(Theo Phan Bội Châu Toàn Tập)
Cụ Phan Bội Châu |
Đứng trên trường tranh cạnh của
năm châu, cần phải giơ sừng gạc của mình, phương chi gặp lúc thời thế cùng quẫn,
nước phá vua mất, chết đến trước mắt, gươm kề sau cổ, vốn phải nên dứt áo đứng
dậy, vì nghĩa giết thù, sống cũng sướng, mà dù chết nữa cũng sướng. Vậy thì sao
lại cứ bo bo giữ lấy cái lòng dục, gái trai ăn uống, nhung nhúc ở trong trường
trâu ngựa, sống làm người không may, chết làm ma không tiếng? Lạ thay! Lạ thay!
… Có một hạng người sợ chết (1).
Cái sợ chết ấy không phải là thật sợ chết. Các người ấy vốn là bậc cảm tử, vì
đó mà sinh ra lòng sợ chết. Như nước Hàn mất Trương Lương, có thể chết, nhưng
không chết. Tử Cử chết, Quản Trọng có thể chết, nhưng không chết.
Về sau phá được Tần, Diệt được Sở, dẹp được rợ địch, tôn được nhà Chu, há chẳng phải làm được sự nghiệp diệu kì đó sao! Các người ấy sợ chết, các người ấy vốn sợ nếu mình chết đi, thì không biết lấy ai để thành cái chí của mình, lo công việc của mình. Các người ấy có phải tiếc cái sinh mạng cá nhân của các người mà để cho bọn trẻ con sau này mượn cớ bình phẩm đâu! Nhưng xét đến cội nguồn tâm sự của các người ấy, không phải hạng người với con mắt tầm thường mà trông thấy được. Đấy là những bậc anh hùng sợ chết vậy.
Về sau phá được Tần, Diệt được Sở, dẹp được rợ địch, tôn được nhà Chu, há chẳng phải làm được sự nghiệp diệu kì đó sao! Các người ấy sợ chết, các người ấy vốn sợ nếu mình chết đi, thì không biết lấy ai để thành cái chí của mình, lo công việc của mình. Các người ấy có phải tiếc cái sinh mạng cá nhân của các người mà để cho bọn trẻ con sau này mượn cớ bình phẩm đâu! Nhưng xét đến cội nguồn tâm sự của các người ấy, không phải hạng người với con mắt tầm thường mà trông thấy được. Đấy là những bậc anh hùng sợ chết vậy.
Phàm là mọi việc trong thiên hạ đều
không đương nổi một chữ Thời. Thời chưa đến mà vội làm là trái trời; thời đã đến
mà không làm là khinh trời. Trái trời là trái thời; khinh trời là khinh thời.
Trải xem các đời trước, do trái thời mà hòng, do khinh thời mà mất, không thể kể
xiết. Các người ấy hiểu thấu lẽ đó, nên không dám trái, không dám khinh, các
người đó cứ làm theo thời. Nhưng vin vào cớ ấy để mà đi hoài, trái với “thời thế”,
thì đấy cũng là việc cực chẳng đã của các bậc thánh hiền chứ đâu phải là bản
tâm của thánh hiền! Thánh hiền như Khổng Mạnh mà gặp phải thời Xuân Thu, Chiến
Quốc thì sao? Mạnh như Quan Võ, Trương Phi mà gặp phải thời Đông Ngô, Bắc Ngụy
thì sao? Nhưng thời thế không cho phép, thì cũng không làm gì được.
Đấy là những
bậc anh hùng chờ thời vậy.
Nói rằng, cần phải làm thay đổi
thời thế, như vậy không phải là trái thời hay khinh thời. Đấy là biết trước được
thời thế mà lo liệu vậy. Hễ đại hạn lâu thì tất phải có mưa rào; giá rét lâu
thì tất phải có nắng ấm, các người biết được lí nó phải như vậy, cho nên những
việc làm của các người đó là thủ đoạn mặt sau. Tuy công việc các người ấy làm,
chưa hẳn đều hay cả. Nhưng biết ngăn ngừa lo xa từ cái nhỏ nhất, thì người sau
được hưởng lợi, được nên việc, người sau đều nhờ ơn những người ấy cả. Đấy là
những bậc anh hùng thay đổi thời thế vậy.
Sông bề nêu lạ, non núi nhóm
thiêng mà đúc nên một hạng người khác hẳn người thường, sinh ra đã hiểu biết,
theo nghĩa vụ mà gắng sức làm, đấy không phải là hạng người tầm thường ti tiện.
Đấy vốn là trời phú tính, đất đúc hình, cho nên công việc của mỗi người ấy làm,
không pha tạp với người thường, khác hẳn với người thường, không nhờ ở người,
mà nên ở trời. Đấy là do khí thiêng của non song, phúc ấm của nước nhà. Thiên hạ
sắp loạn, ắt có hạng người ấy; trong nghìn muôn người mới có một người, không
phải có nhiều. Đấy là những bậc anh hùng trời gây nên vậy.
Có một hạng người, giống như điên
mà không phải là điên, giống như kì lạ mà không phải là kì lạ, tính cách họ
không có gì khác với người bình thường. Nhưng trong khi cố gắng học hỏi, dần dần
biến đổi được khí chất đi đến chỗ khả quan. Và cứ thế học mãi, họ có thể tiến đến
được địa vị thánh hiền. Họ cố gắng học hành mãi, mãi mãi không thôi, thì tinh
thần và thể chất đều thay đổi và trở thành một hạng người rất tốt, gánh vác nổi
việc lớn. Muôn dặm phong hầu, buông hết bút nghiên thường tục, ra tay mẫn cán,
đạt nhiều công tích. Đấy là những bậc anh hùng do sức người gây nên vậy.
Mấy hạng người nói trên đây,
không hạng nào giống hạng nào. Tuy vậy nếu có được những biểu hiện của một hạng
nào trong số đó, cũng đã là có mầm mống của người anh hùng.
Từ khi đạo học của thánh nhân
không sáng, nhân tài không như xưa, khí lực đã hèn, óc não lại mỏng. Vua thì
không biết nuôi dưỡng, thầy thì không biết dạy bảo. Vì thế mà con người ta đã
như một hình nộm gỗ, một tượng đất, chỉ có khác hơn là biết ăn uống, nói năng
đi đứng vận động được mà thôi!
Than ôi! Cũng đồng tai mắt ấy,
cũng đồng râu mày ấy, ai làm hỏng tâm địa của các người? Ai làm hại tính tình của
các người? Há lẽ khí số đã hết, non sông không thiêng? Thi thư là thứ làm cho
ngu dốt, trung hiếu là vật quái dị? Hay là tự giữ, tự bỏ, tự phá, tự hại, tự
mình làm hư lấy mình, để đến nỗi như thế? Thương ôi! Thương ôi! Nói đến mà đau
lòng, nói đến mà tủi hổ!
Than ôi! Hồn dân nước ta bây giờ ở
đâu, sao không mở mắt mà xem các người ngoài vì sao mà mạnh, vì sao mà yếu, vì
sao mà còn, vì sao mà mất? Cờ cao, gương sáng đã treo ở trước mắt. Sở dĩ thế là
do trong nước có bậc hanh hùng hay không có vậy! Ví như một nhà, cha là anh
hùng, con là anh hùng, anh em đều là anh hùng, thì nhà ấy há lại không thành một
nhà anh hùng hay sao? Ví như một làng, người sang anh hùng, người hèn anh hùng,
người này anh hùng, người kia anh hùng, thì làng ấy há lại không thành một làng
anh hùng hay sao? Một nước có anh hùng hay không, cũng là do nhân dân trong nước
ấy có anh hùng hay không mà thôi. Nhân dân trong một nước đều đã anh hùng rồi,
mà nước ấy còn dã man thấp hèn, là điều chưa từng có vậy.
Có người hỏi rằng: Anh hùng có thể
làm được không?
Tôi cười mà đáp rằng: Anh hùng
cũng không phải là việc gì kì quái lắm. Muốn làm anh hùng thì được anh hùng
thôi. Leo núi thì có thể đến đỉnh, đào giếng thì có thể đến mạch nước. Ngày xưa
Thành Gián bảo Tề Cảnh rằng: “Kẻ kia là trượng phu, ta đây cũng trượng phu, sao
ta lại phải sợ kẻ kia!” Nhan Tử nói rằng: “Vua Thuấn là người, ta cũng là người,
có làm ra thì cũng như thế!” Mạnh Tử cũng bảo rằng: “Mặc đồ của vua Nghiêu, nói
lời nói của vua Nghiêu, làm việc làm của vua Nghiêu, thì cũng là vua Nghiêu mà
thôi vậy!” Không phải tôi đây cố ý nói khoác lác. Từ xưa người ta đã nói rồi,
các người cũng đã đọc mà quên đi mất đấy thôi.
Lại có người hỏi: Đến như cái thuật
làm anh hùng thì phải thế nào?
Tôi cười mà đáp rằng: Các người
muốn làm anh hùng, thì cũng cần phải xem hoàn cảnh nước mình và xem thời thế
như thế nào đã. Nước Việt Nam ngày nay, nói về nước, thì còn trong tình trạng lạc
hậu, yếu hèn, một nước mang đầy căn tính nô lệ, bàn suông bỏ việc. Nói về thời,
thì đương ở cái thời chết đói, thời tuyệt chủng, thời ghen ghét, lăng nhục, cừu
địch lẫn nhau. Nay ai cũng có thể cùng với nước thay đổi thời thế được, thì đấy
là anh hùng chả có gì là kì lạ, là quái gở cả! Nhưng mà các người sở dĩ không
làm được anh hùng cũng có lí do. Các người chỉ là một khối thịt sống, ù ù cạc cạc
không biết cái gì. Kẻ giàu sang, ăn mặc thừa thãi, còn khổ gì mà làm? Kẻ đói khổ,
khốn đốn về ăn mặc, thì vui gì mà làm? Kẻ già lão, chỉ thiếu cái chết, thân phận
xong rồi, làm để làm gì? Kẻ trẻ nhỏ còn muốn lớn lên, thích gì việc chui đầu
vào nơi gươm giáo, chỉ ngồi mà trách cứ lẫn nhau, trong mong lẫn nhau mà thôi.
Giáp thì trông Ất, Bính lại trông Đinh, người này trách người kia, người kia
trách người nọ. Năm nay chưa thấy thì trông năm sau, năm sau chưa thấy lại
trông năm sau nữa. Người này bảo cơ trời, người kia bảo vận nước, cũng như là cả
bọn đều đui điếc, mù mịt chả biết cái gì. Đến khi trách cùng vọng tuyệt, muốn
làm mà không có thời mà làm, muốn làm mà không có thế để làm, đến nỗi cùng dắt
díu xô đầy nhau xuống hố cả một lũ, một đoàn: Nào là giàu sang, đói khổ, trẻ
già, trai gái đến thời vận đó, cùng gặp nhau ở dưới suối vàng, nhắc lại chuyện
cũ, không biết các người có mở miệng cười cùng nhau được không? Nhưng người nước
ta thì chắc là không chịu như thế được. Các người chưa nghĩ kĩ đấy thôi. Nay
tôi xin nghĩ thay cho người nước tôi vậy.
Người ta sinh ra ở trên quả đất
này, sống lâu nhất là 100 tuổi, lâu vừa là 80 tuổi, dưới nữa là 60 tuổi. Trừ những
ngày đau ốm lo âu ra, thời gian còn lại cũng chả được bao năm nữa. Người sinh
trên đời, nếu không vui thì dù sống đến một nghìn năm đi nữa, cũng là chết yểu
mà thôi. Vậy thì người đời hà tất phải khốn khổ giữ cái bưới thịt thừa vô vị mà
làm gì?
Ôi! Đứng trên trường tranh cạnh của
năm châu, cần phải giơ sừng gạc của mình, phương chi gặp lúc thời thế cùng quẫn,
nước phá vua mất, chết đến trước mắt, gươm kề sau cổ, vốn phải nên dứt áo đứng
dậy, vì nghĩa giết thù, sống cũng sướng, mà dù chết nữa cũng sướng. Vậy thì sao
lại cứ bo bo giữ lấy cái lòng dục, gái trai ăn uống, nhung nhúc ở trong trường
trâu ngựa, sống làm người không may, chết làm ma không tiếng? Lạ thay! Lạ thay!
Hát không được, cười không được, khóc không được, chỉ được nhắm mắt ngồi nghĩ,
kêu trời than khóc mà thôi!
Than ôi! Dâu chìm bể nổi, đất sụp
trời nghiêng, người tráng sĩ vắng tanh, kẻ mưu thần đâu mất!? Vua Đổng Thiên
Vương xưa rồi, thánh Trần Hưng Đạo không còn nữa! Lo toan việc lớn, trời không
phụ với con rồng bể! Ngó lại các người, ta chỉ hổ thẹn với con chó của tên Đạo
Chích. Anh hùng ôi! Anh hùng ôi! Ta làm sao để được mang gươm đi theo các người
lên thẳng đài múa? Vậy có thơ rằng:
Chong chóng trò đời khá chuyển
mau,
Khó khăn thời thế khóc không đâu!
Rồng nằm giúp Hán trời còn đó,
Hổ thét vì Hàn chí vốn sâu!
Thế giới năm châu bừng mắt thấy,
Non sông trăm Việt chạnh lòng đau.
Khuyên ai cầu tiến nơi tươi sáng,
Bĩ thái cơ trời nối tiếp nhau.
Lại có thơ rằng:
Trời đất sinh ra cái thế này,
Tay không hồ dễ biết rằng đây?
Quan đà ngơ ngẩn như thằng chết,
Dân lại mơ màng giống bọn say!
Ghê gớm cuộc đời đà ngán nỗi,
Khen sao con tạo khéo vần xây.
Phen này dựng lại cơ đồ mới,
Dám mượn anh em với một tay! (2)
Tuy ngày nay bảo là anh hùng, ta
vốn đòi hỏi ở dân ta, trông mong ở dân ta, nhưng không phải là đòi hỏi phiếm,
trông mong phiếm. Ta chỉ đòi hỏi, trông mong vào các bậc sĩ phu mà thôi.
Thường nghe người nước ngoài nói
rằng: Nước thật dã man thì không có anh hùng, nước thật văn minh cũng không có
anh hùng. Vì tất thảy mọi người trong nước đều là anh hùng cả rồi, thì còn có
gì là anh hùng nữa. Các nước văn minh ở Thái Tây, những người ở nông thôn đã
cũng đều nghiêm trang đường bệ, những người phụ nữ cũng đều thành thần. Cái gọi
là anh hùng cũng chả khác gì nắng mặt trời của người nước Tống, chẳng khác gì
con lợn trắng ở xứ Liêu Đông mà thôi. Nước ta hiện nay chưa thể tiến vội đến
như thế được. Tìm hạc ở trong bầy gà, chọn ngọc ở dưới núi đá, chỉ trông mong
và những vị thức giả trong đám sĩ phu, đứng ra tổ chức đoàn thể, góp gió thành
bão, cần phải có một vài người đại anh hùng cầm dao lớn, vác búa sắc, phát gai
góc, chặt lau sậy, để mở trời đất mới, làm thành thế giới mới, đấy là việc rất
cần khẩn cho hiện tại; đấy chính là việc rất bức thiết cho ngày nay vậy. [...]
(trước 1905)
Chương Thâu dịch
Phan Bội Châu toàn tập – Tập I:
Văn thơ thời kỳ trước khi xuất dương (1882-1905) – Chương Thâu sưu tầm và biên
soạn (NXB Thuận Hóa, Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, 2001) tr. 118-123.
_______
Chú thích:
(1) Ở phía trên dòng đầu này có một
số trang bị xé mất, không rõ nội dung gì.
(2) Hai bài thơ này tác giả viết
bằng chữ Nôm trong nguyên bản.
http://phiatruoc.info/?p=8442
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét