Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




BỊ LƯU ĐÀY Ở BẮC KINH - MỘT NGƯỜI MẸ NÓI TRƯỚC NGÀY 4.6 NĂM 2012

Người dịch: Băng Tâm

Đã qua đi 22 cái ngày 4/6 hàng năm, con trai tôi bị lưu đày thấm thoát đã 23 năm trời.

Tôi biết ở Bắc Kinh có một Nhóm các bà mẹ Thiên An Môn, con của họ đều đã chết. Là người mẹ, tôi từng thầm nghĩ, trộm nghĩ là so với họ, tôi vẫn còn may mắn hơn, con tôi vẫn còn sống.

Chúng tôi cũng có một nhóm, ở Tây Sơn. Gọi là nhóm chứ không có tổ chức, không có hoạt động gì.
Phần đông chúng tôi đều đã nghỉ hưu, chúng tôi thường ngồi quây thành vòng tròn hát nhạc đỏ, hoặc dưới bóng cây, hoặc  trên vách đá, dần dà chúng tôi đọc được nỗi buồn trong mắt nhau, gần gũi nhau, hỏi thăm nhau, thăm dò nhau. Rồi một ngày, một người mẹ nói với tôi, mỗi khi bà nghe họ vừa hát vừa ngẩng đầu nhìn lên sao Bắc Đẩu, lòng nhớ đến Mao Chủ tịch, nước mắt giàn giụa, có đúng là nhớ Mao Chủ tịch không? Cuối cùng, câu nói ấy kèm theo một cái cười đầy giễu cợt.

Tôi lắc đầu, bảo rằng tôi đang nhớ con mình. 

Cứ thế, chúng tôi đã có cùng một chủ đề chung – đứa con. Đúng vậy, con của chúng tôi đều đang bị lưu đày. Năm năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm… …  

Không hiểu bắt đầu từ bao giờ mà con và lưu đày đã có liên quan với mọi người chúng tôi. Trước đó, lúc mới đầu, mặc dù sự kiện không bình thường này khiến cho chúng tôi thấy may mắn và âu lo, may mắn vì con trai chạy trốn được khỏi cuộc đàn áp, âu lo vì sự chia ly. Song từng người vẫn còn có thể sống một cuộc sống bình thường của riêng mình, mà tình trạng này thì cứ tiếp tục từ năm này qua năm khác. Một thứ tình cảm riêng tư phải xa cách đứa con đã biến thành thứ tình cảm chung lúc nào không hay, may mắn và âu lo được thay thế bằng cảm giác bị khủng bố, sự thật đứa con bị lưu đày dài ngày đem lại nỗi khổ đau vô cùng vô tận.

Hơn 20 năm trước, chúng tôi đột nhiên phải đối mặt với sự chia li chưa hề được chuẩn bị về tư tưởng, có những người mẹ lúc chia tay còn chỉ dự định là xa nhau tạm thời, chỉ dặn dò vài ba câu rồi ôm nhau nói lời tạm biệt trên sân ga, vẫn đầy lòng tin xuẩn ngốc của con người, cho là chỉ sau vài tháng, hoặc nhiều nhất cũng chỉ sau vài năm là chắc chắn sẽ lại được gặp mặt. Thế nhưng, chúng tôi phát hiện thấy mình đã bị rơi vào thế tuyệt vọng của sự xa cách đứa con, không nơi nương tựa, không thể gặp lại.

Chúng tôi thường thông báo cho nhau về tình hình gần đây nhất của con cái mình, đứa nào đã kết hôn sinh con, đứa nào đã có học vị. Người chồng là chỗ dựa của chúng tôi, con cái là niềm hi vọng của chúng tôi, thế mà xem ra người đàn ông lại thường mềm yếu, chẳng khác gì một vật cứng dễ vỡ vậy, không ít ông bố đã không chờ đợi con mình, mà chuyện con mình quay về thì chẳng biết tới khi nào. Các bà mẹ cho rằng, những tình trạng nguy cấp như nguy cơ bệnh, chết chóc… còn có thể có ngoại lệ, kết quả là chẳng có biện pháp linh hoạt nào. Con đường còn lại duy nhất là e-mail và điện thoại. Giữa những người thân xưa nay có mối liên hệ với nhau bằng tâm linh, tình cảm và cốt nhục, hiện giờ thì chỉ có thể làm ấm lại giấc mơ xưa bằng những dòng e-mail. Nhưng do thực tế là tất cả những con chữ sử dụng được trong e-mail đã được mẹ và con dùng hết rất nhanh, nên tình cảm bi thương từ nỗi chờ mong của chúng tôi trong suốt thời gian dài chỉ gói gọn được trong mấy câu hỏi thăm lặp lại được trao đổi ngắn ngủi vội vàng, chẳng hạn, “Mẹ khỏe, nhớ con. Chờ con.” … …    
Có những người mẹ thế là liền đưa ra yêu cầu cho con mình: Con, liệu có thể về được không. Nhưng rồi họ lại đã nhanh chóng hiểu được rằng làm như vậy chẳng khác gì đẩy con vào miệng hùm, về là phải đầu hàng, mà con mình không phải là kẻ thù, không phải là tội nhân, con không muốn thế, mẹ cũng không muốn thế, từ nhỏ mẹ đã dạy con phải làm một con người ngay thẳng, thế là người mẹ thà rằng chịu nỗi khổ của sự chia cách còn hơn.  

Chúng tôi sẽ mang ảnh con ra, tấm ảnh hội tụ hết nỗi ưu tư của mình, chúng tôi cũng sẽ ân hận, ân hận vì trước đây mình quá nghiêm khắc với con, ân hận vì trước đây mình quấy rầy con quá nhiều. Sự chia cách lạnh lẽo, triệt để, mù mịt tiền đồ này đã đẩy chúng tôi vào tình cảnh rối bời tâm trạng, khiến cho chúng tôi trở thành những cái bóng suốt ngày chỉ biết ám ảnh với nỗi chia ly như đã cách biệt hẳn mà không biết phải làm gì. 
  
Chúng tôi thực đã phải mang nỗi đau song trùng: Đầu tiên là tưởng tượng về nỗi đau mà con mình phải chịu đựng ở ngoài đó, tiếp đến là nỗi đau mà bản thân phải gánh chịu. Chúng tôi an ủi nhau rằng các con ở ngoài đó được tự do, chúng có được sự tự do mà chúng theo đuổi, chúng sẽ vui vẻ. Nghĩ đến con cái đang tự do ở ngoài đó, chúng tôi chợt phát hiện ra rằng kẻ bị lưu đày chính là chúng tôi, chúng tôi là những người mẹ bị lưu đày ở Bắc Kinh. Chúng tôi đã bị chối bỏ trong những tháng ngày vô phương hướng và trong nỗi nhớ không có chút kết quả nào, chẳng khác nào gì một bầy bóng ma lang thang. Chúng tôi bất lực chẳng biết phải làm gì, chỉ đành dật dờ trong cái thành phố u ám này, ngày lại ngày đắm chìm trong nỗi nhớ quặn lòng. 
   
Cảm giác sống lưu vong tiêu biểu cho cảm nhận của mọi người, sự trống rỗng luôn tồn tại trong thẳm sâu cõi lòng chúng tôi đích thực là một cảm giác sống lưu vong, một tâm trạng rõ ràng và chính xác, một mũi tên kí ức âu lo, một sự ảo tưởng hoang đường hết sức, thời gian thoảng trôi. Nhiều khi chúng tôi thả mình vào trong tưởng tượng, hình dung mình đang chờ tiếng chuông cửa con mình về hoặc tiếng chân leo cầu thang quen thuộc của con mình một cách sung sướng.

Nhiều khi, cả dũng khí, ý chí lẫn lòng nhẫn nại của chúng tôi dường như đều bị đổ sụp trong chốc lát, đổ sụp bất ngờ đến nỗi chúng tôi cảm thấy dường như sẽ không còn gượng dậy nổi, không còn tính đếm đến ngày đoàn tụ, chúng tôi đã trải nghiệm nỗi bi thảm của tất cả mọi tù nhân và những người bị đi đày, ở Bắc Kinh, ở nhà, ở Tây Sơn. Chúng tôi sống cuộc sống giống như những người vì bị xử lí bằng luật pháp hoặc sự trả thù của người đời mà phải ở sau chốn song sắt.


Trong tình trạng cô đơn đến cực điểm ấy, cuối cùng đã chẳng còn ai trông đợi gì đến chuyện những người cầm quyền lưu đày con mình sẽ sửa sai vụ “4.6”, chẳng còn ai trông đợi gì đến chuyện những người cầm quyền lưu đày các bà mẹ cho chúng tôi được gặp lại con mình. 

Có thể tôi nói vậy là quá thương tâm, nhưng hỏi còn có thể nói gì được nữa đây?  

Âm thanh những bài nhạc đỏ ở Tây Sơn đã bị cấm đoán mất một thời gian, chúng tôi có đôi chút mất mát. Tôi biết, điều mọi người muốn gửi gắm trong tiếng hát không phải là thứ tình cảm ca ngợi đảng cộng sản trong nhạc đỏ, chúng tôi làm sao có nổi thứ tình cảm ấy? Tôi tin là những người hát cũng  vậy.

Nguồn: Peacehall.com
Bản tiếng Việt © Băng Tâm 2012
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/06/02/1053-bi-luu-day-o-bac-kinh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét