn thảo trong Hội nghị Thượng đỉnh của ASEAN được tổ chức tại Phnom Penh vào ngày 3 tháng 4 năm 2012.

Chúng ta phải vạch trần và chận đứng chiến thuật xâm lược bằng văn bản và dữ kiện giả của chính quyền Trung Quốc nhằm từng bước hợp thức hóa chủ quyền của họ. Cũng như hành vi lặn xuống biển cắm cờ, một đội ngủ chuyên viên và học giả Trung Quốc chuyên len lỏi, luồn lách để chen cài, phổ biến những tài liệu và lịch sử địa dư giả tạo về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông Nam Á trong hệ thống truyền thông của các tổ chức và công ty các quốc gia Tây phương.

Chúng ta phải lên tiếng.
Nếu không lên tiếng thì lịch sử giả sẽ thành lịch sử thật.
Nếu không lên tiếng thì chúng ta và Đông Nam Á sẽ mất mát nhiều hơn những gì mà mọi người có thể tưởng tượng được.

Chúng ta cần 10.000 chữ ký hoặc nhiều hơn để yêu cầu Google phải sửa đổi lại thông tin trên Google Maps để phản ảnh chính xác lịch sử và tình trạng thực tế của Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông Nam Á.

Một cách gián tiếp, mục đích của chiến dịch này cũng nhằm tố cáo hành vi xâm lược của Trung cộng trước dư luận quốc tế đồng thời cổ vũ sự đoàn kết của ASEAN trước âm mưu chia rẽ và hành vi dọa nạt của một chính quyền giả dối, tham lam và man rợ.

Lẽ phải và Quốc tế đang đứng về phía chúng ta!

Hỡi đồng bào, hỡi bloggers, websites, và các cơ quan truyền thông hãy chung lưng đấu cật để GIỮ NON SÔNG CỨU NGƯ DÂN.



Trân trọng,

Kiều Anh
Ban Điều Hành
Nguyễn Thái Học Foundation
nthf@nguyenthaihocfoundation.org


====================


Kiến nghị yêu cầu công ty Google gỡ bỏ
tên "Trung Quốc" bên cạnh tên Hoàng Sa và Trường Sa,
và Đường Lưỡi Bò trên bản đồ




Kiến nghị đến:

Eric E. Schmidt, Chủ tịch điều hành Google Inc.
Larry Page, Giám đốc điều hành Google Inc.
Sergey Brin, Sáng lập viên Google Inc.
Marissa Mayer, Phó Giám Đốc Google Inc. - Ban Bản đồ và Địa phương

Tại sao Kiến nghị này quan trọng

Gần một thế kỷ qua, việc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và biển Đông Nam Á (Biển Nam Trung Hoa) vẫn chưa được giải quyết. Trong những năm gần đây, Liên Hiệp Quốc đã nhận được nhiều khiếu nại Trung Quốc từ các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam về chủ quyền trên các quần đảo trong vùng.

Trong tháng ba năm 2010, đáp ứng một bản kiến nghị của hơn 10.000 người trên toàn thế giới, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, nhà sản xuất bản đồ có uy tín và nổi tiếng nhất của thế giới, đã loại bỏ chú thích "Trung Quốc" tại quần đảo Hoàng-Sa trên bản đồ để phản ánh tư thế của cộng đồng quốc tế và quan điểm trung lập của Hội Địa Lý trong vấn đề này.

Ngày 10 tháng 5, 2010, một chiến dịch kêu gọi cộng đồng quốc tế thay đổi tên "Biển Nam Trung Hoa" thành "Biển Đông Nam Á". Cuộc vận động hiện vẫn tiếp diễn và đã đạt được sự hỗ trợ của hơn 50.000 người từ hơn 100 quốc gia.

Ngày 14 tháng 6 năm 2011, Phi Luật Tân đổi tên Biển Nam Trung Hoa thành Biển Tây Phi Luật Tân để cũng cố việc khẳng định chủ quyền trong vùng tranh chấp này.

Mùa hè năm 2011, dân Việt Nam và Phi Luật Tân trên khắp thế giới đã tổ chức những làn sóng biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và bành trướng trong vùng Biển Đông Nam Á.

Trong những năm gần đây, các hội nghị thượng đỉnh và nhiều buổi thảo luận đã được tổ chức tại Bali, Hà Nội, Kuala Lumpua, Manila, New York, Singapore, Washington DC, và gần đây là tại Phnom Penh, để đối đầu với thái độ và tuyên bố vô căn cứ có tính cách hiếu chiến của Trung Quốc, bao gồm cả giới tuyến "Đường Lưỡi Bò" nhằm đòi hỏi chủ quyền của họ trên hầu hết vùng biển Đông Nam Á.

Căn cứ vào những tuyên bố phi lý, Đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho lực lượng hải quân của họ liên tục quấy rối tàu thuyền của các nước Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế, đồng thời cướp bóc, bắt bớ, và bắn giết ngư dân Việt Nam trên vùng biển này.

Sự thật là các quốc gia Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sụ thật là cho đến nay, Liên Hiệp Quốc vẫn phân loại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các "vùng đảo tranh chấp" và chưa bao giờ xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo này.

Sự thật là các nước Đông Nam Á cùng với 600 triệu dân của họ và Liên Hiệp Quốc chưa bao giờ công nhận bản đồ với “Đường Chín Đoạn” của Trung-Quốc. Những bản đồ này chỉ đơn thuần nói lên chính sách bành trướng bá quyền của Đảng và nhà nước Trung Quốc.

Sau đây là các quan tâm của bản kiến nghị này:

1) Trên Google Maps, khi truy cập chữ "Hoàng Sa" và "Trường Sa" thì Google Maps hiển thị dòng chữ "Hoàng Sa, Trung Quốc" (“Paracel Islands, China”) và "Trường Sa, Trung Quốc" ("Spratly Islands, China"), ngụ ý rõ ràng rằng các quần đảo này thuộc về Trung Quốc mặc dù chúng không phải.

2) Trên Chinese Google Maps, khi truy cập các tên "Biển Nam Trung Hoa" ("South China Sea") và "Hoàng Sa" ("Paracel Islands") bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc thì công cụ này hiển thị một “Đường Chín Đoạn” bao trùm hầu như toàn bộ biển Đông Nam Á. Tuy nhiên khi truy cập các tên đó trên US Google Maps thì nó không hiển thị như vậy.

Vì các quan tâm trên đây, chúng tôi tin rằng Google Maps vô tình lừa dối công chúng về các quần đảo tranh chấp và Biển Đông Nam Á.



Thư gửi Ban Điều Hành công ty Google

Kính thưa quý vị:

Chúng tôi đòi hỏi quý vị lập tức xem lại sự thật về tình trạng chính xác của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và vùng Biển Đông Nam Á (Biển Nam Trung Hoa). Theo đó, chúng tôi yêu cầu quý vị thay đổi ghi chú và tên của các quần đảo và gỡ bỏ Đường Chín Đoạn trên các bản đồ của vùng biển này mà Google Maps đang phổ biến, nhằm phản ánh chính xác tư thế của 600 triệu dân Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế cũng như chính sách trung lập của công ty Google.

Chân thành,

[Ký tên]

=================



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét