Lê Phú Khải
Nhìn tấm hình một vị cử tri tóc bạc phơ, đứng sát Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng, hai tay cung kính để trước trong tư thế khoanh tay của
trẻ con trước người lớn, mắt đăm đăm nhìn cấp trên đầy vẻ thành kính,
ngưỡng mộ, sùng bái; những người đứng xa hơn cũng hướng về TBT... trong khi đó
thì TBT nhìn đi chỗ khác, vô cảm ! Có người bình luận là, chắc ông Tổng Trọng
nhìn vào ống kính phóng viên đang chụp hình ông với cử tri trong cuộc tiếp
xúc... để làm duyên !
Xem tấm hình này... tôi buồn mất một tuần có lẻ ! Vì tấm
hình nói lên quá nhiều điều. Nó đưa người ta suy ngẫm về phương Đông và phương
Tây, về triết học và văn hóa của hai phương trời. Từ trước Công nguyên,
Aristote (384-322 trước CN) đã tuyên bố: Platon là thầy tôi, nhưng chân lý quý
hơn thầy ! Engel rất hâm mộ Aristote và luôn dẫn câu nói nổi tiếng này của
Aristote trong các bài viết của mình.
Từ trước Công nguyên, chân lý khách quan khoa học luôn là
thước đo của mọi giá trị trong xã hội phương Tây. Vì thế, phương Tây văn minh.
Xã hội phương Đông từ trước Công nguyên, triết lý Khổng Mạnh chỉ đề cao đạo lý
vua tôi, cha con, chồng vợ... Kẻ sĩ trí thức phương Đông đến cửa Khổng sân
Trình chỉ để mong thi đỗ làm quan, để được quỳ lạy trước sân Rồng ! Văn
hóa phương Đông từ thời Khổng Mạnh đến nay là thứ văn hóa quỳ lạy. Thấy kẻ trên
là... quỳ lạy, không cần biết kẻ đó có đồng nghĩa với lẽ phải, với chân lý hay
không (!) Kẻ đó nói những câu vô hồn, vô bổ như "khách quan",
"biện chứng"... hay gì gì đi nữa, nhưng là quyền lực thì cứ thế mà
cung kính, mà ngưỡng mộ !
Cái hình ảnh đau khổ mà tôi vừa kể ở trên nói lên cả một nền
văn hóa quỳ lạy của phương Đông.
Có lần, tướng Lưu Á Châu ở Trung Quốc có kể lại rằng, khi
ông là một sĩ quan, dự một lớp học, thấy thầy giảng chướng tai quá, ông đứng
lên cãi lại, thầy liền mắng rằng: Sao anh dám cãi lại tôi. Tướng Lưu Á Châu
bình luận rằng, chỉ câu nói ấy của thầy đã nói lên tất cả! Sao thầy không mắng
: - Sao anh dám nói như thế ! Có nghĩa là thầy không mắng, không dám tranh luận
về nội dung lời cãi của tướng Châu, mà chỉ biết là không được cãi thầy. Cái văn
hóa dưới không được cãi trên ấy, còn tồn tại ở Trung Quốc và Việt Nam cho đến
tận hôm nay, như một chân lý bất di bất dịch ! Vì thế tướng Châu đã buồn rầu và
đi đến kết luận: Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có các nhà mưu lược mà
thôi !
Người phương Tây có câu ngạn ngữ rằng: Cái gì có lý thì nó
tồn tại, cái gì tồn tại thì nó có lý (tout ce qui est rationnel, est reel...).
Cái lý tồn tại của chính thể độc tài ở Việt Nam cũng như ở
mọi quốc gia độc tài khác là vì còn "lưu hành" thứ văn hóa quỳ lạy,
mà những người nhiễm phải nền văn hóa này còn không ít trong xã hội phương Đông.
Hình ảnh thảm thương của các ông già cử tri khi tiếp xúc với
đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói lên điều đó. Nó có cội rễ từ Khổng Tử.
Tôi nghĩ như vậy. Thật là buồn !
Lê Phú Khải - 7-2012
http://badamxoe.blogspot.com/2012/07/chan-ly-quy-hon-thay.html?utm_source=feedburner&utm_medium=email&utm_campaign=Feed%3A+blogspot%2FMC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét