Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




KHI SƠN HÀ NGUY BIẾN, ĐẢNG, NHÀ NƯỚC CÓ CHỊU NẮM TAY NHÂN DÂN?

Mai Xuân Dũng

Nếu lần này đảng, nhà nước một lần nữa vẫn tỏ ra cứng rắn, coi nhân dân là “các thế lực thù địch”, đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ luật Biển của Quốc hội thì câu trả lời sẽ trở nên quá rõ ràng: Nhà cầm quyền đã bán mình cho Trung quốc.

Biển Đông và đường Lưỡi bò luôn là  chủ  đề  nóng lâu nay. Vấn đề Quốc gia đại sự rất cần bàn thảo công khai như một hội nghị Diên hồng nhưng đã bị đảng, nhà nước cố tình giấu giếm. Thêm vào đó, việc chính quyền đàn áp người biểu tình tuần hành chống Trung quốc một cách hèn hạ đã gây ra mâu thuãn sâu sắc giữa đảng, nhà nước và nhân dân kể từ tháng 6 năm 2011.

Cần nói rõ, đảng, nhà nước Việt nam có đủ thông tin về cuộc chiến pháp lý xoay quanh chủ quyền trên biển Đông.Trung Quốc đã chuẩn bị dư luận trong nước từ năm 1950 về đường lưỡi bò“ và thực tế, đã lấn dần từng bước, đặt trước việc đã rồi chờ  thời cơ thích hợp đưa “đường lưỡi bò” thành vấn đề tranh chấp có lợi cho Trung quốc. Trung Quốc đã thúc dục, gây sức ép với Việt Nam đồng thuận theo cách “gác bỏ tranh chấp, cùng nhau khai thác, lấy tiền đổi đất, đất đổi hòa bình”. Việc không nên làm là đảng, nhà nước đã không muốn chia sẻ thông tin và bàn thảo với nhân dân. Và, vì những lý do gì, tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu.

Nhưng thái độ trịch thượng của Trung quốc và sự nhẫn nhục của nhà cầm quyền cộng sản đã làm dấy lên một không khí bất bình sâu sắc trong nhân dân nhất là giới trí thức yêu nước.  Đánh dấu việc này là sự ra đời của Bản tuyên cáo đặc biệt do một số nhân sỹ khởi xướng.

Phía đảng, nhà nướcViệt Nam tuy lo lắng trước mưu đồ của Trung quốc nhưng lại rất e ngại làn sóng chống đối của nhân dân mà họ gán cho là “lực lượng thù địch”. Sự suy thoái đạo đức, lối sống trong nhiều cán bộ đảng viên cao cấp của đảng đã làm mất hết niềm tin trong nhân dân. Đó là một nguy cơ đe dọa sự lãnh đạo độc tôn của đảng. Điều đó đã buộc họ phải tìm một giải pháp hòa hoãn, ve vãn Trung quốc, đổi lại được Trung quốc bảo vệ, đồng tình ủng hộ nhằm níu giữ quyền lãnh đạo đất nước. Chính vì vậy, Đảng chủ trương hướng dư luận vào sự ứng xử “phù hợp, kiềm chế, không có những hành động tự phát”, không để nhân dân tự do tham gia vào những hoạt động không chính thống, đảm bảo nguyên tắc không làm phức tạp thêm tình hình giải quyết tranh chấp giữa hai đảng Việt nam, Trung quốc.

Quan điểm của nhân dân và giới trí thức yêu nước coi việc giải quyết vấn đề biển Đông trong hòa bình thuộc trách nhiệm của Chính phủ nhưng điều đó không có nghĩa người dân không được lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa,  Trường Sa vì đó là sự thật lịch sử hiển nhiên và hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý.

Có thể nói đảng, chính phủ đã quá yếu đuối nhu nhược trước Trung quốc. Nhưng sai lầm lớn nhất của đảng là dùng sức mạnh để đè bẹp lòng yêu nước của nhân dân. Điều đó trên thực tế đã không làm được mà còn đẩy nhân dân vào thế đối đầu với đảng, chính phủ. Có người cho rằng, hạ mình trước Trung quốc và đàn áp biểu tình yêu nước là hành động còn tệ hơn cả Lê Chiêu Thống trước đây trong lịch sử vì bè lũ Lê Chiêu thống chỉ mới bán rẻ Tổ quốc chứ chưa từng dám ra tay đàn áp đồng bào mình.

Kinh nghiệm cho thấy khi phát sinh mâu thuẫn giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị thì chưa bao giờ sức mạnh bạo lực đem lại một kết quả tốt cho cả hai bên mà chỉ đẩy nhanh quá trình sụp đổ của một thể chế đi ngược lòng dân.

Có thể một vài nhà lãnh đạo đã tự an ủi về sự kiện Thiên An Môn 1989 và hy vọng dùng kinh nghiệm của đảng cộng sản Trung quốc dùng sức mạnh có thể đè bẹp được phong trào chống đối của nhân dân. Những gì diễn ra tại Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy vẻ bề ngoài, chủ trương này đã chấm dứt được các cuộc biểu tình tuần hành tại hai thành phố. Nhưng nếu theo dõi các diễn biến xã hội một cách sâu sắc, người quan sát am tường chắc chắn sẽ có những cảm nhận về những con sóng ngầm sôi sục, tiềm ẩn sức mạnh ghê gớm đang lan tỏa rộng lớn hơn bao giờ hết trong tất cả các tầng lớp nhân dân. Nguy cơ đó là có thật và từng được nhiều trang mạng, nhiều báo chí quốc tế đăng tải

Có thể đứng trước sự thật đó, đảng, nhà nước phải tính đến những điều chỉnh phù hợp. Ngày 21/6/2012 Quốc hội đã thống nhất cao khi thông qua Luật biển và hải đảo, khẳng định hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa là thuộc chủ quyền Việt nam, điều mà mới năm ngoái, đảng, chính phủ ngăn chặn không cho những người biểu tình thể hiện vì lo sợ mất lòng Trung quốc.
Điều đó đem lại luồng gió mới tươi mát, làm dịu không khí oi nồng những ngày hè tháng 6 và làm dịu mắt những ánh nhìn của dân với đảng.
Nhưng sự cứng cỏi của Việt nam khiến Trung quốc cho rằng lâu nay, nhân dân Việt nam đã quá chán ghét nhà cầm quyền Hà nội và đây là lúc thuận lợi để kiếm cớ thực hiện ngay các hành động leo thang xâm lược nước ta.

Những ngày qua, Trung Quốc có một loạt hành động ngang ngược, tráo trở xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xé bỏ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 trong vấn đề biển Đông

Những bước đi đầy toan tính: thành lập “thành phố Tam Sa”, ồ ạt  điều động lực lượng bán quân sự xuống biển Đông. Đồng thời hỗn láo nhất là việc nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc cho phép mời thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Việc đó không khác gì đem nhà của chúng ta ra rao bán quốc tế.
Cách đây chưa lâu các nhà lãnh đạo Việt nam còn nói dối về một “Biển Đông không có gì mới” và tiếp tục ca ngợi Trung quốc trên đất Cuba, trên truyền thông chính thống thì nay, hành động ăn cướp trơ tráo của Trung quốc là cách thức rất có tính toán của họ nhằm hạ nhục nhà cầm quyền cộng sản Việt nam trước dư luận Quốc tế và trong con mắt nhân dân cả nước.

Nhưng Trung quốc vẫn nhầm lẫn sau rất nhiều sai lầm trong quá khứ khi chuẩn bị tiến hành xâm lược Việt nam. Người Việt nam luôn biết đoàn kết lại trước các cuộc xâm lăng từ bên ngoài và sẽ chiến thắng bằng mọi giá.

Nhân dân trông đợi đảng, chính phủ nắm bàn tay của nhân dân, ủng hộ nhân dân trong các hoạt động biểu tình tuần hành ôn hòa trong khuân khổ Hiến pháp, thể hiện sự đoàn kết toàn dân biểu thị tình cảm yêu nước thiêng liêng trước sự xâm lăng ngang ngược của Trung quốc.

Nhưng cho đến nay, nhân dân chưa thấy một nhà lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ nào về tình hình biển Đông. Điều đó làm cho nhân dân không thể không hoài nghi về thái độ thỏa hiệp ngầm nào đó giữa Hà nội và Bắc Kinh.
Nếu lần này đảng, nhà nước một lần nữa vẫn tỏ ra cứng rắn, coi nhân dân là “các thế lực thù địch”, đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ luật Biển của Quốc hội thì câu trả lời sẽ trở nên quá rõ ràng: Nhà cầm quyền đã bán mình cho Trung quốc.

Nhân dân sẵn sàng cho mọi hy sinh để bảo vệ quyền biểu tình, quyền thể hiện sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Lần này Nhân dân vẫn còn hy vọng đảng, nhà nước có cách ứng xử hợp lòng dân, đặt chủ quyền Biển đảo Tổ quốc lên trên hết.

Mai Xuân Dũng
http://dzungm86.blogspot.com.es/2012/06/nhung-suy-nghi-truoc-cuoc-xuong-uong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét