SGTT.VN
30-7-2012
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" của Trung Quốc là khiêu khích. |
Trung Quốc tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao trên biển
Đông bằng cái gọi là “thành phố Tam Sa” và kế hoạch đồn trú quân sự trên đảo
Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nước Mỹ có thể phản ứng như thế nào?
Hành động khiêm tốn
Một chính sách quan trọng của Nhà Trắng đối với châu Á –
Thái Bình Dương được tuyên bố hồi năm 2010 rằng Mỹ có những lợi ích quốc gia
trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông. Nhưng căng thẳng chỉ
ngày càng leo thang. Trong tuần qua, Trung Quốc đã nâng cờ tại “thành phố Tam
Sa" do họ tự khởi xướng.
Từ Washington, các nhà lập pháp quan tâm đến chính sách châu
Á ngay lập tức đưa ra phản ứng với vấn đề này. Thượng nghị sĩ John McCain gọi
đây là hành động khiêu khích của Trung Quốc, qua đó sẽ củng cố thêm cho những
lo ngại rằng Trung Quốc đang muốn áp đặt tuyên bố chủ quyền của mình với các nước
bên ngoài thông qua đe dọa và ép buộc. Thượng nghị sĩ Jim Webb thì nói việc
Trung Quốc cố gắng khẳng định quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp có thể vi
phạm luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Mỹ có phản ứng thận trọng hơn, nhưng cũng chỉ
trích “những hành động đơn phương” của Trung Quốc. “Thực sự có lo ngại khi
Trung Quốc bắt đầu thực hiện các hành động, trong khi chúng tôi muốn tất cả những
vấn đề này được giải quyết trên bàn đàm phán”, người phát ngôn Victoria Nuland
nói.
Tổng thống Barack Obama sẽ không muốn tỏ ra mềm mỏng với
Trung Quốc khi ông đang trong giai đoạn chạy đua tái tranh cử trước ứng viên
Mitt Roney. Ông Romney liên tục cáo buộc tổng thống đương nhiệm nhu nhược trước
Bắc Kinh, và khẳng định mình sẽ siết chặt mối quan hệ với Trung Quốc mà cụ thể
là trong vấn đề thương mại.
Nước Mỹ vẫn đang giữ lập trường không đứng về phe nào trong
tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Việc tuyên bố lợi ích Mỹ trên biển Đông hồi
năm 2010 khiến hình ảnh Washington nổi bật trong khu vực, làm sống lại mối quan
hệ với đồng minh Philippines và xây dựng mối quan hệ với Việt Nam. Khi Mỹ chuyển
hướng về châu Á, nước này cũng tăng cường sự tham gia với tổ chức ASEAN. Chính
quyền Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của ASEAN để đàm phán chung với Trung
Quốc trong về vấn đề biển Đông, và soạn thảo bộ quy tắc ứng xử để quản lý các
tranh chấp trên biển Đông.
Những điều này khiến Trung Quốc không thể yên. Khi tàu đánh
cá Trung Quốc bị các tàu Philippines chặn lại ở bãi cạn Scarborough hồi tháng
4, Philippines đã điều một tàu chiến Mỹ do Mỹ cung cấp năm ngoái. Điều này khiến
Trung Quốc tiếp tục triển khai thêm nhiều tàu tới khu vực này, đẩy căng thẳng
leo thang. Hoặc Trung Quốc tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa” ngay sau khi
Việt Nam thông qua luật Biển hồi tháng sáu. Hiện chưa có khả năng để những
tranh chấp như vậy kết hợp lại thành một xung đột lớn. Tuy nhiên nguy cơ có thể
tăng cao trong những năm tới khi các bên liên quan tăng cường cạnh tranh các mỏ
dầu và khí đốt trong biển Đông.
Chiến lược Mỹ để kiểm soát và thậm chí là giải quyết những
tranh chấp này phần lớn dựa vào những nỗ lực của ASEAN. Tổ chức này đã đạt được
một số tiến bộ trong việc soạn thảo COC, nhưng không có dấu hiệu cho thấy một
giải pháp lâu dài về tranh chấp lãnh thổ, và biển Đông nổi lên là một chủ đề
gây chia rẽ trong nội khối. Mặc dù Indonesia đã đứng ra làm người trung gian,
nhưng hành động này chỉ góp phần nhỏ nhoi trong việc xoa dịu quan ngại về sự rạn
nứt trong ASEAN và một kịch bản mà chính quyền Obama muốn né tránh: sự tranh chấp
trên biển Đông sẽ buộc những lợi ích chiến lược của Mỹ đối đầu với Trung Quốc.
Mỹ đã tuyên bố kế hoạch “tái cân bằng” lực lượng hải quân Mỹ,
điều chuyển 60% hạm đội đến Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hành động này được
phó giáo sư Jom Holmes thuộc trường Cao đẳng chiến tranh hải quân Mỹ nhận định
là “khiêm tốn”. Vì quá trình điều tàu sẽ diễn ra với tốc độ chậm và kéo dài tới
tám năm.
Mỹ cũng sẽ điều thêm bốn tàu chiến duyên hải đến Singapore
(tàu đầu tiên dự kiến đến nơi vào mùa xuân năm sau). Những tàu này không phải
là tàu được thiết kế để chống lại các tàu tương tự của hải quân Trung Quốc.
Nhưng các hành động tương tự như vậy cho thấy hải quân Mỹ có thể gọi Thái Bình
Dương và châu Á là “nhà” và Washington có thể tăng cường quá trình “tái cân bằng”,
di chuyển nhiều lực lượng hơn và thậm chí là đàm phán tiếp cận các căn cứ xung
quanh Đông Nam Á.
Chính sách châu Á của Mỹ có hiệu quả?
Cựu quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ Morton Abramowitz nhận
định kế hoạch chuyển hướng trên thực tế hứa hẹn rất ít những nguồn lực quốc
phòng mới nhưng lại tiêm vào một tác động tâm lý lớn trong mối quan hệ Mỹ -
Trung, khiến kích thích chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc và buộc quân đội Trung
Quốc tăng cường ngân sách. Điều quan trọng là chính sách chuyển hướng chỉ góp
phần nhỏ trong việc thay đổi các lực lượng cơ bản trong khu vực. Bộ Ngoại giao
Mỹ nhận ra thuật ngữ “chuyển hướng” khiến các đồng minh ở Trung Đông và châu Âu
lo ngại, nên sau đó đã chuyển sang sử dụng khái niệm “tái cân bằng”.
Cho dù là “chuyển hướng” hay “tái cân bằng”, chính quyền
Obama tăng cường tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương và cụ thể là khu vực
Đông Nam Á. Washington đã cử nhiều quan chức cấp cao đến dự các hội nghị khu vực
như APEC, EAS, TPP và ASEAN. Những lời hứa mở rộng triển khai và hợp tác quốc
phòng cũng nhận được sự chú ý đang kể. Nổi bật nhất là tuyên bố của Bộ trưởng
quốc phòng Leon Panetta về việc điều chỉnh số lượng tàu chiến Mỹ ở Đại Tây
Dương ít hơn Thái Bình Dương… Ngoài ra, Nhà Trắng khăng khăng sẽ không để chi
tiêu quân sự cho châu Á – Thái Bình Dương bị ảnh hưởng khi ngân sách quân sự
chung bị cắt giảm.
Theo ông Abramowitz, sự thụt lùi của kinh tế Mỹ dẫn đến một
niềm tin ở Trung Quốc rằng Mỹ đang muốn làm suy giảm các chính sách khu vực của
Bắc Kinh đề bù đắp vào chính sự suy giảm của mình. Sự xuất hiện của Mỹ trong
khu vực được chào đón, nhưng không đủ khả năng để khiến các chính phủ dứt bỏ hẳn
sự phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc. Các quốc gia châu Á có thể hoan nghênh Mỹ
và ủng hộ về mặt chính trị với các vấn đề trên biển Đông, nhưng sẽ không thiết
lập các hợp tác quân sự để tích cực tham gia vào các tranh chấp hàng hải.
Ông Abramowitz nhận định Mỹ khó mà thay đổi sự chuyển động của
khu vực hay cung cấp một con đường thay thế cho dấu ấn kinh tế quá lớn của
Trung Quốc. Các quan hệ kinh tế Mỹ-Trung hiện tại khiến hai quốc gia tiếp tục gắn
liền với nhau. Đây cũng là bằng chứng trong thái độ của những quốc gia như
Philippines đối với Mỹ. Philippines xem Trung Quốc là mối đe dọa với chủ quyền
của họ, nhưng cũng đồng thời là một đối tác thương mại không thể bỏ qua. Họ
không muốn căng thẳng leo thang trong các vấn đề hàng hải, và hi vọng người Mỹ
có thể hỗ trợ giải quyết nó. Nhưng Mỹ không thể hành động nhiều hơn ngoài các lời
hứa. Thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc củng cố dấu ấn Mỹ tại Đông Bắc Á,
nhưng cũng không đủ để cách ly Hàn Quốc khỏi thị trường Trung Quốc. Trong khi
đó, Nhật Bản chỉ mới bắt đầu tham gia đàm phán quan hệ đối tác xuyên Thái Bình
Dương.
C.T. (AP, FP, NATIONAL INTEREST)
http://sgtt.vn/Quoc-te/166554/Bai-toan-bien-Dong-kho-giai-cua-My.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét