Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HỠI NGƯỜI CHIẾN BINH

HOÀNG ĐỊNH NAM
Ngày Quân Lực 19 tháng 6

“ Hỡi người chiến binh một thời anh dũng
Bạn còn lang thang xứ lạ đến bao giờ ”

Câu hỏi này đã được một nhà thơ đặt ra, và dường như đã có câu trả lời. Câu hỏi được dành cho những người chiến binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã cùng đơn vị di tản, rồi như bèo dạt hoa trôi, lưu lạc cùng trời cuối đất, trong tim nuôi một ngọn lửa đã mỗi ngày một hắt hiu. Câu hỏi cũng được dành cho những người chiến binh khác, như những con chim trời, bằng cách này hay cách khác, đã tìm cách bay theo đàn. Bay đi tìm đàn. Có người mau, có người chậm.

Dù hắt hiu chút than hồng trong tim, họ không bao giờ nguôi hy vọng một ngày về.

Tháng ngày vùn vụt trôi. Như dòng xe ngược xuôi, vội vã trên khắp xa lộ thăm thẳm của nước Mỹ. Thời gian cũng làm lụi tàn những thân xác. Những cánh chim chưa có đường về, đã từ từ rơi rụng. Xác hoá thân trong cát bụi viễn xứ. Nhưng hồn hẳn đã nương cùng mây gió, tìm một đường về thầm lặng, cô đơn.

Đã 37 năm, Quân Lực ấy không còn nữa. Không còn trên lãnh thổ của miền Nam nước Việt. Không còn trên những chiến trường dầu sôi lửa bỏng. Không còn trên những núi rừng thâm u. Không còn trên những xóm làng nương rẫy. Và không còn trên thành đô, thị trấn. Nhưng thật sự, họ vẫn còn trong tim của của bao triệu người dân miền Nam.

Khi những người chiến binh ấy sa cơ thất thế, cúi đầu đi dưới họng súng AK lạnh lùng, ngạo mạn; giọt nước mắt của những người mẹ, người em, người chị không quen biết, đã nhỏ xuống trên dấu chân người tù để lại. Những giọt lệ ấy đã khô đọng, kết tụ long lanh như kim cương bất hoại trong lòng họ. Trái bắp, củ khoai được giấu trong bụi cỏ ven đường, chờ tù cải tạo đi lao động ngang qua, lén lút nhặt lên. Cái nhìn xót xa đầy thương cảm, được dành cho người chiến binh gãy súng.

Năm 1977, khi tiếng súng của “người anh em cùng chung chiến hào” với “Quân Đội Nhân Dân Việt Nam”, là bọn Polpot, đã nổ ran không xa trại cải tạo Kà Tum, nằm rất gần biên giới của tỉnh Tây Ninh và Kampuchia, thì trại này được di tản vội vã. Đoàn xe Molotova chở đầy tù sĩ quan cải tạo, được canh gác chặt chẽ, nặng nề chuyển bánh. Đoàn xe rời bỏ khu rừng, băng qua vùng dân cư nghèo nàn, thưa thớt trước mặt. Ở đây cũng có một nông trường đang hoạt động.Từng chiếc xe nối đuôi bò chậm chạp trên con đường gập ghềnh mù trời bụi đỏ. Dân đi đường dừng lại, đứng nhìn. Những người chiến binh bại trận, trên những chiếc xe tù hôm ấy, chắc chắn không ai quên hình ảnh một em bé gầy gò, độ chừng mười hai hay mười ba tuổi. Em bé, hai tay bưng mẹt kẹo đậu phộng bán dạo, đã hắt tất cả kẹo lên một chiếc xe tù vừa trờ tới.

Tội nghiệp em. Em còn quá bé, hai cánh tay ngắn quá, nên chẳng có gói kẹo nào lọt được vào chiếc xe chở tù. Tất cả đều rớt xuống, bị xe sau cán bẹp, vùi lấp trong lớp bụi đất dày đặc, trên mặt đường.

Nếu như, có một gói kẹo nào đó lọt được vào xe, làm sao những người tù ấy có thể nuốt trôi, khi giòng nước mắt nghẹn ngào, ứ đọng ngay cổ họng. Đoàn xe đi qua, để lại đám bụi đỏ, phủ nặng thêm lên những mái tranh rách nát ven đường. Phủ cả lên đôi mắt thất vọng não nề của em bé nhìn theo.

Em bé ơi ! Em là ai, giữa hàng triệu em bé, đã không còn tuổi thơ hồn nhiên nơi sân trường. Hay em cũng cùng gia đình, bị tống đi vùng kinh tế mới, từ khi những người chiến binh bại trận, buông súng. Em có cha, anh gì trên đoàn xe ấy không, mà lòng em hào phóng hơn tỷ phú. Em có dám, tự cho phép mình lấy một miếng kẹo bán ế ra, thưởng thức cho đã cơn thèm khát không..? Mà sao, khi nhìn đoàn xe chở những người sĩ quan bị tù cải tạo đi qua, em dám cho họ tất cả ? !

Lần khác, một đoàn tàu lửa chạy chầm chậm, để vào nhà ga trước mặt, ngang khu chợ đằng kia. Đám tù cải tạo đang cày cuốc, trên thửa đất bên cạnh đường rầy, có bộ đội mang súng AK canh gát kỹ lưỡng. Gạch đá ở đâu, từ trên xe bay xuống tới tấp. Đám tù vội nhảy né tránh. Nhưng tiếng kêu từ trên xe, khiến họ hiểu ai là mục tiêu: Tụi bay ném, coi chừng trúng mấy chú sĩ quan cải tạo. Ngắm cho trúng mấy thằng nón cối kia kìa ! Đám con nít la lên.

Họ hiểu và họ biết : Ở tận cùng khốn khổ của cả dân lẫn quân, họ vẫn còn một vị trí trong trái tim của những người, mà trước đây họ đã từng chiến đấu để bảo vệ.

Những gịọt nước mắt âm thầm chảy vào lòng. Có thể là những giọt lệ ân hận. Ân hận, vì họ chưa làm tròn trách nhiệm với người dân. Ân hận, vì không còn cơ hội để làm nữa. Bao nhiêu người chết dưới biển…? Bao nhiêu người chết trong rừng..? Có ai oán than không…? ! khi người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đã không bảo vệ được gia đình họ, đã không bảo vệ được mảnh đất quê hương này. Hay họ cùng hiểu: Đó là vận nước.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, là một quân đội chiến bại vào thời điểm 30/4/75. Nhưng quân đội ấy, không hề muốn bỏ cuộc. Dù quân trang, quân nhu mỗi ngày một thiếu thốn. Viện trợ quân sự cuối cùng của đồng minh Mỹ cũng đã bị quốc hội Mỹ ngăn lại. Nhưng khi ông Dương Văn Minh, tiếm quyền tổng tư lệnh, ra lịnh buông súng. Họ cùng thảng thốt kêu lên: Tại sao lại đầu hàng, ta chưa có thua. Họ thực sự, không bao giờ nghĩ đến, một viễn cảnh đầu hàng. Chỉ trong phút chốc của buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm 75, họ bị tước mất quyền chiến đấu, dù hy vọng về một chiến thắng đang từ từ thoát bay khỏi tầm tay.

Họ không hề cam lòng buông súng. Nên nỗi bi phẫn ngút trời đè nặng lên trái tim họ. Đây đó, lựu đạn được rút chốt, những chiến binh can trường chụm lại để cùng được chết. Những con người hiên ngang, ngang dọc, không sống được với hai chữ “ đầu hàng ”.

Những người chiến binh xưa, dù phải chịu đựng sự đau đớn nhục nhã, vì lối đối xử đê hèn của kẻ thù. Nhưng lòng họ muôn đời hiên ngang bất phục. Họ chưa bao giờ đầu hàng. Họ chỉ bị bắt buộc buông súng. Họ bị phản bội, vì sự dối trá của đồng minh, và sự hèn nhát của vài cấp lãnh đạo. Họ chính trực can trường giữa nanh vuốt của ma qủy và tà ngụy.

Những người chiến binh xưa, tiếp nối truyền thống hào hùng cha ông, chiến đấu bảo vệ dân và đất. Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, họ chỉ chờ một lệnh truyền, là lập tức nhả đạn vào chiến hạm của Trung cộng, đang dịệu võ dương oai trước mặt. Dù biết quân số của mình, so với quân số của Trung Cộng, vô cùng chênh lệch. Dù có thua, cũng đánh cho kẻ thù biết tay. Dù có thua, cũng không thẹn với tiền nhân. Dù nước nhỏ, quân ít cũng còn có một tổng tư lệnh biết ra một quân lệnh lịch sử :” Không để mất một tấc đất nào cả ! ” (*).

Theo chiều dài lịch sử, hơn bốn ngàn năm, chúng ta có những danh tướng đã tuẫn tiết theo thành. Hai Bà Trưng, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu … Nhưng chỉ trong ngày 30 Tháng Tư Năm 1975 thôi, chỉ là một chớp mắt của lịch sử thôi, năm Danh Tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã dùng cái chết để tạ tội với quốc dân, đã dùng cái chết bảo toàn khí phách. Ngũ Hổ Tướng : Tướng Lê Văn Hưng. Trần Văn Hai. Tướng Phạm Văn Phú. Tướng Lê Nguyên Vỹ. Tướng Nguyễn Khoa Nam. Và Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, là những chiến sĩ anh hùng , đã sống và chết vì Tổ Quốc – Danh Dự -Trách Nhiệm.

Chỉ trong một chớp mắt lịch sử đó, ngoài năm vị tướng kia, còn biết bao là những sĩ quan, những binh sĩ đã tự sát. Họ là những anh hùng tuẫn quốc vô danh.

Sau 37 năm bại trận, những người lính hy sinh, thân xác đã mục nát cùng cỏ cây. Những nấm mồ đã hoang phế, gạch mẻ, bia xiêu. Mà người còn sống vất vưởng lưu lạc xứ người, vẫn luôn giữ những hoài niệm đẹp đẽ về cuộc chiến đấu ấy. Nghĩa tình này, phải chăng chỉ tìm thấy trong tâm hồn những chiến binh, những công dân của Việt Nam Cộng Hòa thuở xưa.

Núp dưới cái bóng vinh quang lừng lẫy của một quân đội chiến thắng, là chuyện thường tình, ai cũng làm được.

Nhưng không chối bỏ, không quay lưng, mà người chiến binh xưa còn rất hãnh diện vì đã được làm một người lính của quân đội bại trận đó. Sự hãnh diện này, chỉ có trong lòng những ai đã từng là Hải – Lục – Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Bởi quân đội đó thật sự từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu. Quân đội đó có thể thảm bại tan tành, nhưng quyết không tự vỗ ngực xưng tụng anh hùng rồi lặng thinh cuối đầu dâng từng ngàn km biên giới, hải phận và hải đảo cho kẻ thù xâm lược, và để cho kẻ thù ngang nhiên bắn giết, ngăn cấm dân mình làm ăn trên vùng đất biển của tổ quốc mình.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa xứng đáng được nằm trong tim của người Việt Nam yêu tự do. Xứng đáng đón nhận sự nể phục của những người bạn đồng minh cũ. Trong khi họ hổ thẹn, vì mặc cảm đã từng bôi nhọ danh dự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Ngày Quân Lực 19 tháng 6, vẫn luôn là một ngày kỷ niệm đẹp. Hồi tưởng 47 năm xưa : Khi tổ quốc đang đứng trên đầu sóng ngọn gió. Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đã hãnh diện đứng ra nhận lãnh trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia, bảo vệ an ninh và hạnh phúc cho đồng bào miền Nam Việt Nam.

Thời gian vật đổi sao dời. Biển xanh hóa nương dâu. Núi cao thành đồng bằng. Nhưng những con người của lịch sử không bao giờ biến mất. Ngày Quân Lực 19 tháng 06, và những ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THÂN đã trở thành chứng nhân cho lịch sử.

Để mỗi khi đến ngày 19 tháng 06, Quân-Dân miền Nam Việt Nam Cộng Hoà, đang lưu lạc khắp bốn phương trời, hay còn ở lại sống lưu vong ngay tại quê hương của chính mình, đều lặng nghe âm vang Lục Quân Hành Khúc :

“ Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn,
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang,
Đi đi đi lời thề nguyền tung gươm thiêng thi gan trai.
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi ”.

* Lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

HOÀNG ĐỊNH NAM
http://chauxuannguyen.wordpress.com/2012/06/17/hoi-nguoi-chien-binh/

1 nhận xét:

  1. Những người lính của QLVNCH xứng đáng là những người con dân nước Việt không khuất phục trước cường quyền bạo lực, trước sức mạnh của ngoại nhân sẵn sang bảo vệ Tổ Quốc. Xin thành kính tri ân những người lính của QLVNCH.

    Trả lờiXóa