"Đã đến lúc chúng ta phải dũng cảm vứt bỏ những cái “hư”, cái ảo để đi tìm cái “thực”, lấy lại niềm tin và lẽ sống với giá trị đích thực của con người, của đời sống xã hội." (TNM: Làm được như thế, có nghĩa là chính chúng ta đang vực lại tinh thần quật khởi: quật khởi chính bản thân để xây dựng lại con người )
Ngày xưa trong gia đình cha mẹ luôn dạy con cái phải thật
thà, trung thực. Khi đến tuổi đi học, nhà trường cũng dạy học sinh phải thẳng
thắn, dũng cảm, dám hy sinh, tôn trọng người khác và biết tự trọng… Rất nhiều tấm
gương về lòng trung thực, dũng cảm bảo vệ lẽ phải, sự công bằng và chính nghĩa
mà các nhân vật trong tiểu thuyết hay phim ảnh luôn là thần tượng của tuổi
thanh thiếu niên bấy giờ. Thế rồi không biết từ bao giờ, cùng với nền giáo dục,
những phẩm hạnh đó mất đi và nay trở thành xa lạ với xã hội, thậm chí trong một
số trường hợp, trung thực, thật thà, dũng cảm lại là vật cản đối với nhiều người.
Ngày nay, thay bằng việc giáo dục tính thật thà, trung thực,
lòng dũng cảm, các bậc phụ huynh phải trang bị cho con trẻ ngay từ khi chúng mới
lớn cách sống “khôn ngoan” và khả năng tự vệ, né tránh với muôn vàn mánh lới, cạm
bẫy nguy hiểm của xã hội, nơi chúng vừa mới bước vào. Nhà trường dạy cho học
sinh những tiểu xảo che mắt các phái đoàn đến thăm, dạy học sinh cách gian lận
trong thi cử để trường mình được thành tích tốt hơn trường khác, khai man tuổi
để đi thi…
Khi vào đời thì người ta dạy cách sống “khéo léo” để được
“tiến bộ”, được đề bạt. Khi đã có cái ghế ngồi, có địa vị trong công việc thì học
thêm những mẹo vặt hay cách “ngậm miệng ăn tiền” để được lòng cấp trên, vừa
lòng cấp dưới… Cao hơn nữa thì dạy cách trang bị càng nhiều càng tốt những hư
danh, kể cả viêc mua bằng giả để trèo cao, chui sâu. Cho tới khi hết tuổi làm
việc nhiều người thậm trí còn cố tìm cách khai man tuổi để không bị về hưu đúng
hạn.
Con người cá thể tìm kẽ hở để qua mặt Nhà chức trách, đối
phó với cơ quan Công quyền. Ngược lại đại diện các cơ quan Công quyền, Nhà chức
trách cũng tìm cách kiếm chác từ sơ hở của pháp luật lẫn sự dại dột và ấu trĩ của
người dân.
Cả xã hội quay cuồng, tất bật với bao nhiêu là kỹ xảo gian dối,
thủ đoạn tàn nhẫn để kiếm chác, bon chen, luồn lách, tồn tại. Họ lo sợ, né
tránh sự thật. Kẻ có quyền, có tiền thì lo mất quyền, mất ghế.. Người không có
quyền thì sợ quyền lực trù dập. Phần lớn người ta bị rơi vào một tâm lý hoảng
loạn, xét nét, ngờ vực dẫn đến thái độ vô cảm, vô trách nhiệm, sống thờ ơ, thụ
động, hèn nhát và tàn nhẫn. Một số ít người nhận biết ra sự thật thì cũng chỉ
dám thì thầm, bàn tán vụng trộm như thể chính họ là những người có lỗi. Họ sợ bị
cô lập. Hoạ hoằn lắm mới có người dũng cảm nói lên sự thật, dũng cảm “đi tìm
cái tôi đã mất” – nhưng cũng chỉ đến khi đã nghỉ hưu.
Sự giả dối ngày nay đạt tới mức “chân thật”. Giả dối không
chỉ lời nói, cử chỉ, thái độ, suy nghĩ mà ngay cả niềm tin cũng giả dối nốt. Mặc
dù cũng có người tự trọng cảm thấy đó là vô liêm sỉ, song họ bắt buộc phải hòa
mình với khung cảnh và môi trường xã hội để tồn tại vì không còn sự lựa chọn
khác. Vả lại trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, sống thật, nói thật, nói thẳng
nhiều khi bị vạ lây, nhiều trường hợp còn bị coi là “kích động”, “giúp tay” cho
thế lực “diễn biến hoà bình”, “âm mưu chống chế độ” vv. Đến nỗi mọi người phải
thì thầm lén lút, vụng trộm như những kẻ phạm tội mỗi khi nói về sự thật, đấu
tranh cho sự công bằng và chính nghĩa.
Tuy nhiên sự thật vẫn luôn tồn tại bên cạnh những biến thể của
nó. Xã hội tồn tại và phát triển là dựa trên cái “thực” chứ không phải cái
“hư”. Khi xã hội bị một ma lực nào đó áp đặt những quy tắc trái với lẽ thông
thường để rồi cái “chân” bị chối từ, phủ nhận hay kết án thì con người cá thể
theo bản năng tự nhiên sẽ tìm cách bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải và công lý.
Chẳng thế mà từ ngàn đời nay, dẫu triều đại hưng thịnh hay xuy tàn, rốt cuộc mọi
diễn biến của xã hội dù bi hay hùng, đều được các nhà chép sử lưu lại một cách
trung thực. Lịch sử loài người có thăng có trầm, nhưng rất may xã hội luôn theo
hướng tiến bộ và hoàn thiện. Cũng như ngày nay, khi những tờ báo “lề phải”
không dám nói hoặc “bỏ sót” sự thật, thì ngay lập tức xuất hiện những tờ báo
hay trang mạng xã hội nhận trách nhiệm thay thế, bù đắp cho sự thật bị đánh
tráo, công lý bị chà đạp. Đó chính là quy luật vũ trụ không thể khác.
Sự thật luôn luôn tồn tại một cách khách quan. Dẫu có muốn
bóp méo hay chôn vùi, rồi cuối cùng sự thật vẫn hiện nguyên hình. Sự thật chỉ
có một, không thể là hai hay một nửa. Sự thật chẳng cần tô vẽ hay gọt đẽo để
tăng thêm hay giảm đi giá trị của nó.
Lịch sử cho thấy những triều đại suy tàn và sụp đổ đều có
chung một kịch bản, đó là cố đi tìm cái “hư” mà không phải là cái “thực”. Rất
nhiều bài học cay đắng trong lịch sử mất nước của những Vương triều bị sụp đổ
là do Vua nghe nịnh thần, tự huyễn hoặc, bắt chấp dư luận xã hội, trừng phạt
trung thần. Như vậy, có thể nói mức độ chân thực của xã hội chính là thước đo sức
khoẻ của chế độ. Mức độ giả dối của xã hội càng cao thì nguy cơ tan vỡ càng lớn.
Các chế độ xã hội đều tồn tại trên cơ sở một chủ thuyết nhất
định, được nhà cầm quyền lựa chọn áp đặt và giáo dưỡng. Chủ thuyết không tưởng
(hư) sẽ dẫn tới một xã hội thác loạn và mất phương hướng. Nói cách khác, khi xã
hội bị đẩy tới chỗ tha hóa biến chất, mọi giá trị đạo đức không còn ý nghĩa,
con người mất hết niềm tin và sự thật trở thành vật cản của chính nó thì chứng
tỏ chủ thuyết đó đã tan vỡ, triều đại dựa trên chủ thuyết đó đang sụp đổ.
Xã hội Việt nam ngày nay đang chứa đựng một sự giả dối đến cực
điểm. Nó như bóng ma phủ lên mọi khía cạnh của đời sống xã hội, phủ kín mọi tầng
lớp, mọi lứa tuổi. Giả dối không chỉ là hàng hóa, mà cả thước đo, chứng chỉ, bằng
cấp. Giả dối từ vật thể đến phi vật thể, từ giá trị đến khái niệm… hết thảy đều
giả dối. Giả dối dẫn đến lẫn lộn trắng đen, đảo ngược giữa công và tội, lẫn lộn
giữa thiện và ác, giữa hư với thực. Chính sự giả dối là thủ phạm số một, là môi
trường lý tưởng cho tham nhũng và tham nhũng đã trở thành Quốc nạn.
Đã đến lúc chúng ta phải dũng cảm vứt bỏ những cái “hư”, cái
ảo để đi tìm cái “thực”, lấy lại niềm tin và lẽ sống với giá trị đích thực của
con người, của đời sống xã hội. Không ai cho và cũng không ai cấm chúng ta quyền
được sống một cách đàng hoàng, đĩnh đạc, quyền được suy nghĩ và biểu hiện suy
nghĩ một cách trung thực, trong sáng và mạch lạc, quyền được nói lên sự thật một
cách công khai và đàng hoàng.
Nhanh hay chậm, tất cả phụ thuộc vào mỗi chúng ta.
© Thái Hiền
http://webwarper.net/ww/~av/vanganh.info/bao-gio-nguoi-viet-duoc-song-that-duoc-noi-that/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét