Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




"NGUYỄN XUÂN DIỆN" TÂY ? CHUYỆN VIỄN TƯỞNG ! (Thư Paris 1)

Thụy My

Anh à,

Trước hết, nhà nước bên Tây không rỗi việc để đi kiểm soát blog. Mà nếu có ai đó lập blog để đả kích nhà nước thì chắc ế ẩm lắm, chẳng ma nào vào đâu ! Đã có báo chí các loại và các nhà báo chuyên nghiệp làm công việc đó rồi, mà họ được đào tạo, và nói có sách mách có chứng hẳn hoi. Trừ phi anh lập blog để hướng dẫn cách chế tạo bom cho các vị kamikaze khủng bố thì lại khác.

Hồi đó khi ông Nicolas Sarkozy – nổi tiếng cứng rắn khi ông làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ - vừa đắc cử Tổng thống, tờ báo cánh tả Libération đăng ngay chân dung ông lên trang nhất và chạy tựa thật to : « Sarkozy ? Cóc sợ ! ». Thậm chí tuần báo Marianne số ra ngày 07/08/2010 còn vượt quá giới hạn bằng cách đăng ảnh đương kim Tổng thống với hàng tít "Tên côn đồ của nước Cộng hòa Pháp"!

Thời điểm 2007 ông Sarkozy và vợ là bà Cécilia đang lục đục, nhưng giữ kín để tranh cử êm xuôi. Hôm bầu cử vòng một, bà có xuất hiện, nhưng lúc vào vòng hai, phóng viên tờ Journal du Dimanche phục kích suốt cả ngày nơi đơn vị bỏ phiếu của hai ông bà, cho đến hết giờ chẳng thấy bà đi bầu, bèn viết bài để đăng (chồng tranh cử tổng thống, vợ không thèm đi bỏ phiếu thì cũng lạ). Nhưng chủ nhân tờ báo là bạn ông Sarkozy, chắc được vận động nên bài báo bị cho vào ngăn kéo. Ngay lập tức, đài phát thanh France Info và nhiều đài khác liên tục đưa tin về bài báo bị gác lại này, thế là cả nước đều biết, có bịt miệng được đâu. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, rất nhỏ thôi. 

Cũng chẳng cần dùng blog để hô hào lập kiến nghị, lấy chữ ký cho một yêu sách nào đó: có nhiều phương cách để làm việc này. Sang một chút thì quyên góp để đăng hẳn một trang trên một tờ báo uy tín như Le Monde chẳng hạn, để bày tỏ quan điểm về một chính sách lớn, hay một vấn đề nào đó. Như mới đây trong dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Paris hôm 2/6, Human Rights Watch đăng hẳn một trang lớn trên Le Monde bằng tiếng Nga với tựa đề « Ông Putin, hãy ngưng bảo vệ Bachar Al Assad. Quân của ông ta tiếp tục làm nên nhiều tội ác tại Syria».

Các trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động tên tuổi thỉnh thoảng dùng hình thức này. Còn thân nhân của một nạn nhân bị bắt cóc, bị sát hại, mất tích, tai nạn máy bay, qua đời vì sai sót của ngành y…chẳng hạn, vẫn có thể được Tổng thống tiếp ngay điện Elysée để trực tiếp lắng nghe nguyện vọng. Vân vân. Và cách phổ biến để bày tỏ chính kiến vẫn là biểu tình (em sẽ đề cập trong một dịp khác, nếu cần, anh nhé).

Bìa báo Marianne với chân dung Tổng thống và tựa "Tên côn đồ của nước Cộng hòa Pháp". 
Bây giờ nói đến giấy mời. Thí dụ anh có sai phạm nào đó, thì cơ quan chức năng là tòa án hay cảnh sát sẽ gởi giấy mời anh đến làm việc.

Trát tòa sẽ được gởi bằng đường bưu điện, cả bảo đảm lẫn thư thường. Không chỉ tòa án, mà thư tín của tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân gởi đến, nếu muốn được xem là có giá trị pháp lý thì phải gởi bảo đảm. Nếu chỉ là thư thường, anh có thể vất sọt rác nếu thích.

Còn nếu cảnh sát mời, mà không đề lý do thì sao ? Ở bên này nếu nhận được giấy mời đến đồn cảnh sát mà chỉ đề vỏn vẹn câu « vì một việc có liên quan đến ông/bà » thì ta có quyền gọi điện thoại hỏi lý do, hoặc không đến.

Việc đến trình diện cảnh sát chỉ bắt buộc trong hai trường hợp. Một là trong khuôn khổ một vụ phạm pháp bị bắt quả tang, hai là nhằm điều tra tìm thêm chứng cứ. Trong trường hợp này viên chức cảnh sát phải ghi rõ vụ việc, và nếu người được mời từ chối đến cảnh sát có thể báo cho bên công tố để buộc phải trình diện. Nếu bận việc thì vẫn có thể gọi điện hẹn lại ngày khác.

Luật của Pháp và Hiệp ước châu Âu công nhận một cá nhân có quyền được biết lý do khiến mình được triệu tập. Khi nhận được giấy mời của cảnh sát nhưng không đề rõ lý do (trong hộp thư, nhét vào khe cửa, nhờ hàng xóm chuyển hay đưa tận tay…) công dân có thể gọi điện thoại cho viên chức cảnh sát (có ghi rõ tên và chức vụ trong giấy mời) để hỏi, và cũng không quên cho biết, mình đã liên hệ với luật sư.

Quay lại với thư mời, ngay cả một công ty tư nhân khi có ý định sa thải một nhân viên, cũng phải gởi thư bảo đảm nói rõ sai sót của nhân viên đó. Sau ba lần sai phạm, ba lá thư bảo đảm, mới đến cuộc gặp để chính thức thông báo việc sa thải – trong lá thư bảo đảm thứ ba phải có dòng chữ ghi rõ người nhân viên này có quyền chọn một đại diện công đoàn hay bất cứ một người nào khác đi kèm để chứng kiến. Không đủ các thủ tục này thì không có giá trị, người bị sa thải có thể kiện lên Tòa Lao động để hủy.

Còn việc chụp hình, quay phim người khác mà không có sự đồng ý của người đó tất nhiên là không được phép. Riêng việc tự tiện montage (ráp nối, cắt xén) và công bố lời nói, hình ảnh của một người, có thể bị phạt đến 1 năm tù và 15.000 euro theo Luật Hình sự. Nếu quy chụp, buộc tội người khác trên các phương tiện truyền thông, thì được xem là vu khống công khai, theo Luật Tự do Báo chí có từ năm 1881, hình phạt tối đa là 1 năm tù và 45.000 euro tiền phạt.

Tóm lại, chuyện một vị blogger nào đó được một cơ quan hành chánh nào đó triệu tập đến và o ép về tinh thần, quay phim chụp ảnh v.v…là chuyện giả tưởng. Tất nhiên là ở bên Tây.

Giờ thì đến việc một bà cụ bị giữ lại trong một trụ sở, trong tình trạng đói khát cả đêm. Theo như thông tin trên mạng, thì ban đầu bà không chịu ra khỏi cơ quan này vì cho rằng mình bị hành hung, đòi phải có y tế khám, đòi được lập biên bản. Đến tối lúc những người quen đến xin vào thăm thì bảo vệ không cho, gởi thức ăn nước uống vào không được, gọi công an 113 thì không thấy đến. Bà cụ phải ở một mình trong căn phòng đóng kín, điện thì tắt... (cũng theo như trên mạng) cho đến ba giờ sáng hôm sau.

Những công dân bình thường nhất bên Tây cũng hiểu đó là hai việc nghiêm trọng: séquestration (giam giữ người trái phép) và non- assistance à personne en danger (không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm).

Tội giữ người trái phép có thể bị phạt đến 20 năm tù chứ chẳng chơi ! Nhưng nếu người bị giữ trái pháp luật được tự nguyện thả ra trước 7 ngày, thì hình phạt được hạ xuống còn tối đa là 5 năm tù, và 75.000 euro tiền phạt mà thôi.

Tội thứ hai được cấu thành nếu đương sự biết đó là nguy hiểm, có khả năng giúp đỡ và hành động giúp đỡ đó không làm phương hại đến một bên thứ ba nào khác – mà vẫn không giúp. Án phạt tối đa : 5 năm tù và 75.000 euro tiền phạt.

Còn việc đài truyền hình quốc gia dành bằng ấy thời lượng để chiếu cảnh một bà cụ còm nhom đi qua đi lại, quy cho bà là phá hoại tài sản công (ở đây cũng đừng quên nguyên tắc suy đoán vô tội, và sự hiện diện công khai của cái máy quay phim chuyên nghiệp to đùng đã chuẩn bị sẵn) thì Tây nó có nằm mơ cũng không thấy nổi !

Làm « luật gia » bất đắc dĩ như thế này em cũng ngại lắm. Nhưng sao các cơ quan công quyền lại có thể thiếu ý thức về luật pháp như thế ???

Một ví dụ nhỏ nữa thôi. Khi thang máy nơi tòa nhà mình ở bị hư, gọi điện cho công ty quản lý thang máy, thì câu đầu tiên điện thoại viên hỏi sau khi đã biết địa chỉ, là có nghe tiếng kêu, tiếng động gì trong thang máy đang bị hư không ? Liệu có ai đang bị kẹt trong đó hay không ? Nếu ai đó ma-lanh trả lời là « có » thì họ lập tức cử nhân viên « phi » đến ngay để giải cứu. Còn thành thật nói « không » thì họ sẽ tà tà đến sửa sau.

Ra ngoài mà bỏ quên chìa khóa, hay cửa bị kẹt không vào được, gọi thợ khóa đến sửa gấp thì tốn khối tiền. Nhưng nếu gọi cho pompier (cứu hỏa kiêm cứu hộ), nói rằng mình nghi ngờ còn trẻ em, người già trong nhà chẳng hạn, thì chỉ ba phút sau có xe còi hụ chớp đèn nhoay nhoáy, thường là xe thang để leo lên các tầng cao, và các nhân viên cứu hộ leo cửa sổ vào ngay.

« Con người là vốn quý của xã hội » mà, phải không anh ? Tất nhiên là em sống bên Tây, thì chỉ có thể nói chuyện bên Tây mà thôi…

Hẹn anh một dịp khác, và thật ra, em cũng không mong có dịp viết thêm một lá thư tương tự.

Thân ái

http://thuymyrfi.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét