Nguyễn Khương Trung
Chứng Thực Số 9
U.B.H.C Thị xã Thái bình. Chứng
thực Anh Nguyễn Văn Chương. Sinh năm 1950 Trú quán tại số nhà
80- Lý Thường Kiệt Thị xã T/Bình.
Thành phần gia đình dân nghèo:
-Ông nội làm đồ nho chết
trước CM.
-Bố đẻ trước CM chữa ô tô,
K.C về Thị xã buôn. Địch bắt, vợ chạy cho ra, nay buôn quà bánh. Cậu ruột DK địch
bắn chết trong khi làm nhiệm vụ được suy tôn là liệt sỹ.
-Năm 1963 – 1964 gia đình
buôn bán cá thể, đầu cơ buôn lậu bị bắt quả tang. Lúc Thị xã tiến hành đợt vận
động tiểu thương chuyển sang sản xuất, gia đình anh Chương Không Nghiêm Chỉnh
Chấp Hành Chính Sách. Đoàn cán bộ cải tạo của Thị Xã và Cán bộ Tỉnh Tham gia đến
Vận động.
Bố anh Chương là Nguyễn Văn Đông
đã chửi “chế độ này là Chế độ ăn mày” gia đình từ trước tới nay Vẫn buôn bán cá
thể, đầu cơ không chính đáng. Thái độ đối Với Ndân Không tốt, Nhiều Người ghét.
Có 7 em Còn nhỏ. Bản Thân mới lớn
nên trong hòa bình. Chuyên đi Học, tư cách đạo đức tốt là 1 trong Số ba em học
sinh giỏi toán của trường
Căn cứ Vào lịch sử của gia đình
và Thái độ chấp Hành chính Sách không tốt.
Song Chiếu Cố anh chương là Học
sinh giỏi toán UBHC Thị Xã đề Nghị với ban tuyển sinh tỉnh cho đi Học đại Học
Ngành ít quan trọng/.
Thị Xã Ngày 26 – 8 – 68
UBHC Thị Xã.
Chữ ký thì tôi không sao dịch ra được. Tôi run lên. Dư âm của những năm tháng
cũ tràn về, nhấn chìm tôi.
.
. .
Rét thấu xương. Mưa dầm đã cả tháng. Tôi kiên nhẫn theo sự chỉ dẫn của U, khi
trông coi siêu thuốc bắc cho bố. U đã phải về quê rồi! Chiều qua tôi đã đi cùng
U đến tận cuối tỉnh. U dặn dò tôi bao nhiêu là việc. U bảo là đang lúc “nước
sôi lửa bỏng” thế này, cứ để U về đã. Liệu liệu rồi U sẽ lên. U khóc! Tôi cũng
khóc! U quàng lại khăn phu la, kéo lại quần áo cho tôi. Một tay xiết chặt quai,
U sốc lại cái bị cói trên vai. Tôi đờ đẫn nhìn theo cái dáng lủn củn, dầm dề
trong mưa của U qua lần áo tơi. Ruột gan tôi quặn lên. Mọi việc trong nhà bây
giờ hầu như chỉ còn trông vào một mình tôi, thằng anh chưa kịp lớn của bảy
đứa em. Bố thì nằm liệt gường đã mấy tháng nay, năm nào bố tôi cũng ốm, ốm vì đầu
đau từ lúc thời tiết mới chớm hạ. Năm nay thì ác quá, trận ốm của ông đã
kéo ra đến quá nửa mùa đông. Không biết bố tôi có qua được, như lời U sụt sịt
nói trước lúc phải về quê không? Mẹ tôi thì đã mấy lần ôm mặt khóc, khi vừa
trút gánh hàng quà ngoài sân, chạy đến bên giường bố. Chúng tôi sợ lắm! Tôi kê
lại siêu thuốc. Cảm giác làm chưa đúng được như U dặn cứ bám riết, khiến
tôi không yên tâm. Lò than dấm thế này có lẽ được rồi, giống U rồi. Mặt
lò không một vết nứt, bóng một màu than mỡ, đen huyền. Giữa lò được thông một lỗ
to bằng quả nhót, lửa đỏ lịm, sâu hun hút đến tận đáy, hơi lửa từ lỗ thông cuộn
lên, tỏa đều đặn, khiến siêu thuốc chỉ râm rỉ sôi. Có lẽ đúng rồi đây!
-Chiều nay không đi học hở Chương? Bác Châu bên hàng xóm đã đến bên tôi từ lúc
nào.
-Dạ…cháu đang sắc thuốc.
-U Chương về quê rồi hả? Chiều cháu học bồi dưỡng học sinh giỏi toán phải không
-Cháu…
-Từ chiều mai để thuốc đấy, các bác sẽ thay nhau sắc giúp cho, cả mấy đứa em và
bố mày nữa, để đấy các bác trông giùm cả cho. Không được bỏ bồi dưỡng học sinh
giỏi nữa, nghe không. Giá thằng Thức nhà bác cũng học giỏi, ngoan được như
cháu. Ôi dào!
-Nhưng các bác… với lại, U cháu dặn đợi bác Sáu cháu xuống mới được đi học cơ ạ.
-Biết rồi! Chúng tôi khắc sắp xếp được công việc, anh chả phải lo. Tôi sẽ bảo mẹ
anh cứ yên tâm buôn bán mà kiếm gạo. Phố này, ai lạ gì hoàn cảnh nhà anh. Rõ khổ!
Bao giờ bác anh xuống hẵng hay. Thế đã đánh điện cho bác anh chưa?
-Điện thì U con tôi đã đánh cho bác tôi từ mấy hôm trước rồi.
Hôm ấy ở bưu điện người ta cũng
quát U, U chỉ vâng dạ nho nhỏ và rơm rớm nước mắt. Sao dạo này có nhiều người
quát U tôi thế, mà lại toàn những người còn trẻ tuổi. Chị bưu điện xinh thế mà
cau có, gắt lên: “Sao lại đánh giây thép, cái bà này.
-Có chuyện gì thế? anh nhân viên ngồi gần đấy hỏi với sang.
-Bá cáo đồng chí Sắc, bà này vẫn gọi là đánh giây thép, rõ là quen cái lối nói
theo bọn thực dân phong kiến.
-Anh bưu điện nhìn u con tôi.
-Người ở nhà bà Đông bán phở, buôn lậu ở đường Lý Thường Kiệt phải không? Bà
này thành phần cơ bản, bần cố nông, con trai còn là chiến sỹ Điện Biên cơ đấy.
Mà sao bà không theo tiếng gọi của Đảng, tẩy chay, xóa bỏ bọn gian thương, bọn
buôn bán cá thể đi mà cứ đi ở cho nhà ấy mãi thế?
-Dạ, bác nói thế phải tội, tôi với mẹ Đông nó coi nhau như chị em từ hồi còn
kháng chiến chín năm, các cháu đây đều gọi tôi là U. Khó khăn thì chị em nương
tựa vào nhau, chứ có kẻ ăn người ở gì đâu ạ. Tôi đánh xong cái giây thép…à… à,
cái điện, cho bác cháu ở Hà Nội xuống là cũng phải về quê lo mùa màng ngay. Mẹ
cháu bây giờ đã chấp hành chính sách, vào tổ hợp tác tiểu thương của khu phố chứ
không dám làm ăn cá thể nữa đâu ạ.
-Bà này rõ là ăn phải bả của bọn con buôn, cứ là bênh chằm chặp. Con mẹ Đông ở
cái thị xã này thì ai lạ gì! Bún phở, rượu lậu, ngày nào nó chả vi phạm chế độ
lương thực của nhà nước. Buôn lậu cỡ nó mới nuôi nổi lũ con ăn học và ông chồng
đau ốm quanh năm chứ. Tôi bảo thật nhá, bà xa nhanh chỗ tối ấy ra, kẻo lại mất
cái thành phần cơ bản, còn làm ảnh hưởng đến anh chiến sỹ Điện Biên con giai bà
nữa đấy. Này, cái anh chiến sỹ Điện Biên kể cũng lạ. Thành phần gia đình cơ bản
là thế. Độc lập rồi, sắp hoàn thành công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, tiến
lên chủ nghĩa cộng sản đến nơi rồi, sao cứ để bu mình đi ở cho cái nhà ấy
mãi thế. Lạ thật!
Anh nhân viên bưu điện nói một thôi một hồi.
-Vâng, tôi hiểu rồi! -U rơm rớm nước mắt. –Anh chị làm ơn cho tôi đánh cái điện
cho bác cháu ở Hà nội.
-Đánh điện chứ không phải đánh giây thép, bà nhắc lại đi. Chị nhân viên trẻ đẹp
cau có nói.
-Vâng, tôi đã nói là đánh điện rồi đấy thôi.
-Tôi bảo bà nhắc lại là muốn tốt cho bà, muốn bà quên hẳn cái thói quen nói
theo lối bọn thực dân phong kiến ấy đi, bà hiểu chưa? Bà cũng nên nghe đồng chí
Sắc mà về quê ngay đi, đừng có ở mãi cái nhà ấy, hư người.
-Vâng! Cho tôi đánh cái điện đi Hà Nội. U tôi lại nhỏ nhẹ trong nước mắt.
-Sao U lại để người ta nói thế? Tôi giận dỗi với U trên đường về.
-Người ta là người nhà nước, nhịn đi con.
-Thế anh Luân nhà mình cũng là người nhà nước hả U?
-Ư, anh Luân cũng là người nhà nước.
-Thảo nào!
Tối ấy cả U và mẹ tôi đều phải
khóc trước sự gay gắt, quyết liệt của anh Luân. Anh không cho U và mẹ tôi phân
trần, anh nói cũng từa tựa cái giọng của anh Sắc nhân viên bưu điện, nhưng gay
gắt hơn nhiều. Có lẽ vì anh là con trai U, là chiến sỹ giải phóng Điện
Biên; là người mà như anh Sắc bưu điện đã nói, nếu không thận trọng thì có khi
chỉ vì bu mình, cái lý lịch trong sáng của anh có cơ bị hoen ố.
-Sao bu dở hơi thế. Bu và cô Trâm thì chị em làm sao được! Nhà mình thành phần
bần cố nông. Cơ bản! Còn…mà tôi cũng cấm mọi người ở đây gọi bu tôi là U
Chương. Nghe chửa!
-Vâng! Có lẽ vì quý tôi mà U nói vậy, chứ chúng tôi đâu dám. Mẹ tôi nhỏ
nhẹ.
-Quý! Cô là cái hạng xảo quyệt, hạng bóc lột. Cô đã biến bu tôi thành con ở cho
nhà cô bao nhiêu năm nay? Tôi thì lạ gì cái miệng lưỡi con buôn của nhà cô.
-Anh…Mẹ vừa lên tiếng, thì U tôi đă nói át đi.
-Luân! anh không được ăn nói thế. Bu và mẹ Đông nó coi nhau như chị em, từ cái
ngày cô chú ấy chạy tản cư về làng Ô Mễ. Bố anh mất sớm. Anh thì thăm thẳm trên
Việt Bắc, bu một thân một mình, những lúc vui buồn, những khi trái gió giở giời
cũng một tay cô chú ấy lo cho đấy. Những lúc ấy, bu có nhờ anh được không? Anh
phải thấy cái ơn của người ta, mới ra con người chứ. Lũ trẻ này một tay bu chăm
bẵm từ khi chúng nó còn đỏ hỏn. Bu coi chúng nó như con. Mắc mớ gì mà anh cấm
chúng nó gọi tôi là U? Hả? Chị em tôi khó khăn thì thương lấy nhau, nương tựa
vào nhau. Ân nghĩa sâu dày! Anh không còn hiểu được cả cái lẽ “Nhiễu điều phủ lấy
giá gương” của ông cha mình nữa à?
-Bu đừng có lý sự! Tôi hỏi lại một lần nữa, bu có chịu về quê lo cấy hái không?
Không, tôi sẽ báo chính quyền, gô cổ cái nhà còn rơi rớt tư tưởng của bọn thực
dân phong kiến này lại đấy.
-Thôi! Tôi xin anh! Tôi lạy anh! Tôi về. Nhưng anh cũng thư thư cho vài ngày, để
chúng tôi đánh giây thép gọi bác cháu xuống lo thuốc thang không thì ông ấy chết
mất. Còn lũ trẻ nữa, anh thấy đấy, cô ấy thì đầu tắt mặt tối suốt ngày nơi hàng
quán, chạy gạo từng bữa cho bằng ấy cái “tàu há mồm.” Chồng ốm, con đông
thế này, biết trông cậy vào đâu? ”Sung sướng” quá em ơi! -U tôi sụt sịt: – Anh
thư thư cho chúng tôi vài ngày, anh nhá!
-Bu đừng có biện bạch lý do, lý trấu, ngày mai bu không có mặt ở nhà là tôi báo
chính quyền đấy. Lúc ấy, đừng có trách là tôi không nói trước.
Anh Luân nói như quát, rồi hầm hầm bước ra khỏi nhà.
Ngôi nhà bán phở số tám mươi, phố
Lý Thường Kiệt của gia đình tôi được trưng dụng thành cửa hàng ăn uống số hai,
hợp tác xã tiểu thương khu Trần Phú. Mẹ tôi được bầu làm tổ phó. Anh em tôi được
chuyển đi, ở tạm một gian, trong dãy nhà của bà địa chủ Lan Than mà khu phố
đang tạm thời quản chế. Xă viên cửa hàng là mười một người, cả những bà bán
hàng rong, bán xôi sáng cũng được tập trung học tập ngắn ngày; được vận động
xóa bỏ lối làm ăn cá thể, tiến tới tập thể hoá, xây dựng xã hội mới, con người
mới xã hội chủ nghĩa. Cơm áo của mười một hộ gia đình, bỗng dưng trông cả vào
đây. Lượng khách thì cứ thưa dần, thưa vì quà không ngon, thưa vì sự đón
tiếp luộm thuộm của mười một con người, được ghép vào với nhau theo cái lối ông
chằng bà chuộc. Ấy vậy nhưng cũng chẳng ai dám bỏ hợp tác xã. Được học tập rồi,
bỏ, chẳng hóa ra là chống lại sự tiến lên của xã hội mới à? Vậy họa có là bọn
gián điệp phản động. Những cái ngáp vặt trong ngày, của xã viên cửa hàng ăn uống
cứ tăng mãi lên.
-Tôi chỉ ăn phở của bà Đông, chứ không ăn cái thứ phở hợp tác xã này.
Nhiều ông khách quen của nhà tôi ngày trước quát lên thế, rồi tức tối bỏ đi. Thực
ra phở nhà tôi nổi tiếng ở thị xã này cũng lâu rồi, thời nào thì cũng có nhiều
người sành ăn, sành uống; nhiều ông lắm tiền quen thói phách lối, cũng chả
trách người ta được. Mười một gia đình của cái cửa hàng hợp tác xã ăn uống này,
đang có nguy cơ bị đói. Nhà tôi lại càng nguy, bởi nhà tôi đông miệng ăn nhất,
bố lại đang cần thuốc thang, tẩm bổ. Tôi là con cả trong gia đình nghèo, nên có
phần khôn trước tuổi. Tôi lo lắm! Một lần rụt rè, tôi nói với mẹ:
-Mẹ cho con thôi học, con lên chùa Bứa gánh đất thuê, lấy tiền thuốc thang cho
bố, mẹ nhá!
-Không được thế! -Mẹ nấc lên: –Con học giỏi, con đang là niềm tự hào của cả
nhà. Dù thế nào con cũng không được bỏ học. Nhớ chưa…-Mẹ rầu rĩ: -Có học mới
nên người con ạ. Con phải cố lên, còn làm gương cho các em nó noi theo nữa chứ.
Ông nội, ông ngoại con ngày trước đều nổi tiếng hay chữ, là những ông đồ làng
ta đấy, con cố mà theo các ông.
-Thế mình phải làm thế nào mà sống được hở mẹ?
-Đấy không phải là việc của con! Mẹ tôi gắt lên, bỏ đi, để mặc tôi đứng trơ ra
đó.
Bác Sáu tôi đã xuống! Nhận được điện là bác quăng hết công việc, xuống ngay. Bố
tôi vẫn chưa đỡ.
-Sao cậu xanh dờn như tàu lá thế này! -Bác khóc: –Về ngay. Song đận này cậu phải
về quê ngay. -Bác hạ giọng: –Về còn có chị, có em. Cậu ạ! Rõ đã khổ chưa. Giời
ơi! Có mỗi thằng em giai mà tự dưng lại cách sông cách núi thế này hở giời!
Mẹ cúi mặt như người có lỗi. Ngày đưa nhau xuống đây, có lẽ bố mẹ tôi cũng
không nghĩ là lại ở nơi đất khách quê người lâu đến thế này. Tám mặt con rồi,
đường về quê cứ ngày mỗi khó, mỗi xa. Bác xuống, mẹ lại trào nỗi nhớ quê, mắt mẹ
dân dấn ướt. “Cô Nghinh Con gửi quà cho mợ đây” - Bác đưa cho mẹ một bọc áo mưa
được chằng buộc chặt chẽ.
Bác Nghinh Con! Những lời mẹ kể về
quê hương lại dậy lên trong tôi. Bác là dâu trưởng bên họ ngoại tôi, góa bụa
ngay trong ngày cưới chồng, son sắt được như bác cũng chỉ có một. Bác cùng
trung đội tự vệ thành Hà Nội với bố tôi trong những ngày quyết tử thủ đô. Cái
đêm bố tôi bị thương ở đầu đường Khâm Thiên, một mình bác luồn lách, bảo đảm
thông tin liên lạc cho cả trung đội. Bác bảo, quả lựu đạn đường Khâm Thiên đêm ấy,
đã làm cho bố tôi mất sức khỏe, ốm đau quanh năm như bây giờ. Mẹ ngậm
ngùi xác nhận. Mẹ bảo mẹ thương nhất bà ngoại. Bà đã có ba người con trai khôn
lớn, trưởng thành, nhưng cứ một mực buộc vào mình cái tội không làm tròn bổn phận
dâu con dòng họ Phạm Xuân; dòng họ Phạm Xuân đến nỗi phải tuyệt tự, tội bà lớn
lắm! Bà day dứt đến độ, khi chết, không ai có thể giúp bà nhắm được đôi mắt. Mẹ
tôi đau lòng lắm! Mẹ bảo, con trai bà đều là những người quả cảm, đặc biệt là cậu
Thụ. Tôi cứ tưởng tượng hình ảnh cậu tôi từ trong lùm cây nhảy ra, dí súng vào
bụng thằng Tây lùn mà mê cả người. Rồi cậu lập kế hoạch, bắt sống hai thằng Tây
giữa ban ngày ban mặt ngay trong làng. Cậu tôi cũng bị địch bắt ngay trong ngày
hôm ấy, và không bao giờ cậu trở về đựơc nữa. Cậu đi, đã dập tắt niềm hy vọng
cuối cùng của bà về người nối dõi tông đường dòng họ Phạm Xuân. Đau đớn, chẳng
bao lâu bà cũng đi theo cậu. Mẹ bảo, cậu con tiếng là liệt sỹ, nhưng có dược hưởng
chính sách chế độ gì đâu!
-Nghe nói cậu mợ có U Chương tốt lắm. Thế U đâu?
-Dạ! U cháu mới phải về quê rồi ạ. Mẹ tôi thưa.
-Đang lúc này thì lại bỏ về quê. Tốt cái nỗi gì! Mà phải thôi, người ta thì máu
mủ ruột dà gì với mình mà người ta xót.
-Dạ! Không phải thế đâu ạ. Tôi cất tiếng bênh U.
-Mày trẻ con, biết gì mà nói. Bác tôi gắt lên. Quay sang mẹ, bác hạ giọng:
–Nào! Hết cái đận ốm đau này, cậu mợ quyết định về quê chứ. Đất cát ông bà dành
cho cậu mợ còn cả đấy. Về thôi các em, đất khách quê người sống mãi thế nào được.
-Bác để thư thư rồi nhà em tính. Bố tôi nói nhát gừng.
-Còn phải tính toán nỗi gì? Cậu thấy vẫn chưa đủ khổ à!
-Em nghe nói thằng Mỹ nó rục rịch ném bom Miền Bắc. Lại chiến tranh, lại tản cư
sơ tán, về Hà Nội lúc này làm sao được hở bác. Mẹ tôi nói chỉ đủ nghe.
-Loạn lạc mãi, không biết có còn sống nổi nữa không? Bác tôi thở dài: –Cứ cái cửa
hàng ăn uống ế ẩm, với cả một đống người như thế, liệu cậu mợ có nuôi nổi lũ
con không?
-Em cũng đã tính rồi…-Mẹ tôi nói: -Hợp tác thì không bỏ được, nhưng hợp tác chỉ
bán ban ngày. Buổi tối, em nấu nồi cháo gà bán ở cửa rạp hát Kiến Thiết, chắc
chúng em cũng lần hồi qua ngày được.
-Mẹ nó không làm thế được đâu. Làm thế là vi phạm chính sách lương thực của nhà
nước đấy. -Bố tôi run run lên tiếng.
-Không làm thế thì ngồi nhìn lũ con cậu chết đói à? Cái cậu này. Mợ cứ làm đi.
Việc này không thể nghe theo cậu ý.
Có bác, công việc nhà đã trở lại ổn định như những ngày U tôi còn ở đây. Có lẽ
còn hơn, vì bác quản lũ em tôi nghiêm ngặt lắm, đứa nào đứa ấy là cứ phải một
phép chứ chả dám tơ lơ mơ. Nồi cá kho của bác thì ba phần bã chè, một phần cá.
Bác ngồi đầu nồi, lũ em tôi là cứ ngoan ngoãn xơi cơm với bã chè kho, chứ chả đứa
nào dám nho nhoe gì. Có bác, bác Châu và mấy bác hàng xóm không còn phải thay
nhau sang giúp đỡ gia đình tôi nữa. Bác tôi cảm ơn, bác Châu bảo: “Bán anh em
xa, mua láng giềng gần bác ơi. Cô chú Đông hiền lành, lũ con thì ngoan mà học
giỏi nhất cái phố này đấy bác ạ.” Tôi cũng có thêm thời gian cho bài vở. Ngày
thi học sinh giỏi toán toàn Miền Bắc cũng đã kề cận. Tôi lo lắm!
Bác và mẹ tôi đã “quyết một phen
vi phạm chính sách lương thực của nhà nước”. Một hôm mẹ xách về đôi gà, bảo tôi
làm rồi luộc lên để đấy. “Con cứ để đấy, trưa mẹ tranh thủ về rồi mẹ tính” - Mẹ
nói vội, rồi te tái chạy ra cửa hàng hợp tác xã. Đôi gà đối với tôi thì
chẳng nhằm nhò gì, tôi làm chỉ nhoáy cái là xong. Ngày còn hiệu phở ở số nhà
tám mươi, cả hai chục con gà tôi cũng chỉ làm một lúc là xong. Tôi chỉ lo cho mẹ.
-Mẹ nó cẩn thận, tôi thấy thế kia thì nguy hiểm lắm! Bố tôi rên lên. Bác tôi
cũng nói: “Cẩn thận! Nguy hiểm đấy mẹ Đông.” Mẹ tôi đã cất gánh, cười: –Không
sao đâu! Mọi người đừng lo. Tôi đi đây. Tôi xách cái chậu rửa bát, cái
đèn dầu, đi gần như chạy mới theo kịp mẹ. Trời đã nhá nhem tối. Ánh lửa trong
lò than hồng rực, từ gánh hàng của mẹ hắt lên, dáng mẹ chúi về phía trước. Chiếc
đòn gánh kiên nhẫn kẽo kẹt theo nhịp bước dồn của mẹ. Tôi sợ quá! Phía trước và
phía sau mẹ tôi, cái gánh hàng đang đè nặng trên vai mẹ toàn là dầu sôi, lửa bỏng.
Một lò than hồng, một nồi cháo sình xịch sôi phía trên. Rồi rổ bát, rổ gà, mấy
cái ghế con… Mẹ chất tất cả những thứ nguy hiểm ấy lên đôi quang, ghé vai vào,
kiên quyết cất lên để kiếm tiền thuốc thang cho chồng, cho chúng tôi ăn học. Thế
kia thì chỉ một nhịp lỡ chân, một cái vấp thì cả khối nguy hiểm kia sẽ trùm lên
mẹ. Mẹ
ơi!
-Cháo gà bà Đông, cửa rạp hát Kiến Thiết ấy. Tuyệt!
-Thật không? Thế bà ấy bỏ cửa hàng ăn uống hợp tác xã rồi à?
-Bố thằng nào dám bỏ! Vẫn phải hợp tác hợp te. Bà ấy chỉ bán thêm cháo vào buổi
tối.
-Có thế chứ!
Những khách quen của nhà tôi ngày trước, đã rỉ tai nhau đến hàng cháo mẹ tôi
đông lắm. Tôi và cô em gái giáp tôi cứ lăn ra mà rửa bát, xé thịt cho mẹ cũng
không kịp. Được hơn một tuần thì bà Hiền, bên ban quản lý thị trường của thị xã
đến hàng mẹ. Mẹ tôi sợ tái cả mặt, mẹ làm bát cháo thịt chặt rõ ngon, mời bà.
-Chị thương em, không thì nhà em đến chết đói mất. Em vẫn làm trong hợp tác, chỉ
dám bán thêm buổi tối, kiếm chút cháo loãng cho các cháu thôi ạ.
-Biết rồi! -Bà Hiền vừa ăn, vừa nói: -Tôi không thương cô, không nói đỡ cho thì
cô còn ngồi thế này được à? Nhưng cô cũng phải cẩn thận, có đợt là người ta hốt
hết đấy.
-Vâng! Thôi thì trăm sự em nhờ cả vào chị. Chị thương lấy các cháu.
-Bao giờ thấy tôi “đánh tiếng,” thì phải nghỉ đi mấy ngày, nghe chửa. Bà Hiền
nói.
-Vâng! Em xin đội ơn chị. Mẹ tôi vồ vập.
Đêm ấy mẹ mừng lắm, khoe với bác và bố tôi. Bác tôi cũng mừng. Bố thì bảo: “Tôi
vẫn lo lắm, làm thế là vi phạm chính sách nhà nước đấy mẹ nó ạ.”
-Cái cậu này! -Bác tôi lườm bố.
Tôi đã đạt giải, trong kỳ thi học sinh giỏi toán lớp mười toàn Miềm Bắc. Kết quả
này khiến chính tôi cũng ngỡ ngàng. Sự vui mừng của nhà tôi thì khỏi phải nói rồi.
Mẹ ôm mặt, rồi ôm lấy tôi khóc trong sung sướng. Mẹ bảo, con trai mẹ nối được
cái tiếng hay chữ của ông nội, ông ngoại rồi. Bố tôi gượng dậy, lặng lẽ đến bàn
thờ thắp hương khấn vái. Bác Sáu thì thưởng cho tôi cây bút Trường Sơn màu đen,
mới cứng cựa. Hàng xóm láng giềng sang nhà tôi đông lắm, ai cũng xuýt soa khen,
mừng cho tôi. Thầy hiệu trưởng, thầy giáo chủ nhiệm cũng đến tận nhà mừng cho
tôi, động viên bố mẹ tôi. Thầy bảo tôi đã mang vinh quang về cho nhà trường,
tôi là niềm hãnh diện của trường…Thầy bảo, theo tiêu chuẩn, tôi sẽ được đi đào
tạo bậc đại học ở nước ngoài, thầy sẽ gửi hồ sơ của tôi và đơn đề nghị của trường
lên bộ giáo dục ngay. Bố mẹ tôi đúng là chỉ còn biết nói mỗi cái câu: Ơn thầy!
Tối ấy mẹ tôi nghỉ bán cháo, mẹ thổi sôi gà cúng tổ tiên và đãi cả nhà.
Rồi cái gánh cháo lậu của mẹ tôi, cũng bị ban quản lý thị trường bắt.
Hình như là bà Hiền đã không kịp “đánh tiếng” cho mẹ. Cái biên bản phạm pháp quả
tang là một gánh cháo gà, và một lít rưỡi rượu lậu. Mẹ điểm chỉ vào, vì mẹ
không biết chữ. Toàn bộ tang vật phạm pháp quả tang đều bị tịch thu. Cũng không
thể ngồi đấy mà nhìn lũ con bị đói, mẹ tôi vẫn dấm dúi bán cháo lậu, nhưng mà
lui vào mãi trong một ngõ sâu.
Rồi ngày vui cũng đến. Giấy gọi vào một trường đại học ở Liên Xô của tôi đã về
đến ban tuyển sinh thị xã. Thầy hiệu trưởng tìm đến tận nơi gia đình tôi sơ
tán, báo tin. Lúc này giặc Mỹ đã ném bom bắn phá miền Bắc. Tôi mừng quá, vội
vàng lên ban tuyển sinh. Ông Bình trưởng ban niềm nở tiếp, chúc mừng tôi: “Giấy
gọi của cháu đến đây rồi, bác đang định chuyển cho cháu thì bên ủy ban hành
chính thị xã họ qua cầm lại. Chắc họ muốn xác minh lại điều gì. Nhưng cháu đừng
lo. Không sao đâu! Mấy hôm nữa bác sẽ chuyển đến tận nhà cho”.
Tôi về. Cả nhà tôi sống trong tâm trạng chờ đợi. Không biết nghe ai, mấy hôm
sau mẹ tôi xách đôi gà trống thiến đến nhà ông Bình. Ông vẫn niềm nở, động viên
mẹ. Ông còn dặn đi dặn lại mẹ là đừng có lo lắng, học giỏi như tôi thì trước
sau gì cũng được đi đại học. Mẹ về có vẻ vui…Rồi, một lần nữa mẹ lại xách
gà, đeo bị cam đến nhà ông phó chủ tịch thị xã. Nghe mẹ trình bày, ông
cau mặt: “Làm gì có chuyện đó! Làm gì có cái chuyện giữ con chị, để thay vào đấy
con một vị bên ủy ban tỉnh. Kẻ nào dám nói thế với chị? Chế độ ta là chế
độ tốt đẹp. Chị đừng có nghe bọn gián điệp, phản động nó phao tin đồn nhảm, nói
xấu chế độ. Phải giữ vững lập trường cách mạng chứ. Chị cứ yên tâm, về
đi. Chúng tôi cần xác minh lại một số vấn đề, trước khi chuyển giấy gọi cho
cháu”.
Cả nhà tôi lại sống trong tâm trạng
khắc khoải, chờ đợi.
Thằng em thứ năm của tôi từ Tây
Nguyên về. Nó cứ xuýt xoa mừng, vì tôi đã thực hiện được nguyện ước của bố mẹ -
Đã về được quê! Chú em tôi vất vả nhất nhà, nó cứ long đong mãi, rồi định cư
tít tận Tây Nguyên. Ngày mẹ mất, mẹ cứ khắc khoải rằng nó làm có đủ ăn không?
Tôi thương nó lắm! Thằng này có cái tật thích sống trong kỷ niệm, nó lục lọi
hòm cũ, xem hết cái này đến cái khác. Tôi mặc nó, ngồi xem lại giáo án của bài
giảng ngày mai.
-Anh dạy học dễ đến gần nửa thế kỷ rồi đấy nhỉ?
-Mới có ba mươi tư năm. Chú mày! Bốn năm nữa anh về hưu. Tôi kéo dài giọng,
nhát gừng.
-Anh yêu nghề giáo không?
-Đầu tiên thì không, sau thì có.
Một lúc không thấy nó nói gì, tôi ngoái nhìn thì thấy nó đang chăm chú đọc một
tập giấy mầu xám xịt, cái loại giấy thịnh hành trong thời chiến tranh, thời bao
cấp.
Nó chậm chạp tiến về phía tôi, đặt tập giấy màu xám, loang lổ những vết ố lên
bàn.
-Cái gì thế này, anh?
-À! Cái lý lịch cán bộ, anh rút ở sở giáo dục Thái Bình. Bản phô tô thì nộp cho
cơ quan mới ở Hà Nội. Đây là bản chính.
-Anh chưa đọc lại à?
-Đọc! Tính anh chú lạ gì ! Anh nghĩ cũng chẳng có gì cần mà phải đọc.
-Thế thì anh đọc trang này đi!
Nó mở tập giấy, để đến trước mặt tôi một trang ố nhòe, rất khó đọc. Tôi tròn mắt,
kinh ngạc đến không thể tin nổi mấy chữ được gạch chân rất đậm, ở phần lề trang
giấy: “Gia đình nói xấu chế độ”. Tôi trợn mắt nhìn em.
-Thì anh cứ đọc hết đi!
. . .
-Thế mới biết tại sao ngày ấy anh không thể có mặt ở Liên Xô!
Nguyễn Khương
Trung
http://www.buudoan.com/2012/06/hoa-giai.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét