Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




THẾ HỆ NHÂN NHƯỢNG

Thuỳ Linh

Tại mình hết. Nhiều thế hệ chỉ biết sống nhân nhượng. Nhân nhượng cả cái ác nên giờ trả giá. Nhân nhượng với cái ác lâu, nhiều và đểu đến mức nghĩ nó là tốt đẹp.

Lâu rồi mình mới ngồi bình yên, không vội vàng nói chuyện với một người bạn cũ. Thấy anh lúc nào cũng mang vẻ mặt buồn tênh. Hỏi sao? Cười chả nói gì sất. Lại gạn: chuyện vợ con thế nào? Vẫn thế. Cái giọng cũng nhẹ tênh. Không cải thiện được chút nào ư? Cải cái gì? Bản tính khó đổi, núi sông khó dời. Già rồi, an phận, bằng lòng, mặc kệ…Cuộc sống cứ thế trôi qua. Chỉ đôi lúc bâng khuâng nhìn bạn bè, nhìn đời, nhìn lại mình, thấy tui tủi. Chả làm nên công cán gì. Không phải mơ ước làm một cuộc lấp sông, dời bể, mà chỉ cần được làm một việc mình yêu thích sao mà khó thế? Được sống đúng mình sao mà khó vậy?
Ngoảnh đi nhìn lại thấy trên đầu tóc sang mùa. Con cái nhìn bố như nhìn người xa lạ đáng thương, vậy thôi. Công việc ư? Học một nghề nhưng làm nghề khác. Vẫn phải bám vào chỗ đó vì miếng cơm manh áo không chỉ cho mình mà cho vợ con, những kẻ ràng buộc với ta vì hợp đồng mang tính đạo đức nhiều hơn là tình yêu. Vậy mà tiêu tốn hết cả đời người? Đấy, chuyện cá nhân đã vậy, chứ nhìn ra xã hội nản lòng nữa…Ép mình sống như ép dầu. Xả hết chút lực tàn mà không biết để làm gì? Không phương hướng, niềm tin, an ủi…Giả vờ mà sống. Cười nhạt mà đáp lễ, mà đãi đằng. Căm ghét đến tận xương tuỷ và vẫn nói là không có gì, vẫn coi là bạn bè, mời mọc nhau ly rượu, vại bia. Nhìn lên cao nữa thấy lộn mửa mà cứ gọi là đồng chí, cứ xếp nhau đảng viên nhiều cái tốt, cứ hứa hẹn, nói đúng những gì họ cần mình nói cửa miệng. Lá phiếu đại hội đảng bộ trông mong vào mấy cữ thịt chó, thịt thú rừng đãi đằng, vận động nhóm nọ, băng kia. Cần bằng cấp để đề bạt hả? Khó gì, cứ đăng ký học rồi trả tiền thuê người học hộ, còn mình đi đánh quả kiếm tiền. Lúc tổ chức hỏi để cân nhắc là rút trong hồ sơ ra đầy đủ bằng nọ, chứng chỉ kia. Lên chức là để học cách nói dối bài bản hơn, nhiều hơn và biết cách sống lá mặt lá trái hơn. Mẹ tụi nó, biết là nó nghĩ đểu nhưng hễ gặp mình là nó khen, khen đến mức mình muốn chui xuống lỗ nẻ cho đỡ ngượng vì mình đâu được như thế? Nhưng nếu không nghe nó nói vậy thì thấy nhơ nhớ, thấy tức tức…Lâu dần quen nghe nói dối. Rồi tin là mình giỏi như vậy thật mới bỏ mẹ. Đến lúc tàn hơi, sợ tất tật từ cháu chắt, con cái đến vợ già. Miếng cơm đăng đắng trong miệng. Cháu vòi vĩnh là đáp ứng liền. Con gắt không dám ngẩng mặt lên. Vợ chỉ mới nói nặng một câu cũng giật mình. Lo nhất bây giờ là bị ốm nặng. Chắc chả ai trông nom tử tế đâu? Nếu bị bệnh nặng á? Sẽ cắn lưỡi chết tức thì. Mình nghe mỏi tai quá bèn hỏi đầy nghi ngờ: Anh bi quan quá. Hay tuổi già là như vậy? Cứ nghĩ quá lên những gì có ở thực tế? Anh bạn cười trừ, thôi đi cô, là tôi đang cố lạc quan đấy. Rồi anh nhìn bâng quơ trời đất, hỏi, này, người Việt mình có thật lạc quan không? Sao tụi Tây nó cứ bảo vậy nhỉ? Nước mình thì có gì để lạc quan chứ? Mấy nghìn năm lịch sử thì toàn chiến tranh? Đời sống bám vào cây lúa có sung sướng bao giờ đâu? Xã hội thì bị Khổng Nho đè nén, mất hết tự nhiên? Sau thì lại đến họa đấu tranh giai cấp, nhìn nhau, chém giết như quân thù quân hằn, cho đến tận lúc này? Thế thì căn cớ, nguồn cơn nào để lạc quan? Mình tặc lưỡi, chắc càng khổ càng cố lạc quan để dễ sống chăng? Thế thì phải gọi là phép thắng lợi tinh thần chứ, sao gọi đó là phẩm chất con người được?


Nói cô nghe, ví như biển Đông bây giờ thằng Tàu cứ chềnh ềnh tàu và người nó ra đấy thì “cực lực phản đối”, “VN lên án”; “đề nghị” liệu có khiến nó rút đi không? Luật biển mới ra đời làm nhiều người nao nức có bắt “nó” chấp hành không? Không, đúng không nào? Bao giờ thì giải quyết được cái ao chung ấy? Có mà khươm mươi niên. Có dám đưa nó ra toà án quốc tế không? Không. Trừ khi chả còn anh em gì sất, chỉ còn quốc gia, dân tộc, nói chuyện bằng lẽ phải, luật lệ. Mà cái đó chắc chả dễ gì có ngay. Thế thì lạc quan nỗi gì? Còn xã hội thì sao? Nói cô nghe nhé: kinh tế đang rơi tự do, vậy dám bảo “đã qua thời kỳ khó khăn” là do tính lạc quan à? Dân đói rã họng ra đấy mà bảo họ yên tâm, vui cười sao được? Hay bắt họ lấy niềm tin vào đảng, chính phủ, chế độ để thay cơm ăn hàng ngày? Đất mất mà cứ bắt họ cư xử như thể đang được hưởng ân sủng to lớn nên phải đầy lòng biết ơn là sao? Một kẻ cướp đất với một kẻ bị cướp đất mà đòi hai bên bắt tay nhau để "giải quyết hài hoà" chuyện cưỡng chế thì có được không? Đấy không thể gọi là lạc quan nữa, đó là sự khốn nạn khi bắt người ta cười khi cha mẹ họ vừa mất đi...Đạo đức xuống cấp như thể con người không còn gì phải e dè, muốn thú tính bao nhiêu cũng được, vậy mà bắt học trò luận về thói dối trá, vô cảm ư? Đúng là lạc quan quá mất. Lạc quan đến mức như mắc chức cuồng. Còn gì nữa nhỉ? Còn cái “chả còn gì” nữa cô ạ…Hết rồi. Vì sao thế hả anh? Anh ngồi hút thuốc không trả lời, trầm ngâm, buồn, rất buồn…Đúng là chả thấy chút lạc quan, dù một ánh mắt nhìn lại người nói chuyện.


Rất lâu anh mới ngước lên nhìn ra mặt hồ choi chói nắng...Tôi ngẫm rồi. Tại mình hết. Nhiều thế hệ chỉ biết sống nhân nhượng. Nhân nhượng cả cái ác nên giờ trả giá. Nhân nhượng với cái ác lâu, nhiều và đểu đến mức nghĩ nó là tốt đẹp. Này cô, mới đây tôi tìm thấy một bài thơ lưu lạc trên facebook của một cậu nào đó tên Gia Hiền. Ai oán lắm. Chắc bạn đó còn trẻ. Trẻ lắm nhưng nhiều nỗi ưu tư và đau đớn. Người vẫn biết đau đớn, tủi hổ thì còn đáng yêu và đáng tôn trọng. Thế hệ mình chỉ nhân nhượng nên thế hệ sau chịu nhân quả chỉ biết cúi đầu. Lát tôi đưa cô đọc. Thế thì còn gì để lạc quan hả cô? Nhìn vào đâu mà sống? Mình già rồi thế nào cũng xong vì coi như đời mình bỏ. Nhưng còn tụi trẻ? Không lẽ bảo chúng nó cứ sống cúi đầu như chúng nó nghĩ và viết ra vậy? Mà bảo chúng khùng lên, nổi loạn lên thì mình có lo được cho chúng không? Có bảo đảm rằng chúng nó sẽ gặt hạnh phúc hơn thế hệ mình không? Chả dám lạc quan như thế. Hư hỏng nhân cách đến cả chục thế hệ cô ạ…Thậm chí cháu tôi, tôi còn không dám lạc quan rằng chúng sẽ thành người hay ho hơn mình? Vì sao ư? Nhìn quả “đồi Ngô” với lại chuyện học hành hôm nay thì dám mơ gì? Đấy, tháng 7 này lũ cháu lại cắp sách đến trường khi hè vừa mới được nghỉ một tháng. Ăn cắp cả tuổi thơ con trẻ thì nền giáo dục ấy còn dạy dỗ được ai? Thôi, câu nhận xét “lạc quan” của tây xin trả lại cho tây. Mình lần hồi sống qua ngày tháng chờ chết cô ạ. Còn thì, đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Trời sinh voi sinh cỏ. Chắc đây là câu lạc quan nhất của người Việt mình đấy…

Cuối chầu café hầu như chỉ nghe anh bạn nói. Nói như mộng du, tự sự chỉ mình mình nghe…Nói đến mức lúc ngẩng lên, mắt anh như không còn thấy gì nữa. Tất cả chìm trong nỗi trống vắng, hoang lạnh. Thì thôi, cứ như là lời trăng trối khi còn sống vậy. Nghe rồi để khỏi nhớ là cuộc đời nhiều thế hệ đã đi qua như thế nào…


Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu 

Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu
Cúi đầu trước tiền tài, cúi đầu sau mông người khác
Cúi đầu trước chính mình, cúi đầu bạc nhược
Chỉ ngầng đầu...
...vì...
...đôi lúc...
...phải cạo râu!

Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất

Cuộc sống bon chen
Tay trần níu chặt
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang.

Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự do, đâu là lý tưởng?
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước
Những câu hỏi vĩ mô cứ luẩn quẩn loanh quanh...

Thế hệ tôi, ngày và đêm đảo lộn tanh bành
Đốt ngày vào đêm, và đốt đêm không ánh sáng
Nếu cho chúng tôi một nghìn ngày khác
Cũng chẳng để làm gì, có khác nhau đâu?

Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu
Và tự hào vì những điều huyễn hoặc
Tự lừa dối mình, cũng như lừa người khác
Về những niềm tin chẳng chút thực chất nào!

Chúng tôi nghe và ngắm những siêu sao
Chỉ với mươi lăm nghìn cho vài ba tin nhắn
Văn hóa ngoại giao là trà chanh chém gió
Và nồi lẩu tinh thần là những chiếc I-phone

Thế hệ tôi, ba chục đã quá già
Và bốn chục, thế là đời chấm hết
Không ghế để ngồi, thì thôi, ngồi bệt
Mối lo hàng ngày là tiền trong tài khoản có tăng lên?

Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng NIỀM TIN
Thứ rẻ nhất, lại là LỜI HỨA
Sự dễ dãi đớn hèn khuyến mại đến từng khe cửa
Có ngại gì mà không phản bội nhau?

Không, tôi không đại diện thế hệ mình đâu!
Và thế hệ tôi cũng không đại diện cho điều gì sất!
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua...

Gia Hiền


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét