Kim Dung/Kỳ
Duyên
Hạnh phúc của nghề báo đơn sơ lắm.
Chỉ có một mong ước, là viết… đúng sự thật. Và chỉ sự thật mà thôi!
Cho dù, dịp kỷ niệm Ngày Nhà báo
VN 21/6 đã qua, nhưng dư âm của nó lại ám ảnh người viết này, ở một sự kiện mà
khi xuất hiện trên nhiều tờ báo, nó lập tức gây “hot” cho xã hội.
Đó là chuyện Quỹ kinh tế mới (New
Economics Foundation- NEF), một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế, xã
hội và môi trường có trụ sở ở Anh, trong bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh
phúc (HPI) đã xếp “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 2 trên thế giới”.
Chối bỏ… hạnh phúc?
Theo đó, Chỉ số hành tinh hạnh
phúc HPI được xây dựng căn cứ vào 3 tiêu chí: Mức độ hài lòng với cuộc sống (EW
– experienced well-being); tuổi thọ bình quân cao (LE – Life expectancy) và
tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ít gây tác động tới môi trường, hay còn được gọi
là dấu chân sinh thái (EF – Ecological footprint). Năm nay, các chỉ số này của
VN là EW: 5,8; LE: 75,2 và EF: 1,4.
Đáng chú ý, trong 3 chỉ số,
EF:1,4 (ít tác động đến môi trường) được coi là 1 chỉ số quan trọng nhất. Thế
nên, nếu so với tình trạng khai thác thiên nhiên, đặc biệt là lượng khí thải
CO2 ở các nước phát triển rất lớn, thì chỉ số EF của VN lại… rất thấp, đồng
nghĩa với việc đánh giá chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) của VN cao.
Và ngược lại, ở các nước phát triển,
EF cao, thì kết quả đánh giá HPI sẽ thấp.
Lẽ thường tình, con người ta, khi
được khen là hạnh phúc, thì sướng âm ỉ. Mà đây lại là quốc gia hạnh phúc “thứ 2
trên thế giới”, trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát, chỉ đứng
sau Costa Rica, thì người dân phải kiêu hãnh lắm chứ.
Không những thế, Việt Nam còn
liên tục được thăng bậc, từ vị trí 12 (năm 2006) lên vị trí thứ 5 (năm 2009) và
vị trí thứ 2 năm 2012, với điểm đạt được lần lượt là 61,2; 66,5 và 60,4 (trên
thang điểm 100).
Nhưng những bài báo đã đánh giá,
xếp hạng nọ lập tức cũng gây tranh cãi, và đa số dư luận xã hội đều hoài nghi
“hạnh phúc của mình”, như một sự…chối bỏ. Vì sao?
Thực ra, ngay quan niệm hạnh phúc
giữa con người cụ thể, có nhận thức và trình độ dân trí khác nhau, dựa trên những
tiêu chí khác nhau, còn dẫn đến sự đánh giá và nhìn nhận hạnh phúc, cùng cách
trả lời khác nhau, nữa là giữa các quốc gia.
Ở đây, việc “đo đếm” hạnh phúc của
NEF dựa trên 3 chỉ số, trong khi theo TS Đào Văn Khanh (bài viết Người VN có hạnh
phúc thứ 2 trên thế giới? đăng trên Tuần Việt Nam 20/6) khẳng định, chỉ số HPI
mới chỉ nói lên mối quan hệ giữa tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi
tác động đến môi trường.
Còn thông thường để đánh giá 1 quốc
gia hạnh phúc hay không, có phát triển về chất lượng sống hay không, thì cần
căn cứ vào cách xếp hạng và chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc. Đó
là chỉ số HDI (Human Devlopment Index).
HDI bao gồm mức thu nhập, tỷ lệ
biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của 1 quốc gia. Ngay cả GDP (tổng sản
phẩm quốc nội) cũng chỉ là 1 chỉ tiêu để đánh giá HDI quốc gia đó. Và nếu theo
chỉ số phát triển con người, thì quốc gia có HDI cao nhất là Nauy (2009), còn
VN ta đứng thứ 116.
Đó mới có thể coi là chỉ số hạnh
phúc!
Từ hạng thứ 2 đến hạng thứ… 116
là một khoảng cách quá dài, nhưng cả cách đo HPI của NEF lẫn cách đo về HDI của
Liên Hiệp Quốc đều không sai, bởi mỗi tổ chức “đo đếm” hạnh phúc của nhân loại
này, có những tiêu chí riêng của họ.
Có điều, dù NEF có tiêu chí của
mình, thì cái cách đánh giá về “dấu chân sinh thái” của Việt Nam trong thực tế
cũng chưa thực mang tính thuyết phục.
Bởi lẽ cái “dấu chân” người Việt
nó đang tàn phá, hủy hoại môi trường sinh thái quá kinh hoàng.
Đến mức ngay người Việt cũng hoài
nghi, không công nhận cả cái tiêu chí xếp hạng dành cho mình, đủ hiểu “chỉ số
hành tinh hạnh phúc” nó … hài hước với cảm giác của người Việt thế nào.
Khi mà rừng thì bị phá sạch. Sông
ngòi, hồ ao ô nhiễm trầm trọng, khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, vô lối.
Đường xá lúc nào cũng bụi mùa và kẹt cứng. Và ngay ở Thủ đô Hà Nội tấp nập người
lại qua, sưa- một loại cây quý cũng bị đốn không thương tiếc trước mắt cơ quan
chức năng. Đến mức từ thành phố đến cao nguyên, sưa giờ đây cũng được mặc “váy”
giáp sắt để tự bảo vệ…
Chả lẽ, rồi sẽ đến lúc nào đó,
người Việt sẽ ca bài ca u buồn: Còn ta với…hoang vu, chứ không phải Còn ta với
nồng nàn, như nhạc sĩ Quốc Bảo từng cảm hứng, còn ca sĩ Quang Dũng thì trình diễn
đắm say!
Vậy thì sự phản ứng, chối bỏ danh
hiệu được xếp hạng “quốc gia hạnh phúc thứ 2 trên thế giới” có lỗi do đâu?
Lỗi do báo chí. Không biết, do
kém cỏi về tri thức, nông cạn hiểu biết, hay do cái sự “lạc quan nhất thế giới”-
cũng là một… chỉ số khác của tính cách người Việt, mà báo chí lại lập lờ đưa
tin. Để rồi, người Việt đón nhận thông tin xếp hạng “quốc gia hạnh phúc thứ 2
trên thế giới”, với gương mặt… bất bình và u buồn vì nó khiến người dân như bị
tổn thương.
Sự kém cỏi của báo chí, vô tình
hay cố ý, đã trở thành … nói dối, đánh lừa người đọc. Tiếc thay, đây là thời buổi
của Internet, của thế giới phẳng. Còn bạn đọc thâm thúy chỉ nhắc các nhà báo
câu triết lý của nhân gian: Đừng thấy đỏ, tưởng là…chín, đừng thấy 29 đã tưởng…
30.
Đối thoại về hạnh phúc
Nhưng cái khái niệm hạnh phúc được
nhắc tới trong dịp 21/6 này, khiến người viết bài không hiểu sao bỗng nhớ tới
“Bài thơ về hạnh phúc” rất nổi tiếng của nhà thơ Dương Hương Ly viết tặng nhà
văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý.
Nổi tiếng, vì đây là một đối thoại
về hạnh phúc của một người chồng với một người vợ.
Là đối thoại về lẽ sống của một
người cầm bút với một người cầm bút.
Là tiếng khóc của người đàn ông,
sâu nặng tình vợ chồng, mà cũng thật sáng trong, rộng lớn nghĩa đời, khi người
đàn bà vô cùng yêu dấu của mình, đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất đầy khói lửa,
trong cuộc chiến bảo vệ độc lập tự do dân tộc.
Một bài thơ khóc vợ, nhưng cũng
là một bài thơ luận về hạnh phúc.
Hạnh phúc vốn là khát khao muôn
thuở của con người. Vì nó vốn mong manh, khó nắm bắt, khó định hình. Thế nhưng
trước sinh tử của đất nước, của dân tộc, hạnh phúc của con người, của người cầm
bút- bỗng nhận dạng được trọn vẹn. Đó chỉ có thể là sự dâng hiến cả mạng sống của
mình cho sự trường tồn của đất nước.
Hạnh phúc là gì/ Bao lần ta lúng
túng/ Hỏi nhau hoài nghĩ mãi vẫn chưa ra/ Cho đến ngày cất bước đi xa/ Tiền tuyến
gọi, hai chúng mình có mặt…
Và hạnh phúc, rất gian nan nhưng
hóa ra rất thực:
Giữa bom gào đạn réo/ Em đã thấy
những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo/ Những con người như ánh sáng lung linh/ Mỗi
đêm ra đi giản dị hiến mình/ Để làm nên buổi mai đầy nắng/ Em bối rối, em sững
sờ đứng lặng/ Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên/ Thức dậy bao điều mới mẻ trong
em
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi
thúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc…
Đó cũng là sự đối thoại và sự đồng
cảm của hai cây bút, hai người cầm bút trong cuộc chiến, nơi cái sống cái chết
giáp mặt nhau, đối trọng nhau. Và họ đã gặp được Hạnh phúc, chạm vào Hạnh phúc.
Nhưng trong thời bình này, Dương
Hương Ly sẽ viết bài thơ hạnh phúc như thế nào nhỉ?
Người viết bài này, đã lắng nghe
một cuộc đối thoại về hạnh phúc, của bạn đọc và nhà báo. “Hạnh phúc vốn đơn sơ,
mà sao tôi có ngờ…”. Ca từ dễ thương của nhạc sĩ Trần Tiến bỗng đâu đó cất lên
trong trí não, ám ảnh người viết trong cái chiều 21/6 tưng bừng hoa, tưng bừng
tin nhắn, emai nhắn chúc mừng nhân Ngày báo chí VN. Xin hãy cùng nghe.
Bạn đọc:
Hạnh phúc là không phải đọc những
tin hàng chục bé sơ sinh và bà mẹ tử vong chỉ vì sự tắc trách của thầy thuốc.
Hạnh phúc là 2-3 người bệnh không
phải nằm chung một giường bệnh
Hạnh phúc là không phải gặp những
người “thầy thuốc đang…từ mẫu”
Hạnh phúc là không phải “đạp đổ cổng
trường” để xin học cho con.
Hạnh phúc là trẻ lớp 1 không phải
học thêm, không phải đeo cặp sách nặng oằn vai, tuổi thơ không bị… “đánh cắp”.
Hạnh phúc là trẻ em không phải “tị
nạn giáo dục”
Hạnh phúc là không phải đọc tin
trẻ em bị xâm hại tình dục, bị hãm hiếp bởi cha đẻ, chú bác ruột, ông hàng xóm,
hoặc chính anh trai.
Hạnh phúc là người phụ nữ
lên xe, tàu công cộng được nhường ghế ngồi, không bị sàm sỡ, bị quấy rối tình dục.
Hạnh phúc là người phụ nữ không bị
chồng tra tấn, bạo hành.
Hạnh phúc là ra đường không bị kẹt
xe, không gặp phải sự …vô cảm khi cần giúp đỡ.
Hạnh phúc là mong luôn được nghe
lời nói “cảm ơn” và “xin lỗi”
Hạnh phúc là không phải đọc những
tin tức về “vấn nạn” tham nhũng.
Hạnh phúc là không phải đọc công
ty này thất thoát nghìn tỷ, công ty kia vay nợ nghìn tỷ đều là tiền thuế của
dân.
Hạnh phúc là không phải đọc những
cái tin như Dương Chí Dũng, tham nhũng rồi …trốn thoát.
Hạnh phúc là không phải đọc tin
quan chức đánh cờ bạc tỷ.
Hạnh phúc là không phải đọc những
cái tin đường dây mua dâm, bán dâm trẻ vị thành niên.
Hạnh phúc là dân không phải bị
hành khi đến các cơ quan công quyền, “hành là… chính”.
Hạnh phúc là không phải đọc báo
chỉ toàn cướp, giết, hiếp, toàn sốc, sex, sến.
Hạnh phúc là khi mong muốn các
nhà báo đừng “im lặng là…vàng” trước nỗi đau nhân dân.
Hạnh phúc là…
Bỗng nhiên tiếng nhà báo cất lên,
như một nỗi u buồn:
- Vâng, tôi rất hiểu. Hạnh phúc của
nghề báo đơn sơ lắm. Chỉ có một mong ước, là viết… đúng sự thật.
Và chỉ sự thật mà thôi!
Kỳ Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét