Đào Tuấn
18-7-2012
Một
chính sách không mang lại lợi ích cho người thụ hưởng có thể gọi gì khác là một
chính sách vui là chính.
Ngay sau khi quyết định áp trần lãi suất nợ cũ 15% áp dụng trên toàn hệ thống
ngân hàng có hiệu lực (16/7), Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc
gia, ông Cao Sỹ Kiêm hôm qua đã chỉ ra vấn cốt tử là “mức xử phạt, hình thức xử
phạt”, thứ còn thiếu để quy định áp trần lãi suất được thực thi trong thực tế.
Trên tờ Đất Việt, ông Kiêm cho rằng “Đã là biện pháp hành chính thì mọi cái phải
có mức xử phạt cũng hành chính và phải đủ mạnh.
Nếu không có chế tài cụ thể thì
các NH chỉ công bố chiếu lệ, thực hiện lác đác và có khi chỉ công bố cho vui,
vì… không làm thì cũng có ai phạt mình đâu”. Ông Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước, lời ông Kiêm đủ trọng lượng để tin rằng việc áp lãi 15% đối với
các khoản nợ cũ, thực ra là “chuyện vui”, hoặc để “thỏa mãn tâm lý quần chúng”,
mang tính trấn an dư luận- là chính.
“Trấn an dư luận” là bình luận của TS Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân
hàng Bình An, một ngân hàng trong hệ thống đang và sẽ phải thực thi “mệnh lệnh
15%”.
Theo ông Hiếu, trong 3 nhóm đối tượng đang tồn tại, chỉ có các DN đang đi vay
tiền ngân hàng có mối quan hệ tốt với NH; đang ổn thỏa do được Nhà nước đỡ đầu,
được nuông chiều, việc hạ lãi suất nợ cũ lần này giúp họ rất lớn. Nhưng những
DN loại này “chính xác là các DNNN”. Nhóm DN đang tồn kho cao, theo ông Hiếu là
“có thể vay tiền NH nhưng không muốn vay”. NHNN đẩy tụt lãi suất xuống còn bao
nhiêu họ cũng mặc kệ. Nhóm cuối vẫn thường xuyên khó khăn tiếp cận vốn hầu như
cũng bị đứng ngoài lề.
Nếu biện pháp hạ lãi suất nợ cũ chỉ có tác dụng với nhóm DNNN, những DN đang sống
khỏe thì rõ ràng biện pháp hạ lãi suất đối với nợ cũ “không tác dụng nhiều để
xoay chuyển được tình thế khi kinh tế suy giảm”.
Trong khi biện pháp mới tinh, vừa có hiệu lực, được nhìn nhận “chủ yếu để trấn
an dư luận”, thì một quyết định hỗ trợ nông dân vay vốn mua sắm máy móc giảm
thiệt hại sau thu hoạch, có hiệu lực từ 2 năm trước, cũng hầu như ban hành chỉ
để ban hành, khi mà nông dân, đối tượng chính của chính sách từ chối vay vốn
lãi suất 0% để đi vay thương mại. Điển hình cho câu chuyện tưởng chừng vô lý
này là Đồng Tháp. 90% số hộ nông dân đã từ chối vay nhà nước với lãi suất “được
hỗ trợ 100% trong 2 năm” để vay thương mại với lãi suất cắt cổ. Lý do rất đơn
giản, và cũng chỉ xoay quanh một chữ “lợi”: Lãi suất- được hỗ trợ 100% chỉ có
thể mua máy móc có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%. Và hầu như nông dân không chọn
loại máy đồng nghĩa với chất lượng thấp, ngốn xăng dầu “như tây ngốn bia”, hay
hỏng và khó sửa này.
Không mấy ai, vì những thứ chung chung như “trách nhiệm xã hội” mà quên đi chữ
lợi.Và vì thế, một chính sách không mang lại lợi ích cho người thụ hưởng có thể
gọi gì khác là một chính sách vui là chính.
Câu hỏi đặt ra đối với hệ thống ngân hàng là liệu giới nhà băng có từ bỏ lợi nhuận-
dự kiến giảm đến 25% nếu thực thi nghiêm túc-để tự sướng với “trách nhiệm xã hội”
theo yêu cầu Thống đốc! Liệu ngân hàng có bất chấp khoản nợ xấu hơn 202 ngàn tỷ
để tiếp tục nhắm mắt cho vay!
https://daotuanddk.wordpress.com/2012/07/18/chinh-sach-vui-la-chinh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét