Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NÓI VỚI VONG HỒN QUAN NỘI SAI HOÀNG NGŨ PHÚC

Bùi Văn Bồng

Bài "Võ sáo" tại Lễ hội kỷ niệm Khởi
nghĩa nông dân Yên Thế (Bắc Giang) 
2012 
Trước đây, tôi đã nghe danh của ông trong lịch sử, một tướng dũng mãnh, có tài thời Hậu Lê. Hôm mới đây, nghe bài tham luận của đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc “Nhà nước gặp nhiễu sự, dân còn giúp nước?”, trong đó có trích dẫn câu nói nổi tiếng của ông để nhắc nhở thuật trị nước: “Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác”. 

Tôi được biết, ông có công lớn trong việc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài và là tổng chỉ huy cuộcNnam tiến đánh Đàng Trong, “mở mang” đất đai Bắc Hà tới Quảng Nam cho chúa Trịnh, nổi tiếng là người có nhiều mưu kế. Trước ông giữ chức tả thiếu giám, sung giữ chức nội sai trong Hình phiên. 


Có lẽ, trong lịch sử Việt Nam, ngoài Lý Thường Kiệt, chỉ có ông, Hoàng Ngũ Phúc (Quận Việp), là tướng xuất thân từ hoạn quan có tài kiêm văn võ và có nhiều quân công nhất. Tuy nhiên, do thành tích của ông chỉ trong nội chiến, còn Lý Thường Kiệt lập công trong chống ngoại xâm nên Lý Thường Kiệt nổi tiếng hơn ông. Các thế hệ sau này cũng được truyền thông là ông làm tướng nghiêm túc, cẩn trọng, có uy tín. Khi lâm trận, ông là người quả đoán. Những người trưởng thành dưới tay ông như Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh sau đều là những người nổi tiếng, ngang dọc thiên hạ, dù đều không được trọn vẹn như ông. Sở dĩ ông được trọn vẹn toàn danh, ngoài hoàn cảnh khách quan (khi thế nước Đàng Ngoài còn mạnh) còn do ông là người biết ứng xử, tiến lui đúng lúc không chỉ trong chính trường mà cả ngoài chiến trường, không mang dã tâm như các hoạn quan Triệu Cao đời nhà Tần, Ngụy Trung Hiếu đời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Bản tính khiêm tốn, thành thực đối đã với người khác hết lòng trung tín, thưởng phạt quân sĩ nghiêm minh. Là người cầm quân dày dặn hơn 30 năm ngoài chiến trường, có lẽ hơn ai hết ông tự hiểu sức quân Trịnh khi tiến vào tới Quảng Ngãi như dây cung đã trương hết cỡ, không thể cố giành đất phương Nam, vì thế ông chủ động nhường Quảng Nam cho Tây Sơn hy vọng làm thoả mãn Tây Sơn.

Không chỉ là người có công ổn định tình hình Bắc Hà, ông còn có công mở rộng cương thổ vua Lê-chúa Trịnh về phía Nam, lần đầu tiên đánh bật chúa Nguyễn khỏi đất Thuận-Quảng, điều mà bao thế hệ chúa Trịnh trước chưa làm được. Nhưng dường như cũng chỉ có ông là người hiểu mình và hiểu người, biết lui tiến ngoài mặt trận.

Sau khi các tướng thế hệ ông và Bùi Thế Đạt mất, cha con chúa Trịnh quá say sưa vì chiến thắng, sinh kiêu ngạo, các tướng kế tục buông lỏng việc quân sự nên không giữ được cương thổ ông đã mở mang và cơ đồ họ Trịnh tiêu tan nhanh chóng. Ít ra Bắc Hà sẽ được bảo tồn lâu hơn. Một khi Tây Sơn không đánh chiếm được Bắc Hà, sẽ không phải phân tán lực lượng ra Bắc và khó có thể khẳng định họ Nguyễn còn cơ hội phục hồi ở Nam bộ hay không.

Nghi môn và đền thờ Quận Việp (Hoàng Ngũ Phúc) ở Tân Mỹ, 
Yên Dũng (Bắc Giang)
Ông lo hết lòng phò vua Lê, chúa Trịnh, nhưng từ khi Trịnh Giang cầm quyền, chính sự Bắc Hà bắt đầu suy. Chúa Trịnh Giang tiêu dùng xa xỉ, thả cửa cho địa chủ cường hào ác bá chiếm đoạt ruộng đất, ức hiếp dân cày, thuế má một ngày một nhiều, sưu dịch một ngày một nặng khiến nhân dân Đàng Ngoài vô cùng cực khổ. Do đó nông dân Đàng Ngoài đồng loạt đứng lên khởi nghĩa.

Từ năm 1737, nhiều cuộc khởi nghĩ nông dân liên tiếp nổ ra như: Nhà sư Nguyễn Dương Hưng nổi dậy khởi nghĩa ở Tam Đảo, Vũ Đình Dung nổi dậy ở Ngân Già (nên bị gọi là giặc Ngân Già), hậu duệ nhà Mạc (đã bị đổi họ) là Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển cùng Vũ Trác Oánh nổi dậy ở Hải Dương. Theo "Lê Triều dã sử", Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển tin theo sấm Trạng Trình: "Phá điền thiên tử xuất, bất chiến tự nhiên thành" (Vỡ ruộng thiên tử ra, không đánh tự nhiên thành) nên dựng cờ khởi nghĩa. Tiếp đến là các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương, Lê Duy Mật, Nguyễn Dương Hưng; nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu, tiếp tục tập hợp lực lượng và trở thành hai cánh quân khởi nghĩa lớn và làm hao binh tổn tướng của chúa Trịnh nhiều hơn cả.

Ngoài những cuộc khởi nghĩa trên còn một số khởi nghĩa khác. Phong trào khởi nghĩa trải rộng khắp Bắc bộ vào tới Thanh Hóa, Nghệ An. Các cuộc khởi nghĩa phần đông lấy tiếng "phù Lê diệt Trịnh" làm cớ. Nhân dân mặt đông nam mang bừa vác gậy đi theo quân khởi nghĩa, toán nào đông thì kể có hàng vạn người, toán nào ít thì cũng có đến hàng trăm hàng nghìn người, rồi đi cướp phá ở các hương thôn và vây các thành ấp, quân triều đình đánh dẹp không được.

Trong cung, Trịnh Giang suy thoái đạo đức, lối sống, sa vào tiền và gái, nhất là xa xỉ tư thông với cung nữ của cha, lại bị sét đánh hụt nên tin theo lời hoạn quan, làm nhà hầm ở luôn dưới đất để tránh sét, còn việc chính trị thì để cho các hoạn quan là bọn Hoàng Công Phụ chuyên quyền làm bậy. Trước tình hình đó, gia tộc họ Trịnh quyết định phế truất Giang, lập em Giang là Trịnh Doanh lên ngôi năm 1740. Là người có tài, Trịnh Doanh bắt đầu chỉnh đốn tình hình trong nước, ra tay đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa.

Điều đã được ghi rõ trong sử sách là ông, quan Nội sai Hoàng Ngũ Phúc, đã có công đem binh dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân của Nguyễn Hữu Cầu (Quận He). Vì ngày thường cướp được thóc gạo của thuyền buôn, đem cho dân nghèo, cho nên Quận He đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có. Nguyễn Hữu Cầu được các sử gia đánh giá là người kiệt hiệt, nhiều mưu mẹo nhất trong số các thủ lĩnh khởi nghĩa lúc đó. Có khi bị vây hàng mấy vòng, ông chỉ một mình một ngựa phá vây ra, rồi chỉ trong mấy ngày lại có hàng vạn người đi theo

Tôi đọc sử ghi lại, biết ông đã hết lòng phù chúa Trịnh, đi dẹp các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Ông đã mưu trí vây quân khởi nghĩa của quận He ở núi Đồ Sơn, buộc Nguyễn Hữu Cầu phải phá vây ra, rồi chớp thời cơ cho quân khởi nghĩa đánh về đánh lấy thành Kinh Bắc. Trấn phủ là Trần Đình Cẩm và Đốc đồng là Vũ Phương Đề đánh thua ở Thị Cầu phải bỏ ấn tính mà chạy; ở Thăng Long, được tin ấy rất lấy làm báo động. Ông liền đem binh về, cùng với Trương Khuông lấy lại thành Kinh Bắc, nhưng thế Nguyễn Hữu Cầu vẫn mạnh, phá quân của Trương Khuông ở làng Ngọc Lâm (thuộc huyện Yên Dũng), đuổi quân của quan thống lĩnh Đinh Văn Giai ở Xương Giang (thuộc huyện Bảo Lộc) rồi lại về vây dinh Thị Cầu. Trịnh Doanh sai ông và Phạm Đình Trọng đem binh đến đánh bại Nguyễn Hữu Cầu ở Xương Giang. Năm 1751, Phạm Đình Trọng đem quân vào đánh phá trại. Hữu Cầu chạy đến làng Hoàng Mai thì bị bắt, đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh và bị hành hình. Tương truyền trước khi chết ông có làm bài thơ "Chim trong lồng" nổi tiếng: “… Mặc bay đông ngữ, tây đàm / Chờ khi phương tiện dứt dàm vân lung / Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán / Phá vòng vây làm bạn kim ô / Giang sơn khách diệc tri hồ?”. Đến năm 1751, cơ bản các cuộc khởi nghĩa bị dẹp yên, chỉ còn Lê Duy Mật và Hoàng Công Chất dựa vào nơi xa xôi, hiểm yếu vẫn cầm cự được tới đầu thời Trịnh Sâm.

Ông cũng đã lập công với chúa Trịnh là đánh bại quân Tây Sơn vào tháng 2-1775 ở Cấm Sa (Quảng Nam). Nhưng ông cũng khá thức thời là khi ở tuổi 62 sức đã yếu, lại bị bệnh, nên tháng 7 năm 1775, cùng lúc bệnh dịch hoành hành, lại nghe tin Nguyễn Huệ thắng quân Nguyễn chiếm lại Phú Yên, quận Việp án binh lại. Ông biết Tây Sơn đã đủ thực lực đứng vững, quân Trịnh không thể diệt được, nhất là khi quân của ông đi xa nhà đã mệt mỏi và phát dịch bệnh. Theo đề nghị của Nguyễn Nhạc, ông đã phong chức cho Nguyễn Huệ làm “Tây Sơn hiệu tiền tướng quân”. Biết mình không thể đương nổi việc quân nữa, tháng 9 năm đó ông bí mật bàn với các tướng rút quân về. Hai tướng văn là  Nguyễn Nghiễm ( cha của Nguyễn Du) và Nguyễn Lệnh Tân bàn nên rút về Quảng Nam, và đặt quan trông giữ phần lãnh thổ chiếm được. Còn ông ệp chủ trương rút hẳn về Thuận Hóa, vùng đất Quảng Nam sẽ tính sau. Ông sai người cầm thư đi gấp về Thăng Long xin ý kiến Trịnh Sâm. Trịnh Sâm xưa nay rất tin tưởng ông nên tán đồng đề nghị của ông. Quân Trịnh rút khỏi Quảng Ngãi lui hẳn về Phú Xuân.

Ông đã đem tài trí hết lòng, dốc sức phù chúa Trịnh, một thể chế có sức bền 242 năm - là tập đoàn phong kiến kiểm soát quyền lực nhà nước Đại Việt thời Hậu Lê, khi nhà vua không có thực quyền vẫn được duy trì ngôi vị. Bộ máy triều đình lúc này hoạt động theo thể chế lưỡng đầu: "Chẳng đế chẳng bá / Quyền nghiêng thiên hạ / Truyền được tám đời / Trong nhà dấy vạ".

Tôi nhắc lại sự bùng phát rầm rộ và diễn biến liên tục các cuộc khởi nghĩa của nông dân Đàng Ngoài vào thời Trịnh Giang, xuất phát từ nỗi bất bình của nhân dân bị bóc lột bần cùng. Tuy nhiên, theo các nhà sử học, sau đó các cuộc khởi nghĩa không có được sự liên hợp cần thiết để đủ sức đánh đổ chính quyền Lê -Trịnh. Và cũng xin nhắc lại điều ông nói là chuẩn xác:
“Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác” . Quan niệm của ông như vậy là đi đúng nghĩa khí nông dân nước Việt: “Có áp bức, có đấu tranh, đấu tranh để giành quyền sống, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh  phúc, đi tới ước mơ công bằng xã hội”.

Có điều, chiến công truy dẹp khởi nghĩa nông dân của ông chẳng mấy ai ca ngợi. Ông dùng hết tài trí, sức lực vì sự “trung quân”, nhưng nếu xét cho cùng ông chưa phải là nhà “ái quốc”. Đúng ra, hoàn chỉnh tài đức của quan lại thời đó là phải đạt được cả hai tiêu chuẩn “trung quân và ái quốc”. Đã “ái quốc” thì phải biết thương dân, nhất là nông dân nghèo cần lao, chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột của xã hội thời đó. Điều này, về cuối đời ông có sự sám hối.
         Ở năm thứ 12 của thế kỷ 21 này, có những vụ được gọi là “nông dân nổi dậy”, tuy không đến mức như khởi nghĩa ngày xưa, nhưng cũng là sự đấu tranh giữa cường quyền với lợi ích thiết thân, lợi ích chính đáng, cũng là sự đấu tranh cho công bằng xã hội mang hình thức dân chủ, với các vụ đã làm rung động cả nước như: Tiên lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Dương Nội, Cần Thơ…Nếu ông được người có chức quyền ra lệnh đàn áp nông dân chỉ vì nhóm lợi ích của quan quyền, của đại gia, liệu ông có vì hai chữ “trung quân” cứng đờ đến mức "ngu trung" mà quên hai chữ "ái quốc" thiêng liêng, thẳng tay đàn áp nông dân nghèo hèn hay không? Cho nên, người ta vẫn nói, đấng minh quân, quan hiền đức “chấp lệnh tại triều, hành sự tại tâm”. Cũng do đi dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân mà về cuối đời ông mới đúc kết được câu nói :
“Nước lấy dân làm gốc ....hãy để dân yên". Ông lưu danh hậu thế không phải vì những chiến công dẹp loạn, những chiến công ấy đã có chúa Trịnh lộng quyền, lấn át vua ghi nhận, mà có lẽ bởi câu nói đúc kết chân lý ấy  hậu thế đã nhớ đến ông. Quả là “hùm chết để da, người ta chết để tiếng”.
Ông xa cõi trần đã 236 năm rồi, cho dù ông đã “trung quan” đến mức như “ngu trung”, gắng sức lập công phù chúa Trịnh, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân, đánh Nam dẹp Bắc trong các cuộc tranh giành đất đai và quyền bính, nhưng câu nói của ông về lòng dân với nước vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay và mai sau. Kính chúc hương hồn của ông siêu thoát  và có linh thiêng thì giúp cho xã hội Việt Nam thực sự đạt được như mức phấn đấu mà Nghị quyết Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI  đã nêu: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bài viết này xin được coi như nén nhang thắp viếng lăng mộ của ông.
Bùi Văn Bồnghttp://buivanbong.blogspot.com/2012/06/noi-voi-vong-hon-quan-noi-sai-hoang-ngu.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét