Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CHÚNG TA KHÔNG PHẢI SINH RA ĐỂ SỐNG NHƯ THẾ NÀY

Trịnh Sơn
*Toàn bộ thơ trích dẫn là của Thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn.

Đây là tựa đề một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn viết thời kỳ đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Chiến tranh Nam Bắc đang đến hồi dữ dội. Tức là, chưa có 75. Chưa có rồi có 75 cũng chẳng nhằm nhò gì với phát ngôn đau đớn về thân phận con người trong cơn lầm lạc của dân tộc. Khi ấy, cậu học trò “bỏ trường mà đi” vì nhận ra:
Các giáo sư dạy cho lũ học trò những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy

Chủ nghĩa, bản thân nó không có nghĩa. Nó chỉ có ý nghĩa và có kết cục khi được người ta thi hành, như Phát xít thì diệt vong, Tư bản thì nước giàu dân mạnh xã hội văn minh, Cộng sản thì đã có sụp đổ như Liên Xô với Đông Âu… Muốn một cái chủ nghĩa được thi hành, nhà cách mạng phải làm cho người ta thấy nó có ích mà dám bỏ tất cả để chạy theo. Khi đất nước Việt Nam chìm đắm trong vòng đô hộ của đế quốc Pháp, ông Hồ Chí Minh thấy chủ nghĩa Cộng sản là cách tốt nhất cho nhân nhân cùng khổ, nên đem nó từ Liên Xô về cho dân mình thực hành.
Dân mình lúc ấy, bắt đầu từ những kẻ nô lệ, đói rách, chỉ biết làm tôi tớ cho các quan thầy, tự nhiên nghe rủ rê “làm cách mạng” – SƯỚNG! Trong trăm ngàn cái nhục, thì cái nào ít nhục nhất trở thành niềm vinh quang. Vả lại, KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ MẤT nên sợ hãi gì, không theo cách mạng thì suốt đời suốt kiếp làm thân chị Dậu bán chó bán con nhưng biết đâu đi theo thì có ngày đổi đời. Cách mạng, nôm na là vậy. Chiến tranh, nôm na là vậy.
Vì sao ta tới đây hò hét
Học trò bẻ bút tập mang gươm
Tập uống máu người thay nước uống
Múa may theo lịch sử điên cuồng

Vì sao ngươi đến đây làm giặc
Đóng trò tráng sĩ lọan Xuân Thu
Giận đời ghê những bàn tay bẩn
Đưa đẩy ngươi trong cát bụi mù

Tin và không tin không quan trọng. Hiểu và không hiểu không cần thiết. Hai đối cực này giằng co cho tới bây giờ chưa ngã ngũ, cả hai bên đều khốn đốn với niềm tin của mình, tạo ra cái vũng lầy có mặt cả sen súng bèo dạt mây trôi cá mắm rác rưởi bùn tanh loang dài từ ấy tới nay:

Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu

Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp

Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người

Tôi càng ca tụng chừng nào

Thì loài người càng xấu xa chừng nấy.


Trong bức tranh đen tối ấy, những kẻ có chí khí đều mộng “thế thiên hành đạo” như Lương Sơn Bạc, để có thể “cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo”, để “không phải cúi đầu trước lũ quan tham”, để “ngẩng đầu sống cho đàng hoàng”. Nhắc lại câu chuyện 108 vị anh hùng Thủy bạc Lương sơn mới thấy cái đau của con hổ, con rồng trong bầy đàn cáo khỉ có khác chi kẻ sĩ trong vòng vây dốt nát bạo tàn. Khi mà không tin và không thể tin tưởng, đợi chờ gì nữa ở tập đoàn cầm quyền Tống triều thối nát, kẻ anh hùng mang cái dấu triện tội phạm trên mặt phải chạy lên núi lên rừng tìm đường sống. SỐNG chứ không phải là TRỐN. Họ cảm thấy hân hoan với anh em bè bạn cùng chí hướng, họ cảm thấy không cô đơn lạc lõng như ở giữa phố thị có luật có lề:

Thời đó là thời ta chấp hết
Lửng lơ hoài trên chiếc đu quay
Ðời mình như ly rượu cạn
Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày

Thời đó là thời ta bất xá
Sẵn sàng chia khổ với anh em
Hơi cay, đạn khói, dùi ba trắc
Bước cũng không lui trước bạo quyền

Bế tắc trước xã hội và đồng thời bị dồn tới đường cùng, họ lập đảng cướp. Không phải cướp để có cái ăn cái mặc no đủ trên mồ hôi, nước mắt và máu dân đen như lũ quan quyền “cướp giữa ban ngày”, tâm trí kiêu hãnh cộng với bản lĩnh hơn người sản sinh ra cái lý tưởng không sách vở cách mạng nào từ trước tới nay dạy người ta:
Ta sẽ đóng vai kẻ hành khất
Gõ cửa những nhà giàu trong thị xã mỗi sáng mai
Ta mang theo một ống sáo đồng
Cùng quyển kinh Việt Nam
Ta xin tiền
Chia cho các người nghèo trong các ấp
Ta đánh thức
Lương tâm người giàu
Bằng tính lì lợm của ta
Ta sẽ đóng vai người thợ thiến
Chuyên môn đi thiến vòi
Những thằng điên
Những chính trị gia
Những kẻ say mê giết người vì lý thuyết
Những nghệ sĩ viễn mơ
Ta thiến tuốt
Không phải những hệ lụy và những thống khổ lớn lao
Của loài người
Phát xuất từ chiếc vòi ấy hay sao?
Người thợ thiến chính là nhà văn hóa lớn

Đang trên cao trào của cuộc trường chinh “vì nghĩa”, ào ào một tích tắc, cả Lương Sơn Bạc đổ hết vào cái khát vọng thâm sâu trơ trẽn của Tống Giang. Tống Giang được người đời xưng tụng Tống Công Minh – nghĩa cao chí lớn – nhưng, cứ xem lại từng câu từng chữ của Thi Nại Am, thì thấy rằng, Tống Giang là kiểu mẫu hoàn hảo của một nhà cầm quyền kiểu Tàu chính hiệu.

Ngẫm lại lịch sử Việt Nam, thấy lắm nhà cách mệnh ở đất nước hình chữ S này tiếp thu đầy đủ và tích cực phát huy cái bản chất Tống Giang cho thời đại mình. Cảnh báo của Thi Nại Am với trùng trùng máu chảy thịt rời của bao đấng anh hùng không làm cho họ tỉnh giấc. Mà, họ tỉnh giấc làm chi khi mà nếu có thất bại, cũng chỉ có nhân dân là chết, còn họ đã vun vén thu xếp cho đến tận mấy đời con cháu mình hưởng chưa hết. Ai muốn ra sao thì ra:

Những ngày như hôm nay
Mọi vật đối với ta đều quái gở
Người hàng xóm ta
Ðang cởi trần chửi thề khí hậu
Ðến giờ đi làm
Hắn trở thành người cảnh sát nghiêm trang
Sau khi đội mũ và thay đồng phục
Ðến giờ đi làm
Bạn ta những thằng đang cởi trần kêu khổ
Trong những căn nhà hộp
Bỗng nhiên
Trở thành quan tòa
Ðứa trở thành thầy giáo
Ðứa tài xế
Ðứa nhà văn
Ðứa quan ba
Ðứa khùng khùng
Thật là quái gở

So sánh cái xã hội chúng ta có với cái xã hội phong kiến đẩu đâu bên Tàu, có phần khập khiễng. Tặc già Cao Cầu còn biết chiêu an, giỏi dụng kế lấy cả lực lượng Lương Sơn anh hùng ra làm bia đỡ đạn để chống các thế lực thù địch, trong một ý nghĩa nào đó, làm cho đất nước bớt loạn là có lợi. Còn ở đây, ngó lên ngó xuống chỉ thấy sự trâng tráo, hèn hạ từ quan bố đến quan con rồi quan cháu. Nguyễn Bắc Sơn thi sĩ, dáng mảnh mai thư sinh, đi lính cũng chỉ là “lính cậu”, mà còn thấy không thể chịu nổi, quyết tâm phản kháng:

Bên cạnh nhà tôi
Sống một kẻ láng giềng
Y thường phóng uế trước nhà
Khi con gà nòi của y đi lạc

Y nhìn vào nhà tôi
Và chửi thề như máy
Tôi định đến mùa hè này
Sẽ đá y một đá

Bản năng sinh tồn bắt con người ta phản kháng. Cứ để cho nỗi sợ hãi và khiếp nhược tích tụ đến cực điểm, sẽ tràn ly và ngay cả những cái miệng câm nín vì hèn yếu hay câm nín vì no nê đều phải thốt lên:

CHÚNG TA KHÔNG PHẢI SINH RA ĐỂ SỐNG NHƯ THẾ NÀY!

Trịnh Sơn
http://www.ttxva.org/chung-ta-khong-phai-sinh-ra-de-song-nhu-the-nay/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét