Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC CHO HOÀNG SA - TRƯỜNG SA

Thái Văn Cầu
Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn
quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974
 
Là quốc gia với hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1994 và bắt đầu xây dựng Luật Biển từ năm 1998. Trong 10 năm qua, chuyên gia trong các lãnh vực khác nhau góp phần hoàn chỉnh Luật Biển.

Quốc hội Việt Nam ngày 21/6/12 thông qua Luật Biển với tỉ lệ 495/496 thuận. Ngoài việc một lần nữa khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Luật Biển có nhiều điều khoản quy định gần sát với UNCLOS.

Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, Trung Quốc có những động thái sau:
- “triệu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ đến, đưa ra phản ứng nghiêm khắc về việc Quốc hội Việt Nam thông qua “Luật Biển Việt Nam” xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”[1]
- thành lập thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, quản lý hành chính hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
- công bố 9 lô dầu khí mời thầu gần đảo Phú Quý, sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam
Sơ lược sự kiện liên hệ trong hơn 20 năm qua:
- Tháng 9 năm 1990: Sau giai đoạn băng giá từ chiến tranh biên giới cực Bắc năm 1979, quan hệ Việt-Trung có một bước ngoặt ở hội nghị Thành Đô.
- Tháng 2 năm 1992: Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Biển đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc.[2]
- Tháng 2 năm 1999: Lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi đưa quan hệ Việt –Trung lên tầm cao mới, dựa trên cái-gọi-là phương châm chỉ đạo “16 chữ vàng, 4 tốt”. Phương châm này luôn luôn được lặp lại trong Tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 1999.[3]
- Từ năm 1999 trở đi: Mỗi mùa hè, Trung Quốc đơn phương cấm đánh cá ba tháng trong một số khu vực biển của Việt Nam. Trung Quốc thường xuyên sách nhiễu ngư dân Việt Nam hành nghề trong vùng biển Hoàng Sa, gây thiệt hại nặng nề về mặt đời sống cho ngư dân và trong vài trường hợp, nghiêm trọng hơn, Trung Quốc có hành động bắn giết hay đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam. Việt Nam không ngừng lên tiếng phản đối Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
- Tháng 6 năm 2003: Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biên giới Quốc gia khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.[4]
- Tháng 5-6 năm 2011: Trung Quốc gây nên sự cố “Bình Minh 2” và “Viking II”.

Ghi nhận từ các sự kiện trên:
Quốc hội Việt Nam chính thức khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam kể từ năm 2003.

Trong hơn 10 năm nay, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn đi ngược với cam kết “16 chữ vàng, 4 tốt” của lãnh đạo Trung Quốc đối với lãnh đạo Việt Nam. Nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Quốc trên tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em” không dẫn đến kết quả như lãnh đạo Việt Nam mong muốn.

Dựa vào bài học lịch sử kể từ năm 1949 cho đến nay, đối diện với thực tế không ai chối cãi hay phủ nhận được trước những mưu đồ và toan tính nguy hại và thâm độc của Trung Quốc, nhân dân và Nhà nước Việt Nam, vì quyền lợi đất nước, vì tương lai dân tộc, nên kiên quyết và mạnh dạn sử dụng nhận thức và kinh nghiệm có được để đòi hỏi và đáp ứng bằng các hành động cụ thể:

Việt Nam nên tiếp tục phát huy mặt tích cực trong tranh thủ ngoại giao và hiện đại hóa quốc phòng nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông nói chung và đối với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng.

Để đối phó với khiêu khích của Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc thực hiện bước kế tiếp trong chiến lược cực kỳ khôn khéo nhằm xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, tiến đến thôn tính phần lớn Biển Đông, Việt Nam không nên loại trừ bất cứ phương án nào, điển hình như đưa vấn đề ra trước cơ chế trách nhiệm thuộc Liên Hợp Quốc, UNCLOS, ASEAN, hội nghị/hội thảo quốc tế, cho tàu tuần tra các khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam kể cả khu vực lô dầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố mời thầu, v.v.

Vì Hoàng Sa không những thuộc chủ quyền của Việt Nam mà còn nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, hiện do Trung Quốc chiếm đóng không hợp pháp và sử dụng như bàn đạp tiến sâu vào Biển Đông, Việt Nam nên khẩn trương xây dựng cơ sở vững chắc bao gồm chứng cứ lịch sử và chứng cứ luật pháp để đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trước cơ quan tài phán quốc tế.

Trong thời gian qua, bên cạnh cơ quan Nhà nước, giới nghiên cứu độc lập về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa có một số đóng góp giá trị dù gặp khó khăn trong phương tiện.

Trong khi Việt Nam sử dụng kinh phí gần 200 tỷ đồng trong 5 năm “để tuyên truyền bảo vệ biển, đảo”, chưa có nỗ lực nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu độc lập với những nghiên cứu khoa học và nghiêm túc. Thiếu sót này cần được gấp rút khắc phục để góp phần củng cố bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.[5]
Việt Nam nên tiếp tục hợp tác với ASEAN để đạt nhận thức chung về khu vực tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa, và phương cách giải quyết, dựa trên luật pháp quốc tế.

Nhằm tạo đột phá trong bế tắc và do các lý do khác nhau, từ điều kiện đảo đến nhu cầu giảm thiểu mức độ xung đột, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, Việt Nam nên chủ trương quy định ngay cả đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa và Trường Sa có lãnh hải 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Hơn 6 tháng trước, trước việc Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên lên tiếng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, một câu hỏi được nêu ra:
“Trước quan tâm sâu sắc của nhân dân Việt Nam và trước thái độ cứng rắn của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế khi khẳng định “không có gì để đàm phán cả”, quan điểm và quyết tâm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là như thế nào?”

Khi đề cập đến Luật Biển, người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đưa câu trả lời về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa:
“Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Một tấc đất cũng phải bảo vệ. Đó là yêu cầu thiêng liêng, là thành quả mà rất gian khổ chúng ta mới giành được”.

Cùng thời gian, một nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước khác tuyên bố:
“Tôi khẳng định lại một lần nữa, giữ độc lập, chủ quyền đất nước là mục tiêu, là nhiệm vụ tối thượng, số một, quan trọng nhất. Chúng ta luôn muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị nhưng quyết không đổi chủ quyền để lấy những điều đó. Hòa bình, hợp tác ngang bằng với chủ quyền là cách nói, là mưu đồ của Trung Quốc.Chúng ta nhất quyết không đổi chủ quyền, không đổi đất đai, biển đảo Tổ quốc để lấy hòa bình”.[6]

Nói một cách khác, sau phương châm “16 chữ vàng, 4 tốt”, lập luận “gác tranh chấp, cùng khai thác”hay“dựa trên tầm nhìn đại cục để giải quyết thỏa đáng những bất đồng” có tác dụng như những viên thuốc độc bọc đường mà Trung Quốc muốn Việt Nam phải nhắm mắt… nuốt.[7]

Một khi quan điểm và quyết tâm ở cấp cao nhất của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được công khai và cụ thể hóa, dù khó khăn không nhỏ, vấn đề triển khai chủ yếu tùy thuộc vào bản lãnh của những người đứng đầu một đất nước với hơn 85 triệu công dân.

Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, Việt Nam đối diện với bao thiên tai và hiểm hoạ ngoại bang. Qua phát huy và tận dụng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khi dân và quan nắm chặt tay nhau cùng đi tới, ông cha ta vượt qua tất cả mọi thử thách.

Nếu con người Việt Nam ngày nay sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước và đáp ứng lòng tin cậy của các thế hệ mai sau, bằng hành động thiết thực nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của Tổ quốc trên Biển Đông, có thể nào trang lịch sử hào hùng của Việt Nam lại không được lặp lại dưới một hình thức khác trong thập niên này của thế kỷ XXI ?
T.V.C.

Chú thích:
http://biengioilanhtho.gov.vn/vie/tuyenbochungvietnam–nd-c3d91bbf.aspx
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2011/10/111011_hiemhoa_ngoaibang.shtml

http://webwarper.net/ww/~av/www.boxitvn.net/bai/39131


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét