Thường Sơn
Hình bên: Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn báo chí tại tầng 1 hội trường Bộ Quốc phòng, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13. Ảnh: Hải Hà/VnEconomy
“Quốc hội nào, Chính phủ nấy” –
như một ẩn ý của Dương Trung Quốc. Sự im lặng triết học của ông đã trở thành điểm
nhấn cuối cùng cho hình ảnh “nghị gật” phổ biến trong đại trà các đại biểu Quốc
hội.
Đứng ngoài hành lang
Ngày 21 tháng 6 năm nay –
ngày kỷ niệm lớn nhất của báo chí Việt Nam, lại trùng với thời điểm mà kỳ
họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII kết thúc.
Cũng là sự kết thúc của tiếng nói
phản biện xã hội, trong đó hẳn phải có tiếng nói của báo chí.
Cái kết thúc ấy lại được khơi mào
bằng tính chất hết sức đặc biệt của kỳ họp Quốc hội lần này. Chưa bao giờ, kể cả
vào giai đoạn năm 2008–2009 khi Việt nam trở thành một cái ao tù cho những dư
chấn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế của đất nước này lại đặt
lên vai Quốc hội quá nhiều hậu quả như năm 2012.
Với nguyên do vừa sâu xa vừa lộ
liễu như thế, trọng trách của Quốc hội là làm sao phải giải quyết được thực trạng
có đến gần 1/3 số doanh nghiệp Việt Nam đã thực lâm vào vòng phá sản và giải thể,
khoảng 60% doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng với tỷ lệ hàng tồn kho chiếm đến
một nửa hoặc hơn thế, tình trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao cùng khốn quẫn
trong cơn khát vốn mà lời giải chỉ có thể đến từ nhóm tài phiệt ngân hàng…
Kể cả những sự vụ như trận thua
tán gia bại sản của Tập đoàn tàu biển Việt Nam (Vinalines), một địa chỉ đã trở
nên nổi tiếng nhờ vào cuộc trốn chạy của nhân vật Dương Chí Dũng kèm một lệnh
truy nã mà chỉ có thể chứng tỏ sự bất lực của các nhân viên công lực thuộc của
Bộ Công an, nhưng lại có thể là một sự bất lực cần thiết để bảo vệ cho uy tín của
người đứng đầu Chính phủ.
Tất cả những chủ đề trên đã kéo
dài triền miên trong vô số uẩn ức, trong suốt cả tháng trời họp Quốc hội. Nhưng
uẩn ức lớn nhất có lẽ không thuộc về chính những người được nhân dân bầu chọn,
mà lại liên quan đến những kẻ đứng ngoài hành lang Quốc hội.
Đó là cánh báo chí.
Vào kỳ họp cuối năm 2011, không
khí chất vấn vẫn còn đó. Khi đó, báo chí và đại biểu quốc hội còn tỏ ra vồ vập,
hoặc ít nhất cũng tò mò trước những động thái có phần mới mẻ của các tân bộ trưởng
và hàm tương đương bộ trưởng như Đinh La Thăng (Bộ Giao thông Vận tải), Vương
Đình Huệ (Bộ Tài chính), Nguyễn Văn Bình (Ngân hàng Nhà nước). Chỉ có điều, đã
không còn sự hiện diện của “thế hệ vàng” những đại biểu quốc hội như Nguyễn Ngọc
Trân, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng, Đỗ Trọng Ngoạn – những người đã làm
nhọc lòng Chính phủ bằng nhiều câu hỏi liên quan đến vụ án Vinashin hay những vấn
đề xoáy sâu vào tính độc quyền man dã của các tập đoàn kinh tế nhà nước như
Petrolimex (xăng dầu), EVN (điện lực)…
Cũng bởi thế, tiếng nói của báo
chí đang trở nên lắng đọng hẳn. Sự đeo bám rõ rệt nhất mà người ta có thể nhận
ra là vài ba tờ báo tìm cách phỏng vấn Dương Trung Quốc – nhân tố cuối cùng còn
sót lại của “thế hệ vàng”.
“Quốc hội nào, Chính phủ nấy” –
như một ẩn ý của Dương Trung Quốc. Nhưng là một nhà sử học, có lẽ những ý tưởng
của ông cũng chỉ dừng lại ở đó. Không có điều kiện và có lẽ cũng không thể bàn
sâu hơn về các vấn đề kinh tế, sự im lặng triết học của ông đã trở thành điểm
nhấn cuối cùng cho hình ảnh “nghị gật” phổ biến trong đại trà các đại biểu Quốc
hội.
Không hoàn toàn tán đồng tư thế
cam tâm như vậy, nhưng báo chí đành phải tự hài lòng với cái thế chông chênh tưởng
như cân bằng của họ. Vài tờ báo đã cố gắng làm những gì có thể – truyền tải và
diễn đạt những ý kiến phản biện của những nhà kinh tế học trong nước và cả nước
ngoài. Song tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó, không có một tiến triển nào sâu sắc
hơn. Công cuộc giải cứu doanh nghiệp cũng vì thế mà dần trôi vào quên lãng, đặc
biệt từ thời điểm thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đề xuất thành lập
công ty mua bán nợ với số vốn điều lệ 100.000 tỷ đồng.
Chính phủ nào, Quốc hội nấy
Không hẳn là báo chí Việt Nam
không sắt son với sự nghiệp và thiên chức của mình. Từ năm 2006–2007 trở về trước,
người ta có thể kể đến khuôn mặt của Tuổi Trẻ, Phụ nữ TP.HCM, Thanh Niên, Đại
Đoàn Kết, với những tên tuổi như Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Sơn Phước, Thế
Thanh, Lý Tiến Dũng, Huy Đức… Song, thời gian trôi qua và những người được gọi
là “thế hệ vàng” trong báo chí ấy cũng đã trôi dạt, để lại dấu ấn duy nhất là nỗi
hổ thẹn cho lớp đàn em đi sau.
Nét chấm phá cuối cùng của báo
chí đã đã được kết thúc bằng vụ án PMU 18, khi cùng với việc khởi tố một kẻ ăn
cắp tiền ODA để tắm bia và chơi gái, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cho Bộ Công an khởi
tố luôn hai phóng viên của báo Tuổi Trẻ và Thanh niên. Những người này sau đó
đã phải nhận lãnh án tù. Cú dằn mặt báo chí đã có kết quả trong suốt một thời
gian dài.
Uẩn ức tích nén lại càng dễ bùng
nổ. Sau một thời gian quá lâu bị mô tả như một trạng thái “cầm tù tư tưởng”, vận
hội mới đã đến với các tờ báo Việt Nam khi vụ Tiên Lãng ở Hải Phòng nổ ra. Hơn
1.400 bài báo chỉ trong hai tháng với tinh thần ủng hộ cá nhân Đoàn Văn Vươn đã
đủ cho thấy thái độ phản ứng như thế nào của báo giới.
Cũng từ vụ Thái Bình năm 1997, đến
mãi gần đây người ta mới nhận ra chân dung của báo chí Việt Nam đang vừa phân
hóa sâu sắc, vừa hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố mà chính đảng cầm quyền vẫn
thường lo sợ là “diễn biến hòa bình”.
Nhưng trước mắt, báo giới lại vừa
trải qua một phản ứng của Ban Tuyên giáo Trung ương mà những câu chuyện ở quán
cóc thường gọi đó là “khủng bố trắng”. Do vậy, không ngạc nhiên là vào kỳ họp
Quốc hội vừa qua, tâm trạng của báo giới càng trở nên trầm uẩn và bàng quan.
Không tính đến những tờ báo “lề đảng” như Nhân dân và Quân đội Nhân dân, phần lớn
các báo khác đều tỏ ra đặc biệt thờ ơ với những sự kiện tại Quốc hội.
Những vấn đề chủ chốt của nền
kinh tế vẫn hầu như không được xử lý. Quyền lợi và quyền lực của các nhóm lợi
ích bao cấp và nhóm lợi ích ngân hàng vẫn không hề bị suy xuyển, nếu không muốn
nói còn được “nhân điển hình” hơn. Vì sao lại như thế?
Có lẽ phải đảo ngược lại ẩn ý của
đại biểu Dương Trung Quốc: Chính phủ nào, Quốc hội nấy.
T.S.
© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét