Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TRUY TÌM TRỌNG PHẠM CÓ TÊN LÀ "TRÁCH NHIỆM"

Đào Tuấn

Sẽ rất khó để có thể tìm ra “trách nhiệm” bởi dù các vị Bộ trưởng, hoặc mở mồm ra là nhận trách nhiệm hay “đến chết vẫn nói không”, thì đến giờ, chẳng ai rõ “Trách nhiệm” nó mồm ngang mũi dọc ra sao.

Quốc hội kỳ này, dù chỉ chất vấn có 4 vị bộ trưởng, nhưng lại được mùa “nhận trách nhiệm” và “nói không với trách nhiệm”. Ngoài Bộ trưởng Thăng nhận trách nhiệm, thì hăng nhất là Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng với 4-5 lần nhận trách nhiệm: Một phần trách nhiệm về việc độc quyền xăng dầu. Một ít trách nhiệm việc kéo dài độc quyền điện lực. Một tẹo trách nhiệm việc thủy điện tràn lan… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nhận trách nhiệm về 500 vụ khiếu kiện kéo dài. Thậm chí ông còn cương quyết “nhận thay trách nhiệm” cho “Bộ trưởng nhiệm kỳ trước” đã chót hứa cấp xong GCN QSDĐ vào năm 2010 mà giờ vẫn chưa xong.

Nhận trách nhiệm về độc quyền kéo dài và còn kéo dài độc quyền, song Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói “Xóa bỏ độc quyền là việc cần thận trọng”, vì thế, câu chuyện độc quyền 17 năm e cũng không thể sớm hơn. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang lúc thì nói 2015, khi lại bảo 2013 sẽ cấp song GCNQSDĐ. Để được một câu này, ông nhăn nhó kêu khó quá nhiều. Và nếu như ông không thực hiện được lời hứa, vì có quá nhiều cái khó, thì đã có trường hợp lời hứa của “bộ trưởng tiền nhiệm” để sau này ông có thể xin QH thông cảm.

Hôm qua, dù không có trong danh sách chất vấn, Bộ trưởng Thăng vẫn được các vị đại biểu QH mời trả lời, bởi, như lời đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, dù ông Thăng đã có trả lời, nhưng “văn bản trả lời dài năm trang rưỡi nhưng chỉ có một dòng rưỡi nói về trách nhiệm là chưa cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí”. Đáp lại, ông Thăng cũng rất ngắn gọn “nhận trách nhiệm”. Thực ra, trước đó, trên 3 tờ báo, Bộ trưởng Thăng nói nguyên nhân việc bổ nhiệm “thuyền trưởng Vinalines Dương Chí Dũng là vì… Vinalines mất đoàn kết nội bộ. Và giờ, khi nhận trách nhiệm, Bộ trưởng “xin nhận” đã “chưa thực sự sâu sát…còn nóng vội…chưa cân nhắc thận trọng”. Tất nhiên, ông thòng thêm “trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ GTVT”. Tất nhiên, ông vẫn khẳng định việc “bổ Dũng” là đúng quy trình, đúng thẩm quyền.

Nói chính xác việc Bộ trưởng Thăng nhận trách nhiệm vì không thể không nhận trách nhiệm.
Nhận trách nhiệm, vì thế, có cũng như không.

Còn nhớ khi vụ Vinashin ra trước QH tháng 11 năm ngoái, trong khi Thủ tướng nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu Chính phủ thì các vị Bộ trưởng “trốn hết”. Đến nỗi đại biểu QH Vũ Hồng Hà cũng thấy ái ngại: “Trong khi Thủ tướng nhận trách nhiệm về phần mình, các thành viên Chính phủ lại trả lời trước QH không thành viên nào nhận thiếu sót, trả lời “vô can”.

Đến hôm qua, màn hài kịch kinh điển này lại tái diễn khi nghe 2 vị tư lệnh ngành trả lời câu hỏi trách nhiệm. Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh thì than phiền “Các vụ Vinashin và Vinalines, Bộ không nắm được vì không có báo cáo, trong các dự án đầu tư có sai phạm, Vinalines chỉ báo cáo đại diện chủ sở hữu mà không báo cáo với các bộ, ngành quản lý”. Vị Bộ trưởng thậm chí còn nêu ra một ví dụ sinh động: “Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương đến mà họ còn không tiếp”.  Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thì điềm đạm như một ông giáo làng, tự tin như một luật sư: “Kết luận thanh tra không có câu nào nói đến trách nhiệm của Bộ KHĐT và Tài chính”.

Thế còn 4.600 tỷ nợ nần của Vinalines? Thế còn những cái ụ tàu? Thế còn vị thuyền trưởng họ Dương? Thế còn vấn đề trách nhiệm?

Không lẽ đó vẫn tiếp tục là trách nhiệm của Thủ tướng? Không lẽ đó là trách nhiệm của một mình “thuyền trưởng” Dương Chí Dũng?

Mở mồm ra là nhận trách nhiệm hay “đến chết vẫn nói không” với trách nhiệm, thoạt nghe tưởng là ngược nhau. Nhưng thực ra, cũng chẳng mấy khác nhau, bởi dù nhận, dù không, đến giờ, cũng chẳng ai rõ “Trách nhiệm” nó mồm ngang mũi dọc ra sao. Nếu cần một thực tiễn, người ta thậm chí không cần phải nhíu mày khi vụ Vinashin vẫn còn sờ sờ ra đó.

Câu chuyện nhận, hay không nhận trách nhiệm từ vụ Vinashin cho thấy vấn đề trách nhiệm là cực kỳ “hữu hạn” khi tiếp nối ngay sau đó là Vinalines với một kịch bản y hệt. Vì thế, điều mà người dân và cử tri quan tâm hôm nay không phải là việc các bộ, ngành có nhận trách nhiệm hay không, không phải họ đã nhận hay từ chối trách nhiệm như thế nào, mà là việc họ sẽ làm gì để không còn những vụ bổ nhiệm “thuyền trưởng” đúng quy trình một cách bất thường, để không còn những con tàu đắm như Vinashin, Vinalines. Bởi suy cho cùng, người đang phải “chịu trách nhiệm”, hay đúng hơn là đang phải gánh “hậu quả của trách nhiệm” từ các vụ “chìm tàu”- chính là nhân dân. Bằng tiền túi của chính mình.

Còn nếu,“trách nhiệm” nó “ảo” đến mức sai phạm được hiểu như là tại “số”, thì nên đọc chú Đại Bi, thứ mà một nhà sư đã tặng Bộ trưởng Thăng: Nguyện đấng đại bi Quán Âm Bồ Tát ngàn tay nâng đỡ, ngàn mắt chiếu soi, khiến cho chúng con duyên chướng trong ngoài dứt sạch hạnh nguyện vina.

http://daotuanddk.wordpress.com/2012/06/15/truy-tim-trong-pham-co-ten-la-trach-nhiem/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét