Tô Nam - Sinh viên đại học Cornell, Hoa Kỳ
Nhân sự trẻ trong ghế bộ trưởng được sắp xếp lại nhưng thách thức khắc phục yếu kém dường như quá lớn. |
Tình hình kinh tế Việt Nam bấy
lâu nay có nhiều biến động với nhiều luồng thông tin trái chiều, khiến dân và
thậm chí cả giới phân tích rất khó để có thể thực sự định hình được những gì
đang diễn ra trong nền kinh tế.
Một mặt là những con số rất lạc
quan của chính phủ rằng tăng trưởng sẽ đạt mức trên 5-6% cho cả năm 2012, lạm
phát đi xuống một cách đáng kể từ 18% xuống còn 7% kèm theo việc mở rộng những
chính sách tiền tệ khiến cho lãi suất ngân hàng hiện giờ giảm chỉ ở mức trên
dưới 15%/năm tạo điều kiện vốn cho các doanh nghiệp.
Ngân hàng đầu tư JP Morgan cũng
vừa có báo cáo nói về triển vọng kinh tế của Việt Nam với lạm phát “đáng ngạc
nhiên theo hướng tích cực”.
Mặt khác, vẫn có những báo cáo
liên tiếp về thâm hụt thương mại cùng với các khoản vay khổng lồ của chính phủ
khiến cho nợ nước ngoài càng ngày càng cao, hay tỉ lệ nợ xấu trong khối ngân
hàng cũng tăng một cách đáng kể.
Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục
kinh doanh thua lỗ, trên bờ vực phá sản, hay đã phá sản trong thời gian gần đây.
Những dự báo về giảm phát là hoàn
toàn có cơ sở khi môi trường kinh doanh khó khăn khiến cho tỷ lệ thất nghiệp
gia tăng.
Điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với
một nền kinh tế thay vì tăng trưởng thì ngược lại đang rơi vào suy thoái, khi
mà giá cả giảm xuất phát từ sức mua yếu do người dân không còn có khả năng để
chi trả và đã nghèo đi một cách đáng kể.
Những con số
Hiện chưa rõ số nợ xấu cho vay bất động sản trong toàn bộ hệ thống ngân hàng và tín dụng. |
Tuy nhiên, những con số thống kê
dường như đang mâu thuẫn và không phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế, đặc
biệt là khi với số doanh nghiệp thua lỗ chờ phá sản và đã phá sản trong khoảng
6 tháng đầu năm nay đã lên tới hàng chục nghìn.
Mặc dù các số liệu từ tổng cục
thống kê cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chỉ ở mức 2.29%, con số này là
quá thấp so với số lượng các doanh nghiệp đang giải thể hàng loạt trong khoảng
hơn 1 năm gần đây.
Ở một quốc gia với hơn 80% dân số
sống bằng nông nghiệp, phải chăng một lực lượng lớn lao động nông nhàn ở nông
thôn cũng được tính là không thất nghiệp?
Trong khoảng 3 năm trở lại đây,
khi thị trường chứng khoán – thước đo sức khoẻ của nền kinh tế - mất 30-40% giá
trị, người ta tự hỏi những con số về tăng trưởng ở mức trên dưới 6%/năm là do
đâu?
Với lượng của cải vật chất làm ra
trong xã hội thấp đi trông thấy cùng với sự giảm sút của tổng cầu và thâm hụt
trong cán cân thương mại thì con số tăng trưởng 4.38% trong 6 tháng vừa qua,
hay thậm chí là một mức tăng trưởng dương dường như là rất phi lý.
Cũng có thể giải thích rằng mức
tăng trưởng này đạt được do sự đầu cơ trên thị trường bất động sản và tài chính
ngân hàng đã thổi phồng lên những bong bóng giá trị cho những dự án đầu tư, quy
hoạch các khu đô thị mới, chung cư cao tầng, biệt thự sang trọng, mà phần nhiều
trong số đó đang trở thành những khu đất bỏ hoang không ai ở do nhu cầu thực sự
là không cao.
Trong khi khối ngân hàng và các
nhà đầu tư bất động sản đạt được những lợi nhuận khổng lồ bằng việc đầu cơ, quả
bong bóng bất động sản này không hề tạo ra những giá trị thực sự cho phát triển
kinh tế như khối sản xuất.
Các yếu tố tích cực khác có thể
ảnh hưởng đến nền kinh tế như đầu tư nước ngoài là thiếu bền vững.
Chi tiêu của chính phủ chủ yếu
dựa trên việc in tiền kể từ sau thảm họa Vinashin khiến chính phủ Việt Nam gần
như bất lực trong việc phát hành trái phiếu quốc tế cũng tiềm tàng nhiều nguy
cơ bất ổn cho nền kinh tế.
Từ nơi quán nước vỉa hè với những
bài vè mang đậm màu sắc châm biếm đến những bản báo cáo từ phòng máy lạnh của
chính phủ và các ngân hàng đầu tư đang có những sự bất đồng sâu sắc.
Nhóm lợi ích
Tổng bí thư Trọng đã nói về điều ông gọi là "tư duy nhiệm kỳ" và "nhóm lợi ích". |
Cũng có thể hiểu rằng các chính
sách của chính phủ để điểu chỉnh kinh tế sẽ mất một thời gian để phát huy tác
dụng. Nhưng nhiều chuyên gia phân tích vẫn đang thật sự hoài nghi về tính đúng
đắn của các chính sách này.
Nếu như việc khống chế lãi suất
tương tự như Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sử dụng từ khủng hoảng kinh tế 2008 đến
nay đã tỏ ra rất hữu hiệu trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và duy trì tăng
trưởng cũng như đang trở thành xu thế chung về mặt chính sách khi đương đầu với
khủng hoảng, một chính sách tương tự đã không được chính phủ Việt Nam sử dụng
cho đến vài tuần trước đây.
Ngược lại, lãi suất trong nước
được thả trôi nhiều lúc lên tận 20-25% và lãi suất dưới gầm bàn cho doanh
nghiệp muốn vay vốn thậm chí còn cao hơn khiến doanh nghiệp khốn đốn.
Tuy vậy, giảm lãi suất một cách
nhanh chóng và đột ngột chưa chắc đã đi cùng với việc doanh nghiệp có thể hay
thậm chí là muốn tiếp cận với nguồn hỗ trợ vốn từ ngân hàng.
Cùng với những dự báo về giảm
phát và suy thoái, việc giảm lãi suất đột ngột trong hệ thống ngân hàng sẽ
không những không thúc đẩy được phát triển kinh tế mà thậm chí còn có thể gây
ra hiện tượng bẫy thanh khoản (liquidity trap) như trong nền kinh tế Nhật Bản
trong thập niên 1990 khi người dân sẽ thích giữ tiền mặt hơn gửi tiết kiệm
khiến cho hệ thống ngân hàng trở nên thiếu vốn. Không những đầu tư cá nhân sẽ
giảm, điều này còn sẽ dẫn đến nhiều hơn những sự ưu tiên về vốn cho doanh
nghiệp nhà nước mà phần lớn vốn đã làm ăn thiếu hiệu quả nhưng luôn có sự bảo
trợ từ nhà nước từ việc in tiền.
Doanh nghiệp tư nhân nhiều khả
năng là vẫn sẽ gặp khó khăn hay sẽ phải vay với lãi suất cao hơn gấp nhiều lần.
Khi trần lãi suất huy động thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay, các nhóm lợi
ích tài chính ngân hàng sẽ càng được lợi trên sự khốn đốn của doanh nghiệp.
Bài toán giải quyết nền kinh tế
Việt Nam để cứu các doanh nghiệp sản xuất người tạo ra của cải vật chất cho xã
hội hiện giờ là một bài toán khó. Song song với các chính sách tiền tệ, cần
phải có những chính sách tài khoá, giảm đầu tư công không hiệu quả và thay vào
đó là đầu tư nhiều vào khu vực tư nhân.
Có lẽ mấu chốt phải là cân bằng
được quyền lợi của các nhóm đại gia ngân hàng, bất động sản, doanh nghiệp nhà
nước vốn đã được rất nhiều hậu thuẫn của chính phủ với khối doanh nghiệp sản
xuất tư nhân và phần lớn người dân đã phải chịu nhiều thiệt thòi với những
chính sách kinh tế đáng thất vọng suốt vài năm qua.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng
của tác giả, sinh viên Đại học Cornell, chuyên ngành Triết Học - Chính Trị -
Kinh Tế.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/07/120711_vn_econ_comments.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét