Nguyễn Đình Ấm
Hôm 5/1/2012 tại xã
Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng) diễn ra cảnh tượng như một trận “công đồn” ác
liệt ở thời loạn ly. Những đoàn xe cộ chở lính đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, dân
phòng mang khiên, giáp, súng ống…rầm rập tập kết trước ngôi nhà của nông dân
Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Khi họ bò tườn tiến tới gần ngôi nhà thì một loạt
đạn hoa cải vang lên. Hàng quân mặc áo chống đạn, đội mũ sắt khá an toàn nhưng
lúc đầu cũng nháo nhác. Ít giây sau, họ định thần tiếp tục trườn lên nã đạn AK,
CKC xối xả vào ngôi nhà, bờ đầm, bụi chuối...Đạn bay veo véo, súng nổ ùng oàng,
khói lửa mù mịt, tiếng la hét thất thanh…Khi đoàn quân chiếm được ngôi nhà thì
“kẻ địch” chuồn mất từ khi nào. Để trút giận, các quan địa phương điều xe ủi đến
phá tan tành nơi gia đình anh em Vươn, Quý trú ngụ dù năm hết, tết đến…
Tiếng súng Tiên Lãng
chưa im thì ngày 24/4/2012 cảnh tượng còn man rợ hơn lại diễn ra ở Văn Giang
(Hưng Yên). Những đội quân áo quần nai nịt, khiên, súng, dùi cui điện…hàng ngũ
chỉnh tề, thế trận bài bản tuần tự di chuyển bao vây, chia tách những nhóm người
nông dân mặt mày hốc hác, tay cầm cuốc, xẻng, gạch đá…lùi từng bước một cách
tuyệt vọng. Cánh đồng xã Xuân Quang giống cảnh chiến trường Waterloo trước giờ
khai hỏa trong phim. Khi tách xong khoảng 200 người nông dân ra từng nhóm, lực
lượng vũ trang khổng lồ bao vây, rượt đuổi đánh đập, bắt trói những người mưu
toan chống trả bằng gạch đá, cuốc xẻng đưa lên xe thùng chở đi trong tiếng la
thét man rợ. Hai nhà báo “quốc gia” ủng hộ cưỡng chế, đi thu thập tài liệu để
“định hướng tuyên truyền” cho thiên hạ giúp Hưng Yên cũng bị đánh nhầm nhừ tử…
Khi đoàn quân “bách
chiến, bách thắng” rút đi thì cánh đồng nham nhở vắng lặng như chết. Những người
dân cặm cụi giữa cái nắng như đổ lửa bới nhặt từng mảnh xương cha ông vừa bị xe
ủi bật tung gom vào cái tiểu vỡ bên những những cao ốc ngạo nghễ vắng bóng người…Nước
mắt họ hòa lẫn mồ hôi nhỏ những giọt cuối cùng trên mảnh đất ngàn đời cha ông để
lại nay vĩnh viễn không còn…Thế mà lãnh đạo Hưng Yên vẫn thao thao “cuộc cưỡng
chế có lý, có tình”. Tình ư? Cái tình
nào khi mảnh đất cực kỳ màu mỡ của phù sa sông Hồng được tạo dựng, giữ gìn,
nuôi sống bao thế hệ, nay số kẻ thừa thãi cửa nhà, của cải…cò kè thí cho họ mỗi
mét vuông chỉ đáng vài bát phở, rồi đầu tư chút ít để bán ra gấp cả bội lần với
số lãi ròng nhiều hàng nghìn tỷ đồng; tình gì khi sinh kế của cả vạn người dân
bị bần cùng, đe dọa để một số kẻ thêm đầy túi tham?...Đó là “phát triển bền vững”
ư? Xưa các cụ ta nói “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng” nay còn tệ hơn thế…
Phải chăng, đó là cái
tình của loài cầm thú?
Cảnh rùng mình như thế
không chỉ ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản...
Hình ảnh kinh tởm,
hãi hùng chưa từng thấy.
Đây không phải là lần
đầu những người phụ nữ Việt Nam phải đem cái bộ phận thiêng liêng, kín đáo nhất
của thứ “cha sinh, trời phú” để bảo vệ nguồn sống cho mình và tương lai con
cháu họ.
Nói đến “cưỡng chế”
nhiều người dân huyện Sóc Sơn, một số nhân viên sân bay Nội Bài (Hà Nội) cứ kể
mãi câu chuyện hãi hùng xẩy ra tại khu ruộng ở thôn Thái Phù xã Mai Đình, Sóc
Sơn năm nào: Khi lực lượng vũ trang hùng hậu với xe cộ, súng ống, dùi cui ào đến,
một số bà con quá khinh bỉ và uất ức đã tụt quần, cởi áo để phản đối. Thế
nhưng, lực lượng “chuyên chính” không lùi bước. Họ điều lực lượng nữ đến bắt
trói các thân thể lõa lồ kia tống lên xe thùng... Sau đó, đến vụ cưỡng chế ở xã
Quang Tiến (cũng huyện Sóc Sơn Hà Nội), rút kinh nghiệm vụ Mai Đình, lực lượng
vũ trang địa phương chuẩn bị rất “sáng tạo”. Lần này, ngoài súng, bom cay, dùi
cui, còng số tám…trong hành trang của họ còn có thứ vũ khí rất “độc”. Đó là các
bao tải “sọc xanh” (loại bao bố lớn) cùng dây thừng sẵn sàng đối phó. Họ trù liệu,
khi các bà, các chị tụt quần, cởi áo thì các “nữ chiến binh” sẽ dùng các bao tải
sọc xanh kia chụp vào đầu nhồi họ vào bao tải buộc lại ném lên xe thùng…
Có sự “phát triển” ở
đâu, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” ở đâu, “làm giàu chính đáng” ở đâu trên thế
gian này bị người dân lương thiện phẫn nộ, khinh bỉ, căm giận đến thế?
Một hiện tượng mọi rợ
và nguy hiểm là có dấu hiệu chính quyền, nhà chức trách sử dụng côn đồ để trấn
áp dân, làm việc phi pháp. Vụ nhà báo bị côn đồ đe dọa đánh chết, bắt họ xóa
các kiểu ảnh chụp cảnh xe công an gây tai nạn ở Hải Phòng, rồi vụ côn đồ núp
bóng “dân phòng” được công an hỗ trợ đánh dân dã man ở Văng Giang, vụ “thương
binh nặng đại náo” ở viện Hán Nôm…không thể tin đó là hiện tượng “dân bức xúc”
không có bàn tay của nhà chức trách...
Chỉ có những chính
quyền không thể quản lý xã hội bằng luật pháp mới phải dùng đến những thành phần,
lực lượng vô luật pháp làm cứu cánh.
Khi một chính quyền
phải dùng vũ lực, côn đồ trấn áp dân lành, bỏ tù người bất đồng chính kiến, sợ
phản biện, sợ cả cụ già hơn tuổi 80(cụ Lê Hiền Đức), trấn áp, vu khống bì ổi
người đàn bà biểu tình yêu nước (Bùi Thị Minh Hằng), sợ cả những bản kiến nghị
“đông người”, những đám “người đông” từ con số 5, phải nhờ cả bao cao su dùng rồi làm “quốc cớ” bắt người (không phải tội hiếp
dâm), dùng biện pháp hành chính không cho đi làm, đi học, không cho đăng ký kết
hôn…để bắt họ giao đất, nghe lời chính quyền…thì không thể nói chính quyền ấy
là “quang minh chính đại”.
Khi một chính quyền
dù cái gì cũng mang tên của nhân dân
có cả rừng quân đội, công an, mật vụ, vũ khí, nhà tù, trại giam…nhưng lòng dân
bất tin, bất kính, bất phục, mọi lúc, mọi nơi đâu đâu cũng thấy, cũng sợ “thế lực
thù địch” là báo hiệu sự cáo chung của một thủa quyền uy...
http://badamxoe.blogspot.com/2012/06/cao-chung-mot-thua-quyen-uy.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét