"Những nỗi đau của mỗi người dân Việt yêu nước trong mấy ngày qua không thể diễn đạt bằng lời. Đó là sự cay đắng của lương tri trước sự u mê chính trị; sự nghẹn tức của trái tim trước cái ghẻ lạnh của thói nhẫn tâm tàn hại; sự đau đớn của một dân tộc biết rõ vận mệnh mình đang ngập trong bùn, nếu không có giải pháp đúng đắn, kịp thời. Trên báo mạng có rất nhiều những bài hay, nói rõ, nói đúng về cái chuyện “giặc đã trèo lên giường”, TQ đã ngênh ngang sẵn sàng cho một trận chiến trên Biển Đông…; thế nhưng, sự khẩn cấp của tình thế hiểm nghèo của vận mệnh sơn hà, xã tắc chẳng ăn nhập gì với tư duy quyền lực?"
Việc Trung Quốc trơ tráo; cạn mực
tàu, ráo cỏ máng, ngang ngược đứng ra “mời thầu” 9 lô thềm lục địa có nhiều tiềm
năng dầu khí thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đã lột trần bản chất
không bao giờ thay đổi của chủ nghĩa bành trướng đại Hán tham tàn. Có lẽ, điều
“tốt đẹp” nhất của nó là đã thức tỉnh được(?) những giấc mơ xuẩn ngốc cuối
cùng, chút lương tri sau cùng của tất cả những ai lâu nay vẫn cố tình mơn trớn
sự cả tin của con người về 16 chữ vàng, 4 tốt…
Trong lịch sử ngoại giao – lễ tiết
của loài người, chưa từng thấy ở đâu, bao giờ, cái “nguyên tắc” “nói dối vụ lớn”
của Adolf Hitler lại được thực thi vô liêm sỉ đến cùng tận như cách thức mà nhà
cầm quyền Bắc Kinh đang hành xử. Họ muốn chứng minh rằng họ bất chấp tất cả,
dám làm những điều không ai dám; họ đưa miệng súng chiến tranh chọc thẳng vào mồm
của những kẻ chí tư, vô công, luôn sợ dân hơn sợ giặc mà thời nào cũng có. Sự
“bất ngờ” của cái phi lý tột cùng được đẩy thành cái nóng bức tận cùng của một
mùa Hạ đau đớn, thật ra, chi là không ngờ với những kẻ xuẩn ngốc, u mê. Ngay từ
thời Hán – thời Việt Nam được coi là một “quận” của “thiên triều” thì đã tồn tại
cái lệnh chỉ bán cho dân Giao Chỉ lừa, bò, ngựa đực, không bán giống cái,
kẻo dân Giao Chỉ giàu có(!) Thử ngẫm mà xem, xem xem nó có giống với chuyện mua
chân trâu bò, mua mèo, mua rắn, mua gỗ sưa, mua khoai, khai thác boxit, nuôi cá
bè Cam Ranh…, suốt mấy chục năm qua hay không?
Biểu hiện khác nhau và muôn hình,
đủ dạng nhưng bản chất độc ác thì chỉ có một: Chẳng bao giờ nhà cầm quyền TQ
coi Việt Nam là hữu hảo trong suốt hơn 2.000 năm qua! Ấy vậy mà vẫn có những kẻ
mơ giấc mơ của anh nhà nghèo có mỗi cái quần đùi, cứ giấu thân thể trần truồng
trong cát là y như rằng công chúa sẽ đến dội nước cho cát trôi đi, để trở thành
phò mã(!) Họ tin rằng, có thể bằng sự “sáng suốt” của thiển cận; bằng sự coi
quyền lợi cá nhân to hơn vận nước, lòng dân; bằng trăm phương nghìn kế của lỗ cống
lòng tham; bằng cả thái độ coi khinh nhân dân như cỏ rác…, muốn xoay chuyển,
thay đổi cái “lý tưởng tương đồng” giàu chất gian ngoan, bịp bợm của chính quyền
Bắc Kinh?!
Những nỗi đau của mỗi người dân
Việt yêu nước trong mấy ngày qua không thể diễn đạt bằng lời. Đó là sự cay đắng
của lương tri trước sự u mê chính trị; sự nghẹn tức của trái tim trước cái ghẻ
lạnh của thói nhẫn tâm tàn hại; sự đau đớn của một dân tộc biết rõ vận mệnh
mình đang ngập trong bùn, nếu không có giải pháp đúng đắn, kịp thời. Trên báo mạng
có rất nhiều những bài hay, nói rõ, nói đúng về cái chuyện “giặc đã trèo lên
giường”, TQ đã ngênh ngang sẵn sàng cho một trận chiến trên Biển Đông…; thế
nhưng, sự khẩn cấp của tình thế hiểm nghèo của vận mệnh sơn hà, xã tắc chẳng ăn
nhập gì với tư duy quyền lực? Hầu như ai cũng biết rằng một nước lớn như TQ, một
khi đã tuyên bố là nó sẽ làm tới cùng vì mục tiêu xác lập vị thế của
cường quốc, mục tiêu cướp bóc mục hạ vô nhân, mục tiêu xóa bỏ nỗi đau hàng ngàn
năm bị dân tộc Việt Nam đánh cho tơi tả…
Cái trớ trêu “định mệnh” của dân
tộc Việt Nam là buộc phải đương đầu với kẻ láng giềng tham tột cùng, độc tàn vô
hạn, mưu kế thâm sâu, hiểm họa khôn lường. Trước một kẻ thù hung hiểm như thế,
sự ngờ nghệch cố ý, sự dốt nát của thiển cận chân thành là tội ác! Không dốt
nát sao được khi giặc cướp đất của ta, coi nhà ta là nhà của nó, biển trời của
ta là đơn vị hành chính của nó mà vẫn chần chừ, lừng khừng với các thay đổi quyết
liệt và, điều nguy hiểm nhất: Vẫn coi ý kiến của người dân như là một lực lượng
thù địch(!) Tại sao những người có trách nhiệm không chịu hiểu rằng mọi sự phản
đối cái sai, cái dở đều xuất phát từ lòng yêu Nước, từ sự thiết tha đau đớn của
trái tim, khối óc, mỗi ngày? Làm sao có thể tạo nên sức mạnh phi thường của ý
chí Việt, bản lĩnh Việt nếu như giữa chính quyền và người dân không có chung niềm
tin, tinh thần đoàn kết?
Giấc mơ 16 chữ vàng còn cay đắng
gấp bội phần giấc mơ của anh nhà nghèo trong truyện cổ tích thuở xưa. Dù có nằm
giấu mình trong cát hàng trăm năm, cũng chẳng bao giờ có công chúa nào đến dội
nước mát cho đâu! Đừng ngụy biện là “ngày xưa” cha ông ta đánh giặc chẳng cần
liên minh với ai để khẳng định bây giờ cũng thế. Ngày xưa, kẻ thù phương Bắc chỉ
hơn ta về dân số, còn cung tên giáo mác gần như là giống nhau. Ngày nay, thời đại
khoa học kỹ thuật xác lập cái chênh lệch vô thường, vô lượng về tương quan sức
mạnh nên không thể có chuyện một mình (lạc hậu, nghèo nàn, không tự chế tạo được
vũ khí hiện đại…) chống được sức mạnh bạo tàn. Liên minh thực sự với
Philippines, tự gác lại những bất đồng về quyền lợi; liên minh chặt chẽ, toàn
diện với Hoa Kỳ như mong mỏi của Hồ Chí Minh cũng như tăng cường liên minh với
các nước khác là con đường đúng – phải làm! Đọc lại Thư của Hồ Chủ tịch gửi
Trung úy Phenn cũng như nhìn lại quá trình hợp tác Việt – Mỹ trong những năm
1943-1945 sẽ thấy rõ điều này: “Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp
ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ” (HCM TT,
T.3, tr. 550 – chúng tôi nhấn mạnh, HVT).
Giấc mơ cay đắng của quan hệ TQ –
Việt Nam trong những năm qua cho chúng ta sự đủ của nhận thức để kết luận rằng
đừng ảo tưởng nữa về sự tốt đẹp chẳng có bao giờ mà hãy nhìn thẳng vào thực tế
tàn nhẫn, chua cay là những nhà cầm quyền TQ đã và đang dồn ép dân tộc Việt Nam
đến bước đường cùng. Đây là thời điểm không có chỗ cho bất kỳ sai lầm nào!
“Phép thử chính trị” của TQ hay mưu đồ độc chiếm Biển Đông chỉ là cách nói – đã
đến lúc suy ngẫm về cách làm của người Nhật năm 1868: Đoạn tuyệt với âm lịch để
khỏi vương vấn gì nữa về “kinh nghiệm” và những điều “tốt đẹp” đến từ Trung
Hoa!
Huế, 30.6.2012.
H.V.T.
http://www.boxitvn.net/bai/38635
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét