Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VÀI NHẬN ĐỊNH SƠ KHỞI VỀ BỘ LUẬT BIỂN VIỆT NAM 2012

Blog Trương Nhân Tuấn

Bộ Luật Biển của Việt Nam mong chờ từ bấy lâu nay cuối cùng được quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012 với đa số tuyệt đối 495/496. Ngoài một số chi tiết được báo chí tiết lộ, toàn bộ nội dung bộ Luật này vẫn chưa được công bố để toàn dân được tham khảo, mặc dầu tin tức cho rằng hiệu lực của nó sẽ được áp dụng bắt đầu từ đầu năm 2013. 

Bộ Luật gồm 7 chương với 55 điều. Có lẽ chương 2 của bộ Luật sẽ gây nhiều chú ý cho mọi người, vì nó quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo…
Riêng điều 1 bộ Luật tái khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS. Nếu đúng vậy thì bộ Luật phần nào đã thỏa mãn sự quan ngại của người dân về chủ quyền (và quyền chủ quyền) của VN tại hai quần đảo này. Tin tức cũng cho biết nội dung bộ Luật Biển Việt Nam (LBVN) được dựa trên nguyên tắc của bộ « Luật quốc tế về Biển của Liên Hiệp Quốc », tức bộ Luật quốc tế về Biển 1982.

Về phía quốc tế, phản ứng chống đối đầu tiên và gay gắt mà mọi người có thể tiên đoán là phía Trung Quốc. Một số điểm ghi nhận được là Quốc hội nước này đã gởi thư phản đối và yêu cầu VN phải « tôn trọng chủ quyền của TQ », phải lập tức « sửa sai » ; VN phải « nỗ lực bảo vệ đối tác chiến lược giữa hai nước ». Thư này cũng tố cáo VN « vi phạm qui tắc đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được » đồng thời khẳng định « không có tranh chấp tại hai quần đảo HS và TS ».

Lập luận của phía học giả TQ, được BBC ghi lại, gồm có các lập luận đáng chú ý của bà Cung Ảnh Xuân, chuyên gia về luật pháp quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh : « Các luật mà Việt Nam thông qua phải phù hợp với luật pháp quốc tế… điều kiện tiên quyết khi thông qua các điều luật trong nước là phải ‘tôn trọng chủ quyền của nước khác’ ». Bà này cũng nói rằng : « cơ sở pháp lý mà Việt Nam tuyên bố cũng không tồn tại theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc ». BBC cũng dẫn lời ông Cổ Tú Đông (Học Viện quốc tế Trung quốc) : « việc Việt Nam thông qua Luật Biển đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ‘một cách trắng trợn’ ». Ông này cũng lên giọng hăm dọa : « Trung Quốc nên làm cho các quốc gia hiểu rõ rằng một khu đụng chạm tới chủ quyền của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ bóp nghẹt không gian và thời gian xâm phạm của họ cho đến khi nào họ rút lui thì thôi ». Một bài báo khác thì hối thúc : « Trung Quốc nên có những ý tưởng cứng rắn hơn, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực để bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết để cho thấy sự quyết tâm và khả năng bảo vệ chủ quyền »…

Về phía Việt Nam, ông Dương Danh Huy cũng có lên tiếng trên BBC, một ngày trước khi LBVN được thông qua, nội dung khuyến cáo VN nên thay đổi một số quan niệm về « đường cơ sở », về « quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải », nguyên văn : « Luật biển năm 1982 của Việt Nam có một số điều không tuân thủ với Công ước Luật Biển của LHQ, ví dụ như Việt Nam vạch đường cơ sở quá xa bờ, lấn ra biển hơi nhiều. Ngoài ra, luật đó cũng không tôn trọng đầy đủ các quyền đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải của Việt Nam và cũng không tuân thủ đầy đủ quyền tự do hàng hải trong vùng tiếp giáp lãnh hải. Thành ra có một số nước, trong đó Mỹ, đã phản đối luật biển 1982 của Việt Nam. »

Ta có thể đánh giá thế nào về LBVN, nhất là các tuyên bố của phía TQ chung quanh bộ luật này ?

 1/ Thái độ phải có của VN : Dĩ nhiên « minh bạch » sẽ là thái độ đúng nhất mà VN cần phải làm. Việc chưa công bố bộ LBVN, mặc dầu nó đã được Quốc Hội thông qua, là một yếu tố thiếu minh bạch. Nó cho thấy VN, do một số điểm còn lấn cấn nào đó, khiến VN chưa đủ tự tin để phổ biến bộ LBVN. Thái độ này không phù hợp với nguyện vọng của toàn dân, thể hiện qua tỉ số 495/496 của dân biểu ở quốc hội. Trong khi đó, trước áp lực về mọi mặt của phía TQ, về kinh tế, ngoại giao và nhất là răn đe quân sự, VN cần được sự ủng hộ của toàn dân và dư luận quốc tế. Hiện nay, nghe nói ở VN có nhiều người muốn biểu tình ủng hộ LBVN. Nhưng những người này sẽ ủng hộ cái gì khi toàn bộ nội dung bộ luật này chưa được công bố ? Trong khi đó, phía TQ yêu cầu VN « sửa sai ». Việc không công bố bộ LBVN làm cho người ta nghi ngờ rằng VN cần thời gian để sửa đổi nội dung để LBVN cho phù hợp với đòi hỏi của TQ. Những chi tiết về nội dung LBVN mà báo chí trong nước « xì » ra, chẳng qua là quả bóng thăm dò phản ứng của TQ. Nếu đúng như vậy, lợi bất cập hại, đừng nên cho ra đời bộ LBVN làm chi trong lúc này.

 2/ Về các lý lẽ phản đối của TQ :

2.1 Ta thấy phần lớn các lý lẽ của phía TQ hiện nay, chính thức như bộ Ngoại giao hay Quốc hội, hay của các học giả, phần lớn tập trung ở vấn đề « chủ quyền » (ở các đảo HS và TS). Quốc hội TQ gởi thư yêu cầu « VN phải tôn trọng chủ quyền của TQ » và khẳng định « không có tranh chấp tại hai quần đảo HS và TS », các học giả TQ thì nói VN « xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ». Đây là một dấu hiệu cho thấy TQ cũng đã thay đổi chiến lược cho phù hợp với quan điểm mới của VN về chủ quyền hải đảo.

 Các nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế gần đây đã nhận ra sự thay đổi sâu sắc sách lược về Biển của VN, từ việc đặt trọng tâm trên « hiệu lực các đảo theo luật Biển 1982 » của nhiều năm trước, chuyển sang việc khẳng định và đòi hỏi « chủ quyền các đảo », sau tuyên bố của TT Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 11 năm 2011. Điều này phù hợp với khuyến cáo của tác giả qua bài viết « Việt Nam cầnđiều chỉnh lại chiến lược biển Đông » vào tháng 6 năm trước.

Vấn đề « chủ quyền » như thế trở thành trục chính cho việc tranh chấp. Điều này đúng, và nó có lợi cho VN. Trước nay, phía « học giả » của VN chỉ loay xoay trong việc thu hẹp hiệu lực các đảo HS và TS, nhằm phủ nhận tấm bản đồ « lưởi bò » (bản đồ chữ U 9 gạch), mà điều này tác giả đã có cảnh báo trong quá khứ rằng nó chỉ là « diện » của phía TQ. Nhiều « học giả » VN đã lâm vào hỏa mù này, chỉ lo giải thích hiệu lực các đảo HS và TS quá nhỏ không thể có hiệu lực vùng độc quyền kinh tế (ZEE). Nhưng khi bàn luận như thế, một cách gián tiếp, đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại hai quần đảo này rồi ! Vì nếu các đảo này là của VN, thì không ai giải thích như thế. Trong khi « điểm » của TQ là « chủ quyền » ở các đảo HS và TS.

 Những ngày gần đây ta thấy tuyên bố vùng biển theo bản đồ chữ U của TQ không còn chắc chắn như trước. Tháng 3 năm 2012, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao TQ đã có tuyên bố rằng : « không có bất cứ nước nào trong đó bao gồm Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ khu vực Nam Hải, Trung Quốc cho rằng cần phải làm sáng tỏ việc này ». Tuyên bố biển Đông là « lợi ích cốt lõi » cũng được rút lại không kèn không trống. Việc này do từ các phản đối của cộng đồng quốc tế, nhất là Hoa Kỳ. Không ai cho rằng đòi hỏi về hải phận của TQ dựa trên tấm bản đồ chữ U là phù hợp với luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ cho rằng HK cũng có lợi ích ở biển Đông. Tuyên bố này là gáo nước tạt vào ngọn lửa tham vọng của TQ đang ngún cháy. Biển Đông không phải là biển Đen, VN không phải là Georgia, TQ không thể ngang ngược áp đặt ý muốn của mình thế nào cũng được. Hầu hết các nước trên thế giới không có « quyền lợi » ở biển Đen nhưng ở biển Đông thì phần lớn lượng hàng hóa trao đổi của thế giới đi ngang qua đó.


 VN có được lợi điểm này nhưng không ý thức được, có lẽ là do chính trị ảnh hưởng nhiều ở các thế lực thân TQ. Phe này đưa ra lý lẽ rằng nếu Georgia bị Nga đánh mà không có nước nào can thiệp, thì khi VN bị TQ đánh cũng sẽ không có nước nào can thiệp. Đây là điều mà tác giả gọi là « hội chứng Georgia », lấy hứng từ « hội chứng Việt Nam » nảy sinh từ HK sau cuộc chiến 1975 (sẽ nói lại trong một bài khác). Chỉ đến khi VN bị TQ dồn đến chân tường, VN mới bắt đầu nhận ra rằng chiến lược biển Đông của họ có quá nhiều sai lầm. TQ được đằng chân lân đàng đầu, vừa dành HS và TS vừa dành trọn biển Đông.

Việc thay đổi chiến lược của VN ở biển Đông cũng khiến TQ thay đổi quan điểm. Vấn đề chủ quyền, như đã nói, trở thành trọng tâm. Việc giải quyết tranh chấp là giải quyết tranh chấp về chủ quyền các đảo. Ở điểm này thì hồ sơ của VN thuyết phục hơn mọi hồ sơ khác, như của TQ và Phi. Tuy vậy, vẫn không thấy VN lên tiếng đề nghị đưa tranh chấp ra một trọng tài giải quyết. Việc TQ lên tiếng phản đối bộ LBVN là một cơ hội hiếm hoi. Vì sao vậy ? Người ta thấy ngay rằng việc VN im lặng là do các yếu tố pháp lý có hại cho VN, như công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 hay các hứa hẹn của lãnh đạo hai bên trong quá khứ.

 Tranh chấp biển Đông là một vấn đề thuộc phạm vi địa lý chiến lược. Cách giải quyết do đó sẽ phải là một sách lược đứng đắn, mềm dẽo theo từng giai đoạn. Việc hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng là một tính toán giai đoạn của sách lược đó. Nếu muốn đưa TQ ra một trọng tài quốc tế và VN có nhiều hy vọng thắng, việc hóa giải công hàm PVD và các hứa hẹn của cấp lãnh đạo trong quá khứ là việc phải giải quyết tiên khởi. Việc này người viết đã từng đề nghị phương pháp trong quá khứ.

 2.2 Về các đe dọa sử dụng vũ lực : Phía TQ, nhất là trên các mạng thân chính phủ, luôn có các bài viết mang giọng điệu thù hận, thúc giục quân đội TQ cho VN một bài học về tội phản bội, « ăn cháo đá bát », hay hô hào mở các cuộc tấn công VN để « giải phóng » các vùng lãnh thổ còn bị VN chiếm giữ (ý nói các đảo TS). Lãnh đạo VN hiện nay, nhất là các thế hệ lãnh đạo trước, đều mang mặc cảm phản bội đối với TQ. Bởi vì, giang sơn, sự nghiệp chính trị của họ hôm nay có được đều đến từ sự giúp đỡ của TQ. Trận chiến mà VN hãnh diện nhất là trận Điện Biên Phủ, một số tài liệu của phía TQ tung ra gần đây cho thấy vai trò của TQ trong chiến thắng này là chủ yếu. Để ý, trong mỗi lần « sứ thần » VN đi sang TQ, từ lãnh đạo cao cấp nhất đến ngoại giao hay lãnh vực quân sự, thảy đều có diễn từ ca tụng công ơn của đảng CS TQ đối với đảng CSVN, đồng thời hứa sẽ không làm điều gì ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Các thế hệ lãnh đạo mới sau này, quan điểm chính trị, một số có thiện cảm với HK, nhưng một số lớn khác thì vẫn nằm trong vòng kềm tỏa của TQ.

 Trong khi đó, nhờ kinh tế phát triển mạnh và bền vững trong nhiều thập niên, mọi sinh hoạt xã hội của TQ cũng được nâng lên tầm cao hơn. Quân đội được nỗ lực hiện đại hóa từ hơn ba thập niên. Với lực lượng mà họ hiện có, việc « giải phóng » Đài Loan đã trở thành việc khả thi. Tuy nhiên cái giá phải trả, về chính trị quốc nội và ngoại giao quốc tế, có thể quá lớn. Cuộc chiến xảy ra có thể làm TQ bị cô lập về phương diện quốc tế, trong khi dân chúng Đài Loan từ lâu đã trưởng thành trong dân chủ, việc này có thể tạo một cuộc cách mạng « hoa hòe » nào đó, xảy ra ngoài ý muốn của các lãnh đạo Bắc Kinh.

 TQ, về mọi mặt, nội trị ổn định, ngoại giao đặt thành quả đáng kể (như việc chinh phục các nước Châu Phi). Trong xã hội, các phương diện kinh tế, giáo dục, khoa học… đều đạt được thành quả to lớn. Mức sống người dân được tăng cao. Các tỉnh miền biển đã đạt được mức sống gần như mức sống của dân chúng các nước tiên tiến. Chỉ có một phía, là quốc phòng chưa chứng tỏ được một điều gì, trong khi ngân sách dành cho nhóm này đặc biệt cao hơn các mặt khác trong xã hội. Những nhóm dân tộc cực đoan, những « học giả » với đầu óc kế thừa thời phong kiến, luôn cao giọng thúc hối phe quân sự làm nhiệm vụ của mình : thống nhất đất nước, tức là phải lấy Đài Loan, HS và TS (và các vùng đất có tranh chấp với Ấn Độ) về với đất mẹ. Hồ Cẩm Đào, gần đây cũng tuyên bố đại khái : quân đội cần chuẩn bị để chiến thắng một cuộc chiến cục bộ.

 Cuộc chiến « cục bộ » cần phải hiểu là cuộc chiến tương tự cuộc chiến vùng Vịnh đầu thập niên 90, lúc HK trừng phạt Irak về việc nước này xâm lăng Kuweit. Vì vậy, rất có thể TQ sẽ có những tính toán sai lầm trong thời gian tới. Hải quân TQ hiện nay có thể mở được các cuộc chiến « cục bộ ». Điều đáng lo ngại nhất cho VN không phải là hàng không mẫu hạm Thi Lang đưa vào hoạt động mà việc TQ đã làm chủ được các kỹ thuật về không gian và các soái hạm kiểu mẫu (Mistral của Pháp) cùng với các tàu đổ bộ có vận tốc cao. Soái hạm của TQ chế tạo có khả năng tương tự soái hạm Mistral của Pháp, có khả năng chở 4 trực thăng hạng nặng, một trung đoàn (khoảng 1.000 người), tàu đổ bộ, với đầy đủ quân trang cần thiết. Các tàu đổ bộ của TQ có kỹ thuật đệm hơi (do đó có thể đổ bộ dễ dàng ở các bờ biển cạn), chạy với vận tốc cao, có thể chở một tiểu đoàn đầy đủ với pháo binh và thiết giáp hỗ trợ. Các khí cụ này, cộng với tàu Thi Lang, có thể hải quân TQ sẽ làm mưa làm gió ở biển Đông. Các đảo ở TS hiện do VN chiếm đóng có thể bị TQ chiếm trong một đêm. Phòng thủ ở các đảo này đã trở thành lỗi thời với lực lượng tối tân và hùng hậu của hải quân TQ.

 Sự lo ngại của VN có thể thấy qua các thể hiện như đón bộ tưởng Quốc phòng HK tại vịnh Cam Ranh, hay các tuyên bố của các viên chức uy tín HK về khả năng bán « vũ khí sát thuơng » cho VN. Vũ khí « sát thuơng » ở đây khó lòng mà định nghĩa. Nhưng có thể đoán được là các vũ khí dùng để củng cố phòng thủ ở các đảo. Thử hình dung một kịch bản : Một đoàn trực thăng chở quân bay sát mặt nước để tránh ra đa, thình lình đáp xuống các đảo, đổ khoảng 100 quân thiện chiến. Hoặc các tàu đổ bộ quân số tiểu đoàn với cả thiết giáp và pháo binh, đổ vào các đảo. Mặc dầu đã chôn mìn, thủy lôi chung quanh các đảo, nhưng quân VN sẽ khó chống trả nếu cuộc chiến mà phía TQ được hỗ trợ thêm không quân (từ tàu Thi Lang) và lực lượng tàu ngầm. Vì vậy VN rât cần loại vũ khí gọi là « sát thuơng » của HK. Chúng có thể là các dàn ra đa có khả năng phát hiện tàu chiến (furtif), phi cơ… nó có thể là các hỏa tiễn địa không cầm tay để hạ máy bay, có thể là hỏa tiễn tinh khôn để hạ tàu chiến v.v… Tuy nhiên, viêc trao đổi có thể sẽ không tương xứng. Phía HK yêu cầu VN giải quyết hồ sơ nhân quyền. Tình hình gần đây ở VN cho thấy việc này sẽ được thực hiện, nhưng chỉ là giả dối. Không phải cho phép một số người nào đó lập phong trào đòi nhân quyền thì VN đã tôn trọng nhân quyền. Nếu HK bán vũ khí « thật », VN cũng cần phải trả lại « tiền thật ». Cụ thể là phải thả hết tất cả các tù nhân chính trị, lương tâm… mà nhà cầm quyền đã bắt bớ tùy tiện từ nhiều năm nay.

 3/ Về các góp ý của « học giả » Việt Nam : 

Trả lời phỏng vấn BBC, ông Dương Danh Huy nói rằng : « Luật biển của VN hiện nay ra đời năm 1982, lúc đó có Chiến tranh Lạnh, xung quanh Việt Nam tứ bề thọ địch. Năm 1982 cũng là năm Công ước Luật Biển ra đời và lúc đó Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước này của LHQ, có lẽ lúc đó Việt Nam cũng chưa hiểu rõ về Công ước đó ».

 VN không có bộ luật biển nào ra đời năm 1982.

 Ngày 12 tháng 11 năm 1982 chính phủ nước CHXHCNVN ra « tuyên bố » về « đường cơ bản để tính chiều rộng lãnh hải của VN ». Trước đó, ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra « tuyên bố » về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa. Tuyên bố này được Thường vụ quốc hội phê chuẩn. Về lãnh thổ, VN có bộ luật « Biên giới quốc gia » năm 2003.

Nguồn: Atlas Géopolitique des espaces martimes. Editions Technip 
Ông DD Huy nói : « Luật biển năm 1982 của Việt Nam có một số điều không tuân thủ với Công ước Luật Biển của LHQ, ví dụ như Việt Nam vạch đường cơ sở quá xa bờ, lấn ra biển hơi nhiều. »

Điều gọi là « luật biển VN 1982 », có thể là tuyên bố về « đường cơ bản để tính chiều rộng lãnh hải của VN ». Theo tin tức báo chí loan tải thì bộ LBVN « công nhận đường cơ sở đã được Chính phủ công bố năm 1982 ». Như vậy, nói theo ông DD Huy, những người làm bộ LBVN 2012 không thông hiểu luật Biển 1982 của LHQ ? Cả Quốc hội, những người biểu quyết đồng ý thông qua bộ luật này, tất cả đều không hiểu bộ luật quốc tế về Biển 1982 ? Tôi không nghĩ rằng các tác giả bộ luật và những người đồng ý với nó không hiểu về Luật biển 1982 của LHQ. Hệ thống đường cơ bản của VN (theo hình dưới đây) không hề vi phạm nội dung bộ Luật Biển 1982 của LHQ. Nếu so sánh với các nước khác, như Trung Quốc, đường cơ bản của VN không lấn biển nhiều. Mặt khác, đoạn đường cơ bản xa bờ nhất trong hệ thống đường cơ bản của VN (A5-A6), nằm trước một vùng biển chịu nhiều biến động của những cửa sông (sông Cửu Long, sông Đồng Nai), bờ biển khúc khuỷu, vì thế địa mạo của bờ biển thay đổi thường xuyên. Các điểm cơ bản của VN lại là những hòn đảo. Vì thế, đường cơ bản của phù hợp với nguyên tắc xác định đường cơ bản của Luật biển 1982 của LHQ.

Tôi cũng không thấy hệ thống đường cơ bản này sẽ làm thiệt hại cho VN cái gì ? Trong một bài viết cách đây khá lâu, tôi có đề cập việc khi VN tuyên bố hệ thống đường cơ bản để tính lãnh hải của VN năm 1982 thì một số nước (HK, Pháp, TQ…) phản đối đường này. Tôi cũng có viết rằng, việc chông đối của các nước này mang sắc thái chính trị hơn là do VN lấn nhiều ra biển. Bởi vì, trên thực tế, có rất nhiều nước trên thế giới lấy đường cơ bản là đường thẳng (các nước trong vùng như Thái Lan, TQ, Phi, Mã Lai, Indonesia…), phần lớn lấn biển không kém VN. Nhưng đâu thấy bị phản đối ? Vì vậy, hiện nay VN không có đối ngịch với ai, không là kẻ thù của ai, do đó không ai có lý do chống (ngoài TQ).


Một số « học giả » VN khác cũng có chủ trương thu hẹp hiệu lực của các đảo HS và TS, (thể hiện qua một bài kêu gọi trước đây bằng tiếng Anh có đăng trên báo nước ngoài). Bộ LBVN 2012 có lẽ cũng đi ngược lại quan điểm của các « học giả » này. Bởi vì, theo báo chí trong nước, khoản 3 Điều 20 có nội dung : « Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được xác định theo quy định tại các điều 9, 11, 13, 15 và 17 của Luật này và được thể hiện bằng hải đồ, bản kê tọa độ địa lý do Chính phủ công bố. » Chưa có gì để kết luận, nhưng e rằng bộ LBVN 2012 sẽ làm phật lòng nhiều « học giả » VN, mà ông Dương Danh Huy là người đầu tiên. Ông này cũng là người chủ trương thu hẹp hiệu lực các đảo HS và TS với lý do : các đảo này quá nhỏ. Nhưng trong luật Biển của LHQ 1982, việc đảo lớn hay nhỏ không phải là yếu tố quyết định. Đảo có người sinh sống và có nền kinh tế tự túc hay không mới là vấn đề.

http://blog.yahoo.com/_I66R5T4RFJ5LH5KE4IOX6IW264/articles/434986

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét