Asean là nơi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau quyết liệt |
Nhà báo Martin Petty của hãng tin Anh Reuters có bài
phân tích về Asean trên bàn cờ giữa Mỹ và Trung Quốc nhân các hội
nghị của khối với hai đối tác này ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Trò kéo co để tranh giành ảnh hưởng ở đông nam Á
giữa Mỹ và Trung Quốc chứng tỏ đang trở thành một phép thử quan
trọng cho chiến lược ‘xoay chiều’ về phương đông của Washington trong
bối cảnh Bắc Kinh đang củng cố quyền lực kinh tế và quân sự ở ngay
sân sau của mình.
Các nước trong Hiệp hội các quốc gia đông nam Á (Asean), một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, đang cân nhắc xem nên chơi những lá bài của mình như thế nào trong lúc Mỹ đang chạy đua với gã khổng lồ Trung Quốc và đang cố gắng khẳng định vị trí của mình ở châu Á.
Các nước chia rẽ
Những động thái lôi kéo dồn dập gần đây của
Washington với một số nước Asean, từ Philippines, Thái Lan cho đến
Singapore và Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ xung đột với Trung Quốc nhất là
khi tranh chấp chủ quyền dễ làm kích động tâm lý và Trung Quốc đang
xây dựng lực lượng nhanh chóng ở vùng Biển Đông giàu tài nguyên.
Tuy nhiên với những đồng minh lâu đời của Mỹ trong khu
vực và mối quan hệ thân thiết của Trung Quốc với một số nước thành
viên Asean thì khối này khó có thể tìm được tiếng nói chung trên
những vấn đề có liên quan đến hai siêu cường này tại hội nghị các
bộ trưởng ngoại giao trong tuần này ở Phnom Penh.
Lợi ích cá nhân rất có thể sẽ mạnh hơn sự đồng
thuận tại hội nghị vốn cũng có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ
Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Một số nước sẽ lâm vào thế bí khi không biết làm cách
nào để cân bằng các mối quan hệ với hai nước này để được lợi nhiều
nhất từ cả hai, trong khi một số nước khác lại tìm cách lợi dụng
sự đối đầu Mỹ-Trung như một cơ hội để đạt được những lợi thế kinh
tế và quân sự.
Lào, Campuchia và Miến Điện, những quốc gia nghèo
nhất trong khối, vẫn sẽ nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc nhờ vào
những khoản cho vay không kèm điều kiện của họ.
Những nước này rất cần xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ
trợ quân sự và làn sóng đầu tư từ các công ty Trung Quốc.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có quan hệ kinh tế gần gũi
với Singapore và Malaysia và đang ra sức ve vãn Thái Lan – một đồng
minh quan trọng của Mỹ kể từ Đệ nhị Thế chiến và là một căn cứ
của Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Bắc Kinh đang cung cấp các khoản vay và công nghệ cho
Thái Lan để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc, tài trợ hàng trăm
học bổng cho sinh viên Thái và gần đây đã đồng ý gửi sang Bangkok
10.000 giáo viên dạy tiếng Hoa.
‘Siêu cường tại chỗ’
Một số nước Asean ngả hoàn toàn về phía Trung Quốc |
Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu an ninh
và quốc tế của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng Thái Lan là
một ‘quốc gia trục’ ở Asean vốn có truyền thống thân Mỹ nhưng giờ đây
lại ngả về phía Trung Quốc nhiều hơn.
Chiến lược của Trung Quốc ở Thái Lan và một vài
nước Asean khác không chỉ là thương mại và đầu tư trước mắt mà là
xây dựng mối quan hệ gần gũi để phục vụ cho các lợi ích chiến lược
dài hạn.
“Trung Quốc hiện giờ thâm nhập vào khắp đông nam Á...
họ là siêu cường ngay tại chỗ,” Pongsudhirak nói, “Đó là quyền lực âm
thầm của Trung Quốc mà chúng ta không nhìn thấy. Nó không được thể hiện
mạnh mẽ. Họ không nói ra.” “Trung Quốc có thể đầu tư nhiều hơn nữa (vào quan hệ
với Asean) mà không cần được lợi ngay,” ông nói thêm.
Sau một thời kỳ gần như lơ là Asean dưới thời chính
quyền Bush, Hoa Kỳ có thể lo sợ rằng họ đang tụt lùi trong khi Trung
Quốc đang tận dụng sự tăng trưởng của Asean.
Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược châu Á mới
của Mỹ là để xua tan quan niệm rằng sức mạnh kinh tế của họ ngày
càng suy giảm cũng như quan niệm Trung Quốc vẫn tiếp tục bùng nổ.
Dấu hiệu rõ ràng của việc Hoa Kỳ quay trở lại khu
vực cho tới nay là các động thái của giới quân sự với việc Bộ
trưởng Quốc phòng của nước này công du đến một số nước hồi tháng
trước để loan báo kế hoạch điều chuyển 60% lực lượng chiến đấu của
Mỹ trú đóng ở châu Á-Thái Bình Dương cho đến năm 2020. Điều này cho
phép Mỹ có thể ‘hành động nhanh nhẹn, triển khai nhanh chóng và linh
hoạt’.
Một phần trong kế hoạch này đòi hỏi Mỹ phải sử dụng
các cảng ở Philippines, Việt Nam và có thể là Singapore để đổi lại
việc huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước này.
Hoa Kỳ cũng đang tìm cách thiết lập một trung tâm
phản ứng nhân đạo tại sân bay U-tapao, nơi từng là căn cứ của họ trong
cuộc chiến Việt Nam trên lãnh thổ Thái Lan.
Tranh chấp chủ quyền
Asean khó tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề có liên quan đến Mỹ và Trung Quốc |
Chiến dịch ve vãn của Washington ở khu vực đã tiếp
thêm sức mạnh cho Việt Nam và Philippines, vốn chỉ trích đòi hỏi chủ
quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, và khởi động các cuộc thảo luận
đề nghị Mỹ triển khai máy bay do thám ở vùng biển này.
Theo một số nhà ngoại giao Asean, Trung Quốc rất nghi
ngờ về động cơ của Hoa Kỳ và đang vận động rất quyết liệt ở hậu
trường để đả bại nỗ lực của Việt Nam và Philippines đề xuất Asean
soạn thảo một thông cáo chung về tranh chấp trên biển trong bối cảnh
lời lẽ các bên gay gắt trở lại sau một thời gian tạm lắng dịu.
Sự đồng thuận của Asean càng không có khả năng với
việc nước chủ tịch luân phiên của Asean Campuchia, đồng minh lớn nhất
của Bắc Kinh trong khối và nhận hàng tỷ đô la viện trợ và đầu tư từ
nước này, từ chối tham gia, các nguồn tin ngoại giao cho biết.
Mặc dù vậy, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều giảm nhẹ
những lời lẽ về một sự đối đầu địa chiến lược trong khu vực. Cả
hai đều hoan nghênh sự hiện diện của nhau ở đông nam Á và tìm cách
xoa dịu nỗi lo sợ của Asean rằng ảnh hưởng của họ đang tác động tiêu
cực lên khối.
“Trong Asean thường xuyên có một quan ngại về sự canh
tranh chiến lược nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc,” Kurt Campbell, trợ
lý ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Đông Á, phát biểu mới đây. “Chúng tôi có quyết tâm và quyết tâm mạnh mẽ để mọi
người thấy rõ rằng chúng tôi muốn làm việc cùng với Trung Quốc,” ông
nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo The Nation của
Thái Lan hai tuần trước đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh
nói Asean là ‘một ưu tiên không thể bàn cãi’ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong một ẩn ý về sự can dự của Mỹ vào
khu vực, bà Phó cảnh báo Asean nên có thái độ độc lập.
“Nếu Asean ngả về một phía thì khối này sẽ không
còn ý nghĩa,” bà nói.
Mục đích kinh tế
Việt Nam và Philippines khó tìm được sự hậu thuẫn trong khối Asean về vấn đề Biển Đông |
Giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng việc nước này chuyển
trọng tâm về châu Á cũng còn vì mục đích kinh tế.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng các tập đoàn của
họ đang ngày càng quan tâm đến khu vực đông nam Á và họ được khích
lệ trước kế hoạch thành lập Cộng đồng kinh tế Asean.
Tuy nhiên sự đầu tư của Hoa Kỳ ở đây cũng có nghĩa
là xâm phạm vào sân chơi truyền thống của Trung Quốc.
Một cuộc gặp gỡ lớn nhất từ trước đến nay trong
phạm vi Asean của các doanh nghiệp Mỹ sẽ diễn ra ở Siem Reap vào cuối
tuần này – một sự kiện có sự tham dự của Ngoại trưởng Hillary
Clinton.
Những động thái như thế là tin tốt lành cho những
nền kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc như Lào và Miến Điện – những
nước giờ đây đang tìm đến các đối tác khác để đa dạng hóa nguồn
đầu tư.
Đa số các nước trong khu vực đều tuyên bố công khai
rằng họ không đứng về phía nào trong đối đầu Trung-Mỹ. Một số còn
xem điều này là cơ hội vì họ có thể khai thác mâu thuẫn này để đạt
lợi ích cho mình.
Khai thác mâu thuẫn
Theo cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kantathi Suphamongkhon
thì có một quan niệm sai lầm rằng khi Thái Lan xích gần Trung Quốc
hơn thì quan hệ của họ với Mỹ cũng xấu đi.
Thái Lan, ông nói, đang ở một vị thế rất tốt để
tranh thủ lợi ích từ cả hai cường quốc này.
“Điều quan trọng là không nên xem mối quan hệ của
Thái Lan với Mỹ và Trung Quốc là một trò chơi ăn cả bên này ngã về
không bên kia,” ông nói và cho biết Asean luôn muốn sự hiện diện của
Hoa Kỳ trong khu vực như là một ‘lực lượng giúp ổn định’.
Tuy nhiên điều này cũng có thể có tác dụng ngược.
Sự can dự của Hoa Kỳ vào Biển Đông đã dẫn đến việc
diễu võ giương oai từ phía Trung Quốc và những lời kêu gọi ngày càng
gia tăng ở nước này về một lập trường cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, căng thăng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc,
miễn là không leo thang thành xung đột, có thể có lợi cho các nước
Asean.
“Họ (các nước Asean) không muốn Trung Quốc và Mỹ
hoàn toàn đồng ý với nhau,” học giả Thái Lan Thitinan Pongsudhirak
nhận định, “Những căng thẳng và mâu thuẫn này cho họ khả năng mặc cả
và yêu sách.”
Lợi ích cạnh tranh nhau giữa hai cường quốc này có
thể dẫn đến sự chia rẽ về các chính sách trong khối và điều này
có thể làm tổn hại đến uy tín của Asean khi họ đang chuẩn bị hội
nhập vào một cộng đồng kinh tế vào năm 2015.
“Hậu quả của việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ
là triển vọng về một Asean thống nhất là rất ít ỏi,” nhà phân tích
Michael Montesano ở Viện nghiên cứu châu đông nam Á có trụ sở ở
Singapore cho biết.
“Các thành viên của khối đều theo phe bằng cách này
hoặc cách khác và điều này đặt Asean vào một tình thế không dễ
chịu chút nào,” ông nói.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/07/120709_asean_us_china.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét