Quang Anh - Trí Nhân Media
Tàu Bình Định bị đâm chìm ở Trường Sa
Tàu Bình Định bị đâm chìm ở Trường Sa
Ngư dân Việt Nam đang gặp khó vì căng thẳng ở Biển Đông |
BBC: Một tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định vừa bị tàu
nước ngoài đâm chìm gần Trường Sa, một người sống sót, ba người mất
tích.
Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ tịch xã Hoài Thanh Tây,
huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nói với BBC rằng ngư dân sống sót,
ông Hồ Dễ (31 tuổi) vừa về tới nhà hôm thứ Hai sau khi được tàu của
Đài Loan vớt lên.
Chiếc tàu cá mang số hiệu BĐ 96352 TS mà ông Dễ làm
thuyền viên đã bị tàu nước ngoài đâm chìm cách đây ba tuần khi đang
hoạt động tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa.
Tàu nước ngoài sau khi đâm tàu cá Việt Nam đã bỏ
chạy.
Theo ông Tiến, ông Hồ Dễ đã trôi dạt trên biển gần ba
ngày mới được tàu Đài Loan đi ngang qua phát hiện và vớt lên. Sức
khỏe của ông không được tốt, "lúc mê lúc tỉnh".
Ông Nguyễn Văn Tiến cũng cho biết chiếc tàu BĐ 96352
TS do ông Phan Văn Điệm (45 tuổi) làm chủ, lúc bị đâm chìm đang hành
nghề câu cá ngừ đại dương.
Trên tàu ngoài ông Điệm và ông Dễ còn có Phan Văn Tuấn (con trai ông Điệm) và ông Võ Văn Thanh. Cả hai cha con ông Điệm và ông
Thanh hiện đều mất tích, nghi là đã chết.
Tàu cá ra khơi gặp tai nạn vì thời tiết là chuyện
thường hay xảy ra, nhưng theo ông Tiến, vào thời điểm tàu cá gặp nạn
thời tiết nói chung thuận lợi, không có gió bão.
Tàu hải giám
Trong thời gian gần đây, báo chí trong nước cho hay
nhiều sự cố tàu cá của ngư dân bị “tàu lạ” đâm gây thiệt hại hàng
trăm triệu đồng.
Những người chỉ trích cho rằng truyền thông và nhà nước Việt
Nam thường dùng từ "tàu lạ" để tránh không nói đến tàu Trung Quốc.
Nghề cá Việt Nam thời gian gần đây gặp nhiều khó
khăn, đặc biệt phải đối diện nhiều trở ngại và mất mát khi căng
thẳng leo thang trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải thuộc khu vực Biển
Đông.
Trong khi đó Tân Hoa Xã đưa tin bốn tàu hải giám của
Trung Quốc đã tới đảo Châu Viên (Trung Quốc gọi là Hoa Dương), thuộc
quần đảo Trường Sa.
Các tàu này rời Hải Nam hôm 26/6 và vượt qua 2.000
hải lý để tới vùng biển tranh chấp, nơi radar báo hiệu sự hiện diện
của tàu Việt Nam.
Hãng tin Trung Quốc nói ngay khi tới nơi, các tàu hải
giám đã phát đi thông báo bằng các thứ tiếng Trung, Anh và Việt để
tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại đây.
Chưa thấy Việt Nam có phản ứng gì về thông tin này.
Theo Tân Hoa Xã, thủy thủ đoàn của các tàu hải giám
đã tiến hành một cuộc thao diễn đội hình tại đảo Đá Chữ Thập
(Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) vào thứ Hai 2/7.
Trung Quốc đã vội vàng điều tàu xuống Trường Sa sau
khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển hôm 21/6.
Các dự án đầu tư xây dựng ven biển cần được quản lý chặt chẽ. Ảnh: CTV |
PLTP: Chiều 2-7, Đoàn khảo sát Ủy ban
Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Ủy ban QP-AN) đã làm việc với UBND TP Đà Nẵng
về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển.
Các vấn đề được đoàn khảo sát quan tâm là việc quản lý người nước ngoài tại 17
phường ven biển; việc cho nước ngoài thuê đất xây dựng các dự án ven biển; việc
xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải…
Hiện tượng lạ: Mua vỏ tàu cũ của
ngư dân
Về vấn đề quản lý người nước
ngoài, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay hiện TP không có
người lao động nước ngoài trái phép. Đại diện Sở Ngoại vụ cho biết thêm, hiện
Đà Nẵng đang có 318 lao động nước ngoài (đa phần là người Trung Quốc, Đài Loan)
đang sinh sống và làm việc có giấy phép. Những người này chủ yếu là cán bộ quản
lý và phục vụ trong ngành du lịch.
Theo Đại tá Dương Đề Dũng, Chỉ
huy trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng, hiện không có người nước ngoài
nuôi trồng hải sản trên khu vực biển biên giới ở Đà Nẵng. Tuy vậy, trong năm
2011 và đầu năm 2012, các lực lượng chức năng đã xử lý ba vụ với 14 người Trung
Quốc núp dưới vỏ bọc đi du lịch tạm trú tại khu vực cảng cá Thọ Quang (quận Sơn
Trà) để thu mua cá, hải sản. Trước tình hình này, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo lực
lượng chức năng quyết liệt kiểm tra, chấn chỉnh, ngăn chặn hoạt động thu mua hải
sản của người Trung Quốc, trục xuất những người vi phạm. Đồng thời, thành lập một
tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Đại tá Dũng cũng cho biết trong
hai năm 2010-2011, có hiện tượng rất lạ là tại Đà Nẵng xuất hiện nhiều người
Trung Quốc đến các địa phương vùng biển để thu mua vỏ tàu cũ. BĐBP và các lực
lượng chức năng đã kịp thời xử lý.
Quản lý chặt 31 dự án nước ngoài
Báo cáo về việc cấp phép 31 dự án
có vốn 100% nước ngoài trong khu vực biên giới biển, ông Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng
định các dự án này đều nằm trong tầm kiểm soát, quản lý của TP và không ảnh hưởng
đến an ninh quốc phòng. Các dự án trên cũng đều đã được trình các bộ, ngành có
liên quan xem xét. Ngoài ra, khi các DN nước ngoài xây dựng các dự án ven biển
thì TP đều yêu cầu phải xây cách mép biển 50 m trở vào.
“Đà Nẵng chỉ giao đất chứ không
giao mặt nước biển cho người nước ngoài thuê. Hiện khu vực bán đảo Sơn Trà, TP
cho các đơn vị du lịch trong nước thuê rừng từ độ cao 200 m trở xuống. Còn người
nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài thì TP kiên quyết không cho thuê” - ông Tuấn
cho biết.
Đại tá Dương Đề Dũng cũng cho biết
tất cả dự án đầu tư xây dựng ven biển đều có sự tham gia của BĐBP cũng như các
cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, có thực tế là hiện BĐBP rất khó quản lý các dự
án du lịch ven biển vì các chủ đầu tư nước ngoài xây tường rào quá cao, kéo dài
ra ngoài mép biển. “TP không cho phép các đơn vị này xây ra mép biển và quản lý
mặt biển nhưng họ vẫn xây” - ông Dũng nêu.
Gần 200 tàu xâm phạm lãnh hải
Theo UBND TP Đà Nẵng và BĐBP TP,
tính từ đầu năm đến nay đã có 198 tàu thuyền nước ngoài, chủ yếu là của Trung
Quốc, xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại vùng biển Đà Nẵng. Khi phát hiện, BĐBP đã
xua đuổi và yêu cầu các tàu này phải ra khỏi lãnh hải của Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Nguyễn Kim
Khoa cho rằng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá nước ngoài xâm phạm
lãnh hải. “Không thể để tàu bè nước ngoài đi lại trong lãnh hải như đi chợ được,
bởi chủ quyền lãnh hải quốc gia là bất khả xâm phạm” - ông Khoa nói.
Kết luận buổi làm việc, ông Khoa
đề nghị Đà Nẵng cần quan tâm tuyên truyền về chủ quyền, biên giới biển, đảo đến
mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường quản lý về biên giới biển, kiểm tra các dự án
đầu tư xây dựng ven biển, đặc biệt là các dự án có vốn nước ngoài.
Quang Anh Tổng Hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét