Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TỪ LÒNG VỊ THA VÀ ĐẾN VIỆC HÒA GIẢI HÒA HỢP DÂN TỘC

Kami

Trong tiếng Việt có từ Công thần, thường đi với từ Công tử, tạo thành cụm từ Công thần - Công tử, có nghĩa để chỉ những người có tư tưởng dựa vào công lao đóng góp của mình mà sinh ra kiêu ngạo và đòi hỏi đãi ngộ quá đáng. Đây là một thói xấu đáng bị lên án của người Á đông nói chung chứ không riêng gì ở Việt nam, nguyên nhân chính có lẽ là do ảnh hưởng của hệ ý thức phong kiến còn sót lại. Người viết không có hàm ý ám chỉ mấy ông thiên (thương) binh gây rối ở Viện Hán - Nôm, nơi làm việc của TS. Nguyễn Xuân Diện mấy hôm trước, hay sự việc vừa xảy ra chiều hôm 01/6/2012 tại Sở Thông tin - Truyền thông, hoặc mấy ai hay thích vỗ ngực kể công trạng của mình. Mà ở đây tôi muốn nói tới chuyện ở xứ sở Myanmar.


Như chúng ta đã biết, từ ngày 31.5 đến ngày 01.6.2012 hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới Đông Á năm 2012 (World Economic Forum East Asia 2012) đã diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Hội nghị này với sự tham dự của hàng trăm nhân vật lãnh đạo doanh nghiệp và những người đứng đầu chính phủ 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên người thu hút sự chú ý nhiều nhất tại hội nghị này lại là lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi. 

Vấn đề bà Aung San Suu Kyi đến Thái lan dự hội nghị WEF – 2012 ở thủ đô Băng kok cũng đã gây ra không ít điều lúng túng khó xử cho chính quyền của bà Thủ tướng Thái lan YingLuck Shinawwatra trong vấn đề quan hệ ngoại giao với chính quyền Myamar của Tổng thống Thein Sein. Vì theo lịch trình ban đầu Tổng thống Thein Sein sẽ đến dự hội nghị và đọc bài diễn văn về tương lai của Miến Điện. Tuy nhiên ông đã quyết định hủy bỏ kế hoạch đó sau khi sự tham dự của bà Suu Kyi được chính thức loan báo, đồng thời phía Bộ Ngoại giao Myanmar cũng ra thông cáo về chuyến thăm của Tổng thống Thein Sein sẽ được bắt đầu vào nửa đầu tháng 6.2012. Nhưng rồi một lần nữa phía Thái lan lại nhận được thông báo chuyến thăm Thái lan của Tổng thống Thein Sein sẽ tạm hủy bỏ. Mặc dù phía chính quyền Thái lan đã hết sức thận trọng trong việc tiếp đón bà Aung San Suu Kyi, không những thế họ còn yêu cầu Ban tổ chức hội nghị WEF – 2012 phải thông báo chi tiết về hoạt động của bà Aung San Suu Kyi trong những ngày tham gia hội nghị. Đồng thời phía chính quyền Thái lan cũng đã yêu cầu bà Aung San Suu Kyi hủy bỏ buổi gặp gỡ các lãnh tụ phiến quân đang tỵ nạn trên đất Thái lan ở tỉnh Tack giáp biên giới Thái lan và Myanmar trong chương trình.

Xung quanh các diễn biến này đã có không ít các nhà bình luận chính trị đưa ra nhiều phán đoán. Có người cho rằng sự nổi bật của lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi, đặc biệt qua bài phát biểu tại diễn đàn WEF – 2012 ở thủ đô Băng kok đã khiến cho các lãnh tụ chính quyền Myanmar không hài lòng. Khi bà thẳng thắn tuyên bố rằng “Chúng tôi cần đầu tư, nhưng chúng tôi không cần thứ đầu tư sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo, cản trở người dân tiếp cận những lợi ích của cuộc cải cách. Tham nhũng sẽ đi liền với đầu tư, nên trước tiên, chúng ta phải quan tâm đến cải cách hệ thống pháp luật. Không phải thứ luật pháp sinh ra để dành quyền lợi cho một nhóm người, nên đừng chỉ suy nghĩ về luật đầu tư nước ngoài.”. Cũng có người thì cho rằng việc Tổng thống Thein Sein không đến dự hội nghị WEF – 2012 là vì ông không muốn bị uy tín bà Suu Kyi che khuất trên chính trường quốc tế. Và ngoài ra còn không ít các đồn đoán khác nữa. Nhưng một điểm chung nhất là tất cả đều cho rằng các diễn biến kể trên đã thể hiện sự rạn nứt giữa phía chính quyền và lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đã bắt đầu hình thành.

Nhưng tất cả các lời đồn đoán đều sai, không như những gì người ta dự đoán. Khi ngày hôm nay 05.6.2012 trên tờ The New Light of Myanmar, là một tờ báo thuộc sở hữu của Bộ Thông tin Myanmar News Agency (MNA), vốn được coi là cơ quan ngôn luận của chính phủ Myanmar. Đã có bài viết ca ngợi bà Aung San Suu Kyi, là người lãnh đạo và hy vọng mới của Myanmar, một điều không bao giờ xảy ra trước đây. Tuy nhiên bài báo cũng kêu gọi bà Aung San Suu Kyi hợp tác với Tổng thống Thein Sein vì tương lai của đất nước. Bài báo trên tờ The New Light of Myanmar hết lời ca ngợi Tổng thống Thein Sein và lãnh tụ đối lập bà Aung San Suu Kyi, đồng thời khẳng định tương lai của một đất nước Myanmar mới, niềm hy vọng của hơn 50 triệu người dân Myanmar. 

Điều này phụ thuộc vào sự hợp tác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau của cả hai bên, khi biết gạt bỏ các hiềm khích và lợi ích của mỗi cá nhân và phe nhóm của mỗi bên, vì những cái đó sẽ thành một trở ngại lớn cho tương lai kinh tế của đất nước Myanmar. Đồng thời bài báo cũng ủng hộ bài phát biểu tại diễn đàn WEF – 2012 ở thủ đô Băng kok của bà Aung San Suu Kyi trong vấn đề tạo công ăn việc làm ở Myanma, tuy nhiên bài báo cũng biểu thị sự mất lòng tin, khi bà Aung San Suu Kyi chỉ trích hệ thống pháp luật ở Miến Điện và cảnh báo những người tham dự không quá lạc quan về cải cách tại Miến Điện. Mà theo tác giả của bài viết cho rằng “Tôi nghĩ rằng việc đó nó sẽ cản trở con đường dẫn đến mục tiêu tăng việc làm ở Miến Điện”.

Theo tin mới nhất từ Myamar, để giải thích cho việc Tổng thống Thein Sein không đến dự hội nghị và đọc bài diễn văn về tương lai của Miến Điện cũng như hủy bỏ chuyến thăm hữu nghị Thái lan là do tình hình nội bộ trong nước. Khi các cuộc biểu tình của dân chúng ở Rangoon bùng phát phản đối tình trạng mất điện triền miên và kéo dài và một số vấn đề khác. Chứ hoàn toàn không liên quan đến những hoạt động của bà Aung San Suu Kyi trong chuyến công du nước ngoài trong tuần vừa qua.

Tai sao những lãnh tụ của đất nước Myanmar hôm nay họ lại làm được những việc phi thường như vây? Điều mà cách đây chưa đến một năm nếu ai nói những suy nghĩ như thực tế đang diễn ra ở Myamar sẽ bị coi là kẻ hoang tưởng. Điều trước hết có lẽ là do lòng vị tha, sẵn sàng bỏ qua quá khứ để hướng tới tương lai cho quốc gia Myanmar của bà Aung San Suu Kyi. Những điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy, đó là trong suốt thời gian hội nghị, bà không đề cập đến hai mươi tư năm bà bị giam lỏng, cũng như những gì nhà nước Miến Điện đã tước bỏ đối với cá nhân bà và Đảng Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà dưới thời chính quyền độc tài quân sự. Điều này có thể lý giải vì bà Aung San Suu Kyi là một tín đồ Phật giáo, hãy nghe bà Aung San Suu Kyi nói cùng toàn thế giới rằng “Điều đầu tiên chúng tôi cần là hòa giải dân tộc, một trong những vấn đề phức tạp nhất vì Miến Điện là nước có nhiều dân tộc khác nhau. Hòa giải dân tộc chỉ có thể đạt được trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, dựa trên nền tảng là lòng tin và cách tiếp cận vấn đề một cách ôn hòa”. Từng bị coi là một kẻ thù nguy hiểm của chính phủ quân sự độc tài Myanmar, bị đối xử hết sức bất công nhưng người đàn bà bé nhỏ ấy không hề cho mọi người thấy một chút gọi là hận thù, không thấy chúng nó, chúng tôi mà chỉ dùng đại từ họ và chúng tôi. Điều đó cho thấy sự cởi mở, rộng lượng vì mục đích cuối cùng là hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Những ai từng chứng kiến cảnh tượng hàng chục nghin lao động Myanma trong tổng số gần 3 triệu lao động Myanmar đang làm việc ở Thái lan tụ tập chào đón bà Aung San Suu Kyi, khi bà tới thăm những người lao động là đồng bào của bà ở tỉnh Samut Sakhon, một nơi ở phía nam Bangkok ngày 30.5.2012 thật là xúc động. Những người lao động Myanmar, họ chen nhau để tặng hoa cho bà và đã hô khẩu hiệu “Mẹ Suu, chúng tôi muốn về nước”, “Tự do cho Miến Điện” v.v… Cũng bởi bà Aung San Suu Kyi là biểu tượng của hy vọng mới và là tương lai của một đất nước Myanmar giàu mạnh đang chờ ở phía trước.

Gần một vạn lao động Myanma đang làm việc ở Thái lan tụ tập chào đón bà Aung San Suu Kyi ở tỉnh Samut Sakhon
Cách đây không lâu, blogger Huỳnh Thục Vy đã đặt câu hỏi và cũng là tựa đề của bài viết “Tại sao là Miến Điện mà không phải Việt Nam?”. Và bài viết tác giả đã cho chúng ta lời giải đáp cụ thể để chúng ta nhìn được sự thật, đó là người dân Myanmar đã phản kháng mạnh mẽ các sai trái của nhà cầm quyền quân sự, họ dám dấn thân và người dân Myanmar còn bảo tồn nền Văn Hoá, Đạo Đức, Tôn Giáo cao. 

Cá nhân tôi phần nào đồng ý đồng thời cho rằng đất nước Myanmar có được ngày hôm nay cũng bởi họ có hội đủ các yếu tố thiên, địa và nhân. Nói về Thiên thì gặp thời, vì sau hàng chục năm duy trì chế độ độc tài quân sự, các tướng lĩnh đã nhận thấy cải cách chính trị là lối thoát duy nhất tất yếu đưa đất nước Myanmar thoát khỏi cảnh đói nghèo. Điều cơ bản hơn là trước đây xã hội Myanmar đã từng sống trong một xã hội dân chủ đa nguyên, có các cơ cấu của một nhà nước pháp trị vẫn còn tồn tại cho dù chỉ bị bóp nghẹt, nhưng nó vẫn tồn tại. Về Địa thì lợi, do đất nước Myanmar quá rộng lớn, đa sắc tộc mà chính quyền trung ương không có khả năng kiểm soát được toàn bộ. Một phần quan trọng là Myanmar giáp biên giới với Thái lan, một đất nước dân chủ phần nào đã tạo điều kiện cho hoạt động của các lực lượng đối lập ở một mức độ nhất định. Và về Nhân thì với số lượng gần 3 triệu lao động Myamar đang làm việc hợp pháp hoặc bất hợp pháp ở Thái lan, chiếm khoảng 5% dân số của Myanmar cũng là một nhân tố hết sức quan trọng. Vì số lượng lao động này qua người thật, việc thật khi họ chứng kiến giá trị đích thực của tự do dân chủ nó đang diễn ra ở Thái lan và qua đó họ hiểu được giá trị của dân chủ sẽ mang tới sự thịnh vượng một cách tự nhiên không cần phải ai tuyên truyền. Nhưng yếu tố Nhân hòa không thể không nhắc tới bà Aung San Suu Kyi, một nữ chính trị gia kiệt xuất với uy tín lẫy lừng, người đã từng tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng như Đại học Delhi, St Hugh’s College, Oxford, Đại học London và đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng cao quý như: Giải Rafto, Giải Nobel Hòa bình, Giải Jawaharlal Nehru, Giải Simón Bolívar Quốc tế, Giải Olof Palme.

Những yếu tố Thiên, Địa, Nhân kể trên nếu đem so sánh thì phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam còn thiếu quá nhiều nếu không nói là chưa có. Đặc biệt là lòng hận thù thì quá thừa mà lòng vị tha thì hình như chưa có, đó là chưa nói đến những cá nhân hay các tổ chức hội đoàn đảng phái chính trị chưa đánh giá đúng và đủ về vai trò, uy tín đối với quần chúng của bản thân họ. Một câu hỏi rất đơn giản giả sử (như có) một lãnh tụ chính trị đối lập đứng diễn thuyết thì có bao nhiêu người quan tâm và đứng lại nghe? Vài chục, vài trăm hay vài nghìn? Hay có bao nhiêu gia đình đồng bào trong nước sẵn sàng nuôi giấu các chiến sĩ dân chủ trong quá trình hoạt động? Trả lời được câu hỏi này thì các tổ chức chính trị sẽ đề ra được các giải pháp thích hợp cho công cuộc tranh đấu. Còn nếu như cứ ba hay sáu tháng trên mạng internet có một bản tin kèm hình ảnh thành tích của một nhóm X,Y,Z…dán truyền đơn trên cột điện, tủ điện thoại… hoặc thông cáo báo chí, hoặc tuyên bố này nọ thì chắc sẽ không giải quyết được vấn đề gì hết.

Muốn có sự thay đổi thì cần phải tạo áp lực đủ mạnh buộc phía chính quyền phải từ chú ý, đến quan tâm sửa đổi và đến một lúc nào đó họ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán trên tinh thần vị tha, biết lắng nghe và đưa ra các giải pháp cả hai phía đều có thể chấp nhận được. Còn nếu cứ như hiện nay, trên mạng internet một số người cứ hô hào, kích động khơi sâu hận thù thì phỏng có ích gì? Họ không biết trong nước số người sử dụng internet thì nhiều, nhưng số quan tam tới vấn đề thời sự, chính trị thì ít. Trong số ít ỏi đó thì đa phần họ rất ghét sự cực đoan, vô lốicủa những người mang danh chống cộng và thói công thần cậy thế của phía chính quyền kiểu sức mạnh trên đầu súng. Mà phải thừa nhận rằng rõ ràng ở tình thế hiện tại chính quyền trong nước họ đang làm chủ trò chơi và không có đối thủ.

Tóm lại phong trào đấu tranh cho một nền dân chủ ở Việt nam cần có một sự lột xác toàn diện với một phương sách hoàn toàn mới, vứt bỏ cách đấu tranh cũ kiểu à ơi của phường chèo thì mới có thể hy vọng một tương lai tươi sáng cho Tổ quốc và Dân tộc. Đặc biệt là vì tương lai con em chúng ta, những thế hệ kế tiếp.

Hãy biết tha thứ, vị tha và có lòng bao dung để hòa giải hòa hợp dân tộc, nhưng sự hòa giải dân tộc chỉ có thể đạt được trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, dựa trên nền tảng là lòng tin và cách tiếp cận vấn đề một cách ôn hòa của cả hai phía. Cái khó nhất sẽ là ai, bên nào có đủ bản lĩnh, dũng cảm gạt bỏ hận thù và ai sẽ là phía giơ tay ra trước để cùng nắm tay nhau bước về phía trước vì sự phồn vinh của dân tộc Việt nam?

Chuyện hòa giải hòa hợp dân tộc nói thì dễ, những làm thì vô cùng khó. Vì trên trái đất này có mấy người như My Fair Lady – bà Aung San Suu Kyi, người đàn bà mảnh mai nhưng đầy nghị lực và lòng khát khao đối với dân tộc của bà mới có khả năng làm được điều đó.

Ngày 05 tháng 6 năm 2012
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

http://www.rfavietnam.com/node/1222



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét