Thông tấn xã Việt Nam (Angie)
Phiên đối thoại chiến lược giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn đầu tháng Năm
bị vẩn đục bởi sự kiện luật sư mù Trần Quang Thành trốn thoát khỏi nơi bị quản
thúc và vào lánh nạn tại Đại sứ quán Mỹ. Theo nhà phân tích Jean-Paul Yacine của
tạp chí “Tin Trung Hoa”, vụ này đặt ra nhiều câu hỏi về việc Oasinhtơn ngầm
giúp Trần Quang Thành chạy trốn rồi sau đó thận trọng – thậm chí nhẫn tâm – buộc
người luật sư này rời khỏi Sứ quán Mỹ, căng thẳng trong vấn đề nhân quyền trở lại
trong mối quan hệ song phương, và hậu quả đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhiều vấn đề được đưa
vào chương trình nghị sự phiên đối thoại chiến lược lần này về chiến lược và
kinh tế: giảm căng thẳng thương mại, giảm bất đồng hay nguy cơ trệch hướng về vấn
đề Iran, thái độ khiêu khích của Bắc Triều Tiên, cuộc xung đột Xuđăng nơi Bắc
Kinh can dự sâu rộng về kinh tế thông qua Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc từ
năm 1996 nhưng hiện đang bị giằng xé giữa Bắc và Nam Xu đăng. Thêm vào đó là
căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) nơi Bộ Chính trị Đảng cộng sản và
Quân ủy trung ương Trung Quốc muốn kìm chân Hải quân Mỹ ở ngoài xa, với một loạt
các cuộc tập trận chung trong hai năm qua giữa Hải quân Mỹ và Việt Nam, rồi
Philippin. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành tập trận bắn đạn thật
vào cuối tháng Tư ở biển Hoàng Hải nhằm đáp lại việc Mỹ triển khai quân ở Hàn
Quốc.
Cùng lúc đó, ở vùng quần đảo Trường Sa cách Trung Quốc 1.200 hải
lý về phía Nam, các tàu hải giám Trung Quốc khẳng định chủ quyền của nước này
trước ngư dân và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippin tại bãi đá ngầm
Scarborough, cách đảo Luzon khoảng 130 hải lý về phía Tây và cách bờ biển Trung
Quốc 1.000 km.
Phiên đối thoại chiến lược Mỹ-Trung lần này diễn ra sau một thời kỳ
căng thẳng kéo dài trong khi ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc đang chuẩn bị diễn ra thay
đổi chính trị với cuộc chạy đua giữa các nhóm vận động hành lang. Cả hai phía đều
coi đây là cơ hội để tháo ngòi nổ tình hình căng thẳng gia tăng từ hơn hai năm
nay qua tác động của cả hai bên, với đỉnh điểm là việc Nhà Trắng cuối năm 2011
tuyên bố tăng cường hoạt động của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Quyết tâm giảm căng thẳng của phía Trung Quốc được khẳng định một
cách kín đáo với Hà Nội qua chuyến thăm hồi tháng 12/2011 của Phó Chủ tịch Tập
Cận Bình sau khi một thỏa thuận được ký hai tháng trước đó về biên giới trên biển.
Quyết tâm của phía Trung Quốc cũng được khẳng định lại qua tuyên bố cũng theo
hướng đó của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đối thoại và hợp
tác để trấn an nhân dân hai nước và thế giới, đồng thời chống lại ý kiến cho rằng
các cường quốc lớn không tránh khỏi số phận sẽ xung đột với nhau.
Khi gặp nhau ngày 8/5/2011 tại Mỹ, hai Bộ trưởng Quốc phòng Leon
Panetta và Lương Quang Liệt cũng có cùng quan điểm mặc dù hai bên đều có nghi
ngại, mặc cho phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc tổ chức các cuộc tấn công mạng. Hải
quân hai nước quyết định tổ chức tập trận chung ở biển Aden trong khi Bộ trưởng
Leon Panetta được mời sang thăm Trung Quốc vào nửa cuối năm nay.
Nhưng những ý định tốt đẹp của cả Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng do
những vụ bê bối chính trị trong chính sách đối nội của Trung Quốc. Từ sau vụ Bạc
Hy Lai, những vụ việc giống như trước đây lại đẩy đại sứ quán một số nước, đặc
biệt là Mỹ, vào các cuộc tranh cãi nội bộ của Trung Quốc.
Sáu tuần lễ sau vụ Giám đốc công an Trùng Khánh, Vương Lập Quân,
xin lánh nạn tại tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Đô, luật sư mù Trần Quang Thành trốn
thoát khỏi nơi bị quán thúc tại Lâm Nghi (cách Thanh Đao 200 km về phía
Tây-Nam) và vượt hơn 500 km đến Bảo Định vào ban đêm trước khi chạy vào Đại sứ
quán Mỹ tại Bắc Kinh. Cuộc chạy trốn đó chắc chắn được hỗ trợ bởi các tổ chức
Thiên chúa giáo Mỹ hoạt động bí mật tại Trung Quốc và có thể với sự hỗ trợ về
công nghệ của Mỹ với trang thiết bị định vị cờ nhỏ do Mỹ cung cấp. Một số nguồn
tin cho rằng cơ quan an ninh Trung Quốc trước đó có thể biết Trần Quang Thành sẽ
chạy trốn, nhưng vấn đề cho sự việc diễn ra như đã biết, với hy vọng khiến phái
đoàn Mỹ tham gia đối thoại chiến lược bị bối rối. Nhưng kế hoạch này chỉ thành
công phần nào.
Chấn động này, với những hệ thống chân rết, mạng lưới đồng phạm và
bối cảnh chính xác còn chưa được làm rõ, đã gây xáo động trong phiên khai mạc
cuộc đối thoại chiến lược. Trong bài phát biểu mở đầu, Đới Bỉnh Quốc, với giọng
ráo hoảnh, nhắc lại rằng cách tốt nhất đế bảo vệ mối quan hệ giữa Nhà nước với
Nhà nước là tôn trọng chủ quyền của mỗi nước và nói thêm rằng không gì có thể
buộc Trung Quốc từ bỏ con đường đã chọn.
Ít ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai
bày tỏ thái độ bất bình của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khi yêu cầu
Oasinhtơn phải xin lỗi vì đã cho Trần Quang Thành lánh nạn trong khuôn viên Đại
sứ quán và “đánh lừa dư luận” khi không nói về vai trò của mình trong vụ này.
Bị kẹt giữa lý tưởng phải hỗ trợ tổng thể các nhà hoạt động nhân
quyền và ý muốn duy trì quan hệ với Bắc Kinh, Oasinhtơn bị các nhà hoạt động
nhân quyền cáo buộc là đã buộc Trần Quang Thành phải rời Đại sứ quán trong bối
cảnh người luật sư mù này sợ gia đình mình bị trả thù.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hiểu khả năng gây hại tiềm tàng của
vụ này nên chọn cách không đổ thêm dầu vào lửa. Bà không nói gì đến vụ này mà
chỉ khích lệ Trung Quốc tôn trọng nhân quyền nói chung. Bà cũng không thuận
theo trước sức ép của các nhà hoạt động nhân quyền, khi không đến thăm Trần
Quang Thành lúc đó đang nằm viện và để trấn an dư luận, hứa hẹn sẽ nói riêng với
các nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc này.
Đối với Bắc Kinh, vụ Trần Quang Thành không gây ra tác động giống
như vụ Bạc Hy Lai. Đây không phải là lần đầu tiên một nhân vật ly khai thu hút
sự chú ý của giới truyền thông quốc tế và gây ra phản ứng thuận và nghịch của
giới mạng, vấn đề là một lần nữa cách hành xử của cán bộ địa phương đối xử với
dân chúng tàn tệ và không đúng với pháp luật, có khả năng làm xấu đi hình ảnh của
Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc Trần Quang Thành chạy trốn dễ dàng, được hỗ trợ,
được phát ngôn tự do, việc tờ “Nhân dân nhật báo” không hề lên tiếng về vụ này
trong khi tờ “Nhật báo Bắc Kinh” phản ứng ngay trong đêm, là những dấu hiệu cho
thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc chùn tay trong cách xử lý vụ việc và đàn áp các
nhân vật ly khai./.
http://anhbasam.wordpress.com/2012/05/30/1041-moi-quan-he-my-trung/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét