Bùi Văn Bồng
Sáng 21/6, Kỳ họp thứ 3 (Quốc
hội khóa XIII) đã biểu quyết thông qua dự án Luật Biển Việt Nam…, với 99,2% số
phiếu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biển Việt Nam trước
khi kết thúc phiên họp.
Theo những thông tin ban đầu, được
biết Luật Biển Việt Nam gồm có 7 Chương, 55 Điều quy định về đường cơ sở, nội
thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa,
các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền,
quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển
Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Luật Biển thừa nhận quyền qua lại
của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam nhưng quy định rất cụ thể các
hành vi bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam
như: Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của Việt Nam; đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các
nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp
quốc; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình
thức nào; thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt
Nam; đánh bắt hải sản trái phép; nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; làm ảnh
hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công
trình khác của Việt Nam; tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến
việc đi qua vùng biển này…
Theo Luật Biển, các lực lượng tuần
tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các
quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy,
lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam. Quyền truy đuổi được tiến hành
sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu
thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra
nhưng tàu thuyền đó không chấp hành. Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở
ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Viêt Nam nếu được tiến
hành liên tục, không ngắt quãng. Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành
vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong
phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển
trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Việc QH thông qua Luật Biển Việt Nam là
một động thái mạnh mẽ, vô cùng cần thiết về pháp lý trong việc bảo vệ chủ quyền
biển, đảo. Điểm đáng lưu ý nhất là dù các phiên thảo luận luật Biển là thảo luận
kín nhưng đến hôm qua, báo chí đã có thể tiếp cận toàn bộ bộ luật này.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ
ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật Biển của Việt Nam được Quốc hội thông
qua tại kỳ họp này đã khẳng định "đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là
bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam". Trong Luật
cũng nói Việt Nam chủ trương "giải quyết tranh chấp giữa
các quốc gia bằng biện pháp hòa bình" theo các nguyên tắc của Hiến
chương ASEAN và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Điều 1 của Luật Biển đã quy định
liên quan trực tiếp đến quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ một phần
cũng như quần đảo Hoàng Sa hiện đang nằm dưới sự quản lý trái phép của Trung Quốc
từ năm 1974 sau trận hải chiến với lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa .
Sau khi Luật Biển vừa được QH
thông qua trong phiên họp sáng nay, Trung Quốc đã vội vàng ra tuyên bố phản đối
một cách gay gắt. Thứ trưởng Ngoại giao TQ Trương Chí Quân đã triệu đại sứ Việt
Nam Nguyễn Văn Thơ tới Bộ ngoại giao để "đưa ra phản ứng nghiêm khắc"
về luật mà Trung Quốc gọi là "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc". Rõ
ràng cái “lưỡi bò” lại thò ra trên Biển Đông.
Lời văn phản đối trên trang web của
Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn: "Chính phủ Trung Quốc tuyên bố: Tây Sa hải
đảo và Nam Sa hải đảo là lãnh thổ Trung Quốc. Các đảo này và vùng phụ cận thuộc
chủ quyền bất khả xâm phạm của Trung Quốc…”. Và rằng: "Bất cứ nước nào đưa
ra đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và theo đó áp dụng bất cứ hành động nào đối với
quần đảo Tây Sa và Nam Sa đều là phi pháp và vô hiệu…"
Cái lưỡi bò TQ trên Biển Đông
Những cứ liệu lịch sử và sự hiện
diện của các đội quân giữ đảo, cũng như đây là vùng biển với ngư trường đánh bắt
hải sản từ lâu đời của ngư dân VN thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với
lịch sử hàng mấy trăm năm nay . Nhưng Trung Quốc vẫn coi chẳng là gì, bất chấp
đúng-sai, phải-trái, luôn khăng khăng lập đi lập lại rằng Nam Sa (Trường Sa) và
Tây Sa (Hoàng Sa) thuộc về chủ quyền lãnh hải theo đường lưỡi bò của TQ một
cách phi lý.
Rõ nhất là quần đảo Hoàng Sa là
nơi bị Trung Quốc không ngừng lăm le chờ cơ hội “gậm nhấm” dần rồi đánh chiếm
luôn. Trong những năm cuối thế kỷ 19, đã 3 lần nhà Thanh chiếm Hoàng Sa, nhưng
không thành. Từ năm 1884, thực dân Pháp xâm lược Đông Dương. Trong suốt 61 năm
đó, phần vì nhà Thanh ngày càng suy yếu, phần vì đối phó với thực dân Anh và sợ
uy lực Pháp, TQ không dám đánh chiếm các đảo trên Biển Đông. Đến năm 1945, ViệtNam tuyên
bố Độc lập, Pháp rút thì lập tức năm 1946 TQ chiếm một số đảo phía bắc Hoàng
Sa. Nhưng ngay sau đó, Pháp quay trở lại xâm lược VN, trước thế mạnh của quân đội
Pháp buộc TQ phải co lại. Đến năm 1955 Pháp rút khỏi VN sau thất bại ở Điện
Biên Phủ, thì ngay trong năm 1956, TQ chiếm một số đảo phía Đông Hoàng Sa. Sau
đó, Mỹ nhảy vào xâm lược Việt Nam. Sợ uy của Mỹ, nhà cầm quyền Bắc Kinh lại
chịu nhìn Biển Đông mà hậm hực, nhưng không dám làm gì. Đến năm 1973, Mỹ
rút khỏi VN theo Hiệp định Paris, lập tức ngày 19-1-1974, TQ lợi dụng thế yếu của
Quân lực VNCH, trong khi Hà Nội đang dồn sức cho giải phóng miền Nam, liền cho
quân ra chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Đại diện Bộ ngoại giao VN tuyên bố...
Trong nhiều năm qua, Biển Đông mà
Trung Quốc gọi là Nam Hải (hoặc biển Nam Trung Hoa), đã chứng kiến nhiều sự cố
về tranh chấp và xâm lấn do phía Trung Quốc liên tục gây ra, trong đó các vụ cấm
đánh bắt ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa., bắt giữ ngư dân đòi tiền chuộc,
phá hủy ngư cụ và tàu đánh cá , lấn chiếm một số đảo đá thuộc quần đảo Trường
Sa , cho tàu hải giám ngang nhiên xâm phạm lãnh hải của Việt Nam... Tính từ khi
thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, Trung Quốc đã nhiều
lần đánh chiếm khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Rõ nhất là
hành động quân sự chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa
ngày 19-1-1974. Tiếp đến là cuộc gây ra hải chiến Trường Sa năm 1988 và
liên tiếp vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam suốt hơn 20 năm qua mà vụ cắt dây
cáp của tàu Bình Minh 2 trong thềm lục địa thuộc khu vực 200 hải lý của
Việt Nam gần đây là một sự kiện thô bạo và trắng trợn.
Ngư dân VN bị tàu TQ băt
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực
về ngoại giao, nhiều khi nhường nhịn, có lúc nhẫn nhục chịu đựng, nhưng Trung
Quốc vẫn không chịu từ bỏ ý đồ lấn chiếm và cưỡng đoạt Biển Đông. Nhiều lần,
chính phủ và Bộ ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng và đưa ra những cứ liệu lịch sử
khẳng định chủ quyền lãnh hải, chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là
không thể tranh cãi, nhưng phía Trung Quốc vẫn mặc nhiên khăng khăng coi đó là
vùng chủ quyền của nước họ. Hành động cố tình vi phạm nghiêm trọng Công ước
Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố 2002 về Ứng xử của các
bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) và ngăn trở sự đi đến thỏa thuận
về Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Thái độ phản ứng đối với Luật Biển Việt Nam như đã nêu càng thể hiện
dã tâm, mưu đồ bành trướng thế lực của Trung Quốc xuống Đông Nam Á, trực tiếp
là Biển Đông. Rõ ràng Trung Quốc đang muốn phá vỡ cam kết DOC, cố tình gây ra
liên tục nhiều sự cố làm ảnh hưởng lớn đến việc duy trì hòa bình, ổn định và
phát triển trong khu vực, ngược lại với những gì TQ đã cam kết với lãnh đạo nước
ta cũng như cộng đồng quốc tế.
Trong những năm qua đã có nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế như Diễn đàn khu vực
ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp
cao Đông Á (EAS), Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Công (LMI), vấn đề về duy
trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông phù hợp với lợi
ích chung của cộng đồng quốc tế…Thế nhưng, Trung Quốc vẫn phớt lờ, tự cho mình
cái quyền muốn tranh giành ở đâu theo tham vọng tùy ý, xem biển Đông là ao nhà
của họ. Dù vậy, Việt Nam và các nước Đông Nam Á cũng như cộng đồng các nước
trong khu vực Châu Á-TBD vẫn kiên trì đưa ra những đề xuất mang tính hữu
nghị và xây dựng, chủ trương nhất quán là giải quyết mọi tranh chấp về
lãnh thổ trên biển Đông thông qua đàm phán hòa bình, không gây sức ép hay sử dụng
vũ lực, các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải cần phải phù hợp với những
nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế.
Sự phản kháng phi lý của Trung Quốc
về Luật biển của VN đã đẩy xa khoảng cách trong mối quan hệ Việt-Trung, tạo
tình hình khu vực càng thêm phức tạp và căng thẳng mới sau sự kiện đụng độ ở
bãi đá Scarborough với Philippines.
Bùi Văn Bồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét